Thiền phái Trúc lâm – đỉnh cao của Phật giáo Việt Nam
Ngọa Vân vốn là tên một đỉnh nằm trên núi Bảo Đài quanh năm mây phủ, nơi Đức vua Trần Nhân Tông dựng am tu hành và hóa phật. Am Ngọa Vân được dựng trên đỉnh núi đó với ý nghĩa là am nằm trên mây.
Chùa – am Ngọa Vân là một quần thể kiến trúc chùa tháp lớn của Thiền phái Trúc Lâm trên dãy Yên Tử. Tương truyền tháng 8 năm 1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia vào núi Yên Tử tu hành khổ hạnh, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và sáng lập ra Thiền phái Trúc lâm với tinh thần hòa quang đồng trần, nhập thế, gắn bản thân mỗi người với sự hưng thịnh, phát triển của quốc gia, dân tộc; kết thúc thời kỳ các tông phái Phật giáo Việt Nam do ngườinước ngoài du nhập vào, đánh dấu thời kỳ phát triển đỉnh cao của Phật giáo Việt Nam cùng đất nước mở mang giang sơn bờ cõi và mang đậm dấu ấn văn hóa Đại Việt.
Khi lên tu tại am Tử Tiêu trên ngọn Tử Tiêu, ngài xưng là Trúc Lâm Đại Sĩ. Sau thời gian tu hành khổ hạnh tại Yên Tử, Ngài xuống núi, đi khắp xóm làng, dạy dân chúng phá bỏ dâm từ, thực hành thập thiện và ban thuốc chữa bệnh cho dân nghèo.
Tháng 5 năm 1307, Trúc Lâm Đại Sĩ lên núi dựng am tu trên đỉnh Ngọa Vân. Tháng 11 năm 1308, Ngài an nhiên nhập Niết bàn tại am Ngọa Vân. Vị trí nơi ngài nhập Niết bàn nay là am Ngọa Vân. Cũng bởi thế, Ngọa Vân được coi là “thánh địa” của Thiền phái Trúc Lâm.
Trong hành trình tu luyện và nhập diệt của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Yên Tử là nơi Phật Hoàng tu luyện, giảng pháp, độ tăng và Ngọa Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện và thành Phật của Ngài. Sau khi Ngài hóa Phật, Pháp Loa (môn đệ của Ngài) tổ chức hỏa thiêu ngay tại Ngọa Vân, thu được hàng nghìn viên xá lỵ và ngọc cốt. Một phần xá lỵ được tôn trí trong Phật Hoàng tháp tại am Ngọa Vân, số còn lại được đưa đi tôn trí ở nhiều nơi như Đức Lăng (Thái Bình), tháp Phổ Minh (Nam Định)…Tại đỉnh Ngọa Vân hiện vẫn còn Tháp Phật hoàng, nơi lưu giữ xá lỵ của Ngài.
Sau khi Phật hoàng hóa phật, với sự hỗ trợ của vua Trần Anh Tông, đệ nhị tổ Pháp Loa đã xây dựng và mở rộng thánh địa Ngọa Vân thành một quần thể chùa tháp lớn và từ đó quần thể chùa tháp Ngọa Vân không ngừng được mở rộng. Dấu vết còn lại của quần thể di tích Ngọa Vân gồm 4 cụm với 15 điểm di tích khác nhau đã được phát hiện gồm: Thông Đàn – Đô Kiệu, Ngọa Vân, Đá Chồng, Ba Bậc, trong đó Ngọa Vân là khu trung tâm.
Con đường hành hương lên Ngọa Vân đi từ khu vực điện An Sinh men theo suối Phủ Am Trà, đến dốc Đô Kiệu, qua Thông Đàn đến Am Ngọa Vân, đến thời Lê Trung Hưng khi quần thể Ngọa Vân được mở rộng đến Đá Chồng thì con đường hành hương cũng được mở đến Đá Chồng, kết nối với Đèo Voi.
Trải qua thời gian, những biến thiên của lịch sử, đặc biệt là sự khắc nghiệt của thời tiết, phần lớn kiến trúc chùa tháp trong quần thể di tích Ngọa Vân nay đã bị phá hủy. Những năm gần đây, nhờ phát tâm công đức của du khách thập phương, UBND huyện Đông Triều (nay là Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đã và đang tiến hành các công tác bảo tồn, trùng tu, phục dựng để phát huy quần thể kiến trúc nơi đây trở thành chốn Tổ của Thiền phái Trúc lâm.
Hành hương về nơi chốn Tổ của Thiền phái Trúc lâm
Ngày nay, con đường hành hương lên Ngọa Vân không còn gian nan như trước nữa, xe ô tô các loại có thể đi thẳng vào đến cửa Phủ Am Trà (nay thuộc xã An Sinh), từ đây du khách thỏa sức thả bộ trên những con đường lát đá dọc theo suối Phủ Am Trà, leo gần 2 nghìn bậc là đã đến nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông hóa Phật.
Cửa Phủ Am Trà hay còn được gọi là Tàn Lọng, theo tương truyền là nơi xưa kia đoàn quân tùy tùng nhà vua đến đây phải thu hạ lọng do đã vào đến khu rừng rậm rạp cây lá. Từ đây men theo con đường lát đá ven bờ suối dưới tán cây rừng tầng tầng, lớp lớp du khách như lạc dần vào câu chuyện cổ tích thần tiên, bởi tiếng suối khi róc rách, khi reo vui hối hả, tiếng chim vui ca nhảy nhót chuyền cành, tiếng gió làm cho cả cánh rừng rung rinh xào xạc,và bởi cả không gian mát lành cùng những dòng suối mát lạnh chảy vắt qua đường đã xua đi cái nắng hanh hao cháy rám da bưởi ở ngoài trần thế!..
Dừng chân tại Đô Kiệu nghỉ ngơi, anh Nguyễn Văn Sơn (cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin Thị xã Đông Triều - người bạn đồng hành) cho biết, Đô Kiệu có lẽ là cách gọi chệch của từ Đỗ Kiệu, bởi bắt đầu từ đây đường đi cheo leo dốc đứng lên nhà vua phải xuống kiệu. Tại đây du khách vừa dừng chân nghỉ ngơi, vừa chụp ảnh lưu niệm, lại có thể thỏa thuê khỏa chân tay dưới dòng suối mát mẻ để tiếp thêm sức lực cho chặng hành trình leo núi lên đỉnh Ngọa Vân.
Chặng đường từ Đô Kiệu tới Thông Đàn có lẽ là chặng nhiều thử thách, cam go nhất trong suốt cuộc hành trình, các bậc đá gấp gáp nối nhau dốc đứng sừng sững ngay trước mặt. Nhưng cũng là chặng cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị, với những chú sóc thoát ẩn thoát hiện trên tán cây rừng, tiếng suối chảy dưới chân núi vẳng lại như tiếng của non xanh núi biếc đang thầm thì trong gió.
Dải núi non từ Ngọa Vân tới Yên Tử được xem tựa con rồng, thì chặng đường từ Đô Kiệu qua Thông Đàn lên đỉnh Ngọa Vân được coi như nằm ở vây rồng. Do vậy, trên con đường này có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát cả khoảng núi rừng rộng lớn. Phía xa xa bên kia là hai ngọn núi tròn vo, cân xứng được người dân trong vùng gọi là núi Vú Tiên.
Sở dĩ có tên gọi Thông Đàn, bởi trước kia nơi đây có rừng thông cổ thụ luôn trầm bổng, dặt dìu những cung đàn vi vi vu vu lang thang bay cùng gió, như ru hồn người tu hành thêm thênh thang đi vào chốn thần tiên trên trần thế. Đến thời Lê Trung Hưng vào khoảng thế kỷ thứ 17, quần thể kiến trúc Ngọa Vân được mở rộng tới Thông Đàn làm nơi dựng tháp thờ Phật và Viên mãn Chân GiácThiền sư.
Hiện nơi đây còn hai cây thông cổ thụ rất lớn, một người ôm không hết, cao dễ đến mấy chục thước và hai ngôi tháp mới được phục dựng lại trên đúng vị trí cũ vào năm 2012. Từ Thông Đàn, chỉ còn một chặng ngắn khá dễ đi là du khách đã lên đến ngôi chùa Ngọa Vân đang được xây trên nền chùa cũ.
Phía sau ngôi chùa chừng vài trăm bước là am Ngọa Vân, nơi Phật Hoàng tu hành những ngày tháng cuối cùng trước khi xả báo an tường, thâu thần thị tịch và Phật Hoàng tháp, nơi tôn trí một phần xá lỵ của Ngài. Ở đây dấu tích xưa như vẫn còn nguyên vẹn nhuốm màu trầm mặc, rêu phong, cổ kính còn đọng lại trên những đường nét, chất liệu của am, tháp cùng với những viên gạch ngả màu vàng nhạt, những kệ đá, đài sen…
Lên đến đây, du khách không thể không lên Bàn Cờ Tiên để cùng người tiên thưởng ngoạn thế cờ, thế núi non mây trời và cỏ cây hoa lá chim muông cùng giao hòa vần vũ. Trên đỉnh núi bằng phẳng, tạo hóa khéo sắp đặt những tảng đá giống nhau như đúc làm thành một hình vuông, mỗi cạnh khoảng 10m.
Đứng ở nơi đây du khách như cuốn lòng mình trôi theo những áng mây trời đang vấn vít xung quanh, thỏa thuê đón những tia nắng ban mai tinh khiết giữa bốn bề gió trời lồng lộng và thu vào tầm mắt cả trăm hồng ngàn tía cảnh sắc tươi đẹp ở nơi chốn Tổ của Thiền phái Trúc Lâm.
*
* *
Theo ông Hoàng Văn Đề - Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy Đông Triều – từ nguồn thiện tâm công đức của du khách thập phương, Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành tu bổ, tôn tạo chùa Ngọa Vân với tổng mức đầu tư khoảng 90 tỷ đồng. Đồng thời, thu hút đầu tư xây dựng hệ thống cáp treo với 3 tuyến, có tổng chiều dài khoảng 5,5 km. Tuyến thứ nhất từ Phủ Am Trà lên Ngọa Vân sẽ được sớm hoàn thành để kịp thời phục vụ nhu cầu hành hương và thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú của tín đồ, phật tử, du khách thập phương về nơi chốn Tổ của Thiền phái Trúc lâm đúng vào dịp trẩy hội du xuân đầu năm Giáp Thân 2016./.
Dưới đây là một số hình ảnh:
Lăng vua Trần Anh Tông ở gần chân núi Ngọa Vân.
Những hồ nước nhỏ trong xanh nằm ven đường lên núi.
Bạn đồng hành Nguyễn Văn Sơn tại Đô Kiệu.
Dấu tích Thông Đàn.
Toàn cảnh chùa, tháp và am Ngọa Vân.
Dâng hương lên Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Những kệ đá, đài sen còn sót lại.
Trên đỉnh Bàn Cờ Tiên.
Bữa cơm chay cùng các bậc tu hành trên núi Ngọa Vân.