Xã Nhật Tân nằm ở phía Nam huyện, phía Bắc giáp xã Phạm Trấn, phía Nam giáp xã huyện Thanh Miện; phía Đông giáp xã Đồng Quang; phía Tây giáp xã Lam Sơn huyện Thanh Miện. Xã có diện tích tự nhiên 353,7 ha; dân số 4.190 người. Xã có 2 làng: Cao Duệ và Thị Đức.
Cây đề cổ thụ
Xã có truyền thống hiếu học, có nhiều người đỗ đại khoa, là quê hương của 4 vị tiến sĩ thời phong kiến như: Nguyễn Dương Kỳ, Phạm Quả Đoán, Phạm Khánh Tường, Phạm Khắc Hựu.
Quang cảnh chùa Dâu
Ngày 06/01/1947 chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ xã được thành lập có 3 đảng viên, đến nay tổng số đảng viên của Đảng bộ có 238 đồng chí, trong đó có 62 đồng chí được tặng huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; 26 đồng chí được tặng huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Xã là quê hương của hai đồng chí uỷ viên Trung ương Đảng đã từng giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương, phó ban tổ chức trung ương, uỷ viên thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm uỷ ban kinh tế - ngân sách của Quốc hội; quê hương của hai đồng chí Bí thư huyện uỷ, phó bí thư thường trực huyện uỷ Gia Lộc; phó bí thư, chủ tịch UBND Thành phố Hải Dương; một thầy thuốc ưu tú.
Qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, xã có 136 liệt sĩ, 64 thương, bệnh binh. Xã có 3 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Trường THCS Nhật Tân
Ngày nay, xã có 3 trường học (trường Mầm non, Tiểu học, THCS); xã có trạm y tế; có nghĩa trang liệt sĩ gồm: đài Tổ quốc ghi công, bia khắc tên và phần mộ 136 liệt sĩ. Cả 2 làng của xã đều đã được công nhận danh hiệu Làng văn hoá.
- Làng Thị Đức.
Cây đề bên giếng nước làng Thị Đức
Làng có tên chữ là Thị Đức, tên nôm là làng Đác, xưa làng còn có tên gọi là Sùng Đức thuộc tổng Thị Đức huyện Gia Lộc. Sau cách mạng Tháng Tám, làng thuộc xã Nhật Tân cho đến ngày nay. Làng có dòng họ chung sống bên nhau đã lâu đời.
Làng thờ thành hoàng là ba vị dương thần và hai vị âm thần. Hiệu của ba vị dương thần là: Thiện Sĩ Đại Vương, Giáp Bạo Đại Vương, Tam Giang Đại Vương. Hiệu của hai vị âm thần là: Hùng Triều Tiên Dung Hiển ứng công chúa, Trần triều phát đế đệ nhất cung phi Tĩnh Quang Thượng Nhân. Các ngài đều là nhân thần, sự tích theo thần tích: Tiên Dung công chúa là con gái của vua Hùng Gia Lạc Long quân tôn phái có công âm phù Trưng Nữ Vương đánh giặc Tô Định và âm phù nhà Trần đánh giặc Nguyên, âm phù vua Thế Tôn nhà hậu Lê chống lại nhà Mạc; đệ nhất cung phi Tĩnh Quang Thượng nhân là vợ vua thứ 7 đời nhà Trần là người có công sửa sang và tu hành tại Cung Quảng Hàn, khi hoá được nhân dân tôn làm thành hoàng. Ba vị dương thần có công âm phù Lý Nhân Tôn đánh giặc Tống và giặc Xiêm, âm phù nhà Trần đánh giặc Nguyên, âm phù Lê Thái Tổ chống giặc Minh. Ba vị dương thần thì hai vị thờ ở đình, một vị thờ ở miếu. Hai vị âm thần thờ ở cung Quảng Hàn ( đền Dâu hay còn gọi là đền Hàn, Đền đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá năm 1992)
Lễ hội truyền thống của làng được tổ chức hàng năm vào ngày 12 tháng Chín là ngày khánh tịch của ba vị dương thần và ngày mồng 10 tháng Tám (âm lịch) là ngày khánh tịch của hai vị âm thần.
Nhân dân làng Thị Đức vốn có truyền thống hiếu học, làng là quê hương của Phạm Khắc Hựu đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm thìn niên hiệu đại Chính 3 (1532) làm quan tới chức đề hình giám sát ngự sử. Xưa kia, làng có 4 cụ khoá sinh, 2 cụ đồ nho, 1 Hương sư, đến nay làng có nhiều người học hành thành đạt, trở thành kỹ sư, bác sĩ, cán bộ cao cấp trong quân đội...
Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, làng có hàng trăm người tham gia bộ đội, dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, công nhân quốc phòng... có 42 người đã anh dũng hy sinh, được suy tôn là liệt sỹ, 25 thương binh, trong đó có 1 thương binh nặng hạng 1/4.
Từ xưa, vào năm 1936 làng đã có Hương ước gồm 2 phần (các điều lệ tổng cục, các tục lệ riêng) với 100 điều làm quy tắc xử sự chung cho người dân trong làng.
Ngày nay, làng đã xây dựng quy ước gồm 6 chương 25 điều năm 1997, năm 2000 làng được công nhận danh hiệu làng văn hoá.
- Làng Cao Duệ.
Đình làng Cao Duệ
Làng có tên chữ là Cao Duệ, tên nôm là làng Giồng, xưa làng thuộc tổng Thị Đức huyện Gia Lộc. Sau cách mạng Tháng Tám, làng thuộc xã Nhật Tân cho đến ngày nay. Làng có 13 dòng họ chung sống bên nhau đã lâu đời.
Thành hoàng làng hiệu là Thành hoàng bản thổ, không có tên huý, ngài là thiên thần, sự tích chỉ thấy truyền khẩu từ thượng cổ đến nay. Lễ hội làng được tổ chức vào các ngày tiết trong năm.
Theo ghi chép sự tích Thánh tổ quốc sư linh ứng đại vương, công thần triều Đinh của nước Đại Việt: Làng có cụ Đào Ngọc Sâm (Sâm Công) làm quan ở triều nhà Đinh tới chức Tham tán mưu sự thống lĩnh thuỷ bộ chư doanh đại tướng quân, ở triều tiền Lê làm quan tới chức Phó thống thượng tướng quân.
Theo thần tích: Đào Ngọc Sâm có cha là Đào Ngọc Hoàn, mẹ là Sung Nương. Đào Ngọc Hoàn tổ tiên vốn là người phương Bắc. Niên hiệu Long Hưng Thái Bình đời nhà Tuỳ đã sang An Nam cư trú ở động Tung Sơn, huyện Nga Sơn phủ Hà Trung, Ái Châu (nay là huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hoá). Họ tộc 5 đời đều tinh thông về nghề y và thuật phong thuỷ (xem đất cát, nhà cửa) và nổi tiếng về học hành. Ông lấy vợ người bản động là Trần Thị Hiên sinh hạ được một người con gái đặt tên là Trinh Nương, khi Trinh Nương 10 tuổi thì Trần Thị Hiên qua đời. Đào Công nuôi con đến hết tang vợ, gả con gái cho một người trong động rồi giao phó hết tài sản cho con rể và đi du ngoạn, ông đã đến trang Cao Duệ thấy ở đây có phong cảnh đẹp, có sông lớn uốn lượn như con rồng, xin nghỉ lại ở một quán tranh ngoài cánh đồng trang Cao Duệ, dân trong trang thấy người có trang mạo, cốt cách thanh tao bèn mời vào trong làng khoản đãi. Lúc bấy giờ làng có ông Đỗ Thành không có con trai mà chỉ có một người con gái duy nhất tên là Sùng Nương mặt hoa da phấn, nữ hạnh tất thảy đều trọn vẹn. Đỗ Công thấy Đào Công là người tuấn tú nên đã gả con gái cho. Trong trang lúc ấy có chùa Liên Hoa là nơi có danh lam thắng cảnh đẹp, vị sư trụ trì vừa mới viên tịch chưa có người trông coi, đèn nhang... sau khi lấy nhau, Đào Công và Sùng Nương ra ở chùa Liên Hoa làm lễ cầu tự và được ứng nghiệm, vào giờ Ngọ ngày mồng 8 tháng Giêng năm Giáp Thân đã sinh ra một người con trai đặt tên là Ngọc Việt, sau đổi thành Ngọc Sâm...năm Ngọc Sâm lên 9 tuổi, cha mẹ đưa về thăm quê Tung Sơn và ở lại đó, đến năm Ngọc Sâm 15 tuổi cha mẹ bỗng nhiên không bệnh mà qua đời. Cuộc sống mồ côi của Ngọc Sâm lúc đó vô cùng khó khăn, đã được người cậu họ ở quê ngoại (ở Cao Duệ) vào đón về Cao Duệ sinh sống chăm sóc như con và cho theo học ở nhà Lý Tiên sinh, Lý tiên sinh thấy Ngọc Sâm thông minh thần đồng xuất chúng, có ý muốn gả con gái cho. Năm Ngọc Công 18 tuổi ông cậu đã xin hỏi cưới Giáp Nương là con gái của Lý Công cho cháu.
Lúc bấy giờ có loạn 12 sứ quân, Đào Ngọc Sâm đã chiêu mộ dân binh, luyện tập binh pháp, nổi tiếng là người văn võ song toàn được đồn đại trong thiên hạ, ông đã được Nguyễn Bặc tiến cử với Đinh Tiên Hoàng, ông đã trở thành một vị tướng giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân và được phong Tham tán mưu sự thống lĩnh thuỷ bộ chư doanh đại tướng quân. Khi nhà Lê lên thay, ông được phong phó thống thượng tướng quân giúp cho Lê Hoàn đánh thắng quân Tống. Sau khi chiến thắng quân xâm lược Tống ông cáo lão về quê là làng Cao Duệ sinh sống, được nhà Lê nhiều lần mời ra làm quan nhưng ông đã tìm cách từ chối, và ông đã hoá ngày 13 tháng Ba âm lịch, nhà vua rất thương tiếc phong mỹ tự cho Sâm Công là An Nam thánh Tổ linh ứng đại vương và cho xây dền thờ ông ở động Tung Sơn và trang Cao Duệ, cho dân sở tại làm hộ nhi (tức là trông coi quét dọn đền) xuân thu được hưởng quốc tế.
Làng là quê hương của nhiều nhà khoa bảng như: Cụ Nguyễn Dương Kỳ đỗ đệ tam giáp tiến sỹ xuất thân năm Mậu Tuất (1478), làm quan tới chức thị lang đời Lê Thánh Tông thời Hồng Đức thứ 9; Phạm Quả Đoán đỗ đệ tam giáp tiến sỹ xuất thân năm Quý Mùi (1523) làm quan tới chức Đề hình giám sát ngự sử thời vua Thống Nguyên 2; Phạm Khánh Tường, 22 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn niên hiệu Đại Chính 3 (1532) làm quan tới chức Tham chính.
Làng là quê hương của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, của cấp uỷ, chính quyền địa phương, thầy thuốc ưu tú...
Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, làng có hàng trăm người tham gia bộ đội, dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, công nhân quốc phòng... có 136 người đã anh dũng hy sinh, được suy tôn là liệt sỹ, 25 thương binh. Làng có 3 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Làng đã xây dựng được quy ước gồm 5 chương 25 điều năm 2002 và được công nhận danh hiệu làng văn hoá năm 2003.