Cây cầu là di vật cổ rất có giá trị đối với việc nghiên cứu kiến trúc dân gian, văn hóa làng
xã và lịch sử của tỉnh Lạng Sơn. Thế nhưng cầu đá cổ Xuân Mai đang bị xuống cấp nghiêm trọng, trụ
cầu bị xô lệch, những phiến đá trên mặt cầu bị sứt vỡ.
Ông
Vi Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Mai cho biết cầu nằm ngay trên con đường độc đạo
dẫn vào bản Khòn Đon nên xuống cấp nhanh. Ủy ban Nhân dân xã đã kiến nghị tỉnh xây dựng một cây cầu
mới ở vị trí khác nhưng vẫn chưa được chấp nhận.
Do cây cầu xuống cấp nên người dân ở đây đã tự gia cố mặt cầu bằng những cây gỗ lớn ép vào cạnh
cầu; trụ cũng được kè thêm đá; mặt cầu rải một lớp bêtông nên đã ảnh hưởng lớn đến tính nguyên bản
của cây cầu.
Cầu đá Xuân Mai là cây cầu có quy mô lớn còn gần như nguyên vẹn. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là
cây cầu có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giao thương, phát triển kinh tế của vùng Chu Túc,
Xuân Mai xưa.
Đáng chú ý là cầu nằm trên tuyến giao thông quan trọng từ Châu Ôn (Đồng Mỏ) lên châu lỵ Văn Uyên
(Đồng Đăng) rồi lên ải Nam Quan. Trong một thông báo khoa học năm 2000, nhà nghiên cứu Hoàng Giáp
(
Viện Hán Nôm) cho rằng: "đây chính là con đường đi sứ gần nhất, đồng thời cũng là con đường vận
chuyển hàng hoá tiện lợi nhất từ Đại Việt qua Trung Quốc và ngược lại".
Theo sử sách, cầu đá Xuân Mai là cây cầu có niên đại sớm nhất của Lạng Sơn còn tồn tại. Cầu được
khởi công xây dựng từ tháng 9/1769 đến tháng 2/1770. Cầu đá Xuân Mai dài 6m, rộng 2,5m, gồm 2 nhịp
được làm hoàn toàn bằng đá rất vững chãi.
Cầu gồm hai trụ đầu và một trụ giữa. Các trụ được tạo bởi những khối đá lớn hình hộp chữ nhật có
hình dáng giống như những viên gạch vồ thời Lê (dài 90cm, rộng 60cm, dày 40cm) xếp so le khít nhau.
Mặt cầu bằng phẳng, ghép bằng 6 phiến đá lớn có hình chữ nhật (rộng 60cm, dày 25cm, có phiến dài
tới 3,2m), mỗi nhịp gồm 3 phiến đá xếp khít song song, đầu của mỗi phiến đá đều gác lên một trụ đầu
và trụ giữa.
Khi mới dựng, cầu có tên gọi là cầu đá Dã Nham. Sau này khi xã Dã Nham đổi thành Xuân Mai thì tên
cầu cũng thay đổi thành cầu đá Xuân Mai cho đến ngày nay.
Gắn liền với cầu đá Xuân Mai là bia cầu đá dựng vào tháng 8 năm 1771 ghi lại việc làm cầu và khắc
ghi công đức. Đây là một tấm bia bốn mặt có hình khối vuông tương tự một số tấm bia cùng thời như
bia cầu đá Kỳ Lừa, bia đền Tả Phủ.
Bia gồm hai phần, phần thân cao 1,2m, mỗi cạnh rộng 48cm; chóp bia cao 60cm được tạo tác khá đẹp
dưới dạng 4 hình thang cân kết các đáy nhỏ ở giữa, phía trên trang trí bằng một hình cầu đặt trên
mặt phẳng vuông, đỉnh có gắn búp sen. Chữ trên bia khắc chìm bằng chữ Hán, hơi nông trong khung bo
nổi hình chữ nhật.
Mặt trước ghi tên bia "Dã Nham thạch kiều bi ký" (Bài ký bia cầu đá xã Dã Nham) theo kiểu đại tự.
Bên dưới là bài ký có nội dung nói về việc làm cầu. Một mặt ghi tên những người công đức.
Tấm bia này do Bảo tàng Lạng Sơn và Viện Khảo cổ học phát hiện năm 2000 tại triền ruộng ở gần cầu
đá, sau đó được Viện Hán Nôm dịch, nhờ đó đã xác định chính xác được niên đại của cây cầu đá
cổ.
Xuân Mai là vùng đất trù phú, giàu bản sắc văn hóa với những nét đặc trưng điển hình của văn hóa
Tày -
Nùng Lạng Sơn là một trong những di tích rất có ý nghĩa đối với phát triển văn hóa du lịch
của Lạng Sơn. Do vậy cầu đá cổ Xuân Mai cần được chính quyền các cấp tỉnh Lạng Sơn quan tâm bảo vệ,
trùng tu, tôn tạo./.