Facebook của tôi

Liên kết website

Đi dọc Việt Nam

THẦY CÔ VÀ CÁC BẠN HÃY NHẤP VÀO LIÊN KẾT BÊN DƯỚI, RẤT NHIỀU THỦ THUẬT HAY XIN ĐƯỢC CHIA SẺ VỚI THÂY CÔ VÀ CÁC BẠN

Gốc > Bài viết về Quốc Oai > Quốc Oai quê tôi >

Hoàng Xá quê tôi

 dhx_500_01
 
      Hoàng Xá xưa kia nay là Thị Trấn Quốc Oai - Quốc Oai - Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía tây nam. Nhắc đến Hoàng Xá phải nhắc đến động Hoàng Xá. Động Hoàng Xá nằm trong quần thể du lịch của huyện Quốc Oai; động nằm cạnh Đại Lộ Thăng Long, cách chùa Thầy 3km. Động không chỉ là nơi du lịch với cảnh non nước hữu tình mà còn là khu di tích lịch sử quan trọng. Ở đây tôi không có tham vọng viết về lịch sử của làng Hoàng Xá mà chỉ đưa ra hình ảnh về cảnh đẹp của động Hoàng Xá, một vài nét lịch sử đã để lại ở hang động và câu chuyện về người dân Hoàng Xá chúng tôi. Để khi các bạn nhắc đến Hoàng Xá quê tôi là nhắc đến những người dân đã anh dũng trong kháng chiến chống Pháp và nhắc đến phong cảnh vô cùng đẹp đẽ mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân xứ Hoàng.
          Đến động Hoàng Xá vào một ngày đẹp trời tôi có làm bài thơ:
                                                  
                                                  Cảnh động
                                    Cảnh động Hoàng Xá trông huyền ảo
                                    Mái chùa dưới bóng ngọn tháp cao
                                    Hang gió voi phục nhũ đá rủ
                                    Trong đầm sen nở tiết thanh tao  
                                                       
                                                        (Nguyễn Hữu Huân)
                                               
         
           MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ ĐỘNG HOÀNG XÁ

img_3189 

 img_3179  img_3186

dhx1 

 dhx5  img_3199

              Câu chuyện về bài thơ khắc trên vách đá trong hang Gió

          Trên vách lớn nhất của động Hoàng Xá có tạc tượng thờ một vị quan văn, mặc áo tiến sĩ, đầu đội mũ cánh chuồn, vẻ mặt đăm chiêu, tư lự, đó là Ông Cao Xuân Dục. Khi Hoàng Cao Khải theo Pháp muốn làm Phó Vương bắt các quan trong triều phải ký vào biểu dâng lên Vua, Ông Cao Xuân Dục, bấy giờ đang là một trong Tứ Trụ Triều Đình, vốn thanh liêm, bèn đề vào mấy câu:

         "Thiên Vô Nhị Nhật Quốc Vô Lưỡng Vương Thần Cao Xuân Dục Bất Khả Ký"

          (Trời không có hai mặt trời Nước không có hai vua Thần Cao Xuân Dục Không thể ký)

Do đó mà Ông bị giáng chức về làm tri phủ huyện Quốc Oai, Hoàng Xá.

 

ocxduc

Hình ảnh ông Cao Xuân Dục

ocxd

Tượng ông Cao Xuân Dục khắc trên vách đá

      Trên vách đối diện có những bài thơ do các quan đời sau ghi lại về Ông Cao Xuân Dục. Rõ nhất là bài sau đây:

                               Năm Tân Hợi, tháng Ba Nam Lịch
                               Rượu với đàn một phách lên non
                               Cao Nhân: người khuất tượng còn
                               Ngàn thu nước lũ vẫn còn đá trơ
                               Gương nhật nguyệt sớm trưa xế bóng
                        
       Tháp trần lang ngồi hóng gió mây
                               Gặp tiên một buổi hôm nay
                               Mà lòng đã chắc những ngày một hai
 

                                                      [Trần Trọng Tiết, Tri Phú Quốc Oai cảm tác]

            Dân làng gần xa thường đến đây thắp hương tưỏng nhớ đến Ông. Con cháu của Ông mỗi dịp giỗ, Tết, đều tụ tập về đây cúng vái, người trong họ gặp nhau vui vẻ lắm.

                             Hoàng Xá trong thời kỳ kháng chiến         

         Núi Hoàng Xá có lợi thế về quân sự - dễ phòng thủ, khó tấn công, nên bọn Pháp đã đóng bốt ngay trên núi Hoàng Xá. Từ khi chúng về đóng bốt người dân Hoàng Xá đã phải chịu biết bao khổ đau do chúng gây lên. Bên cạnh nỗi khổ đau là những câu chuyện về người Hoàng Xá anh dũng và mưu trí đánh giặc.

                              Hoá trang tập kích đánh địch

                                   (Chuyện được viết qua lời kể của Ông Vũ Danh Thọ)

            Cuối năm 1952, đầu năm 1953, ta mở chiến dịch Tây - Bắc. Trong vùng địch hậu, Sư đoàn 320 mở chiến dịch Hà Nam Ninh. Trung đoàn 42 thọc sâu vào Sơn Tây, Hà Đông, quấy rối địch, cầm chân chúng, không cho tiếp viện lên Tây - Bắc.

            Huyện Quốc Oai giao cho Đội vũ trang tuyên chuyền bộ đội địa phương huyện, do tôi phụ trách, có trách nhiệm tổ chức rải truyền đơn khuếch chiến thắng tại chợ phủ Quốc Oai. Là một chợ lớn trong vùng, các phiên chính của chợ Phủ, ngoài nhân dân trong huyện còn có cả nhân dân từ Thạch Thất xuống, Hoài Đức sang, Chương Mỹ lên bán, mua, nên chợ họp rất đông. Tập kích được vào đây rải chuyền đơn tuyên truyền chiến thắng, sẽ gây được ảnh hưởng rộng lớn. Được nhận nhiệm vụ, tôi suy nghĩ muốn vậy phải hoá trang thành phụ nữ và phải nằm ở nhà dân ngoài phố huyện một đêm trước ngày phiên trợ; còn lực lượng chỉ cần 1- 2 người. Tôi báo cào kế hoạch với đồng chí Bùi Hồng, Huyện đội phó để xin ý kiến, được đồng chí chấp nhận và khích lệ, tôi bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị.

              Mượn hay may quần áo phụ nữ để mặc cho vừa, với tôi rất dễ, nhưng còn tóc và những thứ cần thiết cho bộ ngực để trở thành "phụ nữ" mới khó. Tôi đem ý kiến này trao đổi với một cơ sở là hội viên phụ nữ, thì được chị em góp ý: tóc có thể mua được, vì những ban hát cải lương, hát chèo vẫn thường dùng tóc giả, còn bộ ngực thì mua bộ giả làm bằng mút. Chị em ở cơ sở hứa sẽ giúp tôi chuẩn bị. Vai phụ nữ sẽ do tôi đích thân đảm nhiệm vì tôi có đủ điều kiện hoá trang giống hệt như chị em : người nhỏ, dáng con gái, đi đứng nhẹ nhàng yểu điệu... Tuy vậy, khi có đủ các thứ cần thiết, tôi phải tập đi tập lại nhiều lần, được chị em cơ sở công nhận là giống con gái thật, đó là thành công bước đầu. Tôi chọn đồng chí Bì, tiểu đội phó, cán bộ tăng cường của Quân khu, cùng đi làm nhiệm vụ. Đồng chí Bì người đen chắc, trông như một nông dân, sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ tôi rải chuyền đơn và nói chuyện với nhân dân. Vũ khí mang theo của chúng tôi gồm một khẩu tiểu lên tuyn với 2 băng đạn, 1 súng lục Uyních, do tôi sử dụng, 1 khẩu súng trường 7,9 ly do đồng chí Bì mang. Quẩn áo ngụy trang thì cho vào tay nải, chuẩn bị gọn gàng khi được lện xuất phát.

              Trước một tuần lễ, chúng tôi đã liên lạc với gia đình ở cơ sở ở phố huyện là chị Nguyễn Thị Xuân - tức chị Cả Điền, đề nghị thường xuyên theo dõi đi lại của địch ở vị trí Hoàng Xá, nhất là các phiên chợ Phủ thì chúng có hay đi từ bốt ra chợ không, đi theo đoàn hay từng tên một. Qua chị Xuân, chúng tôi được biết: từ khi ta mở chiến dịch Tây - Bắc, Hà Nam Nính thì địch co cụm trong bốt, ít cho quân lính ra ngoài; chúng thường giao cho bọn địa phương quân đi tuần tiễu từ Hoàng Xá ra chợ Phủ, cách nhau 500 - 600 mét. sau khi nắm tình hình và theo rõi thực tế 7 ngày liền, tôi báo cáo lại với đồng chí Bùi Hồng và xin thực thi nhiện vụ như kế hoạch đã trình bày; chọn những ngày 5, 10, 15, 20 âm lịch là phiên chợ chính, nhân dân đi chợ đông để hành động.

              Thế là từ tối ngày mùng 9 tháng 7 âm lịch, tôi và đồng chí Bì đã có mặt tại nhà chị Xuân, đề nghị cho ở lại , vì nhà chị cách chợ khoảng 10 m. Nhưng nhà chị buôn bán nhiều thứ, chật chội, lại cũng có nhiều người khác đến ngủ nhờ mai ra họp chợ, nên chị đã đưa chúng tôi ra nhà bà Cả Dong, cách nhà chị dăm mét. Bà Dong đống ý cho chúng tôi nghỉ ở trong buồng. Tôi dặn chị Xuân sáng sớm mai phải báo cáo tính hình địch ở bốt Hoàng Xá cho tôi biết.

              Suốt đêm mùng 9 tháng 7 có thể coi là cả 2 chúng tôi đều không sao ngủ được vì hồi hộp cho công việc ngày mai:

- Nếu không bị lộ thì hoàn thành nhiệm vụ sẽ rút thẳng lên đê, về thôn Đình Tổ, qua trại Ba Nhà, đi xuống Cộng Hoà.

- Nếu bị lộ thì rút thẳng vào cổng huyện, lội hào sang cánh đồng Thạch Thán, xuống Dương Cốc, rồi cũng xuôi Cộng Hoà.

               Sáng 10 tháng 7, từ 6 giờ 30' chúng tôi đã dậy và cải trang xong. Trong bộ quần áo phụ nữ, tôi ra nhà ngoài ăn sáng. Bà cả Dong mang thức ăn ra, thấy một cô gái ngồi đó thì la hét, chửi bới om sòm: ''mới banh mắt ra, con gái con đứa nào vào nhà người ta mà chẳng hỏi han gì". Tôi bật cười biết rằng như vậy việc cải trang của mình đến lục này là đạt lắm rồi, lền kéo tay bà Cả Dong lại, nói nhỏ: "Tôi là Thọ, bộ đội đây". Bà Cả Dong nhìn tôi một lúc phát nhẹ vào vai, nở nụ cười xin lỗi. Sau đó tôi một mình ra chợ, đảo qua một số bà con người làng ra chợ, vừa nghe động tĩnh, vừa xem thử mọi người có nhận ra mình không, nhưng chẳng thấy ai gọi đúng tên, càng yên tâm với kết quả hoá trang. 7 giờ 30' rồi 9 giờ, chị Xuân thường xuyên báo tính hình cho chúng tôi biết. Đến 9 giờ 30'  thì chị cho biết chỉ có vài tên địa phương quân ra chợ chơi, không mang theo súng ống gì.

            10 giờ kém 10 phút, chúng tôi theo dân ra chợ. Tôi đi trước, đồng chí Bì buộc khẩu 7,9 ly vào hai cái đòn tròn, vác lên vai như người đi chợ, đi sau cách tôi 5 mét. Khi chúng tôi đến trường của ông giáo Hội - cách cổng đình phố huyện 10 mét, thì thấy tên lính địa phương quân gác ở đó. Nom thấy đồng chí Bì vác súng tên này kêu to: "Việt Minh". tôi tiến ngay đến sát nó, nổ một phát súng lục, nó ngã gục, đồng chí Bì chạy đến tước súng. Lúc này chợ rất đông, tường đình phố huyện một số trẻ em trèo leo lên. Tôi lấy khẩu tuyn bắn một băng chỉ thiên và hô hào và hô hào nhân dân bình tĩnh, ai ở đâu cứ ở đó. Tôi nói chuyện tin chiến thắng cho nhân dân nghe và phân phát, rải truyền đơn. Khi tôi nói chuyện thì nhân dân báo có lính địch ở phía sau; tôi quay lại thì thầy có một tên đang quỳ, nòng súng hướng lên tôi và nói: "con Việt Minh đây rồi". Tôi liền nã ba viên đạn vào nó. Tên này bị gãy đùi, vứt súng tháo chạy. Tôi chạy lại chỗ nó vừa phục định bắt tôi ở đầu chợ, lối Thạch Thán đi ra, cách Hiệu sách nhân dân hiện nay độ 5 mét; thì ra đó là một tên địa phương quân. Tôi thu nốt khẩu súng trường này.

             Chợ vãn nhân dân đã bắt đầu ra về, nhiệm vụ của chúng tôi đã hoàn thành, cần phải tranh thủ cùng dân chúng về chợ, để rút theo kế hoạch : lên đê về thôn Đình Tổ. Tôi vào nhà bà Thiện thân sinh anh Vũ Danh Đắc, bán quán ở đầu làng. Người thấm mệt, chúng tôi ăn bánh, uống nước và lấy thêm mấy chiếc bánh nữa, mang theo. Bà là thím dâu tôi, nhưng tôi vẫn cải trang nên bà chưa nhận ra ngay, tôi phải nói nhỏ: "Cháu là Thọ đây". Thím tôi rớt nước mắt gật đầu. Nhưng cháu bà là thằng Đá - con anh Đắc (tên lúc nhỏ, nay là anh Vũ Danh Tuấn) bảo với bà: "Cô gái ăn bánh lại không trả tiền hả bà"; thìm tôi phải nói lảng đi là cô ấy còn chịu, lần sau sẽ trả.       

               Kết quả, trận hoá trang tập kích đạt được:

            - Khuếch trương chiến thắng của chiến dịch Tây - Bắc, Hà Nam Ninh cho nhân dân các nơi trong huyện lúc đó. Rải được 5.000 tờ truyền đơn nói kỹ hơn về tin chiến thắng.

            - Bắn chết 1 tên, làm bị thương 1 tên địa phương quân, thu 2 súng trường.

            Địch ở vị trí Hoàng Xá không dám đi ra chợ càn quét, sợ quân ta phục kích. Ta càng thấy ở đâu có dân là có chiến tranh du kích, chính nghĩa thắng hung tàn. Mỗi trận đánh, việc chuẩn bị tốt kế hoạch là đã thẳng lợi một nửa, đó là kinh nghiệm thực tế rút ra trong trận đánh này.     



Nguyễn Hữu Huân @ 08:27 16/04/2015
Số lượt xem: 5966
Số lượt thích: 0 người
Avatar
Cảm ơn tấm lòng chân tình của thầy Huân. Tôi sẽ thường xuyên ghé thăm gia đình thầy. Chúc thầy vui vẻ.
Avatar

Thành viên 16 xin chào thầy Huân

Chúc thầy luôn mạnh khoẻ, công tác tốt

Avatar

Cảm ơn thầy Huân đã đến thăm nhà tôi & để lại lời nhắn.

Chúc thầy luôn mạnh khoẻ, công tác tốt

Rất mong thầy luôn đóng góp tích cực tư liệu cho trang riêng.

Tôi muốn góp vào trang thầy một số tư liệu nhưng nhà "khoá cửa" kỹ quá! hic hic... 

Avatar

GHÉ THĂM ĐỒNG NGHIỆP! CHÚC ĐỒNG NGHIỆP NĂM HỌC MỚI THÀNH CÔNG MỚI...MỜI ĐỒNG NGHIỆP GHÉ CHƠI

Avatar

Cảm ơn thầy Hưng đã ghé thăm ;

Chúc thầy năm học mới nhiều thắng lợi !

 
Gửi ý kiến

NHẤP VÀO LIÊN KẾT BÊN DƯỚI ĐỂ XEM VIDEO CÁC THỦ THUẬT HAY. THÂY CÔ VÀ CÁC BẠN HÃY ĐĂNG KÝ MIỄN PHÍ ĐỂ ỦNG HỘ CHO KÊNH !