Hạ Đình – làng ven đô Hà Nội qua 100 năm đổi thay

19

Hạ Đình , làng cổ bên sông Tô phía Tây Nam Thăng Long (*)

Bắt đầu từ tấm bản đồ tỉnh Hà Đông xuất bản tháng 5 năm 1917 , do sở Địa dư Đông Dương tiến hành, họ đã sử dụng bản đồ không ảnh và đo đạc mặt đất trước đó vài năm nên có thể coi tấm bản đồ này có 100 năm tuổi .

1

Bản đồ tỉnh Hà Đông tỷ lệ 1/25.000 , kích thước 620mmx850mm , ghi rõ hệ thống sông ngòi, trồng trọt, giới hạn các vùng đất bị ngập , code TPT1498 – trích phóng to Hạ Đình

Hạ Đình nằm ở bên trái sông Tô , giáp phía trên là Thượng Đình nằm vắt hai bên đường Hà Nội – Hà Đông , trên nữa là Chính Kinh , Quan Nhân – ấy là bốn làng Mọc Nhân Mục Môn là đất Văn học , theo lời các cụ xưa truyền lại do thế đất nơi đó : thôn Chính Kinh đất trũng có nhiều hồ ao là chiếc nghiên mực; thôn Quan Nhân kề bên là ngòi bút , hai thôn đó có thế “ bút chấm thủy “ nên nhiều người đi học đỗ đạt cao , thôn Cự Lộc ở trên nữa chỉ là cán bút , học mấy củng chỉ làm tới thừa phái , còn Giáp Nhất thì chuyển sang phát về nghề võ.

Làng Hạ Đình là một xã cỡ trung bình , đầu KT20 chỉ ngót nghìn nhân khẩu, nhưng đất khá rộng: tính từ sông Tô hất lại , Thượng đình trở xuống còn dưới nữa là giáp mấy làng Kim Giang, Triều Khúc , phía Tây là Phùng Khoang . Diện tích toàn xã ngang dọc mỗi bề trên một cây số . Làng xóm tập trung bên bờ trái sông Tô , giáp đường cái là ruộng.

Làng có 3 xóm : Xóm Trên ( còn gọi là xóm Trại);Xóm Dưới ( còn gọi là xóm Hồng ) ;Xóm Nở, liền với Xóm Hồng ở phía dưới.Dọc vệ sông có nhiều giếng nước .

Hạ Đình có hai ngôi Đình ; Đình Xóm Trên gọi là Đình Thượng , gần cống sông Tô . Đình thứ hai là Đình Vòng vì có con đường vòng quanh hồ phía sau đình , dành cho người làng gánh phân đi bán không đi qua trước cửa đình . Trong đình thờ Từ Vinh , thành hoàng chung với Thượng Đình ; Thần còn có miếu thờ và mộ từ thời Lý . Thần phả cho hay Đức Thánh Cha bị chém làm ba khúc , nên đồ thờ kiêng sơn các mầu vàng , xanh đỏ mà chỉ dùng mầu đen ; tiệc tế cỗ chay vì kiêng sát sinh.

2

Đình Thượng (hay là chùa Tam Huyền?) ,bên bờ kè sông Tô xây lại năm 2012
và Phương Đình cổ của Đình Vòng nằm ngay bên đường ven sông Tô -Hạ Đình (chụp năm 2000)

Ngày vào đám, rước thần vị từ Đình đến Nghè : chỗ đó là một bệ thờ dưới những gốc muỗm cổ thụ xum xuê xây ở bên Cầu Giát ( nay thay thế bằng Cầu Mới vượt sông Tô) . Tổ chức đình đám có những trò vui như mọi làng khác : cờ tướng, đánh đu, hát chèo và có một điểm đặc sắc là phường trống của làng . Đó là nhóm mươi người hòa âm các loại trống , trò vui được nhiều người ưa thích, từ xa cũng tìm tới xem.

3

Các vị hào lý, trò chơi đu tre ngày Tết , các diễn viên tuồng chèo trong làng quê Bắc Bộ xưa.
Lễ hội làng Hạ Đình ngày nay : Đám rước kiệu tiến vào đình Vòng

Chùa Tam Huyền ở gần Cầu Mới là chùa chung của hai làng Mọc cũ, cạnh chùa có miếu Chư vị quanh năm đồng bóng .

Văn chỉ là của chung hàng tổng: Tổng Mọc xưa vốn nhiều người đỗ đạt ; hội tư văn có hai mẫu ruộng hoa lợi dành cho cúng lễ. Khi chia lại địa giới hành chính Từ Liêm và Thanh Trì thì văn chỉ nằm bên Nhân Mục Môn.

Dân làng Hạ Đình chia làm bốn giáp : Giáp Tiệc Ngô , có cổng xây chữ Dịch Ngọ (nay là số ….) – Giáp Đông Trung, Trung Nhất và Giáp Lê.

Họ gốc làng Hạ Đình có hai họ Nguyễn : Nguyễn Huy và Nguyễn Khắc . Họ Lê có hai họ Lê , họ Trương , họ Đỗ ( Đỗ Lệnh và Đô Văn) , họ Nghiêm. Họ Nguyễn đông người và có vai vế , giữ chức vụ hào lý trong làng; Nguyễn Khắc Chuẩn xuất thân khoa bảng từng làm Đốc học Hưng Yên. Họ Lê thời nào cũng có người đỗ đạt ( Lê Đình Huyên, tiến sĩ đời Hậu Lê; Lê Đình Diên, tiến sĩ đời Nguyễn , đã làm đốc học Hà Nội rồi thôi quan mở trường Đại Tập ở phố Hàng Đậu – một trường học uy tín cuối TK19). Họ Đỗ có có Đỗ Lênh Danh , tiến sĩ khoa 1710.

Hạ Đình có Đặng Trần Côn , tuy không đỗ cao nhưng nổi tiếng là người hay chữ ,là tác giả Chinh phụ ngâm viết bằng chữ Hán , được nhiều người dịch sang quốc âm , trong đó có Đoàn Thị Điểm. Mộ ông để ở đầu xóm Hồng , người làng gọi là mộ cụ Phủ Trần, vì ông là người gốc họ Trần , đổi sang họ Đặng như nhiều họ Đặng Trần khác ở nhiều địa phương .

Thời thuộc Pháp , nhiều gia đình trong làng vẫn còn cho con cháu học chữ Nho ở trường cụ Tổng Hưởng bên Thượng Đình . Nhiều gia đình cũng cho con em sớm theo học trường Pháp nên số người biết tiếng ra tỉnh làm ăn khá nhiều ; họ cho vợ con ra phố mở cửa hàng buôn bán , làm ăn khá giả ( như Phán Côn vợ có cửa hàng phố Hàng Đường ) . Nhiều người gốc Hạ Đình đỗ tú tài, cử nhân, tiến sĩ thành trí thức mới ( anh em Đỗ Lệnh Tấn , Đỗ Lệnh Tước , Tham tá phủ Toàn quyền , Thống sứ : Nguyễn Sĩ Kỳ , Nguyễn Xuân Tùng là Giáo sư . Nguyễn Thiệu Lâu , nhà nghiên cứu địa lý có tài công tác tại Viện Bác Cổ Đông Dương –EFEO).

4

Khung cảnh làm nghề nông phổ biến tại các làng Bắc Bộ : nhổ mạ , trồng lúa ,đập lúa lấy thóc. Làng có nhiều sông hồ: đánh riu, bắt cua , gánh nước ao làng , một lớp học chữ nho trong làng

Đời sống kinh tế của người làng Hạ Đình thời thuộc Pháp chủ yếu trông vào nghề nông. Ruộng công của làng có 200 mẫu và một số ruộng hậu của Đình , Chùa , hoa lợi dành cho việc cúng lễ. Mỗi suất đinh cũng được vài ba sào . Ruộng tư không nhiều , nhà nhiều nhất cũng chỉ mươi mẫu , phần đa là của các gia đình công chức, buôn bán khá giả trên phố , họ giao cho người làng cấy rẽ .

Đàn bà trong làng ngoài việc đồng áng, số đông bắt chước nhau lấy phân bắc, thu nhặt cả trong phố để bán cho người làng Cao Bộ, Thạch Bích trồng mầu. Người làng cũng có một số ra tỉnh làm thuê, ngày mùa lại trở về giúp việc nhà. Không có mấy người đi làm công nhân xí nghiệp vì không có nghề chuyên môn, không có họ hàng thân thích đi trước dìu dắt vào nghề hay giới thiệu .

Làng ven đô chuyển mình

Sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954). Năm 1955, nhiều người hồi cư về Hà Nội, Tp có 40-45 vạn dân. Tấm bản đồ Hà Nội đầu tiên do nước Việt nam DCCH xuất bản vào tháng 1/1955, in 160 bản (bản đồ vẫn do các nhân viên đồ bản cũ thực hiện). Hà Nội vẫn bao quanh bởi vùng nông thôn rộng lớn đủ cung cấp lương thực thực phẩm cho nội thành. Đường bao ranh giới đã dự cảm chính xác việc lấp kín nhà cửa sau nửa thế kỷ đô thị hóa.

6BĐ Hà Nội do Sở Địa chính HN xuất bản tháng 1/1955. Tỷ lệ 1/25000. kích thước 630 x 830 mm. Mã số Lưu trữ quốc gia Vz139. Trích phóng khu vực Hạ Đình và các làng chung quanh

Cùng thời gian này , quy hoạch mở rộng Hà Nội được các KTS Việt Nam nghiên cứu với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô , Trung Quốc . Sơ đồ cho là nghiên cứu năm 1961 tầm nhìn đến 1980 cho thấy khu công nghiệp bố trí cả 4 hướng , bám vào các tuyến đường bộ sẵn có , đường vành đai 3 xuất hiện cùng với đường sắt vòng ngoài Tp vượt sông Hồng bởi cầu Thăng Long và cầu Thanh Trì . Khu vực Hạ Đình được tô mầu chỉ định là công nghiệp và kho tàng , phía Nam được vẽ là công viên cây xanh.

7

Bản Quy hoạch Hà Nội lập 1961. Bản trích Hạ Đình từ bản đồ HN do Viện Quy hoạch Hà Nội vẽ và Ban Địa chính trực thuộc VP Thủ tướng xuất bản năm 1965( 550x700mm) mã số TVQLN 452 Da 65

Hà Nội những năm 1960 nhộn nhịp công trường. Hà Nội – thành phố hành chính và tiêu thụ chuyển dần thành thành phố sản xuất, lao động. Hai bên con đường nối Tp Hà Nội vào thị xã Hà Đông xuất hiện hàng loạt các nhà máy, trường học. Khu công nghiệp cao su, xà phòng , thuốc lá – gọi tắt là cao-xà –lá khẩn trương xây dựng trên 50 mẫu đấtruộng và thổ cư làng Thượng Đình , các nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, cơ khí ô tô, các khu tập thể công nhân thì xây trên đất ruộng làng Hạ Đình .

8Khu Cao Xà Lá hoàn thành1960 , hàng nghìn công nhân có việc làm mới. Phía sau nhà máy là cánh đồng Hạ Đình, Tân Triều, Kim Giang. Các em nhỏ giúp cha mẹ thu hoạch lúa và mót khoai

Sau những ngày hòa bình ngắn ngủi , Hà Nội và miền Bắc VN bị không quân Mỹ ném bom, những vùng ngoại thành là hậu phương để người TP sơ tán cho những người không có nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu được an toàn . Hạ Đình , Kim Giang, Đại Kim …tổ chức các lớp học cho trẻ em thời chiến trong Đình làng , nhà kho HTX, nhà dân hay bên dưới những lũy tre rìa làng .

9

1- Phố Khâm Thiên tháng 12/1972 : nhiều người ra khỏi TP sau những trận bom B52 ác liệt.
2- Ngoại thành HN lũ trẻ chạy chơi bên ngoài sân Đình – giờ đây là một nhà kho HTX.
3- Ngôi trường tan hoang , không có cánh cửa , có 2 lớp học quay lưng vào nhau
4- Một lớp học rìa làng có giao thông hào từ trong lớp chạy ra ngoài mỗi khi có báo động

Trong bản đồ bố trí các trận địa phòng không năm 1972 , trận địa pháo ca xạ đặt ở cánh đồng Gò Dài -Hạ Đình để bảo vệ Khu CN Thượng Đình và các vùng lân cận. Trận địa tên lửa bố trí xa khu dân cư và đặt trên xe ô tô để di chuyển. Bên kia sông Tô Lịch, các em học sinh đào hầm hàm ếch ngay bờ dốc của sông. Trong Đình làng , lế khai giảng các em học sinh đội mũ rơm nhưng có cả đoàn Quân nhạc ( sơ tán về làng) góp vui.

10

Ngoại thành Hà Nội : Trận địa tên lửa ngoài cánh đồng và trên đường làng . Lễ Khai giảng và đào hầm

Chiến tranh qua đi , Hà Nội lại bắt tay vào giai đoạn mới . Cánh đồng Hạ Đình đi đầu toàn TP với năng suất cao nhất đạt 5 tấn/ ha (1979) . Nông nghiệp Hạ Đình không chỉ lúa gạo mà cung cấp rau quả thực phẩm cho Tp hàng trăm tấn mỗi năm : thịt cá , các loại rau , cà , đậu , lạc ; sông Tô Lịch phủ kín bè rau dút; vườn các cụ xanh tươi hoa trái … Những năm 1980, Hạ Đình có 23 cơ quan xí nghiệp , khu CN Thượng Đình mở rộng , diện tích nông nghiệp thu hẹp .Một vài trận địa pháo trở thành các khu nhà ở cho gia đình quân nhân , các đơn vị công an , các khu nhà ở chia lô của các cơ quan , nhà máy cũng thay thế dần đất ruộng .

11

Khu vực Hạ Đình trong bản đồ xuất bản thập kỷ 1970 và Bản đồ Hà Nội xuất bản năm 1986

Từ ba HTX nhỏ tương ứng với xóm Trại , xóm Hồng , xóm Nở , năm 1978 hợp nhất thành HTX toàn xã Hạ Đình nên đã bộc lộ yếu kém quản lý . Tình trạng cục bộ địa phương mất đoàn kết ( phá dỡ CTCC nơi này để xây nơi khác , ngay cả đình chùa ũng bị xâm hại ) . Tệ nạn làm ăn gian dối .dong công phóng điểm, ăn uống lãng phí , tham nhũng …Giữa thập kỷ 1980 , Hạ Đình thực hiện khoán 10, sản xuất NN có chuyển biến : Vẫn chưa tới 3.000 lao động nông nghiệp , đất ruộng ít đi nhiều nhưng sản lượng lúa đạt 7 tấn / Ha 2 vụ ,cung cấp cho Tp 320 tấn rau,200 tấn quả ,150 tấn cá , 26 tấn thực phẩm / năm . Nhiều nghề phụ mới hình thành : thủ công, cơ khí , mộc nề , may…200 lao động Hạ Đình vào làm việc trong các ơ quan xí nghiệp TW và Tp.

Cuối những năm 1980 ,bản đồ Hà Nội rất nhanh bớt đi mầu xanh của ruộng lúa , hồ ao , thay dần vào đó là đường xá , nhà cửa . Tháng 7/ 1989, Hạ Đình tổng kiểm tra ruộng đất :có 688 hộ /1482 hộ dân đủ điều kiện cấp sổ đỏ .20/43 cơ quan sử dụng đất đúng quy định, việc quản lý mốc giới và hồ sơ quản lý đất đai lỏng lẻo …nguyên nhân dẫn đến những vụ việc tiêu cực của xã sau này.

Ngày 07/11/ 1997 ( phường Hạ Đình thành lập, là1trong 11 phường thuộc quận Thanh Xuân) , có 7.650 nhân khẩu ,diện tích tự nhiên 68,7 Ha .Tháng 6/2006 là 2.616 hộ , 12.389 nhân khẩu .Về cơ bản bóng dáng đồng quê Hạ Đình xưa đã biến mất.

Sau hơn 50 năm ( năm 2010 ) vẫn trên diện tích tự nhiên 74,5 Ha ban đầu chỉ vài trăm hộ với ngót nghìn nhân khẩu ,Hạ Đình nay có 2.580 hộ , 15.500 nhân khẩu – tuy vậy dân số Hạ Đình sẽ tiếp tục tăng lên .

12Những lô đất trống bên trái bản đồ chụp 2009 thì năm 2012 đã xây lên các khối nhà ở cao 15 tầng

Bản đồ trên Google Earth ngày12/5/2009 cho thấy con đường vành đai 3 đã hoàn thành cắt đôi phường thành hai hai phần , mặt hồ Dẻ Quạt và Hạ Đình thì vẫn xanh, và hai khu đất trống vốn là ruộng trũng , ao rau muống sót lại . Nhưng tháng 11/2012 thì đã hoàn thành 2 tòa nhà cung cư cao 15tầng dung để tái định cư . Hồ Dẻ Quạt cũng đã có phương án lấp một phần để cấp đất xây nhà ở . Hồ Hạ Đình thì vẽ cái công viên to vật vã vào các lô đất mà xã đã bán để dân xây nhà ở từ năm 1993.

13Tờ BĐ số 39, TL1/500 đo1996 , kích thước gốc 800×600 toàn phường Hạ Đình có 19 tờ, có xác nhận của Sở Địa chính Nhà đất HN. Bản đồ Quy hoạch quận Thanh Xuân năm 2000, trích khu Hồ Hạ Đình

Tháng 11/2012, Thanh tra Chính phủ kiểm tra một số đồ án quy hoạch chi tiết tại các quận, huyện Hà Nội . Kết quả cho thấy : từ năm 2001-2010, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt 293 đồ án trên địa bàn 4 quận, huyện Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Từ Liêm , Thanh Xuân trong đó nhiều đồ án không thể hiện dân số,chất lượng của các đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt chưa cao, độ chính xác của dự báo về nhu cầu phát triển đô thị thấp, thậm chí không khả thi trong từng giai đoạn triển khai các dự án do đó phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần hoặc chuyển mục đích sử dụng đất.Các quận, huyện không lập quy hoạch chung mà chỉ lập quy hoạch chi tiết 1/2.000 đối với các cấp quận và lập quy hoạch chi tiết 1/5000 đối với cấp huyện là không đúng quy định của pháp luật ,chưa đồng bộ về thời gian giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, dự báo dân số chưa sát thực tế phát triển, dẫn đến các chỉ tiêu sử dụng đất so với phát triển dân số không theo quy hoạch được phê duyệt.Công tác quy hoạch xây dựng của TP Hà Nội đang có nhiều hạn chế, bất cập, thiếu cân đối giữa mật độ dân số và hệ thống hạ tầng….

14Từ bản Quy hoạch chi tiết TL1/2000 nhưng thông tin rất mơ hồ chuyển sang QH tổng mặt bằng dự án TL 1/500 với các dự án nhà ở rất cụ thế xây trên đất thu hẹp hồ Dẻ Quạt – Hồ sơ thực hiện tháng 8/2012

Có nhiều hình ảnh Hạ Đình đổi thay từ một làng quê thành phố làng . Con đường lầy bụi ven sông hành chục năm nay cũng đã quang quẻ , nhiều đường làng ngõ xóm mở rộng đổ bê tông, trải thảm nhựa , hình ảnh ấy rất sẵn , ai cũng thấy hàng ngày

Một trăm năm thay đổi của một làng ven đô nói riêng , vùng nông thôn Bắc Bộ nói chung nghe chừng xa xôi , nhưng nửa thế kỷ thì rất gần gũi , nhiều ký ức hình ảnh vẫn còn đọng lại . Ví dụ như đứa trẻ hồi năm 1966 bên giếng nước xưa nay đã là nhà thơ nổi tiếng ở Hà Nội với mái tóc ngả mầu tro . Cậu bé Hà Nôi kéo đàn violon bên mái nhà lợp rạ tại sơ tán quê ta năm nào nay đã là nghệ sĩ piano lừng danh thế giới .

15Trần Đăng Khoa , Đặng Thái Sơn năm 1966. Sông Tô năm 1993 và sông Tô trước cửa Đình Vòng 2008

Dòng sông Tô hơn 20 năm trước chảy qua Hạ Đình vẫn còn hoang vắng nay đã thành con đường đôi phố xá xôn xao . Nhưng vẫn còn đó những chuyện ngổn ngang của thành phố bụi bặm , sông hồ ô nhiễm và nạn ngập úng đe dọa . Hạ Đình hôm nay đang viết tiếp câu chuyện phố -làng của mình .

Ghi chú : (*) toàn bộ nội dung tư liệu của cụ Nguyễn Văn Uẩn (1912-1991)trong cuốn HN nửa đầu TK19”- NXB HN 1995 và “ Lịch sử cách mạng phường Hạ Đình “ tháng 12/2006 – Sách do tập thể BCH Đảng bộ phường Hạ Đình biên soạn do ông Nguyễn Hào Quang & Nguyễn Công Ích chủ biên.

Ảnh minh họa do Hanoidata ST&B.

“Tôi viết bài này theo đề nghị của tạp chí Kiến Trúc – Hội KTS Việt Nam, nhưng cũng là công việc mà tôi gắn bó với nơi này từ cuối năm 2010 đến nay đã gần 2 năm liên quan đến những dự án KGCC nhỏ trong phường. Tôi được khích lệ bởi các đồng nghiệp đang quan tâm đến việc lập quy hoạch hành động cho quy mô cấp phường mà đối với hầu hết các KTS Việt Nam còn rất vụng về . Bản thân tôi cũng là người vừa đi vừa dò đường nên việc đầu tiên có lẽ tìm hiểu căn kẽ lịch sử , duyên cớ hình thành những địa bàn mà mình chạm tay tới .

Nếu là một tài liệu khảo sát địa lịch sử thì chắc chắn chúng tôi còn cần nhiều thời gian , mô tả nhiều tư liệu và các thông tin còn chi tiết nhiều hơn nữa.

Nhưng nếu là một bài báo thì nó đã dài gấp ba số chữ cho phép . Bản thảo này nằm giữa bài báo và tài liệu khảo sát . Tuy vậy , những bản ảnh gốc tôi giữ và có chất lượng tốt để chia sẻ có điều kiện với những bạn bè cùng quan tâm. Tôi hy vọng sẽ có cơ hội cùng bạn hữu chung tay hợp tác thực hiện để có một tài liệu chi tiết hơn trong tương lai.”


KTS Trần Huy Ánh

23h30 ngày 24/11/2012

 

Facebook Comments