Trang chủ
Chùa Tây Phương cần được gìn giữ và bảo tồn
(VTR) Nằm trong không gian huyền thoại của xứ Đoài, những ngôi chùa nơi đây đã vững chãi tọa lạc cùng đời sống tâm linh con người giữa bao thăng trầm của lịch sử, bộn bề của cuộc sống. Chùa Tây Phương không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng đơn thuần mà còn là một thắng cảnh níu giữ bước chân của không biết bao nhiêu du khách.

Chùa Tây Phương

Chùa Tây Phương (tên chữ là Sùng Phúc tự) nằm trên núi Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội. Chùa còn đến nay đã được xây dựng lại trên nền chùa cũ vào khoảng năm 1788-1789 dưới triều Tây Sơn. Giống như bao ngôi chùa cùng thời, chùa Tây Phương được xây ba tòa, xếp thành hình chữ tam, không nối liền nhau khiến cho nội thất mỗi tòa đều được soi rọi ánh sáng tự nhiên. Các tòa nhà gạch trần theo hình cong và các họa tiết được chạm khắc theo kiểu “bán âm, bán dương” nửa níu kéo thực tại, nửa bay bổng thiên thai, khiến bất cứ ai đến đây đều tưởng như chạm đến triết lý “sắc sắc không không” của nhà Phật. Trong không gian như thực như ảo đó, điều hút hồn du khách vào chiều sâu của cõi tâm linh hơn cả chính là hệ thống những pho tượng với lối chạm trau truốt, khối hình duyên dáng, hoa văn trang trí mềm mại… Trong tổng số 62 pho tượng ở đây, có lẽ nổi bật nhất là tượng 18 vị Lá Hán, mỗi người một dáng vẻ thể hiện một tâm trạng, một cuộc đời, đã đi vào thi ca, in dấu mãi trong lòng người.

Với những giá trị tiêu biểu đó, từ lâu chùa Tây Phương được coi là một di sản quý giá. Tuy một vài những chạm xô của xã hội đương đại đã làm phai nhạt đi ít nhiều lớp trầm tích thời gian trên những di tích nhưng cần nhìn nhận điều tích cực đã làm được là hạn chế sự phá hoại của thời gian, giữ cho dân tộc một di sản đáng giá.

Bởi vậy, chùa Tây Phương vẫn luôn là một điểm tôn giáo, tín ngưỡng, một thắng cảnh có sức hút lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Hàng năm, ngôi chùa cổ này đón hàng ngàn lượt khách, đặc biệt tập trung vào mùa lễ hội (tháng 3 âm lịch). Vào dịp lễ hội (đặc biệt là 4 ngày, từ 6 đến 10 tháng 3), chủ yếu là khách du lịch trong nước, các con nhang, Phật tử trong vùng và các vùng lân cận đổ về thành tâm hướng Phật, cầu phúc, cầu an. Nhưng có lẽ bởi sự tập trung quá lớn một lượng khách vào một thời điểm mà lễ hội bên cạnh ý nghĩa truyền thống của nó luôn gây sức ép lớn cho cảnh quan, môi trường và việc gìn giữ các di tích. Mặc dù trong vài năm trở lại đây, ban quản lý chùa đã rất tích cực ngăn chặn sự xả thải bừa bãi, việc mang hương vào trong chùa hay chạm tay vào các pho tượng lấy may,… nhưng vẫn không thể ngăn nổi sự ô tạp theo chân những người bán hàng rong chèo kéo, đeo bám khách. Ban quản lý cho biết họ đã tìm mọi cách ngăn cấm các hành vi lợi dụng đức tin này nhưng việc kiểm soát là khá khó khăn khi một bộ phận dân cư vẫn sinh sống trên khu vực núi Tây Phương, sát chân ngôi chùa cổ mặc dù đã có những dự án di dời.

Ngoài mùa lễ hội, ngôi chùa được trả lại dáng vẻ thanh tịnh hơn. Bởi sự nổi tiếng của nó mà rất nhiều du khách phương xa, trong đó có cả người nước ngoài (đặc biệt từ các quốc gia yêu thích tìm hiểu sự khác biệt văn hóa như Pháp, Đức, Hà Lan,…) khi đến Việt Nam mong muốn dành thời gian thưởng lãm. Các công ty du lịch nhờ đó đã khai thác rất thành công các sản phẩm du lịch tâm linh xứ Đoài như chương trình “Hà Nội - chùa Thầy – chùa Tây Phương”; “Hà Nội – chùa Tây Phương – chùa Mía – đền Và”;…  Tuy nhiên, sư trụ trì hiện nay cho biết: một, hai người khách lẻ luôn là một hình ảnh đẹp, điểm xuyết sự sinh động cho bức tranh trầm mặc và cổ kính nhưng nếu bất chợt có những đoàn khách (khoảng hơn 50 người) thường khiến cho nhà chùa bị động trong khâu đón tiếp và hướng dẫn ngoài mùa vụ. Bởi thường trực chỉ có hai vị sư nhang khói, dọn dẹp trong chùa và một người trong ban quản lý gác cổng và bán vé. Tuy là một ngôi chùa cổ, đúc kết nhiều giá trị linh thiêng nhưng nếu như một số ngôi chùa tiệm cận thủ đô Hà Nội hiện nay đã tìm cách “khai thác” như kinh doanh các dịch vụ Phật giáo vào các ngày lễ lớn hay tổ chức các khóa tu, dạy thiền, ăn chay,... thì chùa Tây Phương vẫn “thụ động” bằng hồng tâm, công đức của Phật tử xa gần.

Chùa Tây Phương là một di sản văn hóa cần được bảo tồn. Một trong những nguyên tắc bảo tồn là gắn liền với khai thác. Khai thác di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch là con đường hiệu quả nhất để di sản được thường xuyên bảo tồn và quảng bá hình ảnh cùng bạn bè năm châu. Tuy nhiên, việc đưa di sản văn hóa chùa Tây Phương vào khai thác du lịch lại đang bị hạn chế trong một giới hạn nhất định với nhiều tồn tại cần khắc phục trong khâu quản lý và tổ chức. Đặc biệt, để có được những sản phẩm du lịch thành công cần sự gắn kết hơn nữa giữa các nhà kinh doanh du lịch, khách du lịch, ban quản lý chùa, với cộng đồng địa phương. Đây cũng là nền móng cho sự phát triển bền vững trong kinh doanh du lịch dựa trên các di sản văn hóa dân tộc.

Với những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị tâm linh mà chùa Tây Phương sở hữu, đây thực sự là một điểm đến vô cùng hấp dẫn với du khách thập phương. Chùa Tây Phương cùng hệ thống các chùa cổ xứ Đoài là một không gian mà ở đó, thời gian như ngưng chảy để con người hoàn toàn chìm đắm trong chiều sâu của cõi tâm linh. Bởi vậy, nên chăng cần sự quan tâm và đầu tư hơn nữa để chùa Tây Phương thực sự trở thành điểm sáng trong bản đồ du lịch tâm linh Hà Nội?

Đặng Thị Phương Anh

Đại học Sư phạm Hà Nội


CÁC TIN KHÁC
Phát động chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2012 tại Đà NẵngPhát triển bền vững gắn kết di sản, sinh quyển và con ngườiUNWTO tổ chức cuộc thi ảnh 2012Hoạt động vì một Cô Tô xanh – sạch – đẹpDu lịch sinh thái cộng đồng - Sinh kế mới cho xã đảo Phù Long
QUẢNG CÁO

Vietnam travel | Đại lý vé máy bay | Đặt phòng khách sạn | Vietnam tour | Vietnam art gallery | Vietnam tours

Web link | Liên hệ tòa soạn | Tổ chức VTR | Thông tin quảng cáo | Hộp thư trao đổi
Giấy phép trang tin điện tử số :119/GP-TTĐT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 15 tháng 6 năm 2011.
Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Ngọc Diệp - Tổng Biên tập, Tạp chí Du lịch Việt Nam
Điện thoại: 04.38257703 Fax: 04.38262071 Email: vntourismreview@fpt.vn / tcdlvn@gmail.com
Thiết kế và lập trình: Trung tâm Thông tin du lịch