-
Nhiều người dân ra xem Hòn Phụ Tử bị ngã sụp! - Ảnh H.Văn
-
Khoảng 3g45 ngày 9-8, hòn Phụ Tử - một trong hai biểu tượng tự hào của người dân Kiên Giang - đã đột ngột ngã xuống biển phần hòn Phụ.
Tại hiện trường, hòn Phụ Tử chỉ còn lại phần hòn Tử, phần cha đã chìm hẳn dưới làn nước đục ngầu của mùa biển động.
“Chưa thể kết luận”
Sáng 9-8, hàng trăm người dân đổ dồn về đây để xem. Tại hiện trường, hòn Phụ Tử chỉ còn lại phần hòn Tử (phần hòn con nhỏ hơn), phần cha (theo cách gọi của người dân ở đây) đã chìm hẳn dưới làn nước đục ngầu của mùa biển động.
Phần gãy nằm cách mép nước khoảng 7-8m, còn lại chân đế nằm trơ trọi lộ rõ những vết đứt gãy toác. Lãnh đạo nhiều cơ quan ban ngành của tỉnh Kiên Giang và huyện Kiên Lương đã có mặt tại hiện trường.
Theo biên bản và báo cáo nhanh của những người có trách nhiệm, sự đứt gãy của hòn Phụ Tử chưa thể kết luận được nguyên nhân.
Nhiều người dân ngoài địa phương cũng đã bắt đầu đổ về để xem sự kiện trên. Nhiều người tiếc nuối cho một cảnh đẹp được xem là biểu trưng của du lịch Kiên Giang nói riêng và của cả nước nói chung.
Chiều 9-8, UBND huyện Kiên Lương đã huy động lực lượng cảnh sát cơ động và công an xã, dân quân tự vệ đến bảo vệ, giải tỏa những tụ điểm tập trung đông người. Đặc biệt là không cho bất cứ người dân và ghe tàu qua lại khu vực có vị trí Hòn Phụ bị đổ.
Chẳng ai quan tâm
Theo quyết định của Bộ Văn hóa - thông tin năm 1989, hòn Phụ Tử (xã Bình An, huyện Kiên Lương) được công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia. Hình dạng hòn Phụ Tử gồm hai khối đá dính liền nhau đứng trên một bệ đá có chiều cao 5m so với mặt biển. Trong đó hòn Phụ có chiều cao khoảng 33,6m và hòn Tử cao khoảng 30m. Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Xúc tiến thương mại - du lịch Kiên Lương, phần gãy của hòn Phụ Tử là 20m, đường kính 20m, khối lượng khoảng 1.000 tấn. Vị trí ngã ngang về hướng đông. Phần còn lại chỉ còn khoảng trên 13m. |
Nhiều người dân và cả những người có trách nhiệm rất bức xúc về việc này. Ông Lê Thành Được, nhân viên Công ty Du lịch Kiên Lương, cho biết: gần ba năm qua, tại phần đứt gãy đã hình thành nhiều vết nứt và ngày một rộng theo sự xói mòn của gió và nước.
Tất cả những phát hiện trên người dân đều báo cáo cho BQL dự án du lịch tại đây. Tuy nhiên mọi phản ảnh, cảnh báo đều không được ai quan tâm để đến nông nỗi như ngày hôm nay.
Ông Nguyễn Văn Tân - bí thư thị xã Hà Tiên - bức xúc: “Việc xuống cấp của thắng cảnh hòn Phụ Tử đã được cảnh báo từ nhiều năm nay. Tôi nhớ gần đây cố bí thư tỉnh ủy Trần Quang Quýt đã có nói với tôi và cả một số đồng chí lãnh đạo nên xem phục chế bảo vệ thắng cảnh này vì đây là biểu tượng, là gương mặt của Kiên Giang đã được quốc tế biết đến. Để mất nó là không thể tìm lại và có lỗi với dân. Tiếc rằng tỉnh không lường trước và trở bộ chậm”.
Ông Phan Thanh Trạng, giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại - du lịch Kiên Lương - đơn vị quản lý khai thác khu du lịch này, thừa nhận: “Chúng tôi có nghe bà con phản ảnh chuyện thắng cảnh có dấu hiệu xuống cấp, nhưng chuyện này chưa được cấp trên chỉ đạo và cũng chưa hình dung nổi mức độ sụp nhanh như vậy”.
Sẽ đề xuất phục chế
Ông Trương Văn Nhu - giám đốc Sở VH-TT Kiên Giang - cho biết ông sẽ đề xuất lãnh đạo Bộ VH-TT và tỉnh cho tôn tạo và phục chế thắng cảnh này như cách làm đối với nàng Tô Thị ở phía Bắc. Dù có tốn kém nhưng phải làm vì đây là một thắng cảnh nổi tiếng, là biểu tượng, niềm tự hào của Kiên Giang.
Ông khẳng định chưa nghe ai báo cáo là có hiện tượng nứt hoặc sụp, xói lở ở thắng cảnh này cả. Nếu có thì ông đã tính toán đề xuất xử lý rồi. Ông Nguyễn Văn Phát - phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang - cũng nói bằng mọi cách sẽ cho tôn tạo, phục chế hòn Phụ Tử.
Do sóng biển “gặm mòn” * Hòn Phụ Tử ở biển thuộc huyện Kiên Lương, Kiên Giang là khối đá vôi, do hoạt động kiến tạo hình thành. Cách đây khoảng 3-4 năm, nhóm nghiên cứu của chúng tôi có khảo sát ở khu vực này. Thấy hòn Phụ Tử có hiện tượng bị sóng biển “gặm mòn”, ăn sâu vào thân khối đá vôi này, đặc biệt là ở phần chân, tạo thành những ngấn sâu cỡ 20-30cm. Có lẽ sự “gặm mòn” của sóng biển là một trong những nguyên nhân góp phần làm mất cân bằng và dẫn đến đổ ngã khối đá vôi khổng lồ này. Thạc sĩ NGUYỄN NGỌC HOA (trưởng phòng kỹ thuật kế hoạch Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam) * Về nguyên nhân, theo đánh giá ban đầu của chúng tôi, có thể do thời tiết khí hậu ẩm ướt, mưa nhiều trong rất nhiều năm qua nên đá vôi bị phong hóa, nứt nẻ, bào mòn nhiều... nhưng tập trung nhiều nhất là ở phần chân của hòn Phụ Tử và ngay cả phần nền cũng có nhiều khe nứt do sóng biển ngày đêm vỗ vào. Đặc biệt, khe nứt tạo thành mặt dốc có góc dốc 30-35 độ, nghiêng về hướng đất liền (chính là chiều nghiêng trước đây của hòn Phụ Tử). Điểm đáng lưu ý là vết nứt này gần như cắt toàn bộ chân của hòn Phụ Tử. Chính vì vậy, sự liên kết giữa hòn Phụ Tử và phần nền không còn vững chắc nữa, dẫn đến bị đổ ngã. Đây cũng là đặc điểm chung của quần thể đá vôi, hay xảy ra hiện tượng sập lở tự nhiên. Kỹ sư địa chất TRẦN QUANG TIÊN (phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Kiên Giang) |