Chúa Nguyễn

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm
Loạt bài
Lịch sử Việt Nam
Bản đồ Việt Nam

Thời tiền sử

Hồng Bàng

An Dương Vương

Bắc thuộc lần I (207 TCN - 40)
   Nhà Triệu (207 - 111 TCN)
Hai Bà Trưng (40 - 43)
Bắc thuộc lần II (43 - 541)
   Khởi nghĩa Bà Triệu
Nhà Tiền LýTriệu Việt Vương (541 - 602)
Bắc thuộc lần III (602 - 905)
   Mai Hắc Đế
   Phùng Hưng
Tự chủ (905 - 938)
   Họ Khúc
   Dương Đình Nghệ
   Kiều Công Tiễn
Nhà Ngô (938 - 967)
   Loạn 12 sứ quân
Nhà Đinh (968 - 980)
Nhà Tiền Lê (980 - 1009)
Nhà Lý (1009 - 1225)
Nhà Trần (1225 - 1400)
Nhà Hồ (1400 - 1407)
Bắc thuộc lần IV (1407 - 1427)
   Nhà Hậu Trần
   Khởi nghĩa Lam Sơn
Nhà Hậu Lê
   Nhà Lê sơ (1428 - 1527)
   
   trung
   hưng
(1533 - 1789)
Nhà Mạc (1527 - 1592)
Trịnh-Nguyễn
phân tranh
Nhà Tây Sơn (1778 - 1802)
Nhà Nguyễn (1802 - 1945)
   Pháp thuộc (1887 - 1945)
   Đế quốc Việt Nam (1945)
Chiến tranh Đông Dương (1945 - 1975)
   Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
   Quốc gia Việt Nam
   Việt Nam Cộng hòa
   Cộng hòa Miền Nam Việt Nam
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (từ 1976)

Xem thêm

sửa

Chúa Nguyễn là cách gọi chung trong sử sách và dân gian về những nhà cai trị các vùng đất từ Thuận Hóa (phía nam đèo Ngang hiện nay) vào miền nam của Việt Nam, bắt đầu từ đầu giai đoạn Lê Trung Hưng của nhà Hậu Lê, hay giữa thế kỷ 16, cho đến khi bị nhà Tây Sơn tiêu diệt năm 1777. Các chúa Nguyễn là tiền thân của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.

Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê và lập ra nhà Mạc. Nguyễn Kim (1468-1545), vốn là một tướng giỏi của nhà Hậu Lê, nhờ có công giúp vua Lê chống lại nhà Mạc nên được phong chức Thái Sư Hưng Quốc Công, sau này khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước đã truy tôn ông là Triệu tổ Tĩnh hoàng đế. Nguyễn Kim có ba người con. Con gái đầu tên Ngọc Bảo, lấy Trịnh Kiểm, người sau này trở thành vị chúa mở đầu cho sự nghiệp của các chúa TrịnhĐàng Ngoài; hai người con trai kế của Nguyễn Kim cũng là tướng giỏi và được phong chức Quận công. Sau khi người con trai lớn là Nguyễn Uông, bị anh rể là Trịnh Kiểm giết, người con trai còn lại là Nguyễn Hoàng đã xin vua Lê cho vào cai trị vùng đất Thuận Hóa để rời xa tầm ảnh hưởng của anh rể, nhằm mưu đồ tạo dựng cơ nghiệp riêng cho họ Nguyễn. Tổng cộng có chín chúa Nguyễn cai quản xứ Đàng Trong trong hơn 2 thế kỷ.

Nguồn gốc[sửa | sửa mã nguồn]

Họ Nguyễn trước đây là họ Lý, tức là triều đại nhà Lý. Đời Trần Cảnh (con rể Lý Huệ Tông) thì dòng họ Lý tuyệt diệt. Cha ông Nguyễn Nộn đổi qua họ Nguyễn mới trốn thoát, vì sợ cứ giữ họ Lý thì họ chưa trốn thoát khỏi nhà Trần.

Theo phả hệ họ Nguyễn, các chúa Nguyễn là dòng dõi họ Nguyễn ở Gia Miêu, Tống Sơn, Thanh Hóa và là con cháu của Định Quốc công Nguyễn Bặc nhà Đinh. Một số tài liệu nghiên cứu của các nhà chuyên môn đã khẳng định các chúa Nguyễn không phải là con cháu Nguyễn Trãi.[cần dẫn nguồn] Thế thứ các đời họ Nguyễn ở Gia Miêu từ thế kỷ 10 như sau:

  1. Nguyễn Bặc
  2. Nguyễn Đê
  3. Nguyễn Viễn
  4. Nguyễn Phụng
  5. Nguyễn Nộn
  6. Nguyễn Thế Tứ
  7. Nguyễn Minh Du
  8. Nguyễn Biện
  9. Nguyễn Sử
  10. Nguyễn Công Duẩn (hay Chuẩn)
  11. Nguyễn Đức Trung

Sử sách thường ghi Nguyễn Kim - cha của chúa Nguyễn đầu tiên Nguyễn Hoàng - là con của An Hòa hầu Nguyễn Hoằng Dụ, là cháu của Nguyễn Văn Lang (người tham gia cùng Lê Tương Dực khởi binh giành ngôi của Lê Uy Mục) và là chắt của Nguyễn Đức Trung. Và sử cũng ghi Nguyễn Văn Lang là em Nguyễn Thị Hằng, hoàng hậu của Lê Thánh Tông. Sự thực không phải như vậy.[cần dẫn nguồn]

Theo tác giả Đinh Công Vĩ, khảo cứu 7 nguồn gia phả họ Nguyễn khác nhau tại sách ‘‘Nhìn lại lịch sử’’, các phả họ Nguyễn nói chung có sự khác nhau về vấn đề khẳng định hoặc không khẳng định việc đưa Nguyễn Trãi vào, cho rằng ông là cha của Nguyễn Công Duẩn; còn thông tin từ đời Nguyễn Đức Trung trở đi, các gia phả đều thống nhất rằng: Nguyễn Hoằng Dụ chỉ là em họ của Nguyễn Kim. Theo đó, Nguyễn Công Duẩn sinh 7 con trai, sau phân thành 7 chi. Chỉ xét 4 chi:

  1. Chi đầu là Nguyễn Đức Trung, sau được phong Thái úy Trình quốc công. Ông là tổ họ Nguyễn Hữu, sinh được 14 con, trong đó con gái thứ 2 là Nguyễn Thị Hằng. Thái phó Tĩnh quốc công Nguyễn Hữu Dật là hậu duệ của ông.
  2. Chi 4 là Nguyễn Như Trác, sau được phong Thái bảo Phó quốc công. Ông là tổ của dòng hoàng tộc Nguyễn Phúc, sinh Nguyễn Văn Lưu. Văn Lưu sinh ra Nguyễn Kim.
  3. Chi 5 là Nguyễn Văn Lỗ, sau được phong Thái úy Sảng quốc công. Ông là tổ họ Nguyễn Gia (Liễu Ngạn, Bắc Ninh), sinh ra Nguyễn Văn Lang, Văn Lang sinh Nguyễn Hoằng Dụ. Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều là hậu duệ của ông.
  4. Chi 7 là Nguyễn Bá Cao, sau được phong Thái phó Phổ quốc công. Ông là tổ họ Nguyễn Cửu, sinh được 2 trai. Phó tướng Nguyễn Cửu Kiều là hậu duệ của ông.

Theo thông tin từ đó, hoàng hậu Trường Lạc Nguyễn Thị Hằng là chị họ công thần Nguyễn Văn Lang của vua Lê Tương Dực và Nguyễn Kim là anh họ Nguyễn Hoằng Dụ.[cần dẫn nguồn]

Còn một minh chứng nữa mà tác giả Đinh Công Vĩ nêu ra: Ở Triệu miếu (Huế) và Nguyên miếu (Gia Miêu ngoại trang) chỉ thờ Nguyễn Văn Lưu là cha đẻ thực của Nguyễn Kim mà không thờ Nguyễn Hoằng Dụ - cha Nguyễn Kim như sử chép. Mặt khác, mộ cha Hoằng Dụ là Nguyễn Văn Lang ở làng Tam Quy xã Hà Tân, Hà Trung, Thanh Hoá chỉ do con cháu chi 5, nay đã đổi ra họ Đỗ Nguyễn trông nom, họ Nguyễn Phúc không có nhiệm vụ trông nom mộ Nguyễn Văn Lang. Trong các nguồn gia phả, có cuốn do Quỳnh Sơn hầu Nguyễn Lữ là em ruột Nguyễn Văn Lang soạn năm 1515, khi đó những người đang được đề cập còn sống[1].

Các hoạt động đối nội[sửa | sửa mã nguồn]

Việc quan chế[sửa | sửa mã nguồn]

Vào thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng khi mà họ Nguyễn vẫn chưa ra mặt chống đối với họ Trịnh thì quan lại vẫn do chính quyền Trung ương ngoài Bắc bổ nhiệm. Tới đời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, với việc tuyển dụng nhiều nhân tài (đơn cử như Đào Duy Từ), chấm dứt việc nộp thuế cho nhà Lê-Trịnh và đem quân chống giữ họ Trịnh ở Bắc Bố Chính, các chúa Nguyễn đã thực sự bắt đầu xây dựng một chính quyền riêng ở Đàng Trong, việc bổ nhiệm quan lại từ đó đều do các chúa tự đặt.

Ở Chính dinh (Thủ phủ của chúa Nguyễn) đặt ra tam ty để giúp chúa chăm lo việc chính sự, tam ty đó là:

  • Xá ti: trông coi việc từ tụng, văn án. Đứng đầu là quan Đô tri và Ký lục.
  • Tướng thần lại ti: trông coi việc thu thuế, phân phát lương thực cho quân đội. Đứng đầu là quan Cai bạ.
  • Lệnh sứ ti: trông coi việc tế tự, lễ Tết và phát lương cho quân lính ở Chính dinh, đứng đầu là quan Nha úy.

Dưới mỗi ty lại có quan Cai hợp, Thủ hợp và các Lại ty giúp điều hành mọi việc.

Ngoài Chính dinh thì tùy theo tầm quan trọng của các dinh mà phân bổ số lượng quan viên, ví dụ có những dinh chỉ đặt một ty là Lệnh sứ ti nhưng trông coi công việc của cả hai ty còn lại.

Các cấp hành chính ở dưới dinh bao gồm: phủ, huyện được trông coi bởi Tri phủ, Tri huyện và các quan dưới quyền như Đề lại, Thông lại, Huấn đạo, Lễ sinh...

Đến thời chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan đặt thêm các chức Nội tả, Ngoại tả, Nội hữu, Ngoại hữu, gọi là tứ trụ triều đình để giúp chúa trông coi việc nước.

Việc thi cử[sửa | sửa mã nguồn]

Việc tuyển dụng quan lại ở kinh đô và các dinh được thực hiện bằng khoa cử, ngoại trừ một số trường hợp đã từ Bắc vào Nam theo chúa Nguyễn Hoàng vào năm 1558 và năm 1600. Từ năm 1632, chúa Sãi bắt đầu cho mở khoa thi để lấy người vào các chức vụ Tri phủ, Huấn đạo, Lễ sinh. Năm Đinh Hợi (1647) chúa Nguyễn Phúc Tần cho lập ra hai bậc thi: thi Chính đồ và thi Hoa văn. Chương trình thi Chính đồ gồm có ba kỳ: kỳ thứ nhất thi tứ lục - kỳ thứ hai thi thơ phú - kỳ thứ ba thi văn sách. Hội đồng giám khảo có quan Tri phủ, Tri huyện làm sơ khảo, quan Cai bạ, Ký lục, Vệ úy làm Giám khảo. Khóa sinh trúng tuyển được chia theo ba hạng: đứng nhất là Giám sinh, được bổ nhiệm làm Tri phủ, Tri huyện, đứng thứ nhì là Sinh đồ được bổ nhiệm làm Huấn đạo, và đứng hạng ba cũng được gọi là Sinh đồ nhưng được bổ nhiệm làm Lễ sinh hoặc Nhiêu học. Kỳ Thi Hoa văn cũng trải qua ba ngày, mỗi ngày khóa sinh phải làm một bài thơ, những khóa sinh thi đậu được bổ nhiệm làm việc trong Tam ty (phủ chúa).

Năm 1675, đời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, chúa cho mở thêm một kỳ vấn đáp thay vì chỉ có thi viết như truyền thống. Trong kỳ thi vấn đáp này, các khóa sinh được hỏi về nhiệm vụ của quân nhân và công dân đối với thời cuộc và chính quyền cùng với quan niệm của họ đối với vua Lê và chúa Trịnh.

Bên cạnh những kì thi vấn đáp như trên, những khoa thi viết truyền thống được tổ chức 6 năm một lần tại các tỉnh vào dịp đầu Xuân. Những thí sinh thi đỗ được miễn các loại tạp dịch cho tới kỳ đại khảo sau. Qua được kỳ thi ở các tỉnh, khóa sinh được dự kỳ thi bậc cao hơn tổ chức vào mùa Thu.

Năm Ất Hợi (1695), chúa Nguyễn Phúc Chu mở khoa thi tại phủ chúa gọi là thi Văn chức và thi Tam ty.

Năm Canh Thân (1740), thời Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát, quyền lợi của khóa sinh được quy định như sau: những người đậu kỳ đệ nhất gọi là Nhiêu học được miễn sai dịch 5 năm, đậu kỳ đệ nhị và đệ tam được miễn sai dịch vĩnh viễn, ai đậu kỳ đệ tứ thì được gọi là Hương cống và được bổ nhiệm làm Tri phủ, Tri huyện.

Xem xét chương trình thi cử của Đàng Trong thời bấy giờ, ta nhận thấy việc thi cử khá sơ lược nếu so sánh với các triều đại trước đó (triều TrầnHậu Lê). Điều này xuất phát từ việc chính quyền của các chúa Nguyễn mới chỉ tập trung lo việc chiến tranh và quân bị nhằm so kè với Đàng Ngoài, nhân dân cũng bị ảnh hưởng và lôi cuốn vào vòng chiến sự dai dẳng, dẫn tới việc hơn một thế kỷ trôi qua mà việc văn học, khoa cử không đạt được nhiều tiến bộ.

Việc binh chế, võ bị[sửa | sửa mã nguồn]

Do hoàn cảnh lịch sử phải lo chống nhau với các chúa Trịnh ở miền Bắc nên việc binh chế võ bị cũng được các chúa Nguyễn chăm chút. Việc quân dịch được chia làm hai loại: những trai tráng khỏe mạnh được sung thẳng vào quân ngũ, số còn lại là quân trừ bị được gọi dần dần tùy từng đợt tuyển quân. Quân lính được chia làm 5 cơ: Trung, Tả, Hữu, Hậu và Tiền. Quân số Đàng Trong vào khoảng độ 30.000 người, và theo sự khảo cứu của các sử gia Pháp thì quân số của các đơn vị trong quân đội Đàng Trong thường không ổn định, tăng giảm không nhất quán.

Năm Tân Mùi (1631), chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cho mở trường bắn, trường tập voi, tập ngựa và sở đúc súng đại bác (một người Pháp lai Bồ Đào Nha tên là Jean de la Croix đã giúp chúa Sãi xây dựng cơ sở này, gọi là phường Đúc, ở Thuận Hóa ngày nay).

Việc thuế khóa[sửa | sửa mã nguồn]

Về việc lập sổ thuế, định các ngạch thuế, năm 1632, Sãi Vương đã áp dụng phương pháp Bắc hà (của vua Lê Thánh Tông đặt ra năm 1465, tại thời điểm đó vẫn đang được thi hành ở miền Bắc), cụ thể là cứ mỗi sáu năm lại thực hiện một cuộc kiểm tra lớn, ba năm một cuộc kiểm tra nhỏ. Chia dân chúng ra làm 8 hạng (so với 6 hạng ở Đàng Ngoài). Thuế nộp bằng thực chất (tức là thóc gạo hay ngô khoai v.v..) hoặc bằng tiền bạc.

Để việc đánh thuế ruộng được sát với thực tế, sau vụ gặt chính (vụ mùa) sẽ có quan lại đến từng địa phương khám rồi mới định hạng ruộng nào phải nộp bao nhiêu thuế. Điền thổ được chia ra làm 3 hạng để đánh thuế, ruộng đất xấu thì thuế đánh nhẹ hơn ruộng đất thường hoặc đất tốt. Thuế hoa màu thì căn cứ vào diện tích của điền thổ và loại hoa màu (ngô khoai, đậu, v.v...) được trồng trọt, cùng với giá trị của ruộng đất. Những công điền (ruộng đất công) thì cấp cho dân cày cấy để nộp thuế, còn ai khai khẩn được đất hoang ra làm ruộng thì được phong cho tư điền (tài sản cá nhân).

Đến đời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1620 - 1687), chúa cho đặt ra một Ty Khuyến Nông để giải quyết vấn đề khẩn hoang và để phân hạng các đất ruộng đã cầy cấy, trồng trọt. Nhiều dinh điền hay đồn điền đã có từ thế kỷ thứ XV do các vua chúa miền Bắc chiếm được của Champa nay nằm trong khu vực của các chúa Nguyễn được đem cấp phát cho các quan lại có nhiều công trạng với triều đình để sử dụng làm thực ấp.

Một số loại thuế được áp dụng:

  • Thuế Đinh: Chúa Sãi chia dân chúng thành 8 hạng và đánh thuế mỗi hạng, gọi là thuế tỷ lệ nộp bằng tiền. Giá biểu phải nộp từ hai quan đến năm quan tiền. Ngoài ra còn nhiều loại thuế khác như thuế gia súc, thuế cúng giỗ, thuế chuyển vận thóc lúa...
  • Thuế mỏ và thương chính: Tại Thuận Hóa và Quảng Nam có mỏ vàng, Quảng Ngãi có mỏ bạc, Bố Chính có mỏ sắt. Việc khai khẩn các mỏ này đã đem lại cho chính quyền các chúa Nguyễn một số tiền thuế lớn.
  • Thuế nhập cảng và xuất cảng: dành cho tàu bè ngoại quốc qua lại ở các cửa biển. Ví dụ tàu ở Thượng HảiQuảng Đông tới phải nộp 3.000 quan, lúc trở ra phải nộp 1/10. Tàu ở Ma Cao (lúc này là thuộc địa của Bồ Đào Nha) và Nhật Bản nộp 4.000 quan, khi về nộp 1/10. Tàu Tiêm La (Thái Lan) hoặc Lã Tống (đảo Luzon - Philippines) phải nộp 2.000 quan. Tàu các nước Tây phương phải nộp gấp đôi tàu Ma Cao và Nhật Bản (8,000 quan và 800 quan). Số thuế này chia ra làm 10 phần, 6 phần nộp kho còn lại dành cho các quan lại và binh lính của ty Thương Chính.

Phân chia địa hạt hành chính[sửa | sửa mã nguồn]

Thuở ban đầu khi Nguyễn Hoàng mới vào trấn thủ đất Thuận Hóa thì cho đóng dinh ở làng Ái Tử (thuộc huyện Đăng Xương, gần tỉnh Quảng Trị). 13 năm sau (1570) Nguyễn Hoàng lại dời dinh vào làng Trà Bát ở cùng huyện, gọi là Cát Dinh. Đến năm Bính Dần (1626) chúa Sãi là Nguyễn Phúc Nguyên, trong quá trình chuẩn bị cho việc chống đối với chúa Trịnh đã cho dời dinh vào làng Phúc An (thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế bây giờ). Năm Bính Tí (1636) chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan lại dời phủ vào làng Kim Long (thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên). Năm Đinh Mão (1687) chúa Nguyễn Phúc Thái dời phủ về làng Phú Xuân, gọi là chính dinh, Phú Xuân từ đó trở thành chính dinh của các đời chúa Nguyễn tiếp theo và là kinh đô của triều đại nhà Nguyễn sau này. Nơi phủ cũ ở làng Kim Long được dùng làm Thái tông miếu, thờ chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần.

Năm Giáp Tí (1744) Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát chính thức xưng vương, ra lệnh đổi phủ ra làm điện, sửa sang phép tắc, định ra triều phục, chia nước ra làm 12 dinh:

  1. Chính dinh (Phú Xuân).
  2. Cựu dinh (Ái Tử) - Quảng Trị.
  3. Quảng Bình dinh.
  4. Vũ Xá dinh.
  5. Bố Chính dinh.
  6. Quảng Nam dinh.
  7. Phú Yên dinh (đất chiếm của Chiêm Thành).
  8. Bình Khang dinh (đất chiếm của Chiêm Thành).
  9. Bình Thuận dinh (đất chiếm của Chiêm Thành).
  10. Trấn Biên dinh (đất chiếm của Chân Lạp).
  11. Phiên Trấn dinh (đất chiếm của Chân Lạp).
  12. Long Hồ dinh (đất chiếm của Chân Lạp).

Cai quản mỗi dinh là một võ quan mang chức Trấn Thủ trông coi cả công việc hành chính lẫn quân sự. Các phụ tá có quan Cai bộ trông coi về Ngân khố và một phán quan gọi là Ký lục. 

Các hoạt động đối ngoại[sửa | sửa mã nguồn]

Giao thiệp với Chân Lạp[sửa | sửa mã nguồn]

Giao thiệp với Xiêm La[sửa | sửa mã nguồn]

Giao thiệp với Trung Quốc[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1702, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu thấy giang sơn Đàng Trong đã ổn định, đủ sức chống đối với Đàng Ngoài mà không cần e dè ẩn núp dưới chiêu bài phù Lê như xưa nữa, đã cho cử một đoàn sứ bộ mang đồ tiến cống và một tờ biểu sang Quảng Đông xin cầu phong với phương Bắc, lúc này đang đặt dưới sự cai trị của nhà Thanh. Triều đình nhà Thanh lúc đó vẫn đang công nhận vua Lê nên không đồng ý nhận cầu phong của chúa Nguyễn và cho đem trả lại đồ tiến cống. Nguyễn Phúc Chu xưng là quốc chúa và cho đúc Kim bảo ấn Đại Việt Quốc Nguyễn Vĩnh Trấn chi bảo để làm ấn vàng truyền quốc. Đây là chiếc ấn truyền quốc duy nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam còn được lưu truyền tới thời nay và hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.[2].

Xung đột với chúa Trịnh[sửa | sửa mã nguồn]

Mở đất Nam Bộ[sửa | sửa mã nguồn]

Bài chi tiết: Nguyễn Hữu CảnhMạc Cửu

Chính sự suy yếu[sửa | sửa mã nguồn]

Chiếm được Thủy Chân Lạp và nhiều lần can thiệp vào tình hình Cao Miên (Campuchia), sự phát triển cơ nghiệp các chúa Nguyễn lên tới cực thịnh. Năm 1744, Nguyễn Phúc Khoát chính thức xưng vương, tức là Nguyễn Vũ Vương, tỏ ý ngang hàng với các chúa TrịnhĐàng Ngoài, danh hiệu mà các đời trước vẫn chỉ xưng là "Công".

Sau khi xưng vương, Nguyễn Phúc Khoát đặt ra nhiều nghi lễ, phong tục để trở thành nước độc lập với Đàng Ngoài. Ngoài ra, chúa Nguyễn còn tăng cường xây dựng cung điện, đền đài nguy nga. Các quan lại, tôn thất cũng đua nhau xây cất. Vì thế dân gian phải phục dịch và đóng nhiều thuế hơn trước. Nhiều nông dân bị bóc lột bần cùng.

Hệ thống thuế của chúa Nguyễn rất cồng kềnh và phức tạp. Năm 1741, Vũ Vương ra lệnh truy thu thuế của cả những người đã bỏ trốn với gia đình họ, tới năm 1765 lại ra lệnh truy thu thuế của 10 năm trước. Giai cấp quý tộc và địa chủ tìm nhiều cách để chiếm đoạt đất đai của dân để hưởng thụ xa hoa. Sử ghi lại rằng đại thần Trương Phúc Loan, sau một trận lụt phải trải vàng ra khắp sân nhà để phơi, từ xa trông lại sáng chóe một góc.[3]. Nhiều nông dân bị phá sản. Điều đó khiến mâu thuẫn xã hội Đàng Trong trở nên gay gắt.

Năm 1765, Nguyễn Phúc Khoát qua đời, chính sự họ Nguyễn rối ren quanh việc chọn người lên ngôi chúa. Vũ Vương vốn trước lập con thứ 9 là Hiệu làm Thế tử, nhưng Hiệu mất sớm, để lại người con là Dương. Con cả của Vũ Vương là Chương cũng đã mất. Đáng lý ra theo thứ tự khi Vũ Vương mất, phải lập người con thứ hai là Luân lên ngôi, nhưng quyền thần Trương Phúc Loan nắm lấy triều chính, tự xưng là "Quốc phó", giết Luân mà lập người con thứ 16 của Vũ Vương là Thuần mới 12 tuổi lên ngôi, tức là Định Vương, để dễ bề thao túng. Trong triều đình cũng như bên ngoài dư luận nhiều người bất bình vì khi Luân đã chết thì ngôi chúa lẽ ra phải thuộc về Nguyễn Phúc Dương.

Chống Tây Sơn[sửa | sửa mã nguồn]

Bài chi tiết: Nhà Tây SơnNhà Nguyễn

Nhân cơ hội đó, năm 1771, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ khởi binh ở Tây Sơn, với danh nghĩa ủng hộ Nguyễn Phúc Dương. Năm 1773, quân Tây Sơn chiếm thành Quy Nhơn (Bình Định).

Quân Trịnh ở phía bắc đánh vào. Chúa Nguyễn không địch nổi hai kẻ địch phải bỏ chạy vào Gia Định. Tây Sơn bèn đầu hàng Trịnh để đánh Nguyễn. Năm 1777, Nguyễn Huệ đem quân vào đánh chiếm Gia Định, quân Tân Sơn truy lùng gắt gao, cả Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương cùng một số quan lại đã bị bắt và bị giết.

Con Nguyễn Phúc Luân là Nguyễn Phúc Ánh đã bắt đầu sống một mình long đong vất vả và dần dần thu thập binh lính từ các nơi về đảo Thổ Châu và lấy lại Sài Gòn rồi tiến ra Bình Thuận. Sau khi đã củng cố lực lượng, năm Canh Tý 1780, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi Vương tại Gia Định và xưng là Nguyễn Vương. Sự nghiệp của các chúa Nguyễn dày công xây dựng 200 năm đã tiêu tan và lịch sử bước sang một trang mới.

Danh sách chín chúa Nguyễn[sửa | sửa mã nguồn]

  1. Nguyễn Hoàng tức Chúa Tiên (1525-1613), con út của Nguyễn Kim, xưng Chúa năm 1558, có 10 con trai và 2 con gái. Một người con gái lấy chúa Trịnh Tráng. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Thái tổ Gia Dụ hoàng đế.
  2. Nguyễn Phúc Nguyên tức Chúa Sãi hay Chúa Bụt (1563-1635), con trai thứ sáu của Chúa Tiên, kế nghiệp năm 1613 vì các anh đều chết sớm và một anh bị Chúa Trịnh giữ tại Đàng Ngoài, có 11 con trai và 4 con gái. Chúa Sãi là người đầu tiên trong dòng họ mang họ Nguyễn Phúc. Tương truyền lúc mẹ ngài có thai chiêm bao thấy có vị thần đưa cho một tờ giấy trên có đề chữ "Phúc". Lúc kể lại chuyện, mọi người chúc mừng bà và đề nghị đứa bé ra đời được đặt tên là "Phúc". Nhưng bà nói rằng, nếu chỉ đặt tên Phúc cho đứa bé thì chỉ một mình nó hưởng, để cho nhiều người trong dòng họ được hưởng phúc, bà đề nghị lấy chữ này làm chữ lót. Và khi thế tử ra đời bà đặt tên là Nguyễn Phúc Nguyên. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Hi Tông Hiếu Văn hoàng đế.
  3. Nguyễn Phúc Lan tức Chúa Thượng (1601-1648), con trai thứ hai của Chúa Sãi, kế nghiệp năm 1635 vì anh trưởng chết sớm, có 3 con trai và 1 con gái. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Thần Tông Hiếu Chiêu hoàng đế.
  4. Nguyễn Phúc Tần tức Chúa Hiền (1620-1687), con trai thứ hai của Chúa Thượng, kế nghiệp năm 1648 vì cả anh lẫn em đều chết sớm, có 6 con trai và 3 con gái. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế.
  5. Nguyễn Phúc Thái tức Chúa Nghĩa (1650-1691), con trai thứ hai của Chúa Hiền, kế nghiệp năm 1687 vì anh trưởng chết sớm, có 5 con trai và 5 con gái. (Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả thì Chúa Nghĩa là Nguyễn Phúc Thái; còn Nguyễn Phúc Trăn không có, mà chỉ có Nguyễn Phúc Trân, em kế của Chúa tức Cương quận công.) Chúa Nghĩa là người dời đô đến Huế. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Anh Tông Hiếu Nghĩa hoàng đế.
  6. Nguyễn Phúc Chu [4] tức Chúa Minh (còn gọi là Quốc Chúa) (1675-1725), con trai trưởng của Chúa Nghĩa, kế nghiệp năm 1691, có 38 con trai và 4 con gái. Chúa Minh là người đầu tiên sai sứ sang nhà Thanh để xin phong vương nhưng không được nhận vì nhà Thanh vẫn xem vua Lê của Đàng Ngoài là vua của toàn xứ Việt lúc đó. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế.
  7. Nguyễn Phúc Chú [5] tức Chúa Ninh (1697-1738), con trai trưởng của Chúa Minh, kế nghiệp năm 1725, có 3 con trai và 6 con gái. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Túc Tông Hiếu Ninh hoàng đế.
  8. Nguyễn Phúc Khoát tức Vũ Vương (còn gọi là Chúa Vũ) (1714-1765), con trai trưởng của Chúa Ninh, kế nghiệp năm 1738, có 18 con trai và 12 con gái. Vì năm 1744 vào dịp tết Nguyên Đán có một cậy sung nở hoa và một lời sấm'Bát thế hoàn trung đô' Đến lúc này Chúa Trịnh đã xưng vương nên Nguyễn Phúc Khoát cũng gọi mình là Vũ Vương vào năm 1744 và xem Đàng Trong như một nước độc lập. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Thế tông Hiếu Vũ hoàng đế.
  9. Nguyễn Phúc Thuần tức Định Vương (còn gọi là Chúa Định) (1754-1777), con trai thứ 16 của Vũ Vương, kế nghiệp năm 1765, không có con. Khi còn sống, Vũ Vương đã có ý định cho con trai thứ chín là Nguyễn Phúc Hiệu nối ngôi. Sau khi Nguyễn Phúc Hiệu chết, và con ông hãy còn quá nhỏ, Vũ Vương định cho con trai thứ hai của mình là Nguyễn Phúc Luân (hay Nguyễn Phúc Côn, là cha của vua Gia Long sau này) nối ngôi. Khi Vũ Vương chết, một vị quan lớn trong triều là Trương Phúc Loan giết Nguyễn Phúc Luân và lập Nguyễn Phúc Thuần để dễ kiềm chế lúc đó mới 12 tuổi, lên ngôi. Năm 1777 ông bị nhà Tây Sơn giết khi ở tuổi 26, chưa có con nối dõi. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế.
  10. Nguyễn Phúc Dương được lên ngôi chúa sau khi Lý Tài ép Nguyễn Phúc Thuần nhường ngôi cho con của anh mình. Lúc ấy chúa Nguyễn chia làm 2 phe: Một bên là Nguyễn Phúc Thuần, Nguyễn Phúc Ánh (Gia Long) và một bên là Nguyễn Phúc Dương, Lý Tài. Năm 1777 cả phe đều bị nhà Tây Sơn tiêu diệt, riêng Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát thân.

Kiêng huý[sửa | sửa mã nguồn]

Người Đàng Trong kỵ húy các chúa Nguyễn nên đọc biến âm một số từ ngữ:

  • Tên chúa Tiên là Hoàng nên đổi họ Hoàng thành Huỳnh, chữ "hoàng" cũng đọc là "huỳnh" (lưu huỳnh)
  • Nguyễn Phúc Khoát là "Vũ Vương", nên người họ Vũ ở Đàng Trong đổi thành họ Võ.
  • Chữ "Phúc" đọc thành "Phước" để tránh chữ "Phúc" trong họ Nguyễn Phúc của vua chúa nhà Nguyễn.
  • Chữ "Cảnh" là tên Nguyễn Phúc Cảnh (con cả Nguyễn Ánh, người được Ánh đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh Tây Sơn) đọc là "kiểng", nên "cây cảnh" gọi là "cây kiểng"
  • Chữ "Kính" là tên Nguyễn Hữu Kính, người khai lập Sài Gòn phải đọc chệch là "kiếng" nên "tấm kính" gọi là "tấm kiếng"
  • Chữ "Tông" là tên Nguyễn Phúc Miên Tông, tức vua Thiệu Trị (cháu nội Nguyễn Ánh), phải đọc là "tôn". Do đó một loạt sử sách chép miếu hiệu các vua như Lý Thánh Tông, Lê Thánh Tông, Trần Thái Tông, v.v... đều ghi là Lý Thánh Tôn, Lê Thánh Tôn, Trần Thái Tôn, v.v... Đến tận sau này một số sách sử thời hiện đại vẫn bị ảnh hưởng này và chép miếu hiệu các vua từ "Tông" thành "Tôn". Các tên đường phố tại miền nam Việt Nam, mà tên gọi là miếu hiệu các vị vua, hiện nay cũng đa phần ghi Tông thành Tôn. Chẳng những thế, một dòng họ hoàng tộc, cũng vốn phải đọc là "Tông Thất", nhưng vì kiêng húy chữ Tông này nên phải đọc thành "Tôn Thất".
  • Chữ "Thì" là tên thời nhỏ Nguyễn Phúc Thì của vua Tự Đức nên đọc thành Thời
  • Chữ "Nhậm" là tên chữ Nguyễn Phúc Hồng Nhậm của vua Tự Đức nên đọc thành Nhiệm

Ngoài ra còn nhiều chữ kiêng húy nữa nhưng ít ảnh hưởng đến đời sống xã hội hơn.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ, sách đã dẫn, tr 803-805
  2. ^ Kim bảo ấn Đại Việt Quốc Nguyễn Vĩnh Trấn chi bảo
  3. ^ "Phong trào nông dân Tây Sơn", GS. Nguyễn Phan Quang
  4. ^ Khâm định Việt sử thông giám cương mục gọi là Nguyễn Phúc Tu.
  5. ^ Khâm định Việt sử thông giám cương mục gọi là Nguyễn Phúc Chú, có tác giả (Nguyễn Tâm) gọi là Thụ.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]