NGƯỜI ta biết nhiều về Trương Công Hy (1727-1800) bởi ông là một danh thần, lưỡng bộ thượng thư triều Tây Sơn (quê Điện Bàn, Quảng Nam). Nhưng có lẽ, ít ai nghĩ nhiều về sự lựa chọn chính trị của Trương Công Hy, từ một bầy tôi của chúa Nguyễn lại tự nguyện phụng sự nhà Tây Sơn, lực lượng vốn bị xem là "giặc" trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ (theo quan điểm của những người phò nhà Nguyễn).
Sự chuyển hướng chính trị đó từ một con người thâm Nho, "Tấc đất ngọn rau" đều "ơn chúa", là một bước ngoặt quan trọng về tư tưởng bằng nhãn quan chính trị của Trương Công Hy. Sự lựa đó bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên của vùng đất và hoàn cảnh lịch sử cụ thể.
Sinh ra và trưởng thành trên đất Quảng, ông chịu tác động bởi các yếu tố tự nhiên, xã hội nơi đây. Điều kiện tự nhiên trước hết là ở vị trí của nó, vị trí trung độ, điểm đi qua trên cung đường Nam - Bắc; đất "phên giậu" thời trước, ra đời từ yêu cầu bức bách của dân tộc, "mở" rộng lãnh thổ quốc gia về phương nam. Mảnh đất sớm đón nhận các luồng di cư lớn trong lịch sử Đại Việt, bắt đầu từ thế kỷ thứ X, các tiên dân xứ Quảng vừa bám trụ giữ đất, vừa tiên phong tiếp tục mở cõi về phương Nam. Khí cốt đặc biệt của người xứ Quảng là như vậy, lại sống trên một vùng đất luôn luôn nóng bỏng các cuộc đấu tranh sinh tử vì sự sống còn của chính mình và liên quan mật thiết đến sự tồn vong chung của dân tộc nên con người xứ Quảng thường rất quyết liệt trên lĩnh vực chính trị.
Hoàn cảnh lịch sử xã hội trước đó có tác động quyết định đến sự lựa chọn chính trị của Trương Công Hy. Chế độ phong kiến đi vào suy thoái, đất nước phân tranh. Cuộc chiến Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài gần 50 năm khiến dân chúng cực khổ, hao tổn nhân lực. Ở Đàng Ngoài, một chế độ chính trị "kỳ quặc", vua Lê - chúa Trịnh, họ Trịnh nắm quyền bính, hiếp chế vua Lê.
Ở Đàng Trong, trong lúc Trương Công Hy đang dốc tâm đem tài năng và tri thức uyên thâm của mình dạy cho các hoàng tử, hoàng tôn trong cung với mong muốn nhà Nguyễn có sự nghiệp vững bền. Thế nhưng, chính sự nhà Nguyễn lại rối ren, suy yếu không kém. Chúa Nguyễn Phúc Khoát sa vào tửu sắc, bỏ bê triều chính; gian thần Trương Phúc Loan lộng quyền, khuynh loát phủ chúa; quan lại ăn chơi xa xỉ; nông dân mất ruộng đất, trở thành nông nô, nô tỳ, gia nô, chịu thuế khóa nặng nề. Hẳn vì thế, suốt gần mười năm dù bận tâm với công tác giảng dạy, Trương Công Hy đã "đau tận máu thịt mình vì những vấn đề lớn của vận mệnh đất nước". Điều này đã tạo nên sự xung đột, đấu tranh về tư tưởng trong Trương Công Hy.
Giữa lúc đó, đầu năm 1771, nghĩa quân Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ (người ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, Bình Định) lên vùng Tây Sơn Thượng Đạo (thuộc huyện An Khê, Gia Lai) tập hợp lực lượng. Với khẩu hiệu "lật đổ quyền thần Trương Phúc Loan ", nghĩa quân Tây Sơn đã quy tụ những người dân vô gia cư, nghèo khổ, phát động lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo và chống lại cường quyền áp bức. Chính nghĩa của ngọn cờ Tây Sơn đã quy tụ tráng sĩ và hào kiệt khắp vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên. Chỉ trong vòng 3 năm, nghĩa quân Tây Sơn đã chiếm được thành Quy Nhơn, kiểm soát được vùng đất từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Cuộc đấu tranh giai cấp hết sức quyết liệt này đã tạo cơ sở xã hội có tác động mạnh mẽ đến sự chuyển biến tư tưởng chính trị của Trương Công Hy.
Một nhân vật có ảnh hưởng không nhỏ đến Trương Công Hy trong việc lựa chọn nhà Tây Sơn là Trương Văn Hiến. Ông ngưỡng mộ Trương Văn Hiến, người đồng liêu với mình thời chúa Nguyễn Phúc Khoát tại Phú Xuân bởi tinh thần trung nghĩa, học vấn cao, văn võ song toàn, giỏi đường chính sự. Để không bị gian thần Trương Phúc Loan sát hại sau khi thực hiện mưu đồ đưa Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi chúa, Trương Văn Hiến phải cải dạng làm thường dân trốn vào Nam. Sau đó, ông trở thành thầy dạy học của anh em Nguyễn Nhạc rồi quân sư của nhà Tây Sơn. Mười ba năm cách biệt mới gặp lại nhau, hai người bạn đồng liêu ngày đêm hàn huyên tâm sự, nhờ Trương Văn Hiến mà Trương Công Hy thấy rõ hơn chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.
Từ những tác động nêu trên, Trương Công Hy đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ nghĩa quân Tây Sơn, trở thành triều thần của vua Thái Đức. Từ đây, Trương Công Hy đã có "đất dụng võ", đem tài năng và tâm huyết giúp nhà Tây Sơn, làm quân sư cho Nguyễn Huệ trong cuộc Bắc phạt, tiêu diệt họ Trịnh và quân Thanh xâm lược, cùng Quang Trung Nguyễn Huệ mưu lược sự nghiệp thống nhất nước nhà.
Việc lựa chọn minh chủ theo nhà Tây Sơn là con đường đúng đắn trong cuộc đời chính trị của Trương Công Hy. Tiếc thay! Lòng nhiệt huyết muốn cống hiến tài năng cho đất nước của ông chưa được như ý nguyện thì vua Quang Trung đột ngột băng hà ở tuổi bốn mươi, để lại một cơ đồ dang dở. Dẫu sao, Trương Công Hy bằng nhãn quan của mình đã tìm ra con đường chính trị chân chính, để thỏa "chí làm trai". Con người ấy đã rất bản lĩnh: "Dám phá bỏ cái cũ dẫu là cái thiêng liêng của thánh hiền, dám ngang nhiên chấp nhận cái mới khi thấy đó là chân lý"./.