* Kích thước: Chiều cao: 90cm; chiều rộng: 47cm; dày 11cm
* Số lượng: 01
* Miêu tả:
- Mặt trước: Bia chùa Sùng Khánh được dựng dưới triều Vua Trần Dụ Tông, niên hiệu Đại Trị năm thứ 10, tháng 3 năm Đinh Mùi, (1367), được tạc bằng đá xanh nguyên khối. Bia có chiều cao 90cm, chiều rộng 47cm, dày 11cm. Phần chân bia dài 29,5cm, rộng 9cm cắm vào lưng rùa. Chiều dài từ đuôi đến đầu rùa 95cm, rộng 57cm, cao 19cm, cổ và đầu rùa dài 24cm. Rùa được đặt trên bệ đá xây (đá hoa màu xám), đầu rùa tạc rõ hai mắt và sống mũi, tư thế nghển cao, đuôi rùa vắt lên mai. Rùa có bốn chân, năm móng quắp lại như đang ráng sức đỡ tấm bia trên lưng. Toàn thân rùa được chạm trổ tinh tế, mềm mại, hình khối cân đối và vững chãi. Lưng rùa nhẵn và tròn trịa, giữa lưng có đục một mộng ghép hình chữ nhật để ghép chân bia.
Diềm và trán bia được trang trí hoa văn dây cách điệu hình “sin”, uyển chuyển và liên hoàn, cạnh bia để trơn.
Trán bia được bao bọc trong bằng trang trí hình cánh cung rộng 38cm, chia làm 3 ô hình chữ nhật tương xứng. Ô chính giữa khắc hình Phật A Di Đà toạ trên đài sen trong tư thế bán kết già, bên cạnh Phật A Di Đà có 2 hầu cận tay chắp trước ngực; hai ô bên khắc hình hai con rồng giống nhau, tựa như đối xứng, trong tư thế đang bay, đầu nghển cao hướng tới toà sen. Toàn bộ bia toát lên dáng vẻ vững vàng, bền chắc về hình khối, văn bia chạm khắc sắc sảo nét chữ chân phương, đường nét trang trí tinh xảo, mềm mại và mang những đặc trưng chung của nghệ thuật điêu khắc, trang trí thời Trần.
Bài văn bia trong khung trang trí có đầu đề là “Sùng Khánh tự bi minh linh tự”. Bẩy chữ này có khổ dụng cùng với chữ trong toàn bài và được chép ở dòng đầu của tấm bia theo chiều từ phải sang trái.
Nội dung văn bia gồm 18 dòng với 436 chữ Hán (Trong đó có một số chữ Nôm). Nét chữ khắc sâu, còn rất rõ và không có dấu hiệu nào chứng tỏ bia khắc lại ở thời gian sau.
- Mặt sau: Mặt sau bia để trơn không trang trí hoa văn, chỉ mài qua khắc hai hàng gồm 65 chữ chữ Hán nói về những người cúng thí, người nô ruộng và trâu cho chùa.
* Hiện trạng: Bia đá chùa Sùng Khánh trải qua thời gian lâu dài với những biến cố thăng trầm của lịch sử nên hiện nay đầu rùa đã bị gãy cổ nhưng còn tại đó và được gắn xi măng, mặt trước dưới thân bia (bên trái) bị sứt một phần dài 15,5cm, rộng 2,7cm.
* Niên đại: Bia đá chùa Sùng Khánh được tạo vào năm Đinh Mùi (1367) thời Trần, đời vua Trần Dụ Tông.
* Nguồn gốc, xuất xứ: Bia đá chùa Sùng Khánh dựng trên quả đồi thuộc thôn làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Tác giả bài minh được khắc trên bia đá chùa Sùng Khánh là Tạ Thúc Ngao, hiệu Sở Khanh được phong Phụng độc học sinh thư sử trực thủ - một chức quan ở kinh sư được cử đi xem xét việc biên giới ở phía Bắc. Trước sự cầu thị và lòng khâm phục đối với Nguyễn Công - người sinh trong gia đình quyền quí lại ở vùng bạc ác, khó giáo hoá mà lại có thể tự giác giác tha nên ông đã làm bài minh khắc trên bia đá.
* Ghi chú: Chùa Sùng Khánh hiện còn lưu giữ một số hiện vật tiêu biểu như: Qủa chuông đồng đúc năm 1704 (đời vua Lê Hy Tông) và tấm bia đá tạo năm 1705 (đời vua Lê Dụ Tông).
* Lý do lựa chọn
Bia đá chùa Sùng Khánh là hiện vật gốc độc bản còn tương đối nguyên vẹn, được dùng để so sánh đối chiếu một số tự dạng thời Trần khi nghiên cứu các văn bản khác. Tấm bia không chỉ khẳng định sự ra đời của một ngôi chùa thờ Phật ở vùng biên cương hẻo lánh mà còn có một sử liệu quan trọng là việc dòng họ Nguyễn thế tập làm phụ đạo quản trị ở đây ràng buộc với ngôi chùa.
Bia đá chùa Sùng Khánh là một tài liệu bia ký nguyên vẹn, trang trí hình Phật, rồng, hoa dây…chưa từng thấy trên tấm bia thời Trần nào hiện biết. Tấm bia còn giúp thêm tài liệu cho việc tìm hiểu địa danh, lịch sử, chữ viết thời Trần, đặc biệt là sự xuất hiện của chữ Nôm khắc trong văn bia. Ngoài ra, chúng ta còn biết chế độ Phụ đạo ở thời Trần được chính quyền Trung ương thi hành rộng rãi. Tấm bia còn là chứng cớ nói lên ảnh hưởng của Phật giáo thời Trần thời bấy giờ tại vùng biên viễn, biểu hiện lớn mạnh của chính quyền trung ương thời Trần đã quản lý chặt chẽ và bảo vê vững chắc mọi miền biên cương của đất nước.