Nơi sinh Trạng xứ Thanh

Báo Nông nghiệp VN - 

Xưa, người đời biết đến vùng đất Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa bởi đây được coi là cái “nôi” của truyện dân gian Trạng Quỳnh nổi tiếng.

Bảng Môn Đình, nơi thờ Thành Hoàng làng và vinh danh những người con đỗ đạt thành tài của làng

Nay, nhắc đến địa danh này, người ta không quên gắn với những danh hiệu cao quý: “làng hiếu học”, “làng tiến sĩ”, “làng khoa bảng”...

Và, không biết từ bao giờ, những đứa trẻ ở Hoằng Hóa, khi còn nằm trong nôi đã được mẹ hát ru thế này: “Trai thời chiếm bảng đề danh/Gái thời dệt vải vừa lanh vừa tài”.

TIẾP BƯỚC TRUYỀN THỐNG

Ngày chúng tôi về Hoằng Lộc, làng trên xóm dưới đang xôn xao về chàng trai có biệt danh “cao kều” Nguyễn Quốc Trí ở thôn Đông Phú. Trí vừa đậu thủ khoa Học viện Tài chính khối A với 27,5 điểm và đứng top đầu các tân sinh viên trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội khối B với 28 điểm. Ngoài Trí ra, ở Hoằng Lộc còn hàng trăm em học sinh khác có thành tích đáng nể như thế.

Từ thế kỷ XV, Hoằng Lộc đã có truyền thống hiếu học với vị khai khoa là ông Nguyễn Nhân Lễ, đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu (niên hiệu Hồng Đức thứ 12-1481). Từ thế kỷ XV-XIX, Hoằng Lộc có đến 12 vị đậu đại khoa, trong đó có 7 tiến sĩ được ghi danh trên bia đá tại Văn Miếu Quốc Tử Giám cùng gần 200 hương cống, cử nhân, 140 người đỗ sinh đồ, tú tài. Trong đó, có nhiều vị khoa bảng nổi tiếng tài năng, nhân cách chính trực, thanh liêm như Nguyễn Nhân Lễ, Nguyễn Sư Lộ, Nguyễn Cẩn...

Gắn với truyền thống hiếu học của Hoằng Lộc là “Bảng Môn Đình”. Bảng Môn Đình được xây dựng từ thời Lê (khoảng cuối thế kỷ XV) và đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đây không chỉ là nơi thờ Thành Hoàng làng mà còn là nơi quy tụ, vinh danh những con người đỗ đạt thành tài của làng.

Nơi đây có tục lệ “Trọng khoa hơn trọng hoạn” (trọng người đỗ đạt có học vị hơn người phẩm trật, quan tước). Chính vì thế, ở Hoằng Lộc còn lưu truyền giai thoại rằng: Có một vị quan phẩm tước lớn, nhưng không đối lại được câu đối làng đưa cho, đành phải “vui lòng” ngồi chiếu dưới.

Ấy là chuyện xưa. Còn thời nay, Hoằng Hóa vẫn không hổ danh là vùng đất có truyền thống hiếu học với 13 GS, PGS; 31 tiến sĩ cùng hàng trăm thạc sĩ, cử nhân. Trong đó, có nhiều gia đình có con cháu là GS, tiến sĩ hiện đang đóng góp rất lớn cho ngành giáo dục và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.

Điển hình phải kể đến các GS, PGS tên tuổi như GS Trịnh Quỳ, thầy thuốc nhân dân; Nhà giáo ưu tú - GS Nguyễn Xuân Đặng nổi danh với việc xây dựng đồ án thiết kế các công trình thủy lợi lớn; PGS Nguyễn Bính từng cầm súng chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp, thời chống Mỹ là cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa.

Gia đình ông Nguyễn Thế Hồng, thôn Hưng Tiến có 3 người con là tiến sĩ đang công tác ở Bộ Y tế, Tổng Cty Dầu khí và Sở Ngoại vụ Thanh Hóa; gia đình ông Nguyễn Ngọc Huyền, thôn Bắc Nam cũng có 3 con trai là tiến sĩ đang công tác ở Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một người làm DN.

Bên cạnh những tấm gương hiếu học của những gia đình có điều kiện trên thì 3 người con của nông dân Nguyễn Văn Sáu, ở thôn Đình Nam rất đáng được ca ngợi bởi tinh thần vượt khó, học giỏi của các em.

“Vợ chồng anh Sáu, một người đi phụ hồ, một người mua lúa gạo về xay xát bán lấy tiền nuôi con ăn học. Dù điều kiện thiếu thốn nhưng 2 đứa con gái của anh Sáu vẫn đậu đại học ở 2 trường danh tiếng ngoài Hà Nội. Còn cô con gái út cũng vừa đạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi toán toàn quốc năm 2014”, ông Nguyễn Trường Thành, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hoằng Lộc, cho biết.


Đường về “làng khoa bảng” Hoằng Lộc

GIA ĐÌNH LÀ NỀN TẢNG

Hoằng Lộc vốn ít đất SX nên hầu hết các gia đình đều xác định sự học là “nghề”, thậm chí “nghề học” còn được đưa vào nghị quyết của xã, thôn xóm. Bởi theo thầy Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Mạnh Trinh thì: “Kiến thức thì vô cùng, học cả đời không hết. Phải có hiểu biết thì mới làm nên sự nghiệp”.

Theo thống kê sơ bộ của hội khuyến học xã Hoằng Lộc, trong 5 năm trở lại đây, bình quân tỷ lệ học sinh đậu ĐH, CĐ trên địa bàn đạt trên 70%; gia đình có 2, 3 con học đại học là phổ biến. Cụ thể, năm học 2010 - 2011 có 68/89 em đậu ĐH, CĐ; năm 2011 - 2012 có 69/90 em; năm 2012 - 2013 có 71/94 em và năm 2013 - 2014 có khoảng 40 em đã có giấy báo nhập học của các trường ĐH, CĐ.

Thầy Tuấn chia sẻ, vợ chồng thầy sinh được 2 người con gái là Nguyễn Phi Lê và Nguyễn Thảo Lan. Năm 2000, Phi Lê đạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc và giải nhì Olympic quốc tế môn toán rồi đi du học ở Nhật, hiện nay đang là giảng viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội, còn Thảo Lan học đại học xong về làm kế toán tại Kho bạc Nhà nước TP.Thanh Hóa.

“Hai con tôi được như hôm nay là do ngay từ nhỏ tôi đã lấy việc giáo dục từ trong gia đình làm nền tảng. Tôi nghĩ làm bố làm mẹ quan trọng nhất là hiểu tâm tư nguyện vọng của con, rồi định hướng cho chúng chứ không nên áp đặt. Quan tâm nhưng không cưng chiều; không làm giúp con khi chúng gặp khó khăn nhằm tạo động lực để chúng vươn lên”, thầy Tuấn nhấn mạnh.

“Cách làm của thầy Tuấn có phải là phương pháp giáo dục truyền thống ở Hoằng Lộc?”, tôi hỏi ông Nguyễn Trường Thành, Chủ tịch Hội Khuyến học xã.

Ông Thành phân trần: “Truyền thống hàng trăm năm nay ở Hoằng Lộc luôn đặt sự học lên hàng đầu nên mới có câu cửa miệng: “Đầu năm mẹ mua giấy Hoa Tiên cho con khai bút lấy may/ Ngày nhập môn mẹ dắt con đến vái lậy cửa thầy cậy nhờ đèn sách”. Ở làng quê nghèo này, con học là ông bà, cha mẹ cùng học. Dù vay ngân hàng, bán bò bán lợn họ cũng quyết chí đầu tư nuôi con ăn học thành tài”.


Bia ghi danh các đại khoa thời phong kiến

Ngồi bên cạnh ông Thành, chị Lê Thị Cúc, mẹ thủ khoa Nguyễn Quốc Trí gật gù bảo: “Ngày mùa bận rộn nhưng nhà nào cũng bớt chút thời gian xem con đi học ghi chép được gì”.

Theo lời chị Cúc, vì đất Hoằng Lộc có truyền thống hiếu học rồi nên việc đầu tư cho con cái học trở thành phong trào. Tất cả các ông bố bà mẹ đều chăm lo chuyện học hành cho con ngay từ khi con bước vào trường mầm non đến những năm học phổ thông, nếu con vướng mắc về bài vở họ không ngần ngại chở con đến nhà thầy cô giữa đêm để hỏi.

Trên đất nước Việt Nam, không hiếm những “làng khoa bảng”, nhưng hiếm có nơi nào, các giáo sư, tiến sĩ lại “rải” đều khắp xã như Hoằng Lộc. Tôi tin rằng với những hậu duệ là thủ khoa, á khoa các trường đại học lớn, con em Hoằng Lộc sẽ viết tiếp mạch nguồn hiếu học của các bậc tiền bối, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.


Tin mới