Đền Lác: Di tích lịch sử cấp Quốc gia của huyện Ba Vì (13:15 16/02/2016)


HNP - Ba Vì là một huyện ở vùng bán sơn địa nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hà Nội. Nơi đây được mệnh danh là điểm hội tụ của những “danh lam cổ tích” nổi tiếng như: Đình Tây Đằng, đình - chùa Chu Quyến… gắn liền với truyền thuyết về Tam vị Đệ nhất Thượng đẳng phúc thần Tản Viên Sơn Thánh. Đền Lác, xã Đồng Thái cũng là ngôi đền thờ các vị thần này. Trải qua cả không gian và thời gian, di tích này vẫn hội tụ và tỏa sáng những giá trị lịch sử - văn hóa với tên gọi giản dị mà nhân dân nơi đây quen gọi theo tên Nôm là đền Lác (do ngôi đền nằm trên quả đồi có tên là đồi Lác).  


Quang cảnh đền Lác


Đền Lác được xây dựng khá sớm. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, đến nay, đền Lác không còn giữ đựơc tư liệu về năm khởi dựng. Để xác định được niên đại tương đối cho sự có mặt của ngôi đền, có thể căn cứ vào tấm bia đá có niên hiệu Chính Hòa 18 (1697) và các tư liệu điền dã tại di tích thờ Tam vị Tản viên Sơn Thánh. Mặt bằng kết cấu kiến trúc chính đền Lác có dạng tiền nhất hậu công gồm toà Tiền tế, Đại bái và Hậu cung, xung quanh là nền sân đất và bức tường cổ đắp đất có xếp gạch ở giữa. Nhìn trên bản đồ địa chính của xã Đồng Thái và không gian địa văn hóa thì ngôi đền tọa lạc ở vị thế "đắc địa", di tích mở hướng Tây Bắc có mặt bằng tổng thể cùng các đơn nguyên kiến trúc tương đối hoàn mỹ về kết cấu, thể hiện sự đăng đối, hài hòa. Tòa tiền tế được làm về sau này (thời Nguyễn), song gần như không có sự khác biệt nhiều so với Đại bái và Hậu cung, độ cao mái và khung lòng nhà tạo được sự đồng nhất với hai tòa sau, thể hiện ở bố cục và cách kết cấu truyền thống. Từ cổng đền qua một khoảng sân đất khá rộng là tới Tiền tế. Tiền tế là một toà nhà ngang với kết cấu 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong. Bờ nóc để trơn không trang trí, hai đầu bờ nóc đắp cách điệu hai con kìm, bờ dải và bờ guột cũng để trơn không trang trí. Các góc đao của Tiền tế vốn được đắp vẽ cầu kỳ, song trải qua thời gian đã bị mai một, hiện chỉ còn lại hai đao hậu còn trang trí hình tượng rồng. Mái lợp ngói ri cổ.

Không gian Tiền tế được để thoáng, không có hệ thống cửa vây quanh. Tại 4 góc có các mái đao được xây vây một đoạn tường nhỏ, tạo thêm phần chịu lực cho 4 góc đao. Phần tường này được xây bằng gạch thời Thành Thái, có kích thước dày 4cm, dài 40cm và rộng 1cm, tương tự như gạch được chèn ở toàn bộ tường trình bao quanh di tích. Vào bên trong, tương ứng với 3 gian 2 chái là 4 bộ vì trên 4 hàng chân cột. Bộ vì các gian chính được kết cấu giống nhau theo kiểu: thượng giá chiêng, chồng rường, hạ kẻ, bẩy, mái phân thượng tứ, hạ ngũ, đặc biệt các hoành được làm là hoành vuông, phỏng theo phong cách đặc trưng trong kết cấu kiến trúc thời Lê. Riêng bộ vì gian giữa, tiền nhân đã làm trốn 1 hàng cột cái phía trước, để lấy không gian cho các việc hội họp chính ở đền. Các gian bên vẫn đủ hai hàng cột cái. Việc làm trốn cột cái này tạo kết cấu tương ứng là các xà lòng, chịu lực cho 2 cột cái trốn chân vốn ít thấy ở các di tích khác. Bộ vì hai gian chái được làm theo kiểu thượng chồng rường, hạ kẻ. Các cấu kiện gỗ ở đây chủ yếu để trơn, không trang trí, thiên về độ bền chắc. Một vài chi tiết chạm khắc cách điệu tập trung tại các bẩy hiên. Không gian Tiền tế không bài trí các đồ thờ tự. Từ Tiền tế, qua một khoảng sân lọng là tới Đại bái. Hai bên tường sân lọng có trổ thủng hai chữ lớn: Nghiêm và Túc.

 

Kiến trúc bên trong đền Lác


Đại bái cũng là một ngôi nhà ngang 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong. Nhìn bên ngoài, bờ nóc mái để trơn không trang trí, các góc đao là hình tượng rồng được đắp rất công phu, nghệ thuật tạo tác thế kỷ XVIII. Phần vì thượng phía ngoài của hai gian đầu hồi được đắp hình tượng hổ phù ngậm chữ Thọ, các diềm của vì được đắp trang trí hoa lá rất tinh tế.

Vào bên trong, tương ứng với 3 gian hai chái là 4 bộ vì trên 2 hàng chân cột. Kết cấu các bộ vì gian giữa tương tự như Tiền tế. Riêng bộ vì hai gian chái được gắn với khám lửng, dạng ván bưng ở vì thượng.

Không gian tòa Đại bái là nơi đặt gác lửng, được bưng kín, bên ngoài được chạm khắc công phu hình tượng lưỡng long chầu nguyệt và nhiều mảng chạm chim phượng rất tinh xảo, nghệ thuật chạm khắc cuối thời Lê. Các đồ thờ cũng có niên đại thời Lê như bát hương gốm, long ngai, bài vị... Đặc biệt, dưới chân khám còn đặt các hòn đá thiêng, tương truyền là những hòn đá mà các Tam vị Tản Viên Sơn Thánh và Mẫu thân đã từng ngồi nghỉ chân.

Gian ống muống nối đại bái với hậu cung có kết cấu bộ vì kiểu ván bưng với các mảng chạm khắc tinh xảo hình tượng rồng phượng. Không gian bên dưới bài trí 02 hương án gỗ có niên đại thế kỷ XVIII, trên bày các đồ thờ tự như bát hương, chân đèn, đài nước... Hậu cung 3 gian, 4 mái đao cong, mái lợp ngói ri cổ. Nhìn bên ngoài, phần mái Hậu cung đền Lác được thiết kế rất mềm mại, các đao cong vút, 4 góc đao là các con nghê bằng gốm đất nung thế kỷ 17, rất giống với các tạo hình ở phần mái ngôi đình làng Tường Phiêu, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội (ngôi đình có niên đại thế kỷ XVII).

Vào bên trong, bộ vì được tạo tác tương tự như Trung cung, phần gian giữa có khám lửng, là nơi đặt long ngai, bài vị Tam vị Tản Viên Sơn Thánh. Điều đặc biệt ở đây là tại phần vì gian ống muống áp hậu cung, ngay phía ngoài khám lửng được sơn đỏ - thể hiện sự uy nghiêm, tôn sùng nhân vật được thờ. Đây là đặc điểm đặc trưng trong các di tích cổ, thờ tự các vị thần tối linh. Bên trong khám thờ đặt 3 cỗ long ngai, bài vị, có phong cách tạo tác giống nhau, niên đại thế kỷ XVIII.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học nghệ thuật quý giá, đền Lác, thôn Đồng Bảng, xã Đồng Thái đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Lịch sử - kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia vào ngày 23/9/2014.


Hồng Đạt


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật