Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Quận Công Lê Đình Châu tọa lạc tại trên thế đất “hành hỏa”, hướng đất “tả phù, hữu bật” thuộc thôn Đông Lý, xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia. Nhân dân địa phương thường gọi di tích này là “Dinh Ông Quan Lớn”. Khu sinh từ được xây dựng đúng theo tính chất lăng tẩm thời Lê (có tượng chó đá, voi đá, ngựa đá và quân hầu) thể hiện người chết không lên cõi vĩnh hằng mà vẫn tiếp tục thiết triều ở đó.
Đây là công trình được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2011 và di tích cấp Quốc gia năm 2013 bởi công trạng của bậc Thượng trụ quốc phù của nhà Trịnh - Quận Công Lê Đình Châu và những giá trị nghệ thuật tự thân mang tính điển hình của một thời, ẩn chứa những tư tưởng, trí tuệ của các bậc tiền nhân thời xưa.
Về nhân vật được thờ tự
Lê Đình Châu, là người làng Đông Lý, xã Liên Hồ, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, nay là xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia.
Theo gia phả họ Lê Đình và ngôn truyền ở quê hương ông thì ông sinh năm Đinh Dậu (1717), mất năm Kỷ Dậu (1789) thọ 73 tuổi. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân lao động cần cù, cha mất sớm; ông đi ở cho nhà Quan Phủ tướng Hàn (Hàn Tiến) tại làng Năng Cải, tổng Sen Trì nay thuộc xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Quan Phủ tướng Hàn phát hiện ông là người có tài năng nên dạy dỗ và cho ăn học chu đáo.
Ông là người có tài, có đức được ghi lại ở Phúc thần Bi ký "Người xưa từng nói" Đã là bậc danh thần thì đủ tài đảm đương mọi công việc. Đức cũng khiến mọi người đủ khâm phục, phải có đầy đủ phẩm hạnh thanh tao, điềm đạm, đoan chính, thuần hậu...hơn người. Phải như một thầy thuốc biết rõ về bệnh “táo thấp” biết để điều chỉnh phương thuốc một cách thích hợp, biết phân biệt rõ ràng, không nhầm lẫn rạch ròi! Huân nghiệp phải được thể hiện rõ ràng ở đương thế, tiếng tăm phải để lại cho tương lai. Những cái đó ta sẽ tìm thấy hiện nay ở ông từ chức Thị Nam Cung phụng sai, rồi đến Chánh Đề lĩnh việc quân vụ của bốn thành, Trung Tiệp Quan Doanh Trưởng quan, rồi lại giữ chức Trị Thị Nội Thư Tả Binh Phiên, kiêm Tri Lệnh Sử nhất nhị đẳng phiên, Hữu nạp Ngôn Đô Đốc phủ, lên đến Tả Đô Đốc Thái Tể. Tuy nắm giữ uy quyền lớn, tri thức và đức độ thật vô cùng sâu rộng..”
Bản thân Ông là người điềm đạm, ôn hòa, liêm chính, thận trọng, phong độ, hòa nhã, làm việc ngày đêm cần mẫn, chu toàn, không biết mệt mỏi, “bao năm làm quan đều như một ngày vậy”.
Do sự cống hiến của Ông, năm Kỷ Hợi (1779) năm cảnh hưng thứ 40, Vua Hiển Tông đã phong cho Lê Đình Châu chức Đại tư đồ, Thượng trụ quốc phù, đại thần bậc nhất của triều đình, là bậc trụ cột cao nhất của đất nước. Sau 3 năm, năm cảnh hưng thứ 43 (1782) Vua lại sắc phong cho Ông chức Đại Tư mã. Đặc biệt tiến phong chức Thượng tướng quân, nhất phẩm triều đình.
Cuộc sống và sự nghiệp của Ông như vậy, nên Ông được vinh hiển - được lập Sinh từ tại quê nhà (1779). Công đức của Ông được khắc ghi lên bia đá để lưu lại tiếng thơm đến ngày nay và muôn đời sau là người trung hậu, là bậc Thượng trụ quốc phù, Thượng tướng quân, tước Châu Quận Công.
Dân gian thường nói “vinh thân, phi gia”; nhưng ở Lê Đình Châu không như vậy, điều này cũng đã được Lê Quý Đôn nhắc đến trong văn bia, năm 1774 vua Lê Hiển Tông trên đường chinh phục phương Nam về đã đến thăm gia đình ông ở quê nhà. Vua đã chứng kiến cảnh nhà cửa tiêu điều rách nát bên rìa đồng, rất khổ sở của ông, vô cùng cảm phục. Đồng thời qua văn bia ta biết: lúc đương thời ông sống cần kiệm, đạo đức thanh cao, gần gũi nhân dân, không tham nhũng phiền hà “Tình sâu nghĩa nặng với quê hương nơi chôn rau cắt rốn, ông thường chu cấp cho những người khốn cùng thiếu thốn, không tiếc tư gia của cải, kính giá, thương xót những người khốn cùng góa bụa...ông luôn tâm niệm làm những việc tốt lành”.
Từ việc làm của ông đối với nhân dân và quê hương như vậy nên tất cả viên chức, hương mục, binh dân trong ba xã mọi người đều đồng thành muốn được sau này ngàn thu thờ phụng ông bên vị giả thần hoàng. Họ xin nhà vua cho phép lập sinh từ ông lúc đang sống.
Có thể thấy rằng, trong các triều đại phong kiến, không có nhiều đại thần được vua cho làm sinh từ lúc còn sống, qua đó cũng thấy được công lao và vinh hiển của Quận Công Lê Đình Châu.
Việc xây dựng đền thờ
Xã Ngọc Lĩnh (trước đây có tên gọi là Sen Hồ) là một trong 6 xã vây quanh chân núi Bợm hay còn gọi là núi Liên Xá, Ngọc Sơn có con sông kênh Than chảy qua giữa xã - đây là hệ thống sông nhà Lê thời xưa (sông Kênh Than) có chiều dài khoảng 23km, nối từ sông Ghép đến sông Lạch Bạng. Nhân dân trong vùng đã lựa chọn vị trí xây dựng khu sinh từ năm giữa cánh đồng nơi có con sông nhà Lê chảy qua. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, nhân dân đã vận chuyển đá ở vùng núi Nhồi để xây dựng khu sinh từ, cũng đã có những chuyến thuyền bị đắm cùng với các hiện vật bằng đá dưới đáy sông. Ngày nay, khi nhìn lại những hiện vật còn lại với kích thước to lớn ta có thể nhận thấy sự gian nan vất vả khi xây dựng khu sinh từ cũng như tình cảm, sự biết ơn cảm phục của người dân đối với ân đức của Quận Công Lê Đình Châu.
Cũng theo lời kể lại, ngày xưa trong tổng thể, khu sinh từ còn có đền thờ, nhà trạm, có vườn quả, ao cá rộng vài ha. Hiện tại khuôn viên đã bị thu hẹp lại, một số công trình không còn. Tuy nhiên, khu sinh từ vẫn còn nguyên vẹn các công trình bằng đá với những giá trị tiêu biểu vẫn trường tồn cùng với thời gian. Hiện nay, nhân dân trong vùng với nguyện vọng tha thiết muốn phục dựng lại khu đền thờ để có nơi thờ cúng, ghi nhớ công ơn của ông và tổ chức các hoạt động lễ hội, xứng tầm là một công trình kiến trúc nghệ thuật, văn hóa tâm linh cấp Quốc Gia.
Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc
Khu di tích được xây dựng trên một gò đất cao, theo hướng Đông dựa vào Núi Nồm, hướng Nam là Núi Bợm (Ngọn núi cao nhất phía Nam Thanh Hóa); phía Tây là Ao miếu, phía Bắc là con sông Đào nhà Lê hay còn gọi là sông Cầu Đáy. Có thể nói rằng đây là khu đất Vượng khí để xây dựng công trình (dương trạch, âm trạch).
Từ tổng thể đến chi tiết nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Đền thờ Quận Công Lê Đình Châu đều thể hiện ý thức, suy tính sâu xa của người xưa. Bên cạnh đó, việc xây dựng công trình chắc chắn có sự giúp sức không nhỏ của các tầng lớp trí thức đương thời, trong đó có Lê Quý Đôn - người đã soạn thảo Phúc thần Bi ký ghi nhận công lao sự nghiệp của Quận Công Lê Đình Châu.
Theo con đường cũ đến di tích, từ xa là hình ảnh cây gạo cổ thụ. Có thể thấy rằng, hình ảnh cây gạo xuất hiện rất nhiều tại các di tích tạo nên vẻ thanh tao, cổ kính trong đó có thể kể đến như Chùa Thầy, chùa Hương (Hà Nội), Chùa Trung Hành (Hải Phòng), Chùa Nôm (Hưng Yên), Đền thờ Nguyễn Văn Nghi (Thanh Hóa)... Chắc chắn cây gạo hiện diện ngay ở lối rẽ vào trước cổng đền không phải là vô tình, bởi hoa gạo như sao trời, cành gạo như cành thiên mệnh, nên nó là hiện thân của bầu trời, thân cây như trục nối trời - đất. Đi qua cây gạo cổ là khu sinh từ, trước mặt là hai tượng chó đá cao 83cm, rộng 40cm, dày 25 cm được làm từ một khối đá liền chạm trổ cầu kỳ, cổ đeo vòng lục lạc và treo chuông, ngồi thế chầu, dáng nhìn ngang, miệng mím, mắt mở to, hai tai uốn cong về phía trước, hai chân sau quỳ, hai chân trước duỗi, dáng vẻ hiền lành nhìn rất chăm chú, phải chăng đây cũng là tín hiệu đầu tiên báo cho kẻ hành hương ý thức chuẩn bị bước vào một không gian thiêng tiếp đó.
Bên trong sinh từ, là những hiện vật được tạo tác cầu kỳ chủ yếu từ đá vôi đen. Ở mặt trước sinh từ, phía bên tay phải (đi từ ngoài vào trong) là tấm bia vuông 4 mặt: mặt chính quay về hướng Nam, bia cao 2m, để bia vuông được trang trí đơn giản: tam cấp và gờ chỉ mỗi cạnh 85cm; để bia dày 0,35cm, thân bia có đường diềm xung quanh cao 1,1m, mũi bia cao 55cm, thân bia rộng mỗi cạnh theo hình tháp: phía dưới rộng 70cm, phía trên rộng 65cm, mũ bia tràn ra mỗi bên 12cm, mũ bia rộng 90cm x 90cm, mũ bia được trang trí cầu kỳ, tạo hình bông sen hóa rồng; đỉnh mũ bia là hình nậm rượu hóa búp sen. Phía trên bia đề bốn chữ: Phúc Thần Bi ký. Mặt chính của bia trang trí hình mặt nguyệt, có rồng chầu rất cầu kỳ ghi công đức của Quận công Lê Đình Châu, phần cuối của văn bia ghi về ruộng đất cho các làng và hương ước việc thờ cúng quận công. Các mặt còn lại ghi thời gian dựng bia, người viết văn bia: Lê Qúy Đôn, người khắc bia: Trần Gia Hội.
Tiếp sau Phúc Thần Bi ký là bốn pho tượng vũ sĩ có kích thướng bằng nhau cao 1,6m, rộng 0,55m màu ghi đứng chầu ở hai bên tả, hữu, nét mặt nghiêm trang. Tượng vũ sĩ bên hữu (tượng 1) tay cầm kiếm khoác lớp áo giáp có hoa văn hình xoắn dây leo. Tượng vũ sĩ bên hữu (tượng 2) tay cầm chùy, khoác hai lớp áo giáp, áo ngoài có hoa văn hình xoắn dây leo. Tượng vũ sĩ bên tả (tượng 1), tay cầm bát xà mâu, khoác lớp áo giáp có hoa văn hình xoắn dây leo tay mướp, áo trong chạm vân mây xoắn ốc uốn lượn lấy nhau. Tượng vũ sĩ bên tả (tượng 2), tay cầm chùy, khoác lớp áo giáp có hoa văn hình xoắn dây leo tay mướp, áo trong chạm vân mây xoắn ốc uốn lượn lấy nhau. Nhìn chung các pho tượng đều được tạo tác rất thật tinh tế, nét chạm trổ được gọt đục sắc nét, sống động giúp hậu thế có thể biết rõ hơn cảnh thiết triều thời vua Lê chúa Trịnh và trang phục của các vị quan đương thời.
Cạnh tượng vũ sĩ là cặp voi và ngựa đứng chầu đối xứng. Voi cao 1,6m, rộng 0.62m màu ghi, lưng có bành, cương, cổ chạm nổi, có hai ngà chạm nổi quặp lấy vòi. Hẳn là do đã gắn với binh nghiệp suốt một đời làm tướng xông pha trận mạc với nhiều chiến công hiển hách của quận công Lê Đình Châu mà tượng voi được tạo dáng đứng chầu (duy nhất thế kỷ XVIII, các tượng voi khác thường có dáng quỳ). Ngựa cao 1,3m, dài 1,6m, rộng 0,55m, màu ghi, đầu ngựa cúi, mõm có cương, trán có biển phù hiệu nổi, có yên cương, bành ngựa, 07 khuy nổi bên hông, đeo vòng ngọc, có chuông và tám lục lạc, yên cương được thắng sẵn sàng.
Phần trong của sinh từ, sau tượng vũ sĩ và các linh thú là các hương án. Hai hương án bên tả, hữu và một hương án chính diện. Hai hương án bên tả và bên hữu đều cao 1,15m dài 1,34m, rộng 0,43m được tạo tác từ khối đá liền, chạm trổ gờ chỉ tỷ mỉ, chân quỳ theo kiểu cuốn thư, chạm khắc hoa văn hình hoa chanh, đường viền chạm khắc hoa văn chữ triện. Hương án đá ở giữa cao 1,15m dài 1,29m, rộng 0,7m được tạo tác từ khối đá liền, chạm khắc hình hổ phù, hoa cúc dây leo ở mặt trước, bên trên đặt ngai thờ đá cao 0,94m, rộng 0,59m hai mặt chạm soi, gờ chìm, bốn mặt bệ chạm hình hoa lá, quanh lưng ngai cả trong và ngoài đều chạm hình rồng, phượng nổi, Hai đầu rồng lượn trên tay ngai vòng qua sau lưng được chạm trổ tinh vì và tỉ mỉ.
Nhìn một cách tổng thể, cách bài trí ở sinh từ rất hài hòa cân đối trên một diện tích khoảng 1500m2, xung quanh có tường hoa bảo vệ. Sự uy nghi của khu sinh từ với sân chầu đông đúc các tượng người và linh thú bên ngoài đã tạo nên một không gian thiêng, phản ánh trí tuệ, thanh thế sự nghiệp của Quận công Lê Đình Châu.
Cách khu sinh từ 200m, Quận công Lê Đình Châu còn được dòng tộc thờ tại gian giữa nhà thờ Lê Đình. Theo như kể lại, trước đây Lê Đình Châu được thờ tại một khu đất riêng rộng 5 sào (2500m2), đền thờ trước đây kết cấu theo hình chữ Đinh gồm: 1 ngôi nhà chính tẩm 3 gian và 1 ngôi Tiền Bái 5 gian. Trải qua các thời kỳ lịch sử, hiện nay ông được thờ chung trong nhà thờ họ Lê Đình với diện tích 300m2 thuộc thửa 410 (theo bản đồ 299 xã Ngọc Lĩnh). Ngôi chính tẩm 3 gian của dòng họ đặt 3 ban thờ. Gian giữa đặt Ban thờ Quận Công Lê Đình Châu; Ban bên hữu thờ gia tiên tiền tổ, cao tổ; Ban bên thờ cây tổ chi họ. Chính giữa là sập hội đồng. Trên mỗi Ban thờ đều có Long ngai giao ỷ, bát hương cổ, thẻ bài thánh vị hai mặt, có biển thánh thơ hai bức và vũ khí thờ được làm từ thế kỷ 18.
Thẻ bài thánh vị 2 mặt: Mặt trước đế: Nguyên soái tổng quốc chính.
Mặt sau đế: Thượng trụ phụ quốc vương
Biển thánh thơ có 2 bức, mỗi bức 4 mặt đế 4 chữ Tướng.
Đôi câu đối sơn son thiếp vàng:
Vạn cổ cương thường minh tác nghiệp
Ức niên hương hỏa thọ càn khôn
Và: Tướng soái hoặc linh truyền hải vũ
Anh hùng khí phách tại giang sơn
Đặc biệt, trong nhà thờ còn lưu giữ được 13 đạo sắc phong. Trong đó: sắc phong cho Lê Đình Châu có 7 đạo sắc: 3 đạo sắc thời Lê (sắc phong lúc ông còn sống) và 4 đạo sắc thời Nguyễn. Cùng với 6 đạo sắc phong cho con cháu họ Lê Đình: Lê Đình Cầu, Lê Đình Liêm, Lê Đình Dong có công giúp nước giúp dân.
Với tấm lòng biết ơn, ngưỡng mộ, tôn sùng, nhân dân hàng năm đều dâng hương và tổ chức lễ hội để tưởng nhớ Quận Công Lê Đình Châu vào các ngày giỗ kỵ, Tết Nguyên đán, Quốc khánh mùng 2 tháng 9. Người dân trong vùng cho biết đêm trước ngày giỗ Cụ năm nào trời cũng đổ cơn mưa, họ cho rằng những cơn mưa ấy giúp gột rửa những bụi bẩn sau một năm, mang lại sự sạch sẽ, thanh khiết cho khu đền thờ và cũng là lúc Cụ trở về cùng với bà con nhân dân. Đây có lẽ cũng là sự trùng lặp ngẫu nhiên do ngày Giỗ của Quận Công vào 16/4 âm lịch. Vào dịp này thời tiết vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ cũng thường xảy ra hiện tượng mưa giông. Tuy vậy, sự trùng hợp ngẫu nhiên ấy khiến mỗi người dân nơi đây xem đó là một yếu tố tâm linh linh thiêng của khu di tích này.
Mảnh đất Tĩnh Gia, Thanh Hóa - vùng đất Nam Thanh - Bắc Nghệ hiện nay được biết đến với Khu kinh tế Nghi Sơn là một vùng kinh tế sôi động, trọng điểm của tỉnh và cả nước. Nhưng vẫn còn đâu đó tại các vùng quê yên ả, bên những cánh đồng, những dòng sông, những công trình kiến trúc nghệ thuật di sản văn hóa vẫn còn trường tồn với thười gian với những giá trị độc đáo và nguyên vẹn và trong số đó có di tích kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Quận Công Lê Đình Châu. Vấn đề giá trị nghệ thuật và những ẩn ý sâu xa trong từng cách bố trí hạng mục cấu trúc, từng di vật cần được tiếp tục nghiên cứu thêm. Đồng thời đây cũng là những tư liệu sử học, dân tộc học, nghệ thuật học, văn hóa học quý báu cần được bảo quản tốt./.
Nguyễn Thị Huyên (Phòng VH&TT huyện Tĩnh Gia)