Love Telling Hạnh Phúc Ảo nhắn với all: 22.12 HPA cưới zk nèk ACE ơi ! Hạnh Phúc Ảo nhắn với All: HPA sắp đám cưới nèk pà koan MAGICWOMAN nhắn với Sói dại khờ: Sao Sói lại cắt cụt ngủn vậy autumnlover nhắn với Thỏ: Muốn lắm nhưng đầy tham vọng nè lan0510 nhắn với Sói iu: Sao rồi sắp ngũm chưa ???? Linh Búp Bê nhắn với ALL: buồn quá........... tubatubatuba nhắn với All: Chuẩn bị sang Đông rồi,lạnh rồi !!! tubatubatuba nhắn với Sói: Dạo này vẫn spam như xưa không Sói Tieu Bach Lang nhắn với BacBaPhi: Chúc Cả Nhà 1 Ngày An Lành autumnlover nhắn với Chàng Tuba: Tuba Két còn sống hả Chàng!?

+ Trả Lời Ðề Tài + Gởi Ðề Tài Mới
kết quả từ 1 tới 6 trên 6

Ðề tài: Nhà Mạc - Nam Bắc Triều (1527 - 1592)

Share/Bookmark
  1. #1
    Thành viên luôn mong muốn BBP's được tốt hơn Tấm Lòng Vàng: 0 chotinhct's Avatar
    Tham gia ngày
    Jul 2004
    Bài gởi
    1,456
    Tài sản (Vàng)
    246,565
    Say 'Thank You!' for this post. :
    0 For This Post
    11 tổng số
    Cảm Ơn
    3
    Được Cảm Ơn 23 lần trong 23 Bài Viết
    Vàng
    246,565

    Nhà Mạc - Nam Bắc Triều (1527 - 1592)

    1. Nhà Mạc được thành lập

    Mạc Đăng Dung: 1527 - 1529
    Mạc Đăng Doanh: 1529 - 1539
    Mạc Phúc Hải: 1539 - 1547
    Mạc Phúc Nguyên: 1547 - 1562
    Mạc Mậu Hợp: 1562 - 1592
    Vào đầu thế kỷ 16, nhà Lê suy yếu dần. Dưới triều vua Lê Tương Dực (1510 - 1516) việc triều chính hết sức rối ren. Vua ham chơi bời bỏ bê việc nước, bên ngoài giặc giã nổi lên khắp nơi. Trong đám giặc ấy có Trần Cao là mạnh nhất. Trần Cao tụ tập được nhiều người, lập thành quân đội, có khi đến đánh tận sông Nhị Hà, suýt chiếm thành Thăng Long.

    Tình hình căng thẳng đến thế mà Lê Tương Dực không màng để ý đến. Một thuộc tướng là Trịnh Duy Sản bất mãn, đang đêm đen quân vào giết Lê Tương Dực đi để lập vua khác (1516). Sau đó, cả triều đình lẫn Trịnh Duy Sản đưa lên rồi giết đi mấy lần vua. Kinh đô rối loạn, có khi không biết ai là vua nữa.

    Cuối cùng, Lê Chiêu Tông được đưa lên ngôi, nhưng vì nội loạn phải vào trú ở Tây Kinh (1516). Qua năm 1519, đại thần Mạc Đăng Dung rước được vua về lại Kinh thành rồi tóm thâu mọi quyền hành và loại trừ dần dần các đại thần có thế lực khác.

    Mạc Đăng Dung (1483 - 1541) vốn người Cổ Trai, huyện Nghi Dương (Hải Phòng), là cháu bảy đời của Mạc Đỉnh Chi. Lúc còn nhỏ, gia đình rất nghèo, làm nghề đánh cá. Sau này nhờ sức mạnh hơn người, thi đỗ Đô lực sĩ, làm đến chức Đô chỉ huy sứ dưới triều Lê Uy Mục.

    Sau khi giúp vua Lê Chiêu Tông trở về lại được Kinh thành thì uy quyền của Mạc Đăng Dung rất lớn, lấn át cả vua, hống hách ra vào cung cấm, các quan có ai can gián thì sai người giết đi.

    Vua Lê Chiêu Tông thấy thế lo sợ, tìm cách giết Mạc Đăng Dung, nhưng âm mưu không thành, vua phải bỏ chạy trốn lên Sơn Tây (1522). Tại đây Lê Chiêu Tông lại bị một thuộc tướng buộc phải về Thanh Hóa. ở Kinh thành, Mạc Đăng Dung lập hoàng đệ Xuân lên ngôi, đó là Lê Cung Hoàng. ổn định xong việc ở Kinh thành, vào năm 1524 Mạc Đăng Dung đem quân vào đánh Thanh Hóa, bắt được vua Chiêu Tông và giết đi.

    Ba năm sau (1527), Mạc Đăng Dung ép triều thần thảo bài chiếu truyền ngôi cho nhà Mạc rồi lên làm vua, lập triều đại mới, đặt niên hiệu là Minh Đức.

    Để trừ hậu loạn, Mạc Đăng Dung cho giết vua Lê và bà Thái hậu đi. Các quan trong triều, các bậc khoa giáp tự tử để giữ chữ trung của Nho giáo rất nhiều.

    Để vổ yên lòng người, Mạc Đăng Dung giữ lại hầu hết luật lệ của nhà Lê. Công việc gì cũng theo lệ trước mà giải quyết.

    Mạc Đăng Dung còn truy tặng cho những người tuẫn tiết vì nhà Lê, đồng thời tìm con cháu của các quan đại thần cũ mời ra phong quan tước, mong họ về giúp mình.

    Làm vua được ít lâu, đến năm 1529 Mạc Đăng Dung truyền ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh còn mình thì tự xưng là Thái Thượng Hoàng.

    Nhà Minh nhân dịp Đại Việt gặp nội loạn, đem quân đến đóng gần cửa Nam Quan, truyền hịch hứa sẽ thưởng quan tước và hai vạn bạc cho ai bắt được cha con Mạc Đăng Dung đồng thời sai người sang bảo Mạc Đăng Dung vội vàng sai sứ sang hàng.

    Năm 1540, quân Minh tiến đến ải Nam Quan, Mạc Đăng Dung sợ hãi, bèn cùng các quan lại cả thảy hơn 40 người tự trói mình đến ải Nam Quang lạy phục xuống đất, nộp đổ điền thổ và sổ dân đinh, rồi lại xin dăng đất năm động để sáp nhập vào đất Khâm Châu của Trung Quốc. Ngoài ra, họ Mạc còn đem vàng bạc tặng riêng cho quan nhà Minh nữa. Nhờ thế, nhà Minh phong cho Mạc Đăng Dung chức Đô thống sứ, hàm quan nhị phẩm nhà Minh.

    2. Cuộc nổi dậy của nhóm Phù Lê

    Trong suốt thời kỳ trị vì, nhà Mạc phải đối phó vất vả chống các nhóm phù Lê. Triều thần nhà Lê, phần tự tử theo vua, phần về mai danh ẩn tích. Phần còn lại tích cực chiêu tập người đứng lên phù Lê. Cuộc phù Lê lúc đầu gặp nhiều thất bại, nhiều tôn thất nhà Lê bị giết chết. Cuối cùng phong trào phù Lê dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Kim, đóng được căn cứ tại Sầm Châu (Lào) và phát triển lực lượng

    Nguyễn Kim là người làng Gia Miêu, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hóa. Ông là con trai của Nguyễn Hoằng Dụ, đại tướng của nhà Lê, đã có công bảo vệ thành Thăng Long khi loạn Trần Cao nổi lên.

    Nguyễn Kim được vua Lào cho nương náu ở Sầm Châu. Ông chiêu mộ hào kiệt rồi cho người tìm ra con út của vua Lê Chiêu Tông và tôn lên làm vua. Đó là Lê Trang Tông (1533). Họ ở chiến khu Sầm Châu tám năm trường, đến năm 1540 mới đủ thực lực và thời cơ để trở về, tiến đánh lấy được Nghệ an rồi thâu phục được Tây Đô (Thanh Hóa - 1543).

    Nhóm phù Lê làm chủ được phía Nam, được sách sử gọi là Nam triều (từ Thanh Hóa trở vào). Trong khi ấy nhà Mạc vẫn cầm quyền ở Thăng Long, và được gọi là Bắc Triều.

    Các hào kiệt kéo về Nam hưởng ứng rất đông như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Trịnh Kiểm... thanh thế của Nam triều ngày càng lớn, chỉ chờ cơ hội là tràn ra đánh Bắc triều.

    3. Thế cuộc Nam Bắc triều

    Trong khi lực lượng của Nam triều đang phát triển thì Nguyễn Kim bị một hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đánh thuôc độc chết trong một cuộc hành quân tiến đánh Bắc triều. Tất cả binh quyền lọt vào tay người con rể lạ Trịnh Kiểm.

    Trịnh Kiểm liền tổ chức hậu cứ vững mạnh, lập hành điện tại đồn Vạn Lại (Thanh Hóa) để cho vua Lê ở rồi lo chấn chỉnh lực lượng, giữ thế thủ ở Thanh Hóa. Trong nội bộ Nam triều có nhiều thay đổi. Vua Lê Trang Tông mất vào năm 1548, Thái tử Duy Huyên được Trịnh Kiểm lập lên làm vua chỉ 8 tháng, thì cũng mất. Trịnh Kiểm kiếm một người cháu họ xa của Lê Thái Tổ lập lên làm vua. Người này ở ngôi được 16 năm thì bị Trịnh Tùng giết (Trịnh Kiểm đã mất vào năm 1570). Một người khác trong họ Lê được họ Trịnh đưa lên, đó là Lê Thế Tông.

    Trong khi ấy, về phía nhà Mạc thì cũng trải qua mấy lần đổi ngôi. Đến đời Mạc Phúc Nguyên, lực lượng của phe này đã tương đối ổn định lại thêm có Mạc Kính Điển, chú của Mạc Phúc Nguyên là một vị tướng thao lược. Vì thế nhà Mạc toan tính việc đánh Nam triều, đồng thời Nam triều cũng chuẩn bị tấn công ra Bắc. Phía Bắc triều đánh vào Thanh Hóa 10 lần. Phía Nam triều tiến ra Bắc đánh cả thảy sáu lần, nhưng hai bên bất phân thắng bại.

    Cán cân lực lượng hai bên thay đổi từ sau khi Mạc Kính Điển chết (1580). Quân Nam triều lại càng ngày càng mạnh dưới sự lãnh đạo của Trịnh Tùng. Trịnh Tùng nhiều lần đem quân ra đánh Bắc triều và đến năm 1592 thì bắt được vua Mạc là Mạc Mởu Hợp, đem giết đi rồi rước vua Lê Thế Tông về Thăng Long.

    Tàn quân nhà Mạc chạy lên mạn Bắc và được sự ủng hộ của nhà Minh nên tập hợp được lực lượng và hùng cứ ở đất Cao Bằng. Từ đấy, tuy phía họ Trịnh đã làm chủ Thăng Long nhưng không thể nào kiểm soát được vùng Cao Bằng.

    Xem thêm::

    Ðời người như một cành hoa mà Ái-Tình là một giọt mật.
    Trả Lời Với Trích Dẫn Trả Lời Với Trích Dẫn
    Thích
    Tặng Vàng  

  2. #2
    ღ♥☼BacBaPhi's Family Man☼♥ღ Tấm Lòng Vàng: 0 Adonis's Avatar
    Tham gia ngày
    Jul 2004
    Vị trí
    BacBaPhi"s Everlasting Love
    Bài gởi
    25,584
    Tài sản (Vàng)
    4,957,497
    Say 'Thank You!' for this post. :
    0 For This Post
    1,227 tổng số
    Cảm Ơn
    5,718
    Được Cảm Ơn 2,101 lần trong 1,058 Bài Viết
    Vàng (TOP! 11)
    4,957,497
    Sent 14 thank(s)
    Received 3 thank(s)

    Arrow Những điều ít biết về triều đại nhà Mạc

    Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nhà Mạc nắm triều chính chỉ có 66 năm (1527-1593) nhưng đã để lại nhiều dấu ấn và chứng tích lịch sử oanh liệt trên một dải vùng duyên hải Bắc bộ. Dương Kinh (Hải Phòng) được xem là kinh đô đầu tiên của người dân vùng biển do nhà Mạc dựng nên. Đúng vào dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, khu tưởng niệm các vương triều nhà Mạc tại Hải Phòng trên nền kinh đô cũ cũng đã hoàn thành giai đoạn I.

    Tồn tại ngắn ngủi

    Thái tổ Mạc Đăng Dung - người sáng lập ra vương triều Mạc sinh năm 1483 tại làng Cổ Trai. Ông thuộc dòng dõi Mạc Hiển Tích, cháu 7 đời của Mạc Đĩnh Chi, quê ở Chí Linh (Hải Dương) là những danh nho đời Trần.


    Tượng vua Mạc Thái Tổ tại từ đường nhà Mạc

    Mạc Đăng Dung nhà nghèo, nhưng có sức khỏe, võ nghệ đảm lược. Đời vua Lê Uy Mục, ông thi võ trúng tuyển vào quân túc vệ chuyên bảo vệ hoàng cung.

    Hơn 20 năm phục vụ dưới 4 triều vua Lê, lập nhiều công trạng, ông được thăng đến chức đô đốc, tước Vũ Xuyên Hầu, được dự bàn triều chính từ năm 1511, rồi giữ chức Tiết chế 13 đạo quân thủy, lục, nắm quyền chỉ huy binh mã cả nước.

    Năm 1527, Mạc Đăng Dung được thăng tước Thái Sư rồi ép Lê Cung Hoàng nhường ngôi cho mình. Sau gần 3 năm làm vua, Mạc Đăng Dung lui về Dương Kinh ở ẩn, trao lại ngôi báu cho con trưởng Mạc Đăng Doanh nhưng vẫn ngầm chỉ đạo việc triều chính.

    Trong hai người con của Mạc Đăng Dung là Mạc Đăng Doanh và Mạc Chính Trung thì con cả là Đăng Doanh ngay dưới thời Lê Chiêu Tông đã được phong tước Dục Mỹ hầu, sớm được tham gia triều chính. Thời Mạc Đăng Doanh lên nối ngôi và trị vì được coi là thời kỳ thịnh trị nhất của nhà Mạc.

    Trong số các người con của Mạc Đăng Doanh đáng chú ý là người con thứ hai Mạc Phúc Tư và thứ ba là Mạc Kính Điển. Hai người đã phò giúp vua anh là Mạc Phúc Hải và vua cháu Mạc Phúc Nguyên sau này. Năm 1546, vua Mạc Phúc Hải mất, chức phụ chính đại thần vào tay Mạc Kính Điển phò tá thái tử Mạc Phúc Nguyên.

    Đầu năm 1593, quân Lê -Trịnh sau khi lấy lại Thăng Long, Dương Kinh, Tuyên Quang liền tấn công xứ Hải Đông. Mạc Phúc Tư cùng hai thân vương đưa quân chống cự không nổi đã tự vẫn tại đây. Con trai Mạc Phúc Tư là Mạc Thuần Trực cùng tôn thất Mạc Huệ Khánh cố thủ thành Dền được 5 tháng phải phá vây vì hết lương thảo. Mạc Thuần Trực chết trận còn Mạc Huệ Khánh thoát khỏi tay quân Lê -Trịnh trốn về Giáp Sơn (nay thuộc huyện Kinh Môn, Hải Dương) đổi tên họ đi khẩn hoang, lập ấp.

    Thành tựu và tranh cãi

    Nếu so sánh với bối cảnh nhà Hậu Lê suy thoái, triều chính rối ren đánh giết lẫn nhau: “Các vua quỷ Uy Mục đế, vua lợn Tương Dực đế và Chiêu Tông đều không đủ năng lực cầm quyền” (trích đại Nam thập lục), các quyền thần họ Trịnh, họ Nguyễn đều chứa chấp mưu đồ riêng, nông dân đói kém nổi dậy khởi nghĩa khắp nơi. Mạc Đăng Dung đã xuất hiện trong bối cảnh đó và chỉ trong chưa đầy 10 năm ông đã dẹp yên tình hình nước Đại Việt.


    Ông Nguyễn Văn Tạo - Phó chủ tịch UBMTTQ TP Hải Phòng chỉ ra tấm bia đá duy nhất của nhà Mạc còn lại trên nền Dương kinh xưa

    Việc nhà Mạc thay thế một nhà Hậu Lê không còn đủ năng lực và bị thiên hạ chán ghét là tất yếu của lịch sử. Nếu dòng họ Mạc không nổi dậy thì các dòng họ thế tộc khác cũng làm điều tương tự trong bối cảnh lúc đó. Thời kỳ thịnh trị của Mạc Thái Tông cho thấy năng lực trị nước của nhà Mạc không kém nhà Lê. Đời sống nhân dân no đủ, xã hội ổn định, không gây những xáo trộn như khi nhà Hồ thay thế nhà Trần. Theo sử sách, thời Mạc không có một cuộc khởi nghĩa nông dân nào. Điều đó cho thấy nhà Mạc được lòng dân.

    Sách Đại Việt Thông sử của Lê Quý Đôn phải thừa nhận Thái Tổ Mạc Đăng Dung "được lòng người hướng về". Sau khi Hiến Tông qua đời, các vua Mạc lên thay đều là ấu chúa, sai lầm lớn nhất của nhà Mạc là ở đó. Việc thiếu vắng một minh quân với vai trò lãnh đạo, tập hợp lực lượng để đủ sức đối phó với biến loạn trong ngoài.

    Nhà Mạc rất coi trọng việc phát hiện nhân tài, dù chiến tranh liên miên nhưng các kỳ thi vẫn tổ chức khá đều đặn, đã tổ chức 21 khoa thi hội, tuyển chọn được 460 tiến sĩ và 10 trạng nguyên là những hiền tài, nguyên khí của quốc gia. Thời kỳ đóng đô ở Cao Bằng, nhà Mạc vẫn tổ chức thi cử và đặc biệt đã đào tạo, tuyển chọn được một nữ tiến sĩ duy nhất của nước ta trong thời kỳ phong kiến, đó là tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ. Rõ ràng thời kỳ vương triều Mạc đã sản sinh ra và trọng dụng nhiều người hiền tài, nhiều trí thức lớn của mọi thời đại; trong đó tiêu biểu, sáng chói nhất là trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, trí rộng, đức dầy, kiến thức uyên thâm, danh nhân văn hóa. Ngẫm câu ông cha ta đã tổng kết "Thời thế tạo anh hùng" thì về mặt này nhà Mạc quả là có những đóng góp to lớn cho đất nước.

    Về kinh tế, nhà Mạc có nhiều cải cách, ưu tiên cấp ruộng đất cho nông dân, binh lính; chú trọng khai khẩn ruộng đất, lập làng, đắp đê, làm đường giao thông, cầu cống, có chính sách cởi mở phát triển các ngành nghề thủ công, nghề gốm, khuyến khích lập chợ, xây dựng hải cảng, mở xưởng đóng tàu thuyền, mở mang giao thương trong nước và với nước ngoài.

    Do sự chi phối quan điểm của nhà Lê và nhà nguyễn, Nhà Mạc bị gọi là "ngụy triều", các sử gia của triều đại thắng trận ra sức hạ thấp nhà Mạc trong sử sách. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào những gì nhà Mạc đã làm, đây thực sự là một vương triều tuy thời gian tồn tại ngắn, nhưng có có vai trò tích cực nhất định trong lịch sử Việt Nam.

    Nhà Mạc tồn tại ngắn ngủi, với các sử gia phong kiến vẫn xem vương triều này là "ngụy triều" và thành tựu những năm trị vì của nhà Mạc cũng ít được nhắc đến. Hệ quả tất yếu là những công trình văn hóa - nghệ thuật thời Mạc cũng bị đặt ra ngoài "chính sử".

    Sự khan hiếm về di tích văn hóa - nghệ thuật thời nhà Mạc đã được học giả Lê Quý Đôn phản ánh trong các tác phẩm của ông: "Năm 1592, khi truy kích quân Mạc ở huyện Thanh Hà (Hải Dương), nhà cửa tại các phủ Hạ Hồng, Nam Sách, Kinh Môn đều bị quân Lê Trịnh đốt cháy gần hết. Khi chúa Trịnh giúp vua Lê khôi phục kinh sư đã "đem quân phá hết cung điện ở Cổ Trai (Ngũ Đoan, Hải Phòng), huỷ bia đá ở mộ, chặt hết cây trồng trong lăng".

    Trên đất Dương kinh xưa thuộc Hải Phòng ngày nay vẫn còn 40 di tích lớn nhỏ đang bảo lưu các di vật, dấu tích văn hóa thời Mạc. Nhằm làm sống dậy văn hóa thời Mạc, giới nghiên cứu gần đây được các cư dân làng chài chỉ dẫn tìm lại nhiều di vật quý được các dòng họ cất giấu từ nhiều đời như: Tượng Mạc Đăng Dung, tượng Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản bằng đá, bệ tượng Tam thế bằng gỗ trạm trổ hoa văn thời Mạc, bia đá tại chùa Trà Phương (Kiến Thụy, Hải Phòng) có niên đại phúc thuần sơn niên (1562). Mỹ thuật thời Mạc là bước kế thừa có ý thức từ thời Lý (1010 -1226) nhưng mang đậm dáng dấp thời Lê sơ. Đó là những nét tinh tế, ưu nhã và trang nghiêm xen với nét thô mộc, phóng túng đa dạng.

    ( tổng hợp )



    Trả Lời Với Trích Dẫn Trả Lời Với Trích Dẫn
    Thích
    Tặng Vàng  

  3. #3
    ღ♥☼BacBaPhi's Family Man☼♥ღ Tấm Lòng Vàng: 0 Adonis's Avatar
    Tham gia ngày
    Jul 2004
    Vị trí
    BacBaPhi"s Everlasting Love
    Bài gởi
    25,584
    Tài sản (Vàng)
    4,957,497
    Say 'Thank You!' for this post. :
    0 For This Post
    1,227 tổng số
    Cảm Ơn
    5,718
    Được Cảm Ơn 2,101 lần trong 1,058 Bài Viết
    Vàng (TOP! 11)
    4,957,497
    Sent 14 thank(s)
    Received 3 thank(s)

    Question Nhà Mạc chiếm cứ đất Cao Bằng năm nào

    Một số sách có ghi nhà Mạc mở khoa thi ở Cao Bằng. Tuy nhiên, nhà Mạc chiếm Cao Bằng năm 1623, khi đã mất ngôi và khoa cử nhà Mạc đã chấm dứt từ năm 1592.

    Sách Hải Dương phong vật chí trang 240 mục Tài nữ chép: "... Họ Mạc mở khoa thi Hội ở Cao Bằng...". Sách Nữ sĩ Việt Nam của Nguyễn Học Hiền trang 123 viết: "... Năm 1592, Lê Trịnh tiến đánh Cao Bằng, nhà Mạc thua chạy tan tác...". Từ năm 1527 - 1592, nhà Mạc truyền ngôi được 5 đời vua: Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Nguyên, Mạc Phúc Hải, Mạc Mậu Hợp, các vua Mạc đều đóng đô ở Thăng Long. Những lúc có biến động thì rút ra các vùng xung quanh chứ chưa có đời vua Mạc nào chiếm đóng Cao Bằng.


    Một góc thành cổ nhà Mạc ở Tuyên Quang

    Năm 1592, Lê - Trịnh không tiến đánh Cao Bằng mà tấn công nhà Mạc ở Thăng Long và vùng Bắc Ninh, Đông Triều, Quảng Ninh. Mạc Mậu Hợp bị bắt ở huyện Phượng Nhãn. Hơn 30 hoàng thân, đại thần bị bắt ở vùng Tân Mạnh, Hoành Bồ, Quảng Yên. Quân Mạc bị đánh tan trên toàn mặt trận. Nhà Mạc mất. Từ năm 1593 - 1597, tàn quân nhà Mạc như Mạc Ngọc Liễn, Mạc Kính Khoan, Mạc Kính Chương, Mạc Kính Dũng lập Mạc Kính Cung là con Mạc Kính Điển lấy niên hiệu là Càn Thống 1 chiếm cứ vùng Vân Lan, An Bác, Đại Từ - Thái Nguyên, Yên Tử - Quảng Ninh.

    Năm 1594, Mạc Ngọc Liễn chiếm giữ Vạn Ninh, trước khi chết để di chúc cho Mạc Kính Cung: "Nay vận khí nhà Mạc đã hết, họ Lê lại phục hưng, đó là số trời, dân ta vô tội mà để phải mắc nợ binh đao, sao lại nỡ thế. Bọn ta nên tránh ra ở nước khác, chứa nuôi uy sức, chịu khuất đợi thời, xem khi nào mệnh trời trở lại mới có thể làm được. Rất không nên lấy sức chọi sức, hai con hổ tranh nhau tất có một con bị thương, không được việc gì. Nếu thủy quân họ đến ta nên tránh, chớ có đánh nhau, nên cẩn thận mà giữ là hơn. Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng" (theo Đại Việt sử ký toàn thư - NXB VHTT năm 2000, tập 3, trang 294).

    Mạc Kính Chương, Mạc Kính Dũng, Mạc Kính Khoan lại chiếm vùng Thanh Hà - Tứ Kỳ - Thái Nguyên. Năm 1598, Mạc Kính Cung từ Long Châu - Trung Quốc về chiếm Thất Tuyền - Lạng Sơn. Tháng 3/1600, mẹ Mạc Mậu Hợp tự xưng là quốc mẫu lên ngôi báu chiếm lại kinh thành, đón Mạc Kính Cung về. Tháng 8 năm ấy, quân Lê - Trịnh bắt được mẹ Mạc Mậu Hợp ở Trung Đô. Từ đây nhà Lê - Trịnh thu phục được hết kinh thành. Thổ quan nhà Minh nhận hối lộ của Mạc Kính Cung, đệ tâu vua nhà Minh cho Kính Cung giữ đất Cao Bằng, triều đình Lê - Trịnh không chấp nhận.

    Năm 1623, Mạc Kính Khoan xưng hiệu là Long Thái chiếm đất Cao Bằng kéo quân về vùng Bắc Ninh, Gia Lâm cướp phá bị quân Lê - Trịnh bao vây tiêu diệt.

    Năm 1638, Mạc Kính Vũ lại chiếm đất Cao Bằng, quân triều đình nhiều lần đánh nhau không thắng.

    Năm 1669, nhà Thanh lại sai người đem chỉ dụ ép triều đình Lê - Trịnh trả cho nhà Mạc 4 châu ở Cao Bằng. Trước sức ép của nhà Thanh, triều đình Lê - Trịnh tạm thời phải nhân nhượng. Năm 1677, vua Lê chúa Trịnh sai Đinh Văn Tả kéo đại quân đánh phá Cao Bằng, tháng 5 năm đó phá được quân Mạc. Kính Vũ chạy sang Long Châu. Toàn bộ đất Cao Bằng được thu phục, nhân dân từ đây làm ăn yên ổn.

    Như vậy, đến năm 1623, tàn quân Mạc mới chiếm Cao Bằng mà khoa cử nhà Mạc đã chấm dứt từ năm 1592.

    ( tổng hợp )



    Trả Lời Với Trích Dẫn Trả Lời Với Trích Dẫn
    Thích
    Tặng Vàng  

  4. #4
    ღ♥☼BacBaPhi's Family Man☼♥ღ Tấm Lòng Vàng: 0 Adonis's Avatar
    Tham gia ngày
    Jul 2004
    Vị trí
    BacBaPhi"s Everlasting Love
    Bài gởi
    25,584
    Tài sản (Vàng)
    4,957,497
    Say 'Thank You!' for this post. :
    0 For This Post
    1,227 tổng số
    Cảm Ơn
    5,718
    Được Cảm Ơn 2,101 lần trong 1,058 Bài Viết
    Vàng (TOP! 11)
    4,957,497
    Sent 14 thank(s)
    Received 3 thank(s)

    Question Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn: Tu bổ hay xâm hại

    Trong khi dư luận xã hội chưa hết bàng hoàng, tiếc nuối vì sự cố thành nhà Mạc ở Tuyên Quang, nay lại lo lắng vì sự xuống cấp trong khâu… tu bổ, xây dựng làm xâm hại đến di tích tại thành nhà Mạc phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn.

    Thành nhà Mạc được xây dựng từ cuối thế kỷ XVI để làm căn cứ chống lại tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh. Đây là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể Thao & Du lịch) công nhận từ năm 1962.

    Tuy nhiên, năm 2006 UBND tỉnh Lạng Sơn lại phê duyệt Dự án quy hoạch chi tiết xây dựng khu di tích, danh thắng Tam Thanh, thành nhà Mạc, cho phép Công ty TNHH Hoàng Việt Anh xây dựng các công trình dịch vụ trong quần thể di tích thành nhà Mạc.


    Cỏ mọc um tùm trong khu vực thành nhà Mạc.

    Tại hệ thống các bậc lên chòi canh được bê tông hóa hoàn toàn, không còn dấu ấn của nhà Mạc để lại.

    Tại khu trung tâm, Công ty Hoàng Việt Anh đã cho xây dựng những nhà quán làm dịch vụ cà phê, bán nước giải khát. Thành nhà Mạc cũng trở thành nơi vứt các loại rác thải như túi nilon, giấy má... của rất đông du khách và cả người bản địa khi đến đây.

    Trong khi đó, nội quy quản lý thành nhà Mạc có ghi rõ "cấm xây dựng những công trình trái phép làm hủy hoại, thay đổi cảnh quan, môi trường di tích".

    Ngược lại, hai điểm thành chính chiều dài khoảng 200m lại không được chăm sóc chu đáo, dẫn đến cỏ mọc um tùm, thành lại được xây bằng đá đã lâu nên có hiện tượng xuống cấp, bào mòn...


    Dân sinh sống ở khu vực quanh thành nhà Mạc.

    Trao đổi với chúng tôi, bà Ấu Thị Nga Sơn, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết: Do chưa được đầu tư đúng mức, nên khu di tích thành nhà Mạc được giao cho một Ban quản lý gồm 20 người đảm nhận.

    Năm 2009, Nhà nước đầu tư cho 800 triệu đồng, năm 2010 lại tiếp tục đầu tư thêm 500 triệu đồng nữa. Như vậy, tổng số tiền Nhà nước đầu tư cho thành nhà Mạc là 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay số tiền này lại bị cắt xuống còn 500 triệu đồng. Trong khi đó, số tiền này "vẫn đang nằm ở Sở Kế hoạch & Đầu tư".

    Còn vấn đề liên quan đến Công ty TNHH Hoàng Việt Anh là do UBND tỉnh ký phê duyệt, Sở Văn hóa - Thể thao &Du lịch chỉ là người thẩm định dự án.

    ( tổng hợp )



    Trả Lời Với Trích Dẫn Trả Lời Với Trích Dẫn
    Thích
    Tặng Vàng  

  5. #5
    ღ♥☼BacBaPhi's Family Man☼♥ღ Tấm Lòng Vàng: 0 Adonis's Avatar
    Tham gia ngày
    Jul 2004
    Vị trí
    BacBaPhi"s Everlasting Love
    Bài gởi
    25,584
    Tài sản (Vàng)
    4,957,497
    Say 'Thank You!' for this post. :
    0 For This Post
    1,227 tổng số
    Cảm Ơn
    5,718
    Được Cảm Ơn 2,101 lần trong 1,058 Bài Viết
    Vàng (TOP! 11)
    4,957,497
    Sent 14 thank(s)
    Received 3 thank(s)

    Arrow Vương triều Mạc và huyền tích một bảo vật quốc gia 500 năm tuổi

    Thanh long đao của Mạc Thái Tổ dài 2,55m, cân nặng 25,6kg, lưỡi đao dài 0,95m, cán đao dài 1,60m, bằng sắt rỗng, có cá chốt chặt lưỡi đao vào cán đao. Một hình đầu rồng bằng đồng thau che kín phần cuối lưỡi đao tiếp vào cán đao thay thế cho khâu đao. Chỗ hình đầu rồng có "cá" chốt chặt lưỡi đao vào cán đao.

    Nhà Mạc là triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam, bắt đầu khi vua Mạc Thái Tổ lên ngôi ngày 15 tháng 6 năm Đinh Hợi (1527), sau khi giành được quyền lợi từ vua Lê Cung Hoàng (triều Lê sơ) và chấm dứt khi vua Mạc Mậu Hợp cùng con là Mạc Toàn bị quân Lê - Trịnh do Trịnh Tùng chỉ huy đánh bại vào cuối năm 1592, tổng cộng là gần 66 năm định đô tại Thăng Long. Tuy nhiên, một số quan quân và thân Vương nhà Mạc như Mạc Kính Chỉ, Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan, Mạc Kính Vũ vẫn còn tiếp tục trấn thủ tại khu vực Cao Bằng đến tận năm 1677. Thời kì 1527 - 1592, trong lịch sử Việt Nam còn gọi là thời kỳ Nam - Bắc triều, di triều đình nhà Mạc chỉ thực sự có quyền lực từ địa phận Ninh Bình ngày nay trở ra, còn từ Nam Ninh Bình trở vào trên danh nghĩa nằm trong tay nhà Lê -Trịnh.

    Công trình minh họa một vương triều

    Cách TP Hải Phòng gần 20km về phía Đông Nam, khu tưởng niệm vương triều Mạc được xây dựng và khôi phục trên chính mảnh đất tổ tiên của dòng tộc, thuộc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng). Đây là một trong những công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với tổng diện tích 10,5ha. Di tích khu tưởng niệm vương triều Mạc vừa hoàn thành xong giai đoạn một (dự kiến hoàn thành tổng thể vào năm 2015).

    Từ con đường làng thuộc xã Ngũ Đoan đi vào 200m, vương triều Mạc được xây dựng hoành tráng trên một cánh đồng rộng lớn. Khu di tích gồm có nhà chính diện, nơi thờ 5 vị vua triều Mạc định đô tại Thăng Long (1527 - 1592): Thái tổ nhân minh Cao Hoàng đế Mạc Đăng Dung, Thái tông Khâm triết văn Hoàng đế Mạc Đăng Doanh, Hiến tông Hiển Hoàng đế Mạc Phúc Hải, Tuyên tông Anh Nghị Hoàng đế Mạc Phúc Nguyên, Mục tông Hồng minh Hoàng đế Mạc Mậu Hợp.

    Khu chính điện gồm tiền điện (7 gian), thiêu hương (ống muống), hậu cung (5 gian). Tiếp đến là cầu qua hồ bán nguyệt vào Ngũ tiền môn được xem là "cánh cửa" của vương triều Mạc. Ngũ tiền môn gồm có nghi môn ngoại và nghi môn nội với cấu trúc 4 trụ, 3 gian, 2 tầng, 4 mái tạo nên một không gian linh thiêng, trang trọng. Hai tòa nhà giải vũ thuộc khu tưởng niệm nằm song song đối diện với nhau, đây là nơi du khách thập phương dừng chân nghỉ ngơi, sắp lễ trước lúc vào dâng hương ở chính điện. Theo quan niệm phương Đông, nhà giải vũ còn là nơi che mưa, che nắng cho con người, ý nói đến sự che chở của dòng tộc họ Mạc đối với các thế hệ con cháu và du khách.


    Thanh Đinh Nam Đao của Mạc Thái Tổ tại nhà thờ họ Phạm ở huyện Xuân Trường, Nam Định.

    Huyền tích bảo vật quốc gia 500 năm tuổi

    Trong điện chính có rất nhiều đồ thờ, cổ vật. Từ chiếc bình với hình ảnh chùa một cột, con chim hạc quen thuộc trong ca dao đến chiếc đại hồng chung nặng 1.527kg, chiếc chiêng đồng với hình ảnh 2 con rồng khắc nổi. Tất cả đều được đặt trang trọng trong chính điện. Đặc biệt là thanh Đinh Nam Đao, là thanh đao từng cùng vua Mạc Đăng Dung xông pha chiến trận và "bách chiến bách thắng". Đến nay tuổi đời của bảo vật này là 500 năm tuổi.

    Thanh long đao của Thái Tổ nhân minh Cao Hoàng đế Mạc Đăng Dung được bảo quản và lưu thờ nhiều thế kỷ tại từ đường họ Phạm gốc Mạc thôn Ngọc Tỉnh, thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Từ đất Dương Kinh 418 năm về trước, thanh bảo đao của Mạc Thái Tổ đã ra đi sau ngày thành Thăng Long thất thủ. Trải qua hành trình lịch sử đằng đẵng, 418 năm sau, từ đất Thiên Trường, từ đường họ Phạm gốc Mạc, thôn Ngọc Tỉnh, thị trấn Xuân Trường, báu vật của tiên đế được long trọng rước về Dương Kinh trưng bày tại Thái Miếu, trước linh vị thần tượng vị hoàng đế anh linh hộ quốc an dân, sáng nghiệp Mạc triều thiêng liêng trong ngày lễ chính kỵ lần thứ 469 đức Mạc Thái Tổ (1483 - 1541), trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

    Triều vua Minh Mệnh (1821), Phan Bá Vành khởi binh, chống lại triều đình, muốn dùng thanh long đao của Mạc Thái Tổ làm linh khí trên trận địa. Họ Phạm (Mạc) ở Ngọc Tỉnh đã kịp thời chôn giấu thanh long đao, không để kỉ vật của Tiên đế vào tay Phan Bá Vành. Thế rồi, nhiều năm trôi qua, dấu tích nơi chôn giấu không còn. Thanh long đao bị thất lạc.

    Tương truyền, thuở ấy có gò đất phía Đông Nam từ đường họ Phạm (Mạc) làng Ngọc Tỉnh bỗng nhiên "phát hỏa". Lửa tự nhiên bốc cháy, phút chốc lại vụt tắt, khi ẩn khi hiện. Có lần lửa bén vào cả rơm rạ, giấy, vải giắt trên mái nhà. Từ đó, dân trong vùng đặt tên con gò này là gò Con Hỏa.

    Đến năm 1938, họ Phạm (Mạc) Ngọc Tỉnh trùng tu từ đường, đào hồ bán nguyệt, như có linh ứng chỉ dẫn đã tìm thấy thanh long đao sau hơn 90 năm nằm sâu trong lòng đất. Thanh long đao đã bị sét gỉ ăn mòn nhiều chỗ cả phần lưỡi thép và cán đao; lại được dòng họ rước về từ đường thờ phụng như xưa. Và cũng từ đây, gò Con Hỏa xóm Đông thôn Ngọc Tỉnh không phát hỏa nữa. Hiện tượng lạ này đến nay còn nhiều người kể.

    Năm 1986, nhà nghiên cứu lịch sử Lê Xuân Quang, hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam về tìm hiểu hậu duệ vương triều Mạc trên đất Hà Nam Ninh. Khi tiếp xúc với thanh long đao, ông vô cùng phấn khích và đã xin phép chi họ cho tiến hành việc cân, đo, chụp ảnh, tra cứu tộc phả, lập lý lịch di vật để đưa vào danh mục di vật khảo cổ học. Ông ghi lại: Thanh long đao của Mạc Thái Tổ dài 2,55m, cân nặng 25,6kg, lưỡi đao dài 0,95m, cán đao dài 1,60m, bằng sắt rỗng, có cá chốt chặt lưỡi đao vào cán đao. Một hình đầu rồng bằng đồng thau che kín phần cuối lưỡi đao tiếp vào cán đao thay thế cho khâu đao. Chỗ hình đầu rồng có "cá" chốt chặt lưỡi đao vào cán đao. Hiện nay, Đinh Nam Đao được đặt trang trọng trước bàn thờ Mạc Thái Tổ trong khu hậu cung.

    Thanh Đinh Nam Đao của vua nhà Mạc, hiện nay đang được cất giữ tại di tích khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc thuộc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Hiện nay, châu Á chỉ còn 2 binh khí được lưu thờ là vật thái bảo: Một là thanh đao của Tống Thái Tổ nhà Bắc Tống và thứ hai là thanh long đao của Mạc Thái Tổ.

    ( tổng hợp )



    Trả Lời Với Trích Dẫn Trả Lời Với Trích Dẫn
    Thích
    Tặng Vàng  

  6. #6
    ღ♥☼BacBaPhi's Family Man☼♥ღ Tấm Lòng Vàng: 0 Adonis's Avatar
    Tham gia ngày
    Jul 2004
    Vị trí
    BacBaPhi"s Everlasting Love
    Bài gởi
    25,584
    Tài sản (Vàng)
    4,957,497
    Say 'Thank You!' for this post. :
    0 For This Post
    1,227 tổng số
    Cảm Ơn
    5,718
    Được Cảm Ơn 2,101 lần trong 1,058 Bài Viết
    Vàng (TOP! 11)
    4,957,497
    Sent 14 thank(s)
    Received 3 thank(s)

    Arrow Tính chính đáng của Vương triều Mạc

    Sở dĩ nhà Mạc bị các sử gia coi là "ngụy triều" vì đã tiếm ngôi nhà Lê. Cần hiểu rằng nhà Lê Sơ sau cuộc kháng chiến chống Minh thắng lợi đã xác lập tính chính đáng của dòng họ mình một cách vẻ vang. Thứ nhất, nhà Lê đã được đông đảo nhân dân ủng hộ trong suốt quá trình tiến hành kháng chiến. Bởi vậy, ngay sau khi Lê Lợi lên ngôi, sự ủng hộ của nhân dân là lẽ đương nhiên, hợp với lòng người và "ý trời". Thứ hai, Lê Lợi đã đại diện toàn dân thu hồi lại toàn bộ đất đai và chủ quyền lãnh thổ qua hội thề Đông Quan với quân Minh trước khi chúng rút về nước. Thứ ba, điều mà nhà Lê hơn hẳn so với các triều đại khác đó là sau thắng lợi, nhà Lê đã ban bố một chính sách xây dựng đất nước với những tư tưởng duy tân tiến bộ và nỗ lực thực hiện, đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân Đại Việt.

    1. Đặt vấn đề

    Chế độ phong kiến Việt Nam trải qua bao nhiêu thăng trầm cũng chứng kiến bấy nhiêu sự đổi thay. Tuy không thoát khỏi hình thái kinh tế xã hội phong kiến nhưng sự thay thế giữa các triều đại đã góp phần duy trì và phát triển xã hội Đại Việt trong gần mười thế kỷ độc lập. Mỗi triều đại mới khi thay thế triều đại cũ đều thi hành nhiều biện pháp khẳng định tính chính đáng của dòng họ mình để được nhân dân, đặc biệt là giới tri thức công nhận. Vậy tính chính đáng của một dòng họ trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam được hiểu như thế nào?

    Dưới thời đại quân chủ chuyên chế, một triều đại được xác định là thống trị một cách chính đáng khi hội đủ ba điều kiện: Thứ nhất, Triều đại đó phải có lãnh thổ thuộc quyền quản lý của mình; Thứ hai, cư dân sống trên lãnh thổ ấy phải theo về triều đại đó; Thứ ba: Triều đại đó phải có một đường lối xây dựng đất nước trên tất cả các phương diện. Ngoài ra, triều đại ấy phải được thiên triều công nhận và truyền ngôi theo dòng đích con trưởng.

    Theo quan điểm đó, nhà Mạc đường đường chính chính là một triều đại chính thống, từng tồn tại như các triều đại khác trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Tuy nhiên, nhà Mạc dường như vẫn bị mờ nhạt, dẫu triều đại này đã có những đóng góp nhất định đối với lịch sử dân tộc thế kỷ XVI. Điều đáng nói là trong khi nhà Hồ tiếm ngôi nhà Trần, nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê Sơ đều bị coi là ngụy triều thì nhà Trần tiếm ngôi nhà Lý vẫn được coi là triều đại chính thống, mặc dù những biện pháp của Mạc Đặng Dung không quá khốc liệt như cách của Trần Thủ Độ hay Hồ Quý Ly từng làm với hoàng tộc, quan lại của triều đại trước nhưng hành động của Mạc Đăng Dung lại bị lịch sử lên án. Giải thích điều này như thế nào?

    Sở dĩ nhà Mạc bị các sử gia coi là "ngụy triều" vì đã tiếm ngôi nhà Lê. Cần hiểu rằng nhà Lê Sơ sau cuộc kháng chiến chống Minh thắng lợi đã xác lập tính chính đáng của dòng họ mình một cách vẻ vang. Thứ nhất, nhà Lê đã được đông đảo nhân dân ủng hộ trong suốt quá trình tiến hành kháng chiến. Bởi vậy, ngay sau khi Lê Lợi lên ngôi, sự ủng hộ của nhân dân là lẽ đương nhiên, hợp với lòng người và "ý trời". Thứ hai, Lê Lợi đã đại diện toàn dân thu hồi lại toàn bộ đất đai và chủ quyền lãnh thổ qua hội thề Đông Quan với quân Minh trước khi chúng rút về nước. Thứ ba, điều mà nhà Lê hơn hẳn so với các triều đại khác đó là sau thắng lợi, nhà Lê đã ban bố một chính sách xây dựng đất nước với những tư tưởng duy tân tiến bộ và nỗ lực thực hiện, đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân Đại Việt.

    Dẫu vào cuối triều đại mình, nhà Lê Sơ đã bộc lộ sự suy tàn, khủng hoảng trầm trọng với sự cai trị thối nát của những "vua quỷ" Lê Uy Mục, "vua lợn" Lê Tương Dực, nhưng với vai trò to lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh và những ảnh hưởng sâu sắc đến một thế kỷ trị vì, trong đó có những thời kỳ phát triển thịnh trị được coi là hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam, nhà Lê Sơ vẫn luôn là "tượng đài" trong tư tưởng của các sử gia phong kiến. Vì thế, việc nhà Mạc bị coi là "ngụy triều", "nghịch thần" khi đảo chính lật đổ nhà Lê là một điều dễ hiểu.

    Tuy nhiên, dù các sử gia phong kiến cố tình không công nhận nhà Mạc là một triều đại chính thống nhưng trên thực tế, nhà Mạc đã tồn tại và khẳng định được tính chính đáng của mình với hàng loạt những chính sách cai trị đúng đắn, tiến bộ.

    2. Chính sách cai trị của nhà Mạc

    Sau khi tiến hành cuộc đảo chính thành công, nhà Mạc đã bắt tay vào tổ chức và ổn định lại xã hội nhằm khẳng định tính chính đáng của dòng họ mình.

    2.1 Chú trọng giáo dục, khoa cử

    "Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Trong một xã hội phong kiến theo mô hình học thuyết Khổng Tử với thang bậc xã hội "sĩ, nông, công, thương", nhà Mạc không chỉ kế thừa truyền thống đó mà còn sáng suốt khai thác lực lượng xã hội này phục vụ cho mục đích cai trị và củng cố địa vị của dòng họ mình.

    Thứ nhất, Mặc Đăng Dung biết cách dùng người tài. Ngay sau khi lên ngôi, Mặc Đăng Dung đã sử dụng các cựu thần, nho sĩ của nhà Lê để họ nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng, "trưng cầu con cháu các vị công thần thế gia", "Đặng Dung muốn thu nhân tâm, bèn phong tặng tất cả các vị tiết nghĩa cựu thần như các ông Vũ Duệ, Đàm Thận huy" [2;267]. Ngay sau đó, năm 1528, Mặc Đăng Dung phong chức những người từng phục vụ cho nhà Lê hoặc đậu đạt dưới triều Lê. "Tất cả có 56 người đều được thăng trật và phong tước theo thứ bậc khác nhau" [2;26]. Cách làm của nhà Mạc không giống các triều đại trước và sau đó, việc sử dụng đội ngũ quan lại của triều đại cũ tham gia chính quyền mới tạo dựng là việc làm khôn ngoan, mềm dẻo để thu phục nhân tâm và tạo sự vững chãi cho vương triều mới.

    Nhà Mạc không quá khắt khe mà rất chú ý sử dụng, khai thác đội ngũ tri thức phục vụ việc cai trị của mình. Chính vì vậy, rất nhiều tri thức đã lựa chọn nhà Mạc với niềm tin tưởng và khao khát được cống hiến cho sự nghiệp nhà Mạc. Tiêu biểu như Giáp Hải, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Bỉnh Đức, Nguyễn Quyện, Nguyễn Miện, Nguyễn Khải Khang, Lê Khắc Thận, đặc biệt có trường hợp bà Nguyễn Thị Ngọc Toàn - nữ tiến sĩ đầu tiên trong nền giáo dục khoa cử Hán học của Việt Nam.

    Tuy nhiên cũng có những tri thức không theo Mạc mà ủng hộ sự nghiệp Trung Hưng của nhà Lê hay bỏ Mạc theo Lê, nhất là giai đoạn sau này, như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh… Đó cũng là một sự lựa chọn của giới tri thức đương thời và họ có lý do và mục đích của mình.

    Thứ hai, nhà Mạc hết sức chú trọng đến việc tổ chức đều đặn các kỳ thi trong suốt thời gian trị vì nhằm tuyển chọn nhân tài. Theo "Đại Việt lịch triều đăng khoa lục", trong 65 năm tồn tại, nhà Mạc đã tổ chức được 22 khoa thi Hội lấy đỗ 483 tiến sĩ. Khoa thi đầu tiên mở năm Minh Đức thứ 3 (1529) đã có hơn 4.000 thí sinh tham dự, trong đó có nhiều người là con cháu nhà Lê" [5; 143]. So sánh với nhà Lê Sơ, tỷ lệ bình quân về số kỳ thi và số người đỗ, triều Mạc không thua kém gì. Trong hoàn cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, có lúc cơ nghiệp khuynh nguy do chiến tranh loạn lạc nhưng các kỳ thi vẫn được nhà Mạc tổ chức đều đặn.

    Giới tri thức không chỉ góp phần củng cố, duy trì sự tồn tại của nhà Mạc trong suốt thời gian đó mà còn làm rạng danh sử sách đất Việt bằng trí tuệ, bản lĩnh của mình trước kẻ thù với những giai thoại về Trạng Trình hay Trạng Nguyên Giáp Hải và những thế hệ học trò có nhiều đóng góp cho lịch sử dân tộc như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ…, từ đó đã cho thấy sự thịnh vượng của giáo dục Đại Việt thời gian này.

    Có thể nói, nhà Mạc đã thành công khi tuyển dụng được đông đảo đội ngũ tri thức. Nhưng điều đáng tiếc là sau khi khẳng định được tính chính đáng của dòng họ mình, sau gần hai mươi năm đầu thịnh trị, nhà Mạc cũng bộ lộ những hạn chế và ngày càng suy thoái. Nếu trước đây, tri thức theo Mạc thì nay họ đứng trước nhiều ngả đường, tiếp tục chọn lựa hoặc bỏ Mạc theo Lê, hoặc bỏ Mạc và trở thành những trí sĩ. Việc nhà Mạc được Nguyễn Bỉnh Khiêm ra phò giúp thể hiện sự thành công của nhà Mạc trong buổi đầu thành lập nhưng việc Nguyễn Bỉnh Khiêm từ bỏ chốn quan trường về ở ẩn cũng đồng nghĩa với việc nhà Mạc đã mất đi một niềm tin lớn và đó chính là một trong những mầm mống của sự sụp đổ nhanh chóng của nhà Mạc sau này khi sự tấn công của nhà Lê Trung Hưng ngày càng mạnh mẽ. Sự thất bại của nhà Mạc có thể cắt nghĩa từ nhân tố này. Có thể nói tạo được niềm tin là không đơn giản song giữ trọn được niềm tin là còn khó khăn hơn nhiều, trong trường hợp này, nhà Mạc đã không làm được trọn vẹn hai mệnh đề đó.

    2.2. Ổn định xã hội và phát triển kinh tế

    2.2.1. Ổn định xã hội

    Sử gia phong kiến có thể nhận định sự thay thế của nhà Mạc là tiếm ngôi, hay coi nhà Mạc là nguỵ triều song vẫn phải thừa nhận "lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung" [2;264]. Mạc Đăng Dung bằng chính con đường binh nghiệp và tài năng đã khẳng định công lao của ông và góp phần quan trọng trong việc ổn định xã hội Đại Việt cuối thời Lê Sơ. Đứng ở thời điểm hiện tại, đối sánh thời điểm trước và sau khi Mạc Đăng Dung xuất hiện trên chính trường trong thời gian đầu thế kỷ XVI, có thể đánh giá vai trò của Mạc Đăng Dung giống như vai trò của Đinh Bộ Lĩnh trong việc dẹp loạn mười hai sứ quân thế kỷ X.

    Sau khi lên nắm quyền, nhà Mạc gặp phải sự phản kháng quyết liệt từ nhiều lực lượng với danh nghĩa phù Lê. Mạc Đăng Dung và những vua kế vị đã nhanh chóng tổ chức quân đội để đàn áp, tạo sự ổn định xã hội để nhân dân yên ổn làm ăn, đất nước thái bình. Cuộc nổi dậy của Lê Ý (1530), của những bề tôi nhà Lê đều bị quân nhà Mạc đánh bại, đã ngăn chặn âm mưu phục Lê diệt Mạc và tình trạng cát cứ. Tuy nhiên, lịch sử đã không ủng hộ nhà Mạc khi liên tiếp gặp phải sự chống đối của các lực lượng phù Lê. Thời gian trị vì phải đối mặt với bao khó khăn do hệ quả xã hội thời Lê Sơ để lại cùng sự chống phá liên tục của kẻ thù đã khiến nhà Mạc không thể trụ vững và cuối cùng thất bại.

    Để ổn định xã hội và giải quyết những bất ổn còn tồn tại trong xã hội, sau khi lên nắm quyền nhà Mạc "tuân theo những pháp độ triều Lê" [2;266]. Mạc Đăng Dung đã cho "soạn 59 điều Cáo ban hành" [2,269], củng cố quân đội, duy trì bộ máy thống trị của nhà Lê, bổ sung binh chế, điền chế… nhằm ổn định đời sống nhân dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế nên đời sống nhân dân được đảm bảo sau một thời gian dài điêu linh.

    Do hoàn cảnh đất nước luôn có ngoại xâm nội phản, nhà Mạc hết sức chú trọng đến xây dựng lưc lượng quân đội, số quân lên đến hơn 10 vạn. Để duy trì một đội quân đông đảo, vận động người dân tham gia chiến trận chống lại sự đe dọa của các lực lượng thù địch trong và ngoài nước, nhà Mạc đã ưu tiên hàng đầu cho các đối tượng gia đình hoàng tộc, công thần, quan lại và đặc biệt là cho quân lính. Chính sách Binh điền (ruộng lính) đã thực sự phát huy tác dụng trong suốt thời gian nhà Mạc cai trị.

    Chính sách ruộng đất của nhà Mạc đem lại những hệ quả sau. Thứ nhất, số ruộng công bị giảm đi khá nhiều, số ruộng công ngày càng bị thu hẹp. Thứ hai, việc thiếu ruộng canh tác đã tạo điều kiện cho thủ công nghiệp và thương nghiệp phát triển. Nhân tố này đã giải quyết những bất ổn trong xã hội và góp phần giúp chính sách về ruộng đất của nhà Mạc thành công, tạo sự ổn định cần thiết và tạo tiềm lực cho nhà Mạc có thể trụ vững trước những đợt tấn công của nhà Lê Trung Hưng.

    Về vấn đề này, sử sách phong kiến dù đứng trên quan điểm đối lập cũng phải công nhận và khen ngợi triều Mạc: "Từ đấy, những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ, trong khoảng mấy năm trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm mà thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều yên ổn" [2;276], "đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên" [3;126]. Đó là một trong những lý do giúp nhà Mạc ngày càng chiếm được lòng dân - một yếu tố để khẳng định tính chính đáng của nhà Mạc.

    Mặc dù sự ổn định, thịnh vượng của nhà Mạc chỉ được duy trì trong gần 20 năm đầu trị vì, song trên thực tế, nhà Mạc cũng làm được điều mà các vua Lê cuối thời Lê Sơ và nhà Lê Trung Hưng bất lực, đưa xã hội Đại Việt vào sự ổn định, đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân sau một thời gian cơ cực sống dưới ách thống trị của những "vua quỷ", "vua lợn".

    2.2.2. Phát triển kinh tế

    Kinh tế công thương nghiệp thời kỳ này được sự quan tâm của nhà nước nên có điều kiện phát triển hơn so với các thời kỳ trước và sau đó. Trong một xã hội có sự dung hòa giữa các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian đã tạo ra một thế giới quan hài hòa và sự cân bằng trong nhận thức về thứ bậc và các ngành nghề trong xã hội. Thứ bậc "sĩ, nông, công, thương" và quan niệm "dĩ nông vi bản" đã không còn chi phối xã hội quá nặng nề. Kinh tế phát triển là một trong những cơ sở để duy trì sự tồn tại một triều đại. Nhà Mạc trong quá trình trị và đã tạo điều kiện cho nền kinh tế công thương nghiệp phát triển.

    Những biện pháp nhà Mạc thi hành để phát triển kinh tế công thương nghiệp là:

    Thứ nhất: Nhà Mạc rất chú trọng trong việc tuyển dụng những nghệ nhân phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của hoàng cung. Những công tượng dưới thời Mạc có vị thế cao hơn thời Lê rất nhiều, không bị đối xử như những người lao động khổ sai mà thực sự được đề cao, được ban thưởng và giữ những chức vụ tương đương với tài năng và công lao.

    Thứ hai: Trong hoàn cảnh chiến tranh triền miên, nhà Mạc không có điều kiện chú tâm nhưng cũng không tỏ ra quá khắt khe với sự phát triển của thủ công nghiệp và thương nghiệp. Điều này đã tạo ra một diện mạo mới cho xã hội Đại Việt. Thế kỷ XVI được chứng kiến sự phát triển nở rộ của các sản phẩm gốm sứ. Đặc biệt, vào thời điểm bấy giờ, nhà Minh cấm tư nhân Trung Hoa buôn bán với nước ngoài (1371 đến 1567) đã tạo điều kiện để ngành thủ công của Đại Việt được khu vực và thế giới biết đến và ưa chuộng.

    Thứ ba: Dưới thời Mạc, sự dung hoà tôn giáo và sự phát triển mạnh mẽ của các tín ngưỡng dân gian đã tạo điều kiện cho ngành thủ công nghiệp phát triển. Những kiến trúc chùa, đạo quán, đình làng, bia đá… đã giúp cho sản phẩm các ngành thủ công được tiêu thụ với số lượng lớn và trí tưởng tượng của các nghệ nhân được "chắp cánh", vì vậy, thủ công nghiệp thời Mạc có điều kiện phát triển.

    Thứ tư: Nhà Mạc cũng có những biện pháp tạo điều kiện cho ngành thủ công và thương nghiệp phát triển như chú trọng mở đường sá, xây dựng tu bổ cầu, mở một số chợ, thậm chí khuyến khích hoạt động ngoại thương chứ không "bế qua tỏa cảng" như triều Lê Sơ. Trong thời gian trị vì, nhà Mạc đã cho xây dựng mới và tu sửa 15 chiếc cầu [6;215], mở thêm 7 chợ hoạt động khá quy củ, tấp nập để trao đổi hàng hóa [6;219]. Điều này đã tạo điều kiện cho việc đi lại giữa các vùng miền thuận lợi, trao đổi hàng hóa dễ dàng, sản phẩm thủ công được tiêu thụ mạnh ở trong và ngoài nước trở thành thế mạnh để xuất khẩu.

    Thời kỳ này, Đại Việt được nhiều quốc gia biết đến với những sản phẩm nổi tiếng như gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), gốm Thanh Lâm (Nam Sách, Hải Dương), gốm Chu Đậu (Hải Dương)… Chính vì thế, những người thợ thủ công có điều kiện thi thố tài năng của mình. Từ thế mạnh đó, thương nghiệp thời kỳ này phát triển mạnh mẽ, thịnh vượng hơn so với trước. Hệ thống chợ được mở rộng và hoạt động hiệu quả, tấp nập, trong đó, gốm sứ là mặt hàng phổ biến cả thị trường trong và ngoài nước. Cụ thể là "Trên một bản đồ nước ta do người thời Minh vẽ vào cuối thể kỷ XVI, Annan tu (An Nam đồ) có rất nhiều cửa biển, nơi thuyền buôn nước ngoài có thể ra vào tiện lợi" [6;224], cùng thời gian này đã có nhiều nhà truyền đạo phương Tây vào Đại Việt (1535) và rất có thể họ cũng ấn tượng và bị hấp dẫn bởi các sản phẩm gốm sứ. "Trong con tàu buôn bị đắm ở Cù Lao Chàm (thuộc địa phận Hội An, Quảng Nam) mà các nhà khảo cổ học vừa trục vớt gần đây, có rất nhiều gốm thương phẩm có niên đại XV-XVI, được sản xuất từ Chu Đậu (Hải Dương)" [6;224]. Tiếc là, "những nhà sản xuất đương thời nói chung chưa biết đầu tư vốn nhằm mở rộng sản xuất để sinh lợi mà khi có chút vốn liếng liền quay về với việc tâm linh như dựng chùa, mua ruộng thờ cúng về sau" [6;229]. Xã hội Đại Việt ì ạch trong mô hình một nước quân chủ nông nghiệp theo văn minh lúa nước vì lẽ đó. Tuy vậy, điều đáng nói là, trong một xã hội quân chủ chuyên chế, đạt được những thành tựu trên là một cuộc thay đổi lớn cả về thiết chế xã hội cũng như hệ tư tưởng.

    2.3. Chính sách ngoại giao khôn khéo, mềm dẻo bảo vệ độc lập dân tộc

    Kế thừa truyền thống các triều đại trước, sau khi lên ngôi nhà Mạc đã thực hiện trách nhiệm của một nước nhỏ, thần phục đối với thiên triều Trung Hoa. Nhà Mạc bằng mọi cách để nhà Minh công nhận sự xác lập quyền thống trị dòng họ mình để có tính chính đáng như các triều đại trước. Trước chủ nghĩa Đại Hán và âm mưu phù Lê của các thế lực trong nước, nhà Mạc đã thi hành những chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo, linh hoạt, cụ thể là nhà Mạc đã đặt quan hệ tốt với các sứ thần nhà Minh, triều cống nhà Minh trên cơ sở giữ vững chủ quyền dân tộc song đồng thời cũng ra sức chuẩn bị tiềm lực để đối phó với kẻ thù trong tình huống xấu nhất.

    Những điều nhà Mạc làm không khác những triều đại trước đó như cách nói của Phan Huy Chú là "trong thì xưng đế, ngoài thì xưng vương". Nhưng nhà Mạc không giống các triều đại khác ở chỗ: trong khi các triều đại trước đặt quan hệ bang giao với Trung Quốc đều đứng trên thế mạnh của một dân tộc và triều đại từng giành chiến thắng trước kẻ thù thì một xã hội mang trong mình sự khủng hoảng, trong nước còn bao thế lực thù địch sẵn sàng cấu kết với nhà Minh, nhà Mạc đã tiến hành một cuộc đấu trí để tránh binh đao, tàn sát thảm khốc để xã hội được thái bình, đồng thời không vội vàng đối đầu với quyết tâm xâm lược của nhà Minh để tránh một sự thất bại như nhà Hồ trước đây.

    Kết quả là nhà Mạc đã thành công. Trong suốt 65 năm tồn tại, nguy cơ chiến tranh xâm lược đã bị đẩy lùi, nhưng Mạc Đăng Dung và các vua Mạc sau này lại bị lịch sử quy tội "dâng đất", "hèn hạ" suốt một thời kỳ dài. Trong xã hội phong kiến, mưu đồ bá vương là điều thường thấy, khi âm thầm lúc mạnh mẽ, kiên quyết. Việc nhà Lê Trung Hưng cầu cứu nhà Minh nên đánh giá như thế nào hãy để hậu thế phán xét những việc làm đó đã đặt dân tộc trước nguy cơ bị kẻ thù ngoại bang xâm lược, là "đem thân trăm họ làm công một người".

    Những nỗ lực của nhà Mạc đã đem lại hệ quả là "Vua Minh bèn phong cho Mạc Đăng Dung làm An Nam Đô thống sứ ty đô thống sứ, cho ấn bạc và cho thế tập" [3;133], nghĩa là nhà Mạc đã được thiên triều công nhận và quan trọng hơn nhà Mạc đã nỗ lực để nhân dân Đại Việt đã tránh được một cuộc binh đao.

    3. Kết luận

    Nhà Mạc tồn tại như một vương triều phong kiến chính thức trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, là triều đại có nhiều cống hiến cho lịch sử, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục khoa cử và phát triển kinh tế. Điều quan trọng nhất là nhà Mạc đã phục hồi xã hội Đại Việt sau một thời gian khủng khoảng và duy trì nền độc lập trong suốt thời gian cai trị. Trên thực tế, nhà Mạc đã khẳng định được tính chính đáng của dòng họ mình, nhưng đó là một quá trình gian khó, bởi "từ đầu thế kỷ XVI, vua Lê chỉ còn hư vị, là bức bình phong là chỗ dựa cho các tập đoàn phong kiến giương cao ngọn cờ "phù Lê, diệt Mạc" nhằm thu phục nhân tâm, chiêu tập những công thần của Lê cựu" [7;73]. Nhà Mạc đã nỗ lực không ngừng để ổn định, phát triển đất nước dưới triều đại mình nhưng thời thế đã không ủng hộ. Trong trường hợp này, thắng lợi thuộc về những ai "thờ bụt ăn oản" và "biết tìm thóc giống mà gieo". Nhà Mạc chấm dứt vai trò thống trị chính thức năm 1592 với sự kiện Mạc Mậu Hợp bị thất bại thảm hại trước nhà Lê Trung Hưng, nhưng dư âm của triều đại này vẫn ngự trị trong lòng bao thế hệ trong một khoảng thời gian và không gian dài rộng.

    Nhận thức đúng về vấn đề này không chỉ trả lại sự thật cho lịch sử mà còn góp phần giải quyết những vấn đề trong thực tiễn để các thế hệ sau có những hiểu biết sâu sắc về một triều đại từng tồn tại và có nhiều đóng góp cho lịch sử dân tộc.

    Tài liệu tham khảo

    1. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (tập III), Nxb Sử học, Hà Nội, 1961.

    2. Lê Quý Đôn, Lê Quý Đốn Toàn tập-tập III, đại Việt thông sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.

    3. Đại Việt sử ký toàn thư (tập IV), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1973.

    4. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Mạc Đăng Dung và vương triều Mạ, Hội Sử học Hải Phòng.

    5. Ngô Dăng Lợi, Trần Thị Vinh, Nguyễn Quang Â, Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, Hà Nội 1996.

    6. Đinh Khắc Thuận, Lịch sử vương triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2001.

    7. Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện Sử học, Vương triều Mạc 1527-1592, Nxb Khoa học xã hôi, Hà Nội 1996.

    ( tổng hợp )



    Trả Lời Với Trích Dẫn Trả Lời Với Trích Dẫn
    Thích
    Tặng Vàng  

+ Trả Lời Ðề Tài

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts