Đình So
Đình So là đình của làng So (còn có tên là Sơn Lộ) thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai (Hà Tây cũ), cách trung tâm Hà Nội chừng 40km. Từ trên đê sông Đáy cong cong như một dải lụa đào đã thấy đình So hoành tráng và uy nghi soi bóng trên mặt hồ bán nguyệt.
Trước cổng tam quan của đình là một khoảng sân rộng lớn, nơi dân làng So vẫn thường dùng phơi miến bánh (tấm tráng nguyên bản chưa đưa vào máy cắt) và đám trẻ làng nô đùa mỗi khi chiều về. Suốt dọc triền đê êm ả là những nong miến sợi phơi dài hai bên đường, tạo nên một khung cảnh làng quê yên bình và thi vị.
Cổng tam quan đình làng So rất đẹp với một dãy bậc thang đá có 18 cấp dắt xuống phía hồ bán nguyệt, hai bên có hai hàng lan can bằng đá, mỗi đầu có tạo hình đám mây rất mềm mại và sống động, tạo cảm giác mây vờn gió thổi rất nhẹ nhàng.
Được xây dựng vào năm 1673 dưới đời vua Lê Gia Tông (theo sách Sơn Tây địa chí của Phạm Xuân Độ), đình So được coi là một trong những ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài với kiến trúc đình mẫu mực.
Đình thờ tam vị nguyên soái Đại Vương là các vị tướng đã theo vua Đinh Tiên Hoàng đi dẹp loạn 12 sứ quân năm xưa, đã qua bốn lần tu sửa nhưng đến nay vẫn giữ được những nét đẹp tinh xảo và thơ mộng như tự thuở nào.
Hai đầu phía ngoài tam quan là hai cây đại cổ thụ cành lá khẳng khiu không biết đã bao nhiêu năm tuổi đời vẫn đang kiên gan cùng tuế nguyệt. Vào mùa hoa đại rụng trắng dưới nền đất, đám trẻ con nghịch ngợm leo cành rung cây như bầy khỉ nhỏ, hương hoa ngan ngát thoảng bay.
, Times, serif;">
Tam quan có kiến trúc 2 tầng, 3 gian, 4 mái, hai bên còn có cổng ra vào, ngày thường không mở, cửa đóng then cài. Khách đến tham quan thường vào đình từ con đường bên phía UBND xã hay con đường nằm phía bên phải đình, bắt đầu xuống xe đi bộ từ nơi có những bậc thang “Hạ Mã”, nơi mà các cụ già ở làng vẫn kể là “nơi xuống ngựa” xưa kia.
Các họa tiết trang trí và chạm khắc trên nóc tam quan vô cùng đẹp và tinh xảo, đặc biệt là hình ảnh lưỡng long triều nguyệt ở trên cao và bốn con linh thú nằm ngoan lành dưới chân những cột gỗ.
Đình làng có 7 gian, 2 chái, 4 mái rộng lợp ngói, đầu đao bốn góc uốn quanh, mái đao cong vút như mũi hài, kiêu hãnh và lộng lẫy. Bên trong đình các cột gỗ lim lớn nhỏ xếp thành 6 hàng ngang, 10 hàng cột, có 32 cột lim lớn một vòng tay người ôm không xuể và 32 cột lim nhỏ bao quanh, sau điện thờ là “cung” chỉ mở cửa vào khi có hội.
Mặt sàn bằng gỗ lim, hiên có bờ tường thấp. Bao quanh đình là các cánh cửa bức bàn, có chấn song con tiện, kết hợp hài hòa giữa gạch và gỗ. Vào những ngày hội hè đình đám, các cánh cửa ở mặt trước và hai bên hông sẽ được mở chéo ra, bên trong đình trải chiếu hoa trên nền, các cụ lại cùng nhau nâng chén rượu, chén trà, chuyện trò về lịch sử đáng tự hào của ngôi đình làng danh tiếng.
Bộ khung đình có kết cấu bằng các vì gỗ theo kiểu chồng rường giá chiêng, các chi tiết như đầu kè, đầu dư, ván nong, các vì kèo, vì vỏ cua đều được chạm trổ hoa văn rồng, mây, ly, nghê, hoa lá vô cùng tinh xảo và sống động. Bậc cấp cửa chính của đình có hai con rồng đá được tạc rất nghệ thuật và tinh xảo phục hai bên. Trong sân đình có một cây hoàng lan lá xanh mê mải, hè sang hương lan thơm ngọt như thể ngấm vào trong từng mái ngói, góc đình.
Hai bên dãy trường lang vẫn còn có hai con ngựa đứng buồn rầu sau khung cửa sắt, các gian nhà đều được khóa cửa kín mít, chỉ mở ra khi có hội làng. Đình làng So một năm có ba lễ lớn. Hội làng diễn ra trong ba ngày bắt đầu từ ngày 8/2 âm lịch. Lễ khao quân tổ chức vào ngày 10/7 âm lịch, còn ngày Thánh Hóa được làm vào ngày 10/12 âm lịch hằng năm.
Trong đình cất giữ những đồ thờ cúng được lưu truyền từ thủa xa xưa và những chiếc kiệu rước chỉ được mang ra ngoài vào dịp lễ hội. Du khách đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử cũng như kiến trúc của đình So được yêu cầu không chụp ảnh bên trong đình.