Một di tích bị phá hủy từ lời đồn đoán có vàng

31/7/2013 08:11

Tò Vò Am được đồn thổi là có chứa vàng nên một thời người ta đào bới, mang máy dò vàng đến dò cả mấy ngày liền. Không những thế, ở đây còn rất linh thiêng, cứ ai phạm vào đồ đạc của quan đều bị trừng phạt.

Những lời đồn đại
 
Bất cứ ai có dịp đi ngang qua đường vào làng Ngọ Khổng (xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp huyền bí của Tò Vò Am. Chỉ rộng chừng 360m2 đất nhưng nó là góc còn lại duy nhất và uy nghiêm nhất của lăng mộ cổ bị bỏ quên này. Gắn liền với những rêu phong cũ kỹ của Tò Vò Am là bao câu chuyện kỳ bí. Bác Ngọ Thị Hòa (52 tuổi, trú tại Đội 1, làng Ngọ Khổng) cho biết: Tò Vò này thiêng lắm, đồ đạc của Quan lớn Am không ai dám phạm vào. Theo lời bác Hòa thì trên lăng mộ của Quan lớn có một cây leo. Người ta đến hái nó về làm vị thuốc nam. Mỗi lần hái lá cây, quả cây họ đều phải làm lễ xin Quan rồi mới hái. 
 
Để tìm hiểu những câu chuyện xung quanh Tò Vò Am, tôi tìm đến nhà cụ Ngọ Văn Viễn (76 tuổi). Trong căn nhà gỗ cổ xưa, chỉ có cụ bà Ngọ Thị Thách (78 tuổi, vợ ông Viễn) ở nhà. Thấy tôi hỏi chuyện về Tò Vò  Am, cụ bỏ chiếc gậy ngồi xuống hiên nhà và ngẩng mặt nhìn tôi, bảo: “Nơi đó linh thiêng lắm đấy!”. Rồi cụ kể khi còn nhỏ cụ hay đi chăn trâu bò với trẻ con trong xóm. Trẻ con hay nghịch dại, thấy ở Am có hai con ngựa đá, cụ Bòng (cụ Nhị) cưỡi ngựa chơi. Tối hôm đó về, cụ Bòng bị sưng ở mông, lạ nữa là làm thế nào cũng không khỏi. Nghe các cụ mách nước, nhà cụ Bòng làm lễ tạ Quan lớn Am. Sau lễ tạ, tự dưng bà Bòng lại khỏi. Cũng liên quan đến hai con ngựa đá, bác Nguyễn Văn San (48 tuổi) và bác Ngọ Văn Phiên (53 tuổi) ngày nhỏ đi chăn trâu ở Am. Thấy hai con ngựa đẹp, hai bác thi nhau trát bùn kín hai con ngựa. Ai trát xong trước là người ấy thắng. Sau buổi trát bùn lên ngựa đá, tối về cả hai bác đều bị sưng “của quý”. Sáng hôm sau không ai bảo ai, cả hai người mang xô ra rửa sạch bùn trên ngựa đá. Chẳng cần thuốc thang, bỗng dưng “của quý” cũng hết sưng. 
 
“Mộ tặc” tàn phá
 
Di tích Tò Vò Am còn lại
 
Cụ Trần Văn Tưởng, một vị cao niên thông thạo sử sách trong làng Ngọ Khổng cho biết: Sở dĩ gọi là Tò Vò Am vì những đá ong được dùng làm vật liệu xây nên các công trình của Quan lớn Am giống như tổ tò vò. Những lớp đá cuộn lại tạo thành nhiều lỗ hổng. Điều đặc biệt của cổng Am và lăng của Quan lớn là đá ong xếp khít vào nhau thành khối vững chắc. Không hề có tàn tích của vôi vữa hay chất kết dính nào khác. Trong bia đề trên lăng mộ của Quan Lớn Am có ghi tên ông là Nguyễn Tướng Công (tên thật là Nguyễn Văn Khiêm). Ông làm đệ nhất quan tuần cuối thời Hậu Lê. Vì được vua tin yêu nên ông có nhiều bổng lộc. Tò Vò Am được xây dựng quy mô và nguy nga. Trước khi xây dựng Tò Vò Am, một thầy tử vi đã nói với Quan lớn rằng: “Cổng xây quay trở về là hết quan”. Ấy thế nhưng, vị quan này lại thích hướng cổng quay về nơi con dân (nhìn vào khu dân cư thời đó). 
 
Dinh thự của ông xây chưa đầy một năm thì ông từ quan về ở ẩn. Từ đó, ông vui thú với ruộng vườn. Theo những vị cao niên trong làng, trước đây Am rất rộng, cả một tòa dinh thự khoảng hơn 700m2 với đủ chó đá, người hầu, ngựa đá, án thư, lư hương... Thiết kế của công trình này cũng khá đặc biệt. Ở cổng Am có một điều rất lạ mà xưa nay không ai lý giải được: Dù trời có nắng nóng 40 độ C, đứng dưới cổng Am vẫn mát lạnh. Người nọ rỉ tai người kia rằng Tò Vò Am có vàng. Bởi vậy, cứ khoảng mươi ngày lại thấy những chó đá, ông ngũ sĩ… hay những mảnh đất bị đào xới tan hoang. Năm 2011, nhiều người lạ từ đâu đến Tò Vò Am mang theo máy dò, máy đo đạc. “Họ dò đi dò lại từ sáng đến gần trưa thì bỏ đi. Một hôm, tôi đi làm về muộn vẫn thấy Tò Vò không có chuyện gì, sáng sớm hôm sau đi chăn bò đã thấy đất cát bị đào xới lên. Những sợi dây thừng to bằng ngón chân cái, mấy cái bao tay nằm ngổn ngang. Nhìn lại thấy mất hai ông ngũ sĩ, hai con chó đá”, bác Ngọ Thị Hòa nhớ lại.
 
Qua thời gian bị mai một và người đời tàn phá, hiện giờ Tò Vò Am chỉ còn vẻn vẹn một khoảng chưa đầy 360m2. Sân gạch của Tò Vò Am cũng bị người dân dỡ bỏ làm ruộng cấy cày. Đan xen giữa những cổ vật còn lại là những thửa ruộng nhỏ trồng lạc, trồng lúa. Người làng Ngọ Khổng ai cũng ngẩn ngơ cho một di tích bị xâm hại.
 
Thanh Huyền