.
Làng Cự Đà thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, nằm bên hữu ngạn sông Nhuệ, vì thế làng Tó bên kia sông thuộc huyện Thanh Trì có tên là Tả Thanh Oai. Cự Đà xưa là thuộc tỉnh Hà Đông, giàu nhất vùng này. Làng này có điện từ năm 1929, do nhiều người làng đi buôn và mở hiệu ở Hà Nội, đem tiền về xây dựng. Giao thông của làng trước kia lấy sông Nhuệ làm chính, vì thế làng quay ra sông, bám dọc theo trục đường đê. Gọi là đê cũng chẳng phải, vì sông Nhuệ cũng như sông Tô Lịch, nước lặng. Song song sông Nhuệ, có đường ra đường 21B chạy lên Ba La Bông Đỏ về Hà Đông. Nhưng đi xe máy thì tiện nhất là đi từ Cầu Bươu xuống.
Gần như thế - cách nhà có 6km, cách quê ngoại 5km nhưng mãi giờ tôi mới đi. Con sông Nhuệ giờ thì ô nhiễm nặng nề, bẩn thỉu chả kém sông Tô Lịch. Chả hiểu những khu công nghiệp dọc ngã ba sông này có ích lợi gì hay là đóng góp tiền bạc trong mấy chục năm qua không, nghĩ cũng thật là một canh bạc về tay trắng, giờ các nhà máy dọc hai sông hoạt động èo uột, việc xử lý chất thải với làm trong lại sông tốn kém có khi gấp mấy lần lợi nhuận các nhà máy làm ra (khu Cao Xà Lá là điển hình). Ai ngờ được những cái làng dọc khu hai sông này ngày xưa từng là giầu nhất xứ Bắc Kỳ, giờ trông lam lũ cảnh đầu ô, bến bãi tứ chiếng.
Nói thì có vẻ phóng tác bệnh nói vống, nhưng không ngờ cái làng Cự Đà nhiều nhà thời Pháp to quá. Cứ so sánh với những cái làng quê cùng thời, mái rạ với vách đất thì làng này phải gọi là trên tiền. Mật độ nhà Tây san sát, ra dáng ăn chơi hơn nhiều so với các làng nổi tiếng khác. Tất nhiên cái còn lại cũng tàn tạ, lại thêm nhiều cái nhà "Tây mới" lô nhô xấu xí chẳng có vẻ ăn chơi gì. Làng Cự Đà thực ra không có cảnh, chỉ có vật (là đơn vị nhà). Nếu sông Nhuệ mà trong mát thì hay, vì cây cối bên sông cũng um tùm, có điều người ta xây nhiều nhà tạm ven sông quá.
Bắt đầu từ những công trình công cộng:
Làng có nhiều xóm đâm ra sông như kiểu xương cá. Trên là xóm Đình, có cái cổng có cái đồng hồ (đã chết).
Ngôi đình có cái đặc biệt là bộ cổng sắt từ thời Pháp. Những hoa sắt được đúc và gò bằng loại sắt dày dẹt, dày có lẽ đến 14mm, có phong cách tương đồng với hoa sắt ở những công thự ngoài Hà Nội, kiểu Tòa Thống sứ (Bắc Bộ phủ hay Nhà khách chính phủ bây giờ. Mới đầu không tin tưởng lắm, nhưng kiểm tra thấy có cả những cái thanh sắt chéo giữ bên trong, lại thêm những hoa dập uốn cầu kỳ, thì ngạc nhiên. Nhìn lại giờ mới thấy có cái hoa hình chữ Thọ kết hợp chữ Vạn, thật cầu kỳ. Có lẽ cái làm cho nó hơi có vẻ tân kỳ là mấy hình quả trám bên dưới. Nhưng thực ra hình quả trám có từ lâu, những cái tủ gỗ cổ kiểu Pháp cũng đã hay dùng.
Cánh cổng bên có những bông hoa huệ và quả thông. Cái gong cổng cũng y hệt như ở Bắc Bộ phủ.
Pháp Việt đề huề - nói chung những hoa văn là thứ khả thi nhất khi kết hợp trong kiến trúc. Có thể vào thời ấy, nhìn kiểu nhà giàu chơi đồ Tây lại bị xem là lai căng, nhưng để ý lại thì thực tế có một tinh thần học hỏi. Kể cả có châm chọc như trong Số Đỏ, thì cái tinh thần ấy cũng cho thấy người ta "Âu hóa" rất hăm hở. Ở một làng quê giàu có, người ta hưởng lợi từ văn minh mới này, đương nhiên là họ phải thể hiện điều ấy ra.
Vùng Hà Đông có rất nhiều ví dụ về sự pha chế này. Vùng tỉnh cũ này cũng là một vùng thú vị: bao bọc lấy Hà Nội ở 2 phía Tây và Nam, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho Hà Nội nhanh nhất, so với các tỉnh khác hoặc phải qua sông Hồng, hoặc phải lặn lội từ chiêm trũng ngập lụt Phủ Lý lên... Nó là vùng đệm giữa Việt Minh và tề, là nơi nhiều nhà giàu bỏ tiền ra nuôi cán bộ, là vùng ít thiên tai nạn đói hơn. Thế nhưng Hà Đông sau này chỉ là tỉnh lỵ của một tỉnh nghèo, dân thất học nhiều (góp phần giúp Hà Nội mới có tỉ lệ người mù chữ cao nhất nước) và gần như chẳng có vị thế chiến lược gì ngoài tính chất "áo giáp chở che ngàn năm bền vững" cho Thủ đô - một lối nói chỉ có tính nghệ thuật hóa.
Chùa Cự Đà có cái cổng và hàng muỗm quá đẹp. Lại có cây hoàng lan cao vút, tiếng chuông chiều gợi không khí tịch mịch. Ngó vào sân thấy nhiều voi và sư tử đá (sao mà đâu cũng sư tử mới thế này), lại đỏ rừng rực gạch Giếng Đáy mới, nên chẳng thiết vào.
Đây là cái cột đèn từ năm 1929, để báo hiệu cho thuyền bè trên sông Nhuệ (độc đáo nhỉ, như hải đăng). Người ta tô sơn lại nên cứ tưởng là mới!
Nhà Hội đồng Nhân dân làng.
Nhà khuyến học (hoặc từng là trường học). Cái chỗ trống hoác ở hàng rào chắc mới đổ. Thấy cái cột trụ lỏng chỏng. Nhà có hiên Tây xây bằng cuốn gạch cùng sắt chữ I.
Xóm Chùa.
Nhà thờ họ Trịnh xóm Cương.
Nhà kiểu chữ Nhị có hai sân trong, khá là ít ở miền Bắc.
Lối vào xóm Chùa. Bên cạnh là nhà ông Lai, nhà nổi tiếng vì hay được quay phim ở đây. Gặp một chuyện ở đây, nhưng là lúc chập tối khi quay lại.
Cái nhà này mới đây được Nguyễn Thanh Vân chọn làm bối cảnh quay phim Lều chõng dựa theo tiểu thuyết của Ngô Tất Tố. Bà vợ ông chủ nhà đon đả mời vào, nhưng cứ nhắc là phải cho cô chú tí lộc. Nói chung là giá cứ rõ ràng thì cũng chẳng sao, nhà cổ đẹp thì mời các vị vào phải có lệ phí cho gia chủ còn giữ gìn - nhất trí thôi. Nhưng cứ rào đón đâm ngại ghê.
Bên trong nhà thì cao ráo và khá quy củ, cao hơn nhiều so với những nhà kiểu mái cổ ngày xưa.
Những con dơi và chùm quả này đắp bằng cái gì mà vẫn còn khá nguyên vẹn, trong khi vôi vữa xung quanh đã bong tróc rồi.
Đầu tiên cứ nghĩ cái mái hiên bằng tôn có hai cọc sắt này là mới. Nhưng hóa ra là có từ đầu. Những cái xà gỗ chạm khắc cầu kỳ, có ghép nối đinh ốc đàng hoàng với cái xà tàu mái ở hiên.
Mái tôn trên che cho bậc tam cấp này. Mái tôn và cột sắt ngày xưa có lẽ là dấu hiệu của văn minh, công nghệ, cho nên sự có mặt là vậy chăng. Cái bậc tam cấp cũng được xây khá cầu kỳ: hàng ngoài xây gạch nghiêng, loại có mài tròn mép, rồi trong là gạch lá dừa, đảm bảo kích thước rộng 30, cao 15cm.
Cột đá kiểu chân quỳ.
Bức cốn chạm nhiều hình tứ quý (tùng cúc trúc mai) và các tích kiểu Bàn đào bát tiên... mang phong cách ảnh hưởng Trung Quốc.
Nhất là những bộ cửa này, có phong cách Tầu đậm nét, nhất là những hình chữ Hán thể Triện vốn ít dùng ở nhà dân.
Các tích cũng toàn là tích Tam Quốc, Tây Du... Tóm lại là một cái nhà khá bài bản, chứ không phải là dân dã như nhiều nhà cổ Bắc Bộ.
Nhưng những căn nhà ở Cự Đà lại nổi bật vì có hình thức Tây. Càng đi vào giữa làng, càng nhiều nhà như thế. Làng chia làm các xóm có tên không thống nhất phong cách: Hiếu Đễ, Lễ Nghĩa, Đồng Nhân Cát, Con Cóc, Cuông, Đình, Chùa, Quang Trung, Ba Gang...
Xóm Đồng Nhân Cát, Hiếu Đễ và Lễ Nghĩa có vẻ nhiều nhà Tây nhất.
Trong đó, nhà ông Thắng ở xóm Đồng Nhân Cát là nổi bật nhất vì còn giữ được nhiều trang trí đúc bằng gốm tráng men của Pháp trên mặt tiền. Nhà xây kiểu dinh thự đối xứng 5 phân vị dọc. Móng nhà xây bằng đá, lối vào nhà xây tam cấp càng cua, đẹp không kém những biệt thự Hà Nội cùng thời.
Tiếc rằng các cửa kính vỡ đã bị thay bằng cách bít gạch.
Cái nhà phía trước xây quá sát, lại đổ mái bằng. Chắc nhiều người đã xem ảnh ở vị trí này nhưng nhà thấp tầng phía trước là mái ngói. Mai kia họ xây lên tầng 2 thì hết thấy nhà ông Thắng. Hoặc phải vào nhà hàng xóm này trổ cửa ra mới ngắm được.
Khung cảnh như kiểu những phim Tàu hồi cố thời Dân Quốc.
Phóng to lên cho rõ, thấy những cái hoa văn kiểu Pháp kết hợp những chữ Hán thật sinh động. Chưa kể là hai bên ngoài còn ốp gạch hoa, mà chỉ hai hàng thôi, chứ không diễn hết.
Trang trí gia huy tuyệt đẹp!
Hoa sắt lan can tuy cũng như ở Hà Nội nhưng vào cái thời ấy, ở nhà quê thì là kinh khủng lắm.
Hàng hiên và bên trong lát 2 loại gạch khác nhau. Giữa trong với ngoài, người ta dùng mảnh vỡ ghép rối, tự nhiên gây hiệu ứng giao thoa, vừa hiện đại, vừa chuyển tiếp rất có lý.
Cầu thang gỗ còn nguyên. Đây là cái nhà gác còn dùng được tầng 2, chứ các nhà gác khác đều đã gần như hỏng.
Tầng 2 lại có gạch hoa kiểu khác. Những con tiện vuông chắc chắn, không quá nhiều, nhịp điệu cân đối. Không hiểu sao bây giờ người ta xây nhà dùng con tiện cứ lẻo khoẻo hoặc quá tham, lại lười bổ trụ, làm thành những cái lan can rất xấu. Không phải là hoài cổ, nhưng thật cũng chưa hiểu tại sao các tỉ lệ bây giờ không mấy khi được nghiên cứu khi xây nhà, mặc dù thức cổ điển đã gần như tuyệt đối rồi.
Ở nhà cổ này lại nhìn thấy nhà cổ ở xóm khác. Một cái bàn học trông ra một khung cảnh như vậy thì sẽ có ý nghĩa gì?
Nhà bên kia ngõ, cửa bịt kính phản quang.
Đến đây mới được non nửa hành trình. Còn nhiều ngạc nhiên nữa (tất nhiên là với tôi đã), sẽ đưa lên entry sau.
Xem tiếp:
Cự Đà (2)
Cự Đà (3)
Không gian hạnh phúc