Khi Lý Bí và Đỗ Thị Khương Nương qua đời, nhân dân các làng trong vùng tưởng nhớ công ơn đã góp công, góp sức xây đền Hữu Lộc là chính từ, các điểm phụ cận là vọng từ, công trình kiến trúc kiểu chữ Tam (≡) . Phía trước có Tảo môn làm bình phong, hệ thống tường hoa xung quanh. Đệ nhị đệ tam xây cuối thời nhà Lê giống như chùa Keo. Miếu được đại tu vào năm 1680, gồm 3 toà, 11 gian. Trước sân xây cuốn thư cổ, cổng hoành mã. Hiện phía trước của hai toà đều đánh bạo kép, ngưỡng kép, chấn phong thượng hạ, các mảng cánh gà hồi hiên chạm lõng 3 tầng rồng lửa; tường sau, hồi tả, hồi hữu đều đắp đố lụa bằng gỗ lim. Các đồ tế khí đời Lê, các cỗ khám lớn, các cỗ ngai đồ sộ chạm lõng 5 tầng đủ các đề tài trúc long, long cuốn, long ổ… tất cả đều sơn son, thếp vàng. Đặc biệt, miếu còn lưu giữ bức tranh cao 1,6m, rộng 2,2 m vẽ vào nửa cuối thế kỷ XVII, miêu tả vua Tiền Lý Nam Đế và Hoàng Hậu rất sinh động và được xem là độc nhất vô nhị. Theo truyền thuyết, miếu Hai Thôn xưa là hành cung, phủ đệ của hoàng hậu. Các triều đại sau đều tôn tạo thêm và miếu nay là một trong số ít công trình kiến trúc thời Lê còn được bảo lưu khá nguyên vẹn với nhiều đồ thờ quý hiếm.
Hàng năm miếu Hai Thôn mở hội từ ngày 10 đến ngày 13 tháng 2 âm lịch, quy tụ nhân dân các vùng lân cận nên mang tính hội vùng. Phần lễ hội miếu Hai Thôn có các hoạt động: rước bà, cúng tế, dâng hương, hát giao duyên nam nữ và các trò: vật võ, tổ tôm, hát chèo, chọi gà. Những năm gần đây, hội miếu Hai Thôn có thêm các hoạt động văn nghệ, thể thao hiện đại do người dân tự tổ chức để làm sống lại không khí những ngày nghĩa quân luyện tập thuở xưa và để cầu mong cho dân mạnh khoẻ, mùa màng bội thu.