Thông báo Hán Nôm >> Tác giả >> M >> Nguyễn Văn Mức
Nguyễn Ngọc Nhuận - Nguyễn Văn Mức
66. Đình Đại Từ nơi thờ đức thánh Bảo Ninh vương (TBHNH 2012)

Cập nhật lúc 22h11, ngày 09/02/2015

ĐÌNH ĐẠI TỪ NƠI THỜ ĐỨC THÁNH BẢO NINH VƯƠNG

NGUYỄN NGỌC NHUẬN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

NGUYỄN VĂN MỨC

Phường Đại Kim, Hà Nội

Đình Đại Từ, một ngôi đình cổ nằm phía Tây Nam của làng Đại Từ trước đây (1). Ngôi đình này cùng các di tích khác như chùa Đại Bi, khu Thọ Chỉ, Đài tưởng niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh… tạo thành một quần thể di tích lịch sử, nghệ thuật, văn hóa của phường Đại Kim, Hà Nội. Đình Đại Từ xưa nay thờ Thành hoàng làng là đức Thượng đẳng tôn thần Bảo Ninh Vương.

Làng Đại Từ xưa là một thôn nằm trong xã Linh Đường (tên cũ của Linh Đàm hiện nay). Trước đây xã chỉ có một ngôi đình dựng ở bên Linh Đường còn chùa thì xây ở làng Đại Từ (tên chùa là Đại Bi), sau này Đại Từ tách ra thành đơn vị hành chính riêng, đến năm 1847 làng Đại Từ đã xây đình riêng nhưng vẫn thờ chung Thành hoàng là đức Bảo Ninh Vương, còn Linh Đường đến năm 1926 mới xây chùa.

Theo gia phả các dòng họ nơi đây và sách xưa cho biết làng Đại Từ được thành lập cách đây gần 7 thế kỷ, lúc đầu là một xóm nhỏ ở ven sông Tô Lịch sau dời vào địa điểm hiện nay ở ven đầm Linh Đường, vốn xưa cũng là một khúc sông Tô Lịch. Đầm Linh Đường còn được gọi là đầm Đại. Ca dao cổ ghi rằng:

Đầm Đại Từ hoa sen thơm ngát

Giếng Đại Từ nước mát trong xanh…(2)

Trước đây đầm Linh Đường trồng hoa sen bát ngát, đến mùa sen nở, hương sen ngào ngạt khắp vùng, còn trong làng Đại Từ có 4 chiếc giếng cổ(3) nước trong mát quanh năm, chiều chiều hay những đêm trăng sáng nam nữ ra gánh nước về nhà dùng sinh hoạt.

1. Truyền thuyết về đức thánh Bảo Ninh Vương

Đức thánh Ninh Vương được thờ ở bốn xã, tám làng quanh đầm Linh Đường. Bốn xã gồm: xã Hoàng Liệt, Tam Hiệp, Hữu Hòa, Đại Kim và tám làng gồm: Bằng B, Bằng A, Tứ Kỳ, Pháp Vân, Đại Từ,Tựu Liệt, Hữu Lê, Linh Đàm. Nơi thờ chính vị thần là Miếu Gàn thuộc địa phận làng Bằng tên chữ của miếu là ‘‘Xả Can Từ” (đến ‘‘trừ nạn hạn hán”).

Truyền thuyết về đức thánh Bảo Ninh Vương còn được ghi trong Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh, Kiều Phú, câu chuyện vị thần ở chằm Lân Đàm (Long Đàm) kể rằng: "Thần Lân Đàm chính là thần rồng. Xưa thần thường hóa thành người để tìm thấy học đạo.Thầy học lấy làm lạ bèn tìm chỗ ở của thần, thấy thần náu trong chằm. Thầy học thường tra hỏi, thần bèn nói thực rằng:‘‘Năm nay trên thiên đình ngừng việc làm mưa”. Thầy học cố nài thần làm ra mưa. Thần bất đắc dĩ phải nghe lời.

Sau trong chằm có biến động, thầy học tới chằm thấy thần hút nước trong nghiên phun thành mưa mực để trừ hạn hán. Thượng đế cho là việc đã tiết lộ (thiên cơ) bèn bắt tội thần. Thây thần nổi ở trên chằm, thầy học thu về án táng, nhân đặt tên chằm là Long Đàm, sau đổi thành Lân Đàm.

Thần rất uy linh, hiển ứng. Đền thờ thần đặt ở xã Lân Đàm, huyện Thanh Đàm. Đời đời thần được phong làm Trung đẳng thần"(4).

Còn Long Đàm là tên của một huyện tại đây, huyện phía Nam thành Thăng Long xuất hiện từ đời Trần. Long Đàm là Đầm Rồng, theo truyền thuyết đầm này là nơi ở của Long Vương có con từng là người học trò nổi tiếng được phong là thần Bảo Ninh Vương. Đầm Long Đàm còn nhiều cái tên khác như: đầm Linh Đường, đầm Vân hay đầm Pháp Vân, đầm Đại hay đầm Đại Từ ngoài ra còn có tên khác là Nguyệt Kính hồ vì hồ "hình vầng trăng lưỡi liềm, nước hồ trong suốt như gương" và Liên Đàm (Đầm Sen) vì đầm trồng nhiều sen.

Một dị bản khác được nhà nghiên cứu Vũ Tuấn Sán ghi lại rằng: "Truyền thuyết cho biết con của Long Vương là một thủy thần, vì mến đạo học đã dời long cung lên trần thế nhập môn thầy Chu Văn An, vì thầy dạy nổi tiếng giữa thế kỷ 14 quê ở làng Thanh Liệt và mở trường dạy gần đấy nay còn di tích ở làng Huỳnh Cung. Sáng sáng, thần đã đi từ dưới đầm đi lên để tới trường. Bạn học dò biết mách với thầy cho là yêu quái, nhưng Chu Văn An gạt đi, nói rằng: đạo thánh là đạo rộng, không loại bỏ bất cứ ai, miễn là thành tâm xin học ("hữu giáo vô loại" chữ sách Luận ngữ).

Gặp năm đại hạn Chu Văn An đã thiết tha yêu cầu các học trò giúp việc chống hạn... Sau giây lát trù trừ, người học trò kỳ lạ đã vâng lời thầy, khảng khái nhận nhiệm vụ rồi ra giữa sân mài mực, cầm bút chấm mực thư phù lên không trung. Sau đó dùng bút vẩy mực ra bốn phía và cuối cùng cả bút và nghiên được tung lên trời, vung ra thật xa. Mây đen liền ùn ùn kéo tới, đổ mưa như trút nước. Cả vùng đã thoát nạn đồng khô ruộng nẻ. Ngay sau đó có một tiếng sét đánh dữ dội, rồi dân chúng phát hiện ra một xác thuồng luồng bị sét đánh chết trên bờ đầm. Người học trò tức thuồng luồng bị trời trừng phạt về tội đã tự ý làm mưa, và như vậy thần đã cam nhận hi sinh để làm vui lòng thầy dạy và cứu nguy cho dân. Truyền rằng: xác thần đã được chôn cất trọng thể, và mộ thần hiện nay vẫn còn, trên một lạch nhỏ ăn sâu vào lòng sông Tô Lịch chỗ giáp giới các làng Thanh Liệt và Hữu Từ, tại khu Cầu Bươu hiện nay...

Như vậy theo truyền thuyết xưa người học trò của Chu Văn An hóa phép thành mưa chống hạn giúp dân cứu mùa màng đã trở thành vị thần Thành hoàng làng bảo hộ cho dân của bốn xã, tám làng.

Với tín ngưỡng Thành hoàng ra đời ở các làng Việt vào khoảng đầu thế kỷ XVI là một loại hình tín ngưỡng pha trộn giữa tín ngưỡng dân gian bản địa và Nho giáo, là một tín ngưỡng khá phổ biến ở những thế kỷ trước (từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX và hiện nay vẫn tồn tại và phổ biến trong khắp các làng quê Việt.

Nước ta là một nước nông nghiệp trồng lúa nước, chắc rằng những tập tục tín ngưỡng Thành hoàng làng gắn với việc cầu cho mưa thuận gió hòa, việc cầu cúng đó vượt khỏi sự điều tiết của con người đối với sức mạnh của tự nhiên, những tập tục tín ngưỡng đó sẽ còn tồn tại và lưu giữ trong dân gian như một ký ức đẹp.

2. Những ký ức được mã hóa qua những bức hoành phi câu đối tại đình Đại Từ

Khi bước vào ngôi đình Đại Từ, ngay bên đường cái, trên hai cột trụ chúng ta đọc được những đôi câu đối viết bằng chữ Hán ca ngợi cảnh đẹp của làng Đại Từ, ca ngợi đức thánh Bảo Ninh Vương và ca ngợi con người của vùng đất giầu truyền thống này.

Địa linh nhân kiệt Long Đỗ phong vân chung vượng khí.

Thủy nhiễu hoa hoàn Liên Đàm nguyệt tễ dư quang.

(Đất Long Đỗ địa linh nhân kiệt, gió mây đã hun đúc vượng khí.

Đầm Liên Đàm sóng vỗ hoa tươi, trăng thanh thêm điểm tô ánh sáng).

Thần khắc tương tri hi hi đăng xuân đài đồ thọ vực.

Dân giai lạc dã hân hân văn chung cổ kiến vũ mao.

(Thần đã giúp cho vui vẻ lên chốn xuân đài tiến vào cõi thọ.

Dân được vui tới hân hoan nghe chuông trống, thấy cờ hoa rực rỡ).

Trên sân trước của ngôi đình là ao vuông nhỏ mỗi chiều 7 mét xây gạch, bốn góc có bốn bồn trồng xi đã nhiều năm, cây mọc lên rễ cành quấn quýt tượng trưng cho sự đoàn kết của nhân dân làng Đại thành một khối vững chắc.

Bước vào trong đình, từ những đường nét cổ của kiến trúc mái đình, cột, diềm, cửa võng, cấu trúc đình hình chữ công hài hòa đã toát lên vẻ đẹp trang nghiêm thành kính. Dưới khói hương của ngày lễ hội, ngày rằm, mùng một, những người hành lễ còn được chiêm ngưỡng bộ long đình, kiệu bát cống, đôi ông ngựa gỗ, lộc bình, chóe cổ, trống cái, chiêng lớn, cờ, biển gỗ đề chữ "lịch triều phong tặng" rạng ngời.

Chốn hậu cung nơi thờ bài vị trên ngai sơn son thiếp vàng có những bức hoành phi ca tụng công lao của đức thánh Bảo Ninh Vương đã giúp dân làm mưa chống hạn:

Uyên do phổ huệ (Nơi vực sâu còn ban ơn rộng khắp).

Mặc thủy lưu phương (Dòng nước mực để lại tiếng thơm).

Ân chiêm vũ trạch (Ân trạch đức thánh mưa nhuần tưới khắp).

Trên những hàng cột lớn của ngôi đình hiện treo nhiều đôi câu đối có giá trị về nội dung và nghệ thuật, những đôi câu đối này được các danh sĩ trong vùng sáng tác để ngợi ca công lao của đức Thành hoàng làng. Dưới đây chúng tôi xin dẫn ra một vài đôi câu đối để bạn đọc cùng thưởng lãm.

Vinh trật tự vu lũy triều huân cao y tích.

Phổ huyền hưu vu thông ấp linh thịnh như tân.

(Bậc được tôn vinh trải qua các triều khói hương xực nức như xưa.

Diệu huyền khắp chốn che chở mọi ấp linh thiêng thịnh như mới).

Linh tuệ thông thần nhất chích nghiễn đào lưu vũ trạch,

Hưu quang thùy thế thiên thu miếu mạo phái thiên hương.

(Trí tuệ linh thiêng thông tới thần, một chiếc nghiên dậy sóng nước, cơn mưa chan chứa.

Ánh sáng tốt lành trải qua các đời, nghìn thu miếu mạo, dòng phái hương trời).

Thanh Đàm phát tích quang thiên cổ,

Mặc thủy lưu ân dật tứ bàng.

(Chốn Thanh Đàm là nơi phát tích, rực rỡ nghìn xưa,

Dòng mặc thủy còn lưu ân, khắp vùng tứ phía).

Như vậy từ trong ký ức về sản xuất, chinh phục thiên nhiên những người nông dân trên luống cày, những nho sĩ làng quê trước đây đã tạo nên những huyền thoại, truyền thuyết đẹp về những người anh hùng giúp dân chống hạn,làm nên những vụ mùa no ấm. Trong tâm thức nhân dân thì những người anh hùng bất tử đó dã trở thành những vị thánh bảo vệ dân lành.

 

Chú thích:

(1). Làng Đại Từ trở thành phố Đại Từ với nhiều con ngõ nhỏ.Phố Đại Từ cách trung tâm Hà Nội khoảng 7 km về phía Nam. Phố này thuộc quận Hoàng Mai, một trong những nhiều quận của nội thành Hà Nội, là một con phố chạy dài từ Cầu Tiên (tên một địa danh trước đây) bên đường Giải Phóng, vượt qua đường sắt Bắc Nam, qua hai cổng của làng Đại Từ đi tới khu Bắc Linh Đàm gặp ngã ba phố Đặng Xuân Bảng và Nguyễn Hữu Thọ.

(2). Theo Làng Đại ven sông Tô của nhà nghiên cứu Vũ Tuấn Sán.

(3). Làng Đại Từ trước đây có 4 chiếc giếng cổ: giếng Chùa, giếng Quán lá, giếng Quán hội đồng, giếng Cổng ngoài.

(4). Theo sách Lĩnh Nam trích quái, Nxb. Văn học, 2001.Vũ Quỳnh, Kiều Phú.

(Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.532-538)

In
Lượt truy cập: