Nghề làm trống ở làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã có từ hơn một nghìn năm về trước.
Từ Hà Nội, vượt gần 50km đường bộ, chúng tôi tìm về làng trống Đọi Tam của tỉnh Hà Nam. Sau khi đi một vòng quanh làng, ấn tượng đầu tiên là phần lớn các hộ gia đình ở Đọi Tam vẫn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại. Đến khi gặp gỡ và tiếp xúc với những nghệ nhân của làng chúng tôi mới biết Đọi Tam ruộng chỉ cày cấy được một vụ, thời gian còn lại cả cánh đồng ngập trong nước nên dân làng phải bám vào nghề làm trống mới trụ được qua những thời kỳ khó khăn nhất.
Do đây vừa là nghề truyền thống lại vừa là kế mưu sinh không phải nơi nào cũng có nên theo quy định của làng, kỹ thuật làm trống chỉ được truyền cho con trai, không truyền cho con gái, con rể hay người ngoài. Nhưng với mong muốn tiếng trống Đọi Tam ngày một vang xa hơn nên ngày nay các bậc cao niên của làng đã quyết định: bất cứ ai thật lòng tâm huyết với nghề, nếu đã tìm về đây đều được truyền dạy kỹ năng làm trống.
Vào thăm một hộ gia đình làm trống lớn nhất trong làng, đó là hộ ông Nguyễn Văn Huỳnh, chúng tôi mới thấy nghề làm trống cũng lắm công phu. Ông Huỳnh cho biết thợ làng Đọi Tam làm đủ các loại trống: trống dùng trong lễ hội, trống dùng để biểu diễn nghệ thuật, trống trường, trống đồ chơi.
Vẫn là những bước làm trống cơ bản như bao nơi làm trống khác nhưng trống Ðọi Tam tạo được thương hiệu nhờ độ bền đẹp, nhờ bàn tay tài hoa cũng như tinh thần trách nhiệm của người thợ. Theo ông, để làm được một chiếc trống hoàn chỉnh phải qua ba bước: xử lý da trâu, làm tang và bưng mặt trống - trong đó khâu quan trọng nhất là làm tang và bưng mặt trống.
Gỗ làm tang trống được lấy từ cây mít - một loại gỗ nhẹ và “mềm” nên khi đóng luôn giảm thiểu được tình trạng bị cong vênh hay nứt vỡ. Ngoài ra gỗ mít ít co giãn và có đàn hồi nên giữ được hình dáng nguyên vẹn của trống sau nhiều năm sử dụng.
Gỗ sau khi xẻ được cắt làm nhiều khúc, sau đó pha thành từng dăm. Tùy theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu dăm, cũng như là độ cong, độ dẻo của dăm để khi ghép lại không có khẽ hở. Theo quan sát của chúng tôi, những chiếc tang trống xếp ngổn ngang trong sân nhà ông Huỳnh được khép khít và mài nhẵn tới mức mắt thường khó có thể nhìn thấy vết ghép.
Sau khâu làm tang trống và xử lý da trâu là khâu bưng trống. Da trâu được quây tròn căng hết cỡ trên mặt trống rồi dùng đinh chốt được làm từ vầu hoặc thân tre già đóng cố định vào thân trống.
Không thấy tấm da trâu nào trong nhà ông Huỳnh, chúng tôi có thắc mắc thì được biết các công đoạn làm trống hiện nay ở làng phần lớn đã được chuyên môn hóa: có hộ chuyên làm tang trống, có hộ chuyên về xử lí da trâu và bưng trống. Chính sự chuyên môn hóa này khiến chất lượng trống Đọi Tam ngày một nâng cao.
Khi hỏi về đầu ra cho sản phẩm, ông Huỳnh cho biết ngày thường luôn có một toán thương lái trong làng đi khắp nơi nhận làm trống theo yêu cầu rồi quay về Đọi Tam đặt hàng các cơ sở trong làng. Do làm theo yêu cầu nên giá bán trống cũng tỉ lệ thuận với kích thước của trống: nhỏ nhất như trống đồ chơi là vài chục nghìn đồng còn lớn nhất như các loại trống đại, trống sấm có thể lên đến hàng chục triệu đồng.
Trong thời buổi hiện nay, làng trống Đọi Tam không chỉ trông chờ ở các hợp đồng sản xuất trống mà còn biết hướng tới thị trường để sản xuất thêm những sản phẩm phù hợp với làng nghề. Tại hộ nhà ông Phạm Lương Khanh, ngoài trống các loại, chúng tôi còn bắt gặp sản phẩm bình rượu vang bằng gỗ và nhiều loại mẫu mã trang trí cho bình rượu như xe trâu, xe kéo pháo, bàn xoay... Tất cả đều được người Đọi Tam sản xuất để phục vụ người tiêu dùng cả nước trong các dịp lễ, tết vài năm gần đây.
Dù trải qua bao thăng trầm nhưng người dân Đọi Tam vẫn luôn tự hào là nghề làm trống của làng không bị thất truyền và thậm chí, họ còn biết vươn lên làm giàu được bằng nghề truyền thống.