Cuối năm ngoái 2009 tôi có dịp lên Tuyên Quang. Ấn tượng đập vào mắt tôi là một di tích lịch sử nằm ngay giữa trung tâm thị xã, một đoạn thành xây bằng gạch nung đổ nát và hoang phế rêu phong. Đoạn bùng binh ở giữa ngã tư thị xã, có thể nói gần như đối diện với trụ sở UBND tỉnh có một khu thành quách lúc đó đang được đập phá đi để xây lại theo những mĩ từ rất đẹp đẽ và cao cả “trùng tu tôn tạo di tích”.
Thành nhà Mạc khi chưa trùng tu...
Lúc chứng kiến sự việc trên – cuối năm 2009, thú thực tôi không biết khu di tích đó là thành gì? Bây giờ mới biết đó là khu di tích lịch sử quốc gia mang tên “thành nhà Mạc”, xây dựng khoảng vào năm 1552 (còn gọi là thành Tuyên Quang). Nhìn cung cách những người làm công tác “bảo tồn” di tích lúc đó trong lòng tôi gợi nên một mối băn khoăn và nghi hoặc về một kết quả của công việc này. Nhưng rồi công việc bận rộn, nỗi băn khoan đó được tôi… xếp vào một góc.
Gần đây có dịp trở lại Tuyên Quang, tôi vô cùng ngạc nhiên vì di tích lịch sử năm ngoái tôi còn chứng kiến mà dấu ấn thời gian thể hiện trên những viên gạch ố màu cũ kĩ, những bức tường long lở rêu phong, mềm mại gợi cho tôi và biết bao người khác những trầm tư mặc tưởng bây giờ đã biến mất, cứ như có một phép lạ. Thay vào đó là một khu tường thành mới sáng choang đầy vẻ tiện nghi hiện đại.
Thành nhà Mạc sau khi rót gần 10 tỉ để... "trùng tu", trở nên kệch cỡm như thế này.
Đâu rồi vết tích thời gian, đâu rồi sự uy nghi trầm mặc, đâu rồi những giá trị văn hóa tâm linh? Mà mỗi khi đối diện con người ta như được trở về với cội nguồn dân tộc, được ngưỡng mộ trước tinh thần và ý chí khát vọng của tiền nhân, được nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc.
Lại nhớ chuyện dưới thủ đô sắp ngàn tuổi, khu đình Chu Văn An (xã Thanh Liệt – Thanh Trì – Hà Nội) có niên đại hơn 300 năm tuổi. Cũng vừa được “trùng tu tôn tạo cải tạo” bằng cách xây mới hoàn toàn, đáng tiếc nhất là “lầu nghênh phong”, nơi Chu Văn An cũng các học trò đàm luận văn chương thế sự bị san phẳng và hoàn toàn… biến mất trong quần thể di tích này. Từ một ngôi đình hơn 300 năm tuổi, đình Chu Văn An trở thành một ngôi đình “mới lọt lòng” có niên đại vài năm tuổi.
Ở thủ đô “ngàn năm văn vật” còn không hiếm những chuyện như vậy xảy ra, vì thế chuyện ở Tuyên Quang chẳng có chi lạ. Có người nói nhìn thành nhà mạc “chưa đầy năm” chả khác chi ... cái lò gạch.
Công tác trùng tu tôn tạo di tích không chỉ rât tốn kém mà còn đòi hỏi người thực hiện phải có một vốn sống và vốn hiểu biết uyên thâm về lịch sử văn hóa. Nếu không thì thay vì “trung tu tôn tạo” lại hóa ra “phá đền” – việc này thì tội nghiệt thâm trọng lắm.
Một di tích lịch sử quý giá như thành nhà Mạc biến mất kể cũng đau lòng và vô cùng đáng tiếc.
Lê Sỹ Hào
Bình luận mới nhất
Ảnh chụp đẹp không? chúc chú zui zẻ! có nội dung gì mà ở Vtrì thế