,
Cập nhật lúc 13:55, Sunday, 29/07/2012

Di tích Chùa Ông ở Thu Xà


(QNĐT)- Chùa Ông (Quan Thánh Tự 關 聖 寺) tọa lạc tại thị tứ Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, cách thành phố Quảng Ngãi 10km về hướng đông. Chùa được 4 bang người Hoa Minh hương (Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Quảng Đông) sống tại vùng Thu Xà kiến lập vào năm Minh Mạng thứ hai (1821) và đã trải qua 4 lần trùng tu vào các năm 1881, 1894, 1920, 199.

 

TIN LIÊN QUAN


Chùa Ông thờ Quan Vũ (關 羽)  ở gian chính điện, thờ Quán Thế Âm Bồ Tát (người vùng biển Trung Hoa và Việt Nam gọi là Phật Quan Âm Nam Hải) ở gian hậu cung theo mô hình “Tiền thánh hậu phật”. Ngoài ra ở hậu cung còn thờ Thiên Hậu, Kim Đẩu và 12 bà mụ.

  Mặt trước tiền đường chùa Ông
Mặt trước tiền đường chùa Ông


Cộng đồng người gốc Hoa Nam, sống phiêu bạt ở nhiều nơi trên thế giới đặc biệt tôn thờ và ngưỡng vọng Quan Vũ (còn gọi là Quan Công, hiệu Vân Trường, vị tướng phò Lưu Huyền Đức nhà Thục Hán, thời Tam Quốc, bên Tàu), vì ông là người trung tín, trượng nghĩa - những đức tính cần thiết giúp họ giữ mối kết đoàn, tương trợ để tồn tại và vươn lên trong cuộc sống nhiều bất trắc, gian nan.

Rời quê hương ra đi, hầu hết người Hoa Nam theo đường biển. Trong các cuộc hải hành nhiều ngày lênh đênh trên biển, họ luôn cầu khẩn Quán Thế Âm Bồ tát (Phật Quan Âm Nam Hải) và Thiên Hậu thánh mẫu (bà Thiên Hậu) phù hộ, độ trì để vượt qua sóng to, gió cả, tìm được chốn an lành để dung thân.

Sự tôn sùng của các bang hội Hoa Nam đối với Quan Vân Trường, Phật Quan Âm Nam Hải và bà Thiên Hậu lại phù hợp với tín ngưỡng và niềm tin của người Việt, đặc biệt là cư dân vùng ven biển. Chính vì vậy, chùa Ông, tuy ban đầu do tứ bang Minh hương tạo lập, nhưng dần đã trở thành nơi thờ phụng chung cho người Việt lẫn người Hoa.

Chuông đồng chùa Ông.
Chuông đồng chùa Ông.


Một Phật thoại khởi nguồn ở Trung Hoa, dần dần lan truyền đến Việt Nam, kể rằng sau khi bị Lã Mông giết chết, hồn Quan Vũ đã hiện về trong một đêm trăng ở núi Ngọc Tuyền và đòi trả đầu, rồi gặp thiền sư Phổ Tĩnh, giác ngộ nhân quả, hóa duyên theo Phật. Câu chuyện nầy góp thêm vào việc giải thích tính hợp lý của những ngôi tự, vừa thờ Quan Vũ, vừa thờ Phật.

Về quy mô, tuy chùa Ông có vẻ khiêm nhường so với các ngôi chùa thờ Quan Công ở Hội An (Quảng Nam), nhưng ở đây có sự kết hợp hài hòa các yếu tố kiến trúc Hoa – Việt trong một tổng thể giàu tính thẩm mỹ. Theo hồ sơ của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, chùa có tổng diện tích 2.730m2, bao gồm vườn chùa, tam quan, sân chùa và chùa. Tất cả được bao bọc bởi vòng 1, thành cao 1,2m, dày 0,5m theo kiểu chấn song con tiện.

Chùa quay mặt về hướng đông. Từ ngoài vào, các công trình kiến trúc được bố trí trên một trục đạo, bố cục chặt chẽ, đăng đối theo tuần tự gồm: cổng tam quan, bình phong - trụ biểu, lầu trống - lầu chuông và chùa. Hai bên mặt tiền có hai cổng phụ thấp, phía sau chùa là miếu thờ Tiêu Diện Đại Sỹ.

Cổng tam quan cấu trúc một gian, bốn cột, hai bộ vì chống rường trái bí, theo lối tam hoành. Hoành thứ 3 uốn cong hình thuyền trang trí đầu rồng đuôi phượng. Các hoành liên kết với nhau qua các vì chồng và gác qua đầu cột. Mái tam quan lợp ngói âm dương, đỉnh mái uốn cong dáng thuyền, trang trí hình rồng, đuôi phủ dây leo thực vật. Bờ mái trang trí dạng ô hộc với năm ô trang trí. Hai bên tả hữu cổng tam quan là miếu thờ bà Thiên Hậu.

Bình phong cao 2m, bằng tam hợp chất, mặt trước đắp nổi hình mãnh hổ nhe răng vểnh đuôi trông rất sống động, mặt sau đắp nổi hình con ly trên cụm mái. Hai bên bình phong là hai trụ biểu. Lầu chuông, lầu trống xây dựng đăng đối qua trục đạo.


Kiến trúc tổng thể ngôi chùa có hình chữ tam (三 ) với ba ngôi nhà liên kết nhau: tiền đường, chánh điện và hậu cung. Trên đỉnh bờ mái nhà tiền đường đắp nổi 3 chữ Hán “Quan Thánh Tự”. Mặt trước mở 3 cửa lớn và 2 cửa vòm nhỏ. Trong nhà tiền đường có 18 cột chia làm ba gian, hai chái. Hàng cột hiên gồm 6 cột thấp, nâng lên bởi các bệ đá hình cẩm đôn.

Đây là kết quả trùng tu thời Khải Định (1920) nhằm đưa mặt tiền của kiều dáng nhà rường lên cao hơn. Khung nhà gồm 4 bộ vì kèo vỏ cua kiểu chồng rường - giả thủ, chạm nổi đầu rồng với các đám mây lửa, các đường viền dây leo thực vật. Mặt trính (hoành) chạm nổi hình hoa cúc tám cánh sắc nét và sinh động. Các vì kèo thả xuôi từ vì vỏ cua gác qua đầu cột giữa và chốt mộng ở hàng cột hiên.

Vách tiền đường và mặt trước chánh điện là hai hệ thống cửa bàn khoa, một kiểu cửa gỗ chấn song thấp thường gặp ở Quảng Ngãi trước đây. Trên đỉnh khung cửa đính sáu mắt cửa hình tròn, giữa khoét lòng chảo chấm đỏ, xung quanh màu vàng.

Phía trên của hệ thống mắt cửa là tam xà, đỡ hệ thống liên ba đố bảng. Các liên ba đố bảng trang trí theo 3 nhóm: bát bửu, tứ linh và dây leo thực vật, đăng đối ở 2 bên cửa vào. Các chủ đề trang trí được thể hiện bằng kỹ thuật chạm thủng và chạm nổi ở từng ô bảng lồng. Phần giữa của hai dãy liên ba đố bảng chạm nổi họa tiết trang trí lưỡng long tranh châu, bên dưới gắn bức hoành phi bằng gỗ sơn son thiếp vàng với dòng chữ Hán “Hạo nhiên chánh khí – Trung tâm quán nhựt”.

Nối liền nhà tiền đường và chánh điện là 4 vì trính cầu. Các vì trính cầu gác qua đầu cột vách của nhà tiền đường và hàng cột trước của nhà chánh điện nhằm đỡ máng xối thoát nước. Vì kèo mỗi bên thả xuôi theo đầu cột, chốt mộng và gác lên trụ đỡ trên mặt trính.

Nhà chánh điện có 12 cột và chia làm 3 gian: Gian thờ Quan Công ở giữa, tạo sự riêng biệt bằng 4 cột to, cao. Đầu cột nâng bộ vì kèo chồng rường chày cối (đâm trính), gắn “cánh dơi” (một bảng gỗ choãi hình cánh dơi) ở đầu trụ chồng gánh đỡ thượng lương, đòn tay, tránh không cho đầu trụ chồng đụng vào thượng lương, vì đây là điều kiêng kỵ.

Tượng ngựa Xích thố thờ trong nội điện
Tượng ngựa Xích thố thờ trong nội điện


Đế trụ chồng hình khối, chạm nổi dây leo thực vật. Bộ vì kèo chồng rường chày cối nâng mái lên cao đồng thời mở mái phía trước theo dạng chấn song con tiện để đưa ánh sáng và không khí vào chánh điện.

Vách gỗ sau chánh điện trang trí ô hộc. Hai đầu vách là hai cánh cửa hông nhỏ thông qua hậu cung, giữa vách là khám thờ Quan Công. Khám thờ cao hơn 2m, bằng gỗ, sơn son thiếp vàng, khắc chạm mô típ lưỡng long tranh châu ở đỉnh, hai bên chạm lộng mô típ cành mai - hoa cúc, đầu rồng - đuôi dây leo.

Đây là một tác phẩm điêu khắc gỗ công phu, độc đáo, giàu tính thẩm mỹ. Hình tượng thờ trên bệ, bên cạnh Quan Công có Chu Thương (đứng hầu bên phải), Quan Bình (đứng hầu bên trái). Chu Thương là tướng của Quan Vũ, có sức khỏe, giỏi bơi lội, tự vẫn khi Quan Vũ bị Đông Ngô sát hại. Quan Bình là con nuôi và là tướng của Quan Vũ, cùng cha nuôi bị quân Đông Ngô chém chết ở Lâm Thư. Cả 3 vị nầy được xem là “tam vị thánh thần” trong tín ngưỡng của người Hoa.

Bên tả và bên hữu thờ của gian thờ Quan Công là các gian thờ Thần tài, Thổ trạch, ngựa xích thố, tả ban và hữu ban tùng tự.

Tiếp sau chánh điện là hậu cung, thông nhau bằng 2 cửa phụ. Nhà hậu cung có 3 gian, bộ khung có 8 cột vuông, chống đỡ 4 vì trính chuyền xuyên suốt lòng nhà. Trính chuyền gác lên đầu cột và vách, đỡ bộ vì kèo cánh ác nhờ hai cột trốn. Đỉnh vì kèo cánh ác có hoành ngang giằng giữa hai bộ vì kèo và đỡ bộ vì chồng rường trái bí. Bộ vì chồng rường trái bí có 3 vì chống ngắn đỡ thượng lương và đòn tay hai bên. Vách sau hậu cung là cửa chấn song thấp. Vách hông có một cửa vòm nhỏ để ra vào.

Gian giữa của hậu cung thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát và Chuẩn Đề Bồ Tát, giữa có bức họa Đạt Ma tổ sư qua sông. Hai gian phụ hai bên thờ cụm tượng Thiên Hậu và Kim Đẩu. Cụm tượng Thiên Hậu có 5 tượng:  Thiên hậu, Cửu Thiên Huyền Nữ, Phán Quan, Thiên Lý Nhãn, Thiên Lý Nhĩ. Cụm tượng Kim Đẩu gồm: Kim Đẩu, Phán Quan và 12 bà mụ. Tượng thờ ở hậu cung làm bằng đồng, gỗ hoặc đất nung, chế tác công phu, sinh động, nhiều kích cỡ khác nhau, bài trí quay mặt ngược hướng tượng thờ ở gian chánh điện.

Như vậy, mặc dù liên kết với nhà chánh điện trong một chỉnh thể kiến trúc, song hậu cung lại là ngôi chùa thờ Phật, mặt tiền hướng về phía tây, có gắn ba chữ Quang Minh tự (光 明 寺). Đối diện Quang Minh tự là am thờ Tiêu Diện Đại Sỹ- một hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, chuyên hàng phục quỷ yêu, hóa độ chúng sanh.

Chùa Ông hiện còn giữ 6 bia đá, văn bia chữ Hán, tạo dựng vào các năm 1895 (Thành Thái thứ 7 ), 1920 (Khải Định thứ 5), là các năm chùa trùng tu. Bia đá trang trí chạm nổi lưỡng long tranh châu ở trán bia, diềm bia trang trí đầu rồng mình quấn dây leo thực vật. Văn bia ghi lại danh sách những người cúng tiền trùng tu gồm tên người, nơi ở, số tiền cúng.

Nhìn chung, nghệ thuật trang trí ở chùa Ông đạt đến trình độ khá tinh xảo, đặc biệt là kỹ thuật đắp nổi, chạm nổi, chạm thủng, chạm lộng trên các bình phong, vách gỗ, khám thờ, vì kèo, bẫy hiên, trụ chồng, tượng, diềm bia...

Tượng bà Thiên hậu
Tượng bà Thiên hậu



Chùa Ông có sự giao thoa, kết hợp hài hòa các yếu tố kiến trúc của người Việt và người Hoa. Bên cạnh cấu kiện và vật liệu chủ yếu của nhà rường truyền thống ở miền Trung (các vì kèo chồng rường chày cối, vì kèo chồng rường giả thủ) còn có sự xuất hiện vì kèo trốn trính chuyền của đồng bằng Bắc Bộ và bộ vì kèo chồng rường trái bí phong cách Hoa Bắc.

Hình thuyền rồng với các khoang thuyền mô tả rất cụ thể trên đỉnh mái tam quan, sáu mắt cửa trên đỉnh hệ thống cửa chánh điện cho thấy các yếu tố tâm linh - tín ngưỡng của cư dân vùng ven biển Hoa Nam.

Hiện nay chùa Ông là một trong những cơ sở thờ phụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thu hút nhiều người tín tâm đến chiêm bái, tham quan, nhất là trong dịp tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ, lễ Phật đản, lễ Vu lan báo hiếu, các ngày sóc vọng...


Chùa Ông được Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích quốc gia theo quyết định số 43 VH/QĐ ngày 7/1/1993.  

                                      
                                              
                                                                   Lê Hồng Khánh



Đón đọc kỳ tới: Di tích núi Phú Thọ và Cổ Lũy cô thôn.

http://baoquangngai.com.vn/channel/2047/201207/di-tich-Chua-ong-o-Thu-Xa-2174649/
,
Ý KIẾN BẠN ĐỌC (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu. Chúng tôi có thể sẽ biên tập lại nội dung phản hồi của quý vị để phù hợp với tiêu chí chung của website)
,
,
,
,