Đền Đa Hòa - Điểm đến của du khách |
Đền thờ đức thánh Chử Đồng Tử (một trong tứ bất tử của nước ta) đây cũng là nơi lưu truyền thiên tình sử Chử Đồng Tử – Tiên Dung.Một thiên tình sử đẹp nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Về thăm đền Đa Hoà chắc chắn du khách sẽ được thưởng thức nhiều điều lý thú và bổ ích. Đức thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa được thờ ở nhiều nơi trên địa bàn vùng đồng bằng và vùng trung du bắc bộ, chủ yếu là các làng ven sông Hồng. Nhưng đền thờ chính nổi tiếng và sầm uất nhất là đền Đa Hoà, xã Bình Minh (Khoái Châu) nằm ngay cạnh bờ sông Hồng. Từ khu đền nhìn thẳng sang là bãi cát tự nhiên – nơi đã diễn ra cuộc gặp gỡ và nảy sinh một mối tình nên thơ của chàng trai nghèo, không mảnh khố che thân với nàng công chúa lá ngọc cành vàng. Đến đền Đa Hoà du khách không chỉ được thưởng ngoạn phong cảnh yên bình của một vùng quê với “xanh xanh luỹ tre, ngô khoai biêng biếc, cả những chuyến đò đầy sang sông”, được ngắm nhìn những dải phù sa cát trắng…mà còn như được đắm mình giữa chốn bồng lai tiên cảnh nơi trần thế của đền Đa Hoà và tưởng nhớ tới cuộc gặp gỡ của Chử Đồng Tử và Tiên Dung, trên bãi cát Tự Nhiên giữa dòng sông Hồng. Đền Đa Hoà là một di tích lịch sử cấp quốc gia được xếp hạng năm 1962. Đây không chỉ là một di tích lịch sử lưu truyền và lan toả về một thiên tình sử hàng nghìn năm, mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp, mà còn có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc dưới thời Nguyễn. Khu đền gồm 18 công trình lớn nhỏ, có vẻ đẹp cổ kính, mái đền có hình thuyền rồng cách điệu. Công trình là ý tưởng sáng tạo của tiến sĩ Chu Mạnh Trinh (vốn nổi tiếng một bậc phong lưu tài tử). Thắng cảnh được chia làm hai khu, khu trong và khu ngoài. Khu ngoài rộng 7.200m2, không có tường bao, nổi bật nhất là nhà bia có cửa trổ ra 4 hướng, 2 tầng, 8 mái cong thanh thoát, mềm mại nhưng vẫn giữ được vẻ uy nghi. Từ nhà bia có một con đường rộng, lát gạch dẫn đến cổng chính vào khu trong, hai bên đường có các cây cổ thụ, tiếp đến là hai nhà, nhà chuông và nhà khánh. Khu trong được xây dựng theo các cung thờ, với kiến trúc độc đáo kiểu cung đình thời Nguyễn, thứ tự gồm có: sân đại, nhà đại tế, toà thiêu hương, cung đệ nhị, cung đệ tam và hậu cung. Nối liền các cung là Thoả Xá, Thảo bạt, nhà ngựa, nhà pháo, đối diện nhau qua sân đại và sân chầu. Ngôi đền càng trở nên cổ kính và rêu phong với cảnh sông nước bao la, các cây cổ thụ xung quanh đền bốn mùa xanh tốt. Ngoài kiểu kiến trúc độc đáo và cổ kính, ngôi đền còn thu hút sự chú ý của du khách bởi các pho tượng, đặc biệt là các pho tượng đức thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân đặt ở hậu cung. Các pho tượng được đúc bằng đồng, những đường nét hoa văn được kết hợp một cách hài hòa mang tính sống động, đạt đến nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, càng làm nổi bật được vẻ uy nghi của các pho tượng. Ngoài ra còn có ba pho tượng bằng gỗ đặt ở cung Đệ Tam. Hiện nay trong đền còn thờ nhiều di vật quý hiếm, đặc biệt phải kể đến là đôi lọ Bách Thọ (có một trăm chữ thọ, khắc trên thành lọ bằng gốm không chữ nào giống chữ nào), đó là một cổ vật vô giá về nghệ thuật gốm Việt Nam. Tại ngôi đền người dân đã bao đời hương khói trong niềm tin tưởng cầu phúc, cầu lộc, sức khoẻ, mùa màng tươi tốt…vì thế mà nhân dân có câu: “ hỡi ai đi ngược về xuôi, nhớ hội Đa Hoà mùng mười tháng hai”. Lễ hội Đa Hoà được diễn ra vào ngày 10- 12/2 âm lịch hàng năm. Tại lễ hội có tổ chức nghi lễ rước nước. Đi đầu đám rước là một đôi rồng lộng lẫy do 10 người điều khiển uốn lượn theo nhịp trống phách. Đoàn rước kiệu là đội tế nữ với bộ xiêm y đẹp, đủ màu sắc. Đoàn rước có ban nhạc lễ, kiệu thách, chóe đựng nước… Đoàn rước ngồi trên hàng chục chiếc thuyền ra đến giữa sông múc nước đổ vào chóe rồi quay về đền làm lễ tắm tượng. Tiếp đến là những trò chơi và những tiết mục văn nghệ như hát trống quân…Đây là lễ hội tình yêu độc đáo nhất cả nước, đã thu hút được nhiều du khách trong tỉnh và khách thập thương tới dự lễ hội. Đền Đa Hoà không chỉ là nơi thờ cúng tâm linh (về một tình yêu trong sáng), mà còn là điểm du lịch thăm quan không thể thiếu của du khách trong các tour du lịch vùng đồng bằng sông Hồng. Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch được thành lập từ đầu năm 2010 và đã triển khai ký kết hợp đồng, hợp tác liên kết với các Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch trong vùng đồng bằng sông Hồng và trong cả nước. Các hoạt động đó nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch Hưng Yên để thu hút đón khách du lịch về với Hưng Yên. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam (9/7/1960 – 9/7/2010) và 6 tháng đầu năm 2010 thực hiện hợp đồng, hợp tác với công ty du lịch trên sông Hồng, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch đã tổ chức long trọng lễ đón con tầu thứ 80 để tặng hoa, quà cho các thuỷ thủ và khách du lịch về thăm quan khu di tích lịch sử này. Vừa qua Hưng Yên rất phấn khởi đã được thủ tướng chính phủ quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch. Một ngày không xa nữa bến cảng du lịch Phố Hiến trên sông Hồng được hoàn thành, việc nối tour Đa Hoà - Dạ Trạch với bến cảng Phố Hiến trên sông Hồng không còn xa lạ. Bùi Xuân Sơn Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hưng Yên |