Thứ 6 - Ngày 24/10/2014
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH THÁI BÌNH
- Di tích lịch sử
Đình An Cố

26/06/2014

    Cách đây gần 2300 năm, ở thời Hùng vương thứ 18, vị vua trực tiếp cai quản nước Văn Lang lúc bấy giờ là vua Hùng Duệ Vương (năm 257 trước công nguyên) ở vùng cửa biển thuộc phường Nam Mai - châu Bố Chính, trong đó có trang ấp An Cố, ông Phạm Xuyến và bà Phùng Thị Nguyên, làm nghề chài lưới, tu nhân tích đức, chuẩn bần cứu khổ, khi tuổi đã cao, ông bà mới được trời ban phúc có thai 12 tháng để đến ngày 10 tháng 2 năm Canh Dần thời đó sinh ra cậu con trai thần phong tuấn tú, khí vũ khôi kỳ, vượt vạn vạn người trên trần thế. Ông Xuyến, bà Nguyên tạ ơn trời biển đã làm lễ đặt tên cho con là Hải Công (tức là nhờ công của biển mà ông bà mới có người con khôi kỳ mãn nguyện.)

Khi 13 tuổi, Hải Công đã đi khắp đó đây để tầm sư học đạo, đọc văn luyện võ, nên tài lược thao, thiên văn địa lý, lục giáp thần phù đều tinh thông nổi tiếng. Tuổi vị thành niên mà Hải Công đã lừng danh là thần đồng giáng thế.

Năm 21 tuổi, phụ thân và phụ mẫu của Hải Công lần lượt qua đời. Sau 3 năm tang hiếu giữ trọn đạo thờ cha cúng mẹ, Hải Công mới tính chuyện đi tìm bạn hiền tài, chí cao tâm sáng, để chờ cơ vận, đem thân phù nước giúp dân. Hải Công đến núi Tản Viên thuộc đạo Sơn Tây để kết giao với 3 anh em nhà Sơn Thánh - họ đều là những anh hùng hào kiệt.

        Khi vua Hùng Duệ Vương kén tuyển phò mã, gả công chúa Ngọc Hoa cho người anh cả là Sơn Thánh, hai em ruột của Sơn Thánh là Cao Sơn và Quý Minh, cùng bạn kết nghĩa là Hải Công đều được vào triều nhận việc giúp vua. Hải Công chỉ huy một trong bốn đạo quân của triều đình.

        Sau đó một thời gian, ở đạo Sơn Nam - chính là quê gốc của Hải Công, thiên tai dịch bệnh hoành hành làm muôn dân thống khổ. Được thần báo mộng: Hải Công là Thiên Thánh giáng trần, thủy thần xuất thế, vua Hùng Duệ Vương đã triệu Hải Công phong chức Đô đài Thiên quan, kiêm Đại nguyên soái dẫn quân về huyện Thụy Anh, phủ Thái Ninh, lập đàn tế cáo trời đất tại cửa bể Bình Lạng, Đại Bàng. Nạn hồng thủy được dẹp yên. Nhân dân An Cố nghênh đón Hải Công về trang ấp, coi đây là niềm vinh hạnh, vì đã có người con quê hương ra tay trừ được thiên tai dịch bệnh, đem lại yên vui cho cả đạo Sơn Nam.

Sau chiến công đó, được vua ban thưởng, Hải Công tâu vua xin được trở về quê hương để làm chúa đạo Sơn Nam. Ngài nhận dân An Cố là thần dân, rồi cho lính, và mọi người xây dựng một cung sở tại trang ấp An Cố để Ngài tiện việc chỉ bảo thần dân tăng gia sản xuất.

        Khi vua Hùng Duệ Vương tuổi cao, quân Thục Vương - tức Ai Lao đem trăm vạn người, ngựa sang xâm chiếm nước ta. Sơn Thánh tâu vua triệu Hải Công về triều để bàn kế phá giặc. Hải Công cùng Sơn Thánh tuyển mộ 30 vạn quân hùng tướng mạnh để bày binh bố trận. Chỉ một trận đại chiến, 5 cánh quân giặc Thục bị đánh tan tành. Thắng trận, vua ban thưởng, toàn dân ca hát khải hoàn. Có công lớn, và được ban thưởng trong 2 đại sự Quốc gia, Hải Công xin vua được đi chu du thiên hạ để thỏa chí tang bồng.

Sau những tháng năm chu du tứ hải nhân sơn, Hải Công trở về quê An Cố - Nam Mai làm lễ yết gia bái đường. Qua năm sáu ngày yến ẩm cùng bạn bè đồng mục, họ hàng dòng tộc, ngày 15 thánh 11 âm lịch năm ấy, trời đất tối sầm, thú chầu, sóng dữ, Hải Công đi về cửa bể phía nam hóa thánh về trời.

        Sau khi Hải Công về trời, thần dân An Cố làm ăn bất ổn, cuộc sống bất thường. Có cây gỗ lớn cứ đêm đêm lại trôi vào cung sở. Mọi người trong trang ấp An Cố đều được báo mộng rằng: Cây gỗ đó chính là hiện thân của Hải Công, cần phải rước Thần hiệu của Ngài về viết vào cây gỗ, rồi lập đình trên đất cung sở để thờ muôn thủa. Thần dân An Cố liền viết biểu tâu vua. Xét công lao to lớn của Hải Công trong việc trừ thiên tai dịch bệnh, dẹp tan ngoại xâm, và dạy bảo thần dân An Cố làm ăn thịnh vượng, vua đã truy phong Ngài là: Nam Hải Đại vương, thượng đẳng phúc thần. Đồng thời vua cho kinh phí để lập đình, đền thờ đức thánh Nam Hải Đại vương tại trang ấp An Cố. Lễ mừng Đức Thánh nhập đình, đền là ngày 25 tháng 7 năm đó.

          Cần phải nói thêm rằng: Từ đời vua Hùng Duệ Vương cho phép lập đình, đền, miếu mạo đến nay đã hơn 2000 năm. Trải qua nhiều triều đại, nhiều đời vua, nhiều đời con cháu hậu duệ là thần dân An cố, chắc chắn ngôi đình, ngôi đền dựng từ lần đầu tiên, đến nay đã được tôn tạo, thay đổi nhiều lần. Nhưng dù ở triều đại nào, Đức Thánh Nam Hải Đại vương vẫn phù dân giúp nước. Bằng chứng là 13 triều đại đều nhờ Ngài mà chiến thắng ngoại xâm, nên các vị vua đã phong thần tri ân công đức của Ngài. 13 sắc phong còn nguyên triện đỏ hiện đang lưu ở đền, mãi mãi là nguồn tự hào của thần dân An Cố.

          Ngôi đình hiện tại là ngôi đình to nhất thay thế những ngôi đình dựng trên nền đất cung sở trước đó. Ngôi đình này được khởi công lắp ráp vào năm 1527. Khánh thành vào năm 1528. Như vậy đình mới này có tuổi là 484 năm. Còn ngôi đền hiện tại, cũng là nơi thờ Đức Thánh Nam Hải Đại vương từ cách đây hơn 2000 năm. Nhưng đến đầu thế kỷ 20 đã làm lại. Hơn 100 năm mưa nắng, chiến tranh, và lòng người đối với Thánh mỗi thời có sự tàn phá, hoặc tri ân công đức khác nhau, đến nay đền đã xuống cấp, mất mát nhiều phần và có những phần không thể làm lại được.

Đình An Cố đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa theo quyết định số 313-VH/VP ngày 28 tháng 4 năm 1962. Trong những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc đã xây dựng kế hoạch, đầu tư kinh phí, huy động nhân dân, các nhà hảo tâm đóng góp công sức, tiền của để tu bổ, mở mang dần dần một số công trình thiết yếu để bảo vệ khuôn viên của đình cũng như tổ chức đón khách thập phương về tham quan.

Sưu tầm
 
Bản quyền thuộc Trung tâm xúc tiến du lịch Thái Bình
Địa chỉ: 194 Hai Bà Trưng - Thành phố Thái Bình
Mọi chi tiết xin liên hệ: Tel: 0363.645.806
Email: dulichthaibinhtb@gmail.com