Tương truyền vị tướng đời thứ 6 của Vua Hùng, có tên húy là Nhự hay còn gọi là thần Già La và thần Khai Nguyên trên đường đi đánh giặc Ân bị giặc chém vào cổ ngả đầu về một bên vẫn phi ngựa về làng. Đến đoạn vườn Hồng, nơi có cây đa tại ngã ba Nhật Tân có một quán hàng nước, ngài bèn hỏi bà hàng nước: “Cổ tôi thế nay liệu còn sống được không?”. Bà hàng nước xem và trả lời: “Ngài có là người nhà trời mới sống được!”.
Sau đó ngài phi ngựa đi được một quãng về đến đầu làng Phú Gia thì hóa tại đây, để ghi nhớ công lao của ngài dân làng Phú Gia lập đền thờ để nhân dân muôn đời thờ phụng.
Dựa vào tư liệu lịch sử, đình Phú Gia chính thức được đặt tên vào khoảng năm 1258. Năm 2001, đình được Nhà nước công nhận di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia, năm 2009 đình được phục dựng lại gần như nguyên bản và năm 2010 đình Phú Gia được gắn biển công trình nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội.
Theo tục lệ hàng năm, hội đình làng Phú Gia bắt đầu vào ngày mùng 08 tháng Giêng với lễ Bao Sái (lau tượng). Làng Phú Gia bao gồm 6 xóm nhỏ, năm nay người dân tại xóm 1 sẽ đảm trách công việc Bao Sái mở màn lễ hội. Từ sáng sớm, phụ nữ trong xóm sẽ lo phần việc quét dọn sân đình, thổi xôi, đóng oản…
Còn các bậc cao niên, thanh niên trai tráng sẽ phụ trách việc lau tượng, các đồ thờ lễ và sắp xếp Kiệu bát cống chuẩn bị cho lễ rước nước vào sáng hôm sau (tức lễ Túc Yết ngày mùng 9)
Đình làng Phú Gia hiện đang lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử được nhà nước công nhận di sản văn hóa như: bộ Kiệu bát cống, long đình, cẩn kiếm, cẩm kê gỗ, sập linh sàng, gáo đồng, bài vị cổ.v..v trải qua nhiều triều đại trong lịch sử.
Cụ Nguyễn Văn Quế, trú tại xóm 1 hồi ức: "Tôi được theo chân cha và ông nội đi rước lễ từ năm lên 10 tuổi, mỗi lần nhìn những hiện vật này mọi hoài niệm lại ùa về. Thiêng liêng lắm! Hy vọng mọi thế hệ mai sau phải tiếp tục gìn giữ những giá trị mà cha ông ta đã để lại…”.
8h30 sáng mùng , các sư thầy, hội Phật tử cùng toàn thể nhân dân trong làng đã long trọng làm lễ rước nước ngoài bến sông. Đoàn rước gồm chủ tế, đội múa rồng; đội đánh trống, đánh chiêng; đội cầm vũ khí: gươm hầu, bát bửu, chấp kích; đội khiêng chĩnh (chóe) để đựng nước; 2 đội nhạc lễ: bát âm, đồng văn (trống); đội dâng hương hòa trong tiếng trống phách, tiếng nhịp chinh tiền rộn ràng trong sắc cờ hoa.
Thuyền đi dần ra giữa sông, 2 chum ngô sẽ được múc đầy trước trong tiếng trống quân ngân lên vang vọng đất trời
Theo cư dân nơi đây, tiến hành lễ rước nước là lấy dòng nước trong sạch, tinh khiết ở giữa dòng sông Hồng (hay còn gọi là dòng nước hai) về để tắm thánh, thể hiện lòng thành kính, biết ơn đến các vị thần được thờ ở đình. Đồng thời, nói lên ước mơ nguyện vọng của cư dân định cư canh tác nông nghiệp trong vùng sông nước cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.
Sau khi đã lấy đủ nước, nhân dân quanh vùng làm nghi lễ rước nước về Đình
Các đội tế nữ thực hiện nghi lễ dâng hương
Sau lễ rước nước, buổi chiều, nhân dân trong làng tiếp tục tổ chức lễ tế Nhập tịch (tế Túc yết) do các cụ tế nam đảm nhiệm được tiến hành. Sau đó, các dòng họ, gia đình trong làng dâng đồ lễ Thánh.
Ngày mai (mùng 10 tháng Giêng) là ngày chính Hội đình làng Phú Gia và kết thúc với buổi lễ tế đêm chung do đội tế nam đảm trách thực hiện vào lúc xế chiều.
Trong các ngày diễn ra lễ hội tại khuôn viên đình tổ chức nhiều hoạt động TDTT, trò chơi dân gian truyền thống: Chọi gà, kéo co, cờ tiên, tổ tôm, bài điếm của các cụ cao niên.
Một số hình ảnh tại lễ hội:
Mạnh Kiên