(Baonghean) - Thanh u, trầm mặc giữa cánh đồng lúa Tràng Thành là ngôi đền Cả được xây dựng từ rất sớm để tưởng nhớ công lao to lớn của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Cùng với đền Cả là hệ thống công trình tôn giáo tín ngưỡng như đình Bảo Lâm, chùa Bảo Lâm, nhà Thánh… với kiến trúc cổ nổi tiếng và linh thiêng.
Đền Cả (xã Đồng Thành, huyện Yên Thành). |
Vùng đất Đông Thành (Yên Thành) xưa là nơi Uy Minh Vương Lý Nhật Quang để lại nhiều dấu ấn. Ngài tổ chức cho dân khai khẩn đất hoang, lập làng, lập ấp, mở rộng đất đai canh tác, ổn định cuộc sống, góp phần đưa mảnh đất này trở thành vùng trù phú, yên vui. Để tưởng nhớ công lao to lớn đó, nhân dân nơi đây đã tôn Ngài làm phúc thần và lập đền thờ để thờ phụng, cầu mong sự phù hộ cho nhân dân có cuộc sống ấm no, sung túc, đồng thời thể hiện tấm lòng biết ơn đối với đấng “hộ quốc tý dân”. Từ đó đền Cả trở thành nơi sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng và là một trong những đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đẹp và nổi tiếng tại Nghệ An.
Đền Cả được xây dựng trên mảnh đất cao với khuôn viên rộng rãi. Phía trước là cánh đồng bằng phẳng, xa xa là hệ thống ao hồ thoáng đãng, mát mẻ làm minh đường. Bên phải là Nhà Thánh, đình Bảo Lâm, bên trái và sau lưng là làng mạc yên vui, dân cư đông đúc. Đền Cả là hệ thống các công trình kiến trúc quy mô lớn và nhiều hạng mục như tam quan, nhà ca vũ, tả vu, hữu vu, bái đường, thượng điện. Tam quan của đền Cả được xây bằng gạch, đá, vôi vữa, quy mô không to nhưng khá đẹp. Sau tam quan là lầu ca vũ hay còn được gọi là Chồng Diêm tám mái. Đây là nơi các vị chức sắc hương hào, trưởng lão nghỉ ngơi và tịnh túc trước khi vào đền tế thần hoặc ngồi xem hát ví, diễn tuồng trước sân khi có lễ hội. Đây cũng là nơi đặt kiệu rước thần từ các nơi khác về hợp tế ở đền Cả.
Công trình này có hình dạng như Khuê Văn Các tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Nhà Bái đường là công trình kiến trúc chính của đền Cả. Công trình kiến trúc này tương đối bề thế khang trang nằm phía sau sân đền. Nhà Bái đường được làm bằng gỗ lim, dổi, gạch, ngói… Đề tài trang trí điêu khắc rất phong phú, thể hiện ở nhiều vị trí khác nhau.
Đền Cả còn lưu giữ nhiều đồ vật cổ được tạo tác tinh xảo, thể hiện tài năng của các nghệ nhân dân gian xứ Nghệ. Tiêu biểu cho các đồ thờ đang lưu giữ ở đền Cả là các hiện vật như hương án, kiệu rồng, long ngai thờ thần. Hương án làm bằng gỗ, mặt ngoài được chia thành các ô, đố, chạm nổi, chạm lộng hình tượng long, ly, quy, phượng, tùng, trúc, cúc, mai hết sức sinh động. Long ngai bài vị thờ thần mô phỏng theo kiểu dáng của chiếc ngai vàng, phía ngoài được trang trí đầu rồng, chim phượng, vân mây…, phía trong viết chữ Hán về duệ hiệu của các vị thần được thờ. Các loại đồ thờ bài trí ở nhà Thượng điện phần lớn đều được chạm khắc, sơn thiếp tuyệt đẹp. Khi cúng tế, dưới ánh sáng của đèn, nến, các loại đồ thờ được sơn thếp trở nên lung linh, huyền ảo, góp phần làm cho không gian tưởng niệm thêm phần thiêng liêng, trầm mặc.
Ngoài các giá trị vật thể về kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc thì một trong những điểm nổi bật của đền Cả chính là hệ thống văn tự thể hiện trên các tư liệu còn lại như sắc phong, thần tích... Hiện nay, đền còn lưu giữ được 4 đạo sắc, trong đó nổi bật là đạo sắc phong năm Vĩnh Khánh (niên đại gần 300 năm) và 1 đạo sắc phong niên hiệu Cảnh Thịnh thời Tây Sơn và 2 đạo sắc phong thời Nguyễn. Ngoài ra, đền Cả còn có một hệ thống câu đối gồm nhiều câu lời hay ý đẹp ca ngợi vùng đất linh thiêng đã sản sinh và nuôi dưỡng nhiều con người tài năng, có cống hiến to lớn với đất nước, đồng thời phản ánh truyền thống hiếu học chuộng lễ nghĩa thi thư của người dân Nghệ An. Đến với đền Cả, chúng ta có thêm những tư liệu quý về tín ngưỡng thờ thần và truyền thống sinh hoạt văn hoá tâm linh ở địa phương.
Cuối thế kỷ XIX, đền Cả là địa điểm gặp gỡ, sinh hoạt bí mật của nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã trong phong trào Cần Vương chống Pháp. Đây cũng là cơ sở cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám và là địa điểm cất giấu vũ khí, lương thực của quân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Lễ hội Đền Cả được tổ chức hàng năm với các phần lễ như yết cáo, khai quang, mộc dục, rước, tế trang trọng và linh thiêng và phần hội như đấu vật, chọi gà, chơi đu, đánh cờ người, hát tuồng, hát ví, thu hút được hàng vạn nhân dân và du khách thập phương về dự. Đền Cả chứa đựng nhiều giá trị văn hoá, lịch sử và cũng là nơi hội tụ, sinh hoạt văn hoá của nhân dân hướng về cội nguồn. Với những giá trị đó, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận Di tích Đền Cả là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia năm 2012.
Vân Thắng