Thứ 6, 24/10/2014, 19:41 (GMT+7)
Đường dây nóng
: (04) 39364407(116) - 091.2011.882
Chính trị
Đối ngoại biên phòng
Chính sách dân tộc
Chính sách tôn giáo
Đạo đức Hồ Chí Minh
Quân sự - Quốc phòng
Biên phòng toàn dân
Pháp luật
Đời sống pháp luật
Văn bản pháp luật
Giải đáp pháp luật
Kinh tế
Xã hội
Phòng chống thiên tai - Cứu hộ cứu nạn
Văn hóa - Thể thao - Giải trí
Phóng sự
Ghi chép
Bút ký
Quốc tế
Xã hội
0
Lời thề Bến Tượng
22/01/2014 14:33
Đầu tháng 4-1288, Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo chỉ huy một đạo quân từ Đại bản doanh A Sào, vượt sông Hóa đi đánh trận Bạch Đằng. Đứng trên bờ đê sông Hóa, Trần Hưng Đạo còn đang chăm chú nghe các bô lão trong vùng kéo đến chúc mừng đại quân lên đường ra trận và hiến kế vượt sông thì người quản tượng thân tín đã chạy từ bãi sông về cấp báo: Đạo tiền quân chưa qua hết sông thì voi đã bị sa lầy! Lập tức, Trần Hưng Đạo cùng đoàn tùy tùng, có cả các bô lão làng A Sào, chạy bộ một mạch ra bến sông. Lúc này, voi đã lún sâu xuống vũng sa bùn, chỉ còn lại cái đầu nhô lên mặt nước. Voi nhìn người quản tượng, nhìn mọi người, nước mắt giàn giụa. Trần Hưng Đạo cũng rớm lệ. Người tuốt thanh kiếm sáng loáng chỉ xuống dòng sông Hóa thét lớn: "Ra đi lần này nếu không thắng giặc sẽ không bao giờ trở về bến sông này nữa".
Tượng voi thờ tại đền A Sào - Bến Tượng.
Đàn tế trời đất cùng "ông voi" được lập ngay trên bến sông. Dân từ các làng kéo đến mang theo hoa quả, hương thơm mỗi lúc một đông. Trần Hưng Đạo cùng đại quân và các bô lão trong vùng thắp hương vĩnh biệt "ông voi" chiến hữu, để lại tại chỗ di tích và địa danh "Bến Tượng". Và đúng như lời thề, quân ta đã thắng trận quyết chiến Bạch Đằng giang lịch sử.
A Sào - Bến Tượng từ đấy thành nơi thắng địa của huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Trước đấy, nơi đây chính là Thái ấp của Phụng Kiền Vương Trần Liễu (phụ vương của Trần Hưng Đạo với tên gọi từ thời nhà Lý là: A Côi). Dân cư đông đúc, ruộng đồng phì nhiêu, sông ngòi chằng chịt, nằm giữa một bên là sông Luộc, giáp với huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, một bên là sông Hóa đối ngạn với huyện Vĩnh Bảo, nay thuộc thành phố Hải Phòng. Đây là một vùng đất chiến lược, vì thế, ngay từ năm 1250, triều đình nhà Trần đã quyết định đặt những kho lương lớn ở vùng này, như: Kho Đại Nẫm (Quỳnh Thọ, Quỳnh Phụ), kho Mễ Thượng (An Thái, Quỳnh Phụ), kho Phong Nẫm (Thụy Phong, Thái Thụy), kho Lưu Đồn (Thụy Hồng, Thái Thụy), trong đó, hai kho lớn và quan trọng nhất là: "A Sào Khu" và "An Hiệp Trang", nay thuộc các xã An Đông, An Thái, Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ).
Triều đình nhà Trần còn huy động các làng nghề thủ công truyền thống trong vùng như: Các làng có nghề dệt, tập trung vải may quần áo cho binh lính; các làng có nghề thuộc da, làm da bọc yên ngựa; các làng có nghề rèn, tập trung rèn gươm, giáo... Ngoài việc rèn, đúc vũ khí, làng Cau Dương (ở xã Thụy Hưng, Thái Thụy) còn được giao việc chế tạo những đoạn xích sắt khổng lồ để giăng ở các cửa sông lớn trọng yếu, ngăn các chiến thuyền giặc từ biển vào, kèm lời biểu dương: "Cau Dương rèn sắt nên công nhất miền". Gần đấy, ở xã Đông Tiến, Quỳnh Phụ hiện vẫn còn ngôi đền Hòe Thị thờ viên tướng họ Đào có công rèn xích sắt giúp nhà Trần đánh quân Nguyên - Mông trên các cửa sông. Vế câu đối: "Thiết võng tỳ Lục Đầu Giang hạ đại phá Nguyên binh", nghĩa là "Lưới sắt giăng cửa Lục Đầu phá tan giặc Nguyên - Mông" vẫn luôn là niềm tự hào của một làng nghề rèn, có công sản xuất vũ khí cho triều đình nhà Trần ngày ấy.
A Sào - Bến Tượng, thái ấp của Phụng Kiền Vương Trần Liễu, đại bản doanh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, ở trên đất Quỳnh Phụ cũng chính là miền đất chiến lược liền kề với vùng đất Long Hưng - Ngự Thiên (huyện Hưng Hà). Trong lịch sử thì vùng đất này đã từng là chỗ dựa vững chắc của triều đình nhà Lý, nhà Trần, là quê hương của Thái úy Lưu Khánh Đàm (nhà Lý), vùng đất của bốn đời nhà Trần, từ Trần Hấp, Trần Lý, Trần Thừa, Trần Thị Dung, Trần Tự Khánh, Phùng Tá Chu, Trần Thủ Độ... đến Trần Cảnh (Trần Thái Tông - hoàng đế đầu tiên của nhà Trần), miền đất có sức người, sức của dồi dào, đã giúp cho triều đình nhà Lý cũng như triều đình nhà Trần xây dựng được một lực lượng quân đội hùng mạnh, một hậu phương vững chắc của quốc gia.
Nhận rõ tầm quan trọng của vùng đất chiến lược Quỳnh Phụ, Thái Thụy, triều đình nhà Trần (ngay từ trước khi chống giặc Nguyên - Mông) đã cử một viên tướng hoàng tộc, tuy trẻ tuổi nhưng đã tỏ ra sự sáng suốt và tài năng, về đồn trú tại A Sào và trấn giữ cả một vùng rộng lớn gồm nhiều kho lương và cơ sở hậu cần của quốc gia. Viên tướng đó chính là Trần Hưng Đạo, vương tử của Phụng Kiền Vương Trần Liễu. Vì thế, đến khi đã trở thành Quốc công tiết chế, thống lĩnh toàn bộ quân đội nhà Trần, thì A Sào cũng là nơi đặt đại bản doanh của Trần Quốc Tuấn. A Sào cũng chính là nơi Trần Quốc Tuấn đích thân chỉ huy nhiều trận đánh lớn trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai và lần thứ ba.
Năm 2012, Khu Di tích lịch sử A Sào - Bến Tượng đã được Nhà nước cấp bằng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Trong chuyến đi thực tế sáng tác của Đoàn nhà văn - Hội Nhà văn Việt Nam tháng 9-2013. Đoàn nhà văn chúng tôi đã được bác sĩ Nguyễn Viết Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ, phụ trách Khu Di tích lịch sử A Sào - Bến Tượng, giới thiệu về khu Di tích lịch sử này hiện đang được tôn tạo nâng cấp hoành tráng. Ông còn kể cho chúng tôi nghe một hiện tượng lạ về sự tích "Ông rồng" bằng vải vàng, dài khoảng trên hai mươi mét (đã tháo bỏ phần khung bằng tre) được đặt trong tủ kính trưng bày tại đền A Sào. Ông Nguyễn Viết Thưởng nói: Trong dân gian có câu nói về ngày sinh của Trần Hưng Đạo: Sinh ở Kiếp Bạc, thác ở Trần Thương, xương ở Tức Mạc, nhưng câu nói đó chưa có chứng minh thuyết phục và nơi sinh của Trần Hưng Đạo vẫn còn cần tiếp tục tìm hiểu. Do đó năm 2002, đền Phủ Giầy lập đàn tế, sau đó buộc những quả bóng bay vào lưng rồng rồi thả lên trời, nếu rồng hạ xuống đâu, đấy là nơi sinh của Trần Hưng Đạo. Trên mình rồng có ghi số điện thoại và lời đề nghị: Rồng đáp xuống đâu xin nơi đó gọi điện báo cho Ban quản lý đền Phủ Giầy. "Ông rồng" vải đó đã bay qua Tức Mạc, cầu Tân Đệ, Hưng Hà, bay về đến Quỳnh Phụ thì hạ xuống A Sào! Được tin có "ông rồng" vải bay về, nhân dân trong vùng kéo đến rất đông dâng hương, mừng đón, bái tạ. Theo số điện thoại được ghi ở mình rồng, đại điện đền A Sào đã gọi điện báo cho đền Phủ Giầy. Lập tức đại diện đền Phủ Giầy đã điện lại chúc mừng đến Ban quản lý đền A Sào, nơi "ông rồng" hạ xuống và đấy chính là nơi đã sinh ra đức Thánh Trần.
Câu chuyện về rồng vải bay về đền A Sào - Bến Tượng thật là một điều bất ngờ, thú vị như trong mơ. Mỗi người có những suy luận của riêng mình, nhưng ai cũng muốn có một lần đến với A Sào - Bến Tượng. Và đến với quần thể Di tích lịch sử tôn miếu nhà Trần vùng Long Hưng - Ngự Thiên xưa.
Khu Di tích lịch sử quốc gia đền A Sào - Bến Tượng đang được quy hoạch với diện tích 32ha gồm nhiều hạng mục, công trình đang được nhân dân huyện Quỳnh Phụ xây dựng, tôn tạo. Và sẽ hoàn thành vào dịp lễ hội đền A Sào - Bến Tượng, nằm trong hoạt động của "Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng, 2013".
Đào Ngọc Du
0
Bình luận
Xem bình luận khác
Gửi bình luận của bạn:
Nội dung
Gửi bình luận
Tin ảnh
Hội thi cán bộ huấn luyện Điều lệnh giỏi và Hội thao Võ thuật BĐBP khu vực phía Bắc
Hà Nội qua góc nhìn của các nhà báo
BĐBP Bình Định diễn tập BP-14: Nâng cao năng lực chiến đấu bảo vệ biên giới biển, đảo
Triển vọng mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nghi Sơn được mùa cá Nam
Tăng cường hợp tác bảo vệ biên giới Việt Nam-Cam-pu-chia
Video
Ký sự Biển đảo - Tập 11
Ký sự Biển đảo - Tập 10
Ký sự Biển đảo - Tập 9
Liên kết hữu ích