,
Cập nhật lúc 21:14, Friday, 16/04/2010

Trường luỹ Quảng Ngãi-Bình Định: Di sản văn hoá có một không hai


(QNĐT)- Sáng 16/4, tại Quảng Ngãi, Trường Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội đã tổ chức báo cáo khoa học chương trình nghiên cứu về lịch sử và di sản miền Trung Việt Nam, Trường Lũy tại Quảng Ngãi-Bình Định, nhằm đánh giá giá trị văn hoá, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản độc đáo được xem là “độc nhất vô nhị” của Việt Nam.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia nổi tiếng trong và ngoài nước về lĩnh vực khảo cổ như: Tiến sĩ Andrew Hardy-Viện Viễn đông Bác cổ Pháp;  Patrizia Zolese, Nhà khảo cổ học Ý; Tiến sĩ Chiristopher Young, Hội đồng di sản Anh. Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản Quốc gia; PSG-TS Trần Đức Cường-Viện KHXH Việt Nam, Phó Viện trưởng khảo cổ học...

Về phía tỉnh có các đồng chí Nguyễn Hòa Bình-Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hoàng Sơn-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; TS Nguyễn Đăng Vũ-Giám đốc Sở VHTT&DL; nhà thơ Thanh Thảo, một số nhà nghiên cứu, khảo cổ học...
 
a
Quang cảnh buổi lễ báo cáo nghiên cứu về Trường Lũy.

Qua kết quả nghiên cứu thì Trường Luỹ Quảng Ngãi được xây dựng vào khoảng năm 1819 với tổng chiều dài gần 200km kéo dài từ Bắc xuống Nam, qua các huyện Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ của Quảng Ngãi và huyện Hoài Nhơn, An Lão của Bình Định, dọc theo dãy Trường Sơn.

Luỹ đắp bằng đất và đá (ở vị trí dốc lớn hay núi được đắp hoàn toàn bằng đá để tránh sạt lở), chiều cao thông thường từ 1-3m, nhưng có điểm cao đến 4m, mặt trên rộng 2,5m, chân dày tới 4m. Khai quật tại một số điểm như đồn Xóm Đèo, đồn Thiên Xuân... phát hiện nhiều đồ gốm, đất nung, sành. Ở khu vực núi cao, hiểm trở, di tích gần như còn nguyên vẹn, đặc biệt là một số đồn lớn được bao bọc bởi luỹ cao, dài 1-2km. Bờ luỹ tạo thành đường biên ngăn cách đồng bằng và cao nguyên với tên gọi là “Trường luỹ tĩnh man”, tức “luỹ dài yên định các bộ tộc”.
 
a
Các nhà khảo cổ khảo sát Trường Lũy.

Hiện nay, trên dọc lũy vẫn còn những đoạn lũy khá nguyên vẹn như ở Thiên Xuân, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành. Dọc lũy, thời triều Nguyễn có hệ thống bảo (đồn bảo vệ) mà qua tài liệu có đến 115 bảo và các nhà khảo cổ đã khảo sát 50 bảo.

Tại buổi công bố, các nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ học cho rằng công trình Trường lũy là công trình có ý nghĩa to lớn về giá trị văn hóa, lịch sử, vì vậy tỉnh Quảng Ngãi và ngành chức năng trong quá trình nghiên cứu và lập hồ sơ để công nhận di tích quốc gia cần có sự tham gia của cộng đồng cư dân sống ở khu vực Trường lũy. Có như vậy công trình này mới được bảo vệ và phát huy tác dụng một cách hiệu quả nhất.
 
Tin, ảnh: M.Toàn
 
http://baoquangngai.com.vn/channel/2028/201004/Truong-luy-Quang-NgaiBinh-Dinh-Di-san-van-hoa-co-mot-khong-hai-tai-Viet-Nam-1938191/
,
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
,
,
,