Rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đang bị tàn phá
15:08' 17/06/2009 (GMT+7)

Thời gian gần đây, hiện tượng khai thác gỗ rừng trái phép tại khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Na Rì, Bắc Kạn) diễn ra hết sức phức tạp, thủ đoạn ngày một tinh vi và liều lĩnh hơn. Trước đây “lâm tặc” thường lén lút khai thác vào ban đêm, thì nay họ ngang nhiên khai thác giữa ban ngày.

.

 

Lâm tặc hoành hành

 

Ngày 12/06/2009 vừa qua, phóng viên báo Bắc Kạn đã có dịp trở lại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ và đã chứng kiến cảnh phá rừng ở đây. Từ thôn Nà Lẹng xã Ân Tình rẽ phải theo đường mòn lên núi chừng 2km, con đường mòn  trước đây nhiều đá tai mèo lởm chởm đã bị mài nhẵn do lâm tặc lao kéo gỗ từ trên núi xuống. Người dân địa phương gọi khu vực này là Lũng Vạt, cánh rừng núi đá này rộng khoảng 10ha với đủ các loại cây lớn nhỏ, trong đó có nhiều loại cây thuộc các nhóm gỗ quý. Tuy nhiên ở đây hiện cũng chỉ còn những cây cong queo và các cây nhỏ chưa đủ kích thước để khai thác, càng xót xa hơn khi đi sâu vào cuối cánh rừng những cây gỗ nghiến bị chặt hạ la liệt. Theo ước tính sơ bộ của chúng tôi tại khu vực này đã có hàng chục cây bị đốn ngả nằm dài trên sườn núi. Có những chỗ chỉ khoảng vài chục mét vuông mà có đến 3, 4 cây bị chặt đổ. Những cục gỗ nghiến dạng thớt có bề mặt bị nứt vỡ không đạt tiêu chuẩn, nên lâm tặc bỏ lại rải rác bên cạnh những cây bị chặt đổ. 

 

cgbfcgh
Ngổn ngang gỗ nghiến đã bị chặt hạ

Do lợi nhuận cao nên nhiều người đã bất chấp pháp luật, tàn phá rừng nghiêm trọng. Được biết một chiếc thớt nghiến bán tại chân núi có giá từ 120 ngàn đến 150 đồng. Công thuê vác một chiếc thớt có đường kính 40cm, dày 20cm từ trên núi xuống được trả công từ 40 đến 60 ngàn đồng/1chiếc. Đây là số tiền khá hấp dẫn cho công việc không mấy khó khăn này, bởi từ đỉnh núi Lũng Vạt xuống nơi tập kết phía chân núi chỉ khoảng 2000m. Một ngày nếu người có sức khoẻ tốt có thể “cõng” được 4 chiếc từ trên núi xuống. Theo quan sát của chúng tôi, người tham gia vác gỗ có cả phụ nữ và thanh thiếu niên trong xã Ân Tình. Sau khi xuống núi, gỗ sẽ được các đầu nậu vận chuyển phân tán bằng nhiều loại phương tiện, đi đường rừng sang xã Lương Thành và xã Lạng San. 

 

Chính quyền đã thực sự vào cuộc?

 

Chúng tôi đã phản ánh cảnh tàn phá rừng với ông Mã Thiêm Lập, Bí Thư Đảng uỷ xã Ân Tình. Thật khó hiểu bởi sau khi nghe câu chuyện chúng tôi thuật lại, thái độ ông Lập vẫn rất bình thản. Không hiểu do ông chưa nắm được tình hình lâm tặc đang tàn phá rừng tại địa phương mình, hay ông coi đó là việc “thường ngày”? Ông Lập không phát biểu, mà đưa phóng viên tới gặp ông Mã Thiêm Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Tình (chủ tịch xã đi vắng). Ông Hướng cho biết: Hai tháng gần đây, hiện tượng phá rừng trên địa bàn xã đã tương đối yên ổn. Vì xã đã phối hợp với cán bộ kiểm lâm thành lập tổ kiểm tra, kiểm soát do Chủ tịch UBND xã Ân Tình làm tổ trưởng. Qua tìm hiểu mới biết, tổ này hoạt động trong tình trạng ba không? Không gắn kết chặt chẽ được với kiểm lâm địa bàn, không kinh phí hỗ trợ hoạt động, không công cụ hỗ trợ. Trong suốt nhiều tháng hoạt động, đến nay tổ tuần tra chưa vây bắt được tên lâm tặc nào, chưa thu giữ được máy cưa lốc nào. Ông Hướng cho biết, từ khi xã được phủ sóng di động, các đối tượng khai thác gỗ trái phép còn trang bị cả điện thoại di động để báo động cho nhau khi bị kiểm tra…

Lâm tặc đang vận chuyển gỗ xuống chân núi
Lâm tặc đang vận chuyển gỗ xuống chân núi

 

Được hỏi về vấn đề ngăn chặn nạn phá rừng, ông Hướng nói như thuộc lòng: “xã sẽ tăng cường phối hợp với các đoàn liên ngành của tỉnh tổ chức tuần tra, xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật những đối tượng buôn bán, vận chuyển, khai thác rừng trái phép. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền để người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ và giữ rừng”. Thế nhưng, khi được hỏi về giải pháp cụ thể thì ông Hướng lại lúng túng.

l4.gif
Cây mới được lâm tặc chặt hạ

 

Làm việc với ông Nông Xuân Lanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, tại đây ông cho biết: Hiện nay tình hình khai thác gỗ nghiến dạng thớt, trái phép trên địa bàn khu bảo tồn đang diễn ra hết sức phức tạp, hạt cũng đã phối hợp với chính quyền xã và các trưởng thôn bản tuyên truyền vận động trong dân, đặt hòm thư tố giác, ký cam kết đến từng hộ dân… Nhưng tình hình dường như không được cải thiện mà ngày càng gia tăng về tổ chức, quy mô và mức độ liều lĩnh. Về nguyên nhân tồn tại tình trạng trên, ông Lanh cho biết lực lượng kiểm lâm trạm vẫn còn thiếu, một số cán bộ kiểm lâm còn yếu về nghiệp vụ; việc tham mưu cho chính quyền cũng như việc phối hợp với các tổ chức đoàn thể của địa phương trong công tác bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế, còn thiếu trách nhiệm do đó nhiều vụ vi phạm về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.

 

Trước thực trạng trên , dù đã  muộn nhưng các ngành chức năng cần phải vào cuộc ngay để bảo vệ số rừng còn lại.

 

Văn Lạ

 

Ý kiến của bạn

*
*
*
,
,
,
,