Nhiều câu hỏi quanh bộ tranh “Đại lễ phục thời Nguyễn”
Cuốn sách Đại lễ phục VN thời Nguyễn (1802-1945) của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn vừa ra mắt đã nhận được một số ý kiến nghi ngờ về tính chính xác của bộ tranh 54 bức được cho là trang phục đại triều của triều Nguyễn được công bố trong sách.
Nỗi xót xa cho một di sản hội họa đang bị hư hại
Họa sỹ Tôn Thất Đào (1910- 1979) là dòng dõi chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông có nhiều công lao với sự nghiệp đào tạo họa sỹ, và được đánh giá là một trong những người có đóng góp lớn trong tiến trình phát triển mỹ thuật ở Huế- miền Trung và nền mỹ thuật hiện đại VN.
Hệ thống di tích, di vật thời chúa Nguyễn trên đất Thừa Thiên Huế
Cập nhật 15:40 24/12/12
(Netcodo) Huế là một thành phố của Bảo tàng. Qúa trình hội tụ mấy trăm năm lịch sử đã khiến vùng đất này có một bề dày văn hóa sâu thẳm. Chỉ nói về cổ tích, ở Huế đi đâu cũng có.
Trong bài viết này, với nỗ lực tạo nên một cái nhìn khái quát về hệ thống di tích thời chúa Nguyễn, chúng tôi những mong người ta sẽ có một cái nhìn khác về những di sản không phải hiếm những rất quý này. Dĩ nhiên là trong khuôn khổ một bài viết với dung lượng có hạn, chúng tôi chỉ có thể thống kê những tích, di vật tiêu biểu.
A. HỆ THỐNG CÁC DI TÍCH
I. Dấu tích hệ thống thủ phủ thời các chúa
1.Phủ Phước Yên (1626-1636)
Phủ Phước Yên là thủ phủ thứ hai của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong nhưng là thủ phủ đầu tiên trên đất Thừa Thiên Huế. Phủ do chúa Nguyễn Phúc Nguyên lập và tuy chỉ tồn tại 10 năm nhưng đến nay tại khu vực phủ đã từng đóng vẫn còn tồn tại một số dấu vết. Trong loạt bài viết về hệ thống các thủ phủ chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chúng tôi đã đề cập đến vấn đề này (1). Ở đây chỉ xin trình bày sơ đồ khu vực thủ phủ Phước Yên có xác định các dấu vết lịch sử mà chúng tôi đã khảo sát và ghi nhận lại.
Đại nội
Ảnh: Internet
2. Phủ Kim Long (1636-1687)
Tồn tại trong suốt 51 năm (1636-1687) qua hai đời chúa Nguyễn Phúc Lan và Nguyễn Phúc Tần, thủ phủ Kim Long là thời kỳ có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình "tìm ra Huế". Kim Long đã từng được giáo sỹ A.de Rhose miêu tả kỹ và gọi là "Thành phố lớn". Các dấu vết về thời kỳ này tuy không còn nhiều trên thực địa do bị phá hủy qua thời gian, nhưng mối quan hệ của thủ phủ này với chùa Thiên Mụ, cảng Thanh Hà... vẫn giúp chúng ta có thể lần tìm ra nhiều vấn đề quan trọng. Cũng do vai trò đặc biệt của thời kỳ Kim Long mà trong một số nghiên cứu trước đây, chúng tôi đã cho rằng, thời điểm thành lập thủ phủ Kim Long chính là thời điểm ra đời của đô thị Huế (2).
3.Phủ Bác Vọng (1712-1738)
Đây là một thời kỳ có thể xem là "lạ lùng" trong quá trình tồn tại và phát triển của các thủ phủ chúa Nguyễn. Sau khi đã tìm ra được vùng đất Phú Xuân (năm 1687), chúa Nguyễn lại rời bỏ mảnh đất đế vương này để chuyển ra đất Quảng Điền bên sông Bồ. Cũng gần giống như thời kỳ Phước Yên, trong 26 năm xây dựng thủ phủ tại đây, các chúa Nguyễn đã để lại một số dấu vết lịch sử, tuy không nhiều. Trong sơ đồ kèm theo, chúng tôi đã thể hiện rõ các vết tích này (3).
4.Phủ Phú Xuân lần thứ nhất (1687-1712) và Đô thành Phú Xuân (1738-1775)
Dĩ nhiên đây là các thời kỳ quan trọng nhất trong quá trình xây dựng hệ thống thủ phủ của các chúa Nguyễn, đặc biệt là thời kỳ Đô thành Phú Xuân (1738-1775). Căn cứ vào các tài liệu lịch sử và kết quả nghiên cứu của bản thân, chúng tôi cho rằng thời kỳ Phú Xuân đã để những di sản rất lớn cho các giai đoạn sau, nhất là về mặt ý tưởng quy hoạch đô thị-một đô thị phong thủy-đô thị thiên nhiên điển hình của phương Đông (4).
II.HỆ THỐNG LĂNG MỘ
Sự "lấn át" của các di tích triều Nguyễn cũng thấy rõ trên lĩnh vực này, tuy nhiên thời chúa Nguyễn vẫn để lại một số ngôi lăng mộ có quy mô đáng kể và rất đáng để chúng ta nghiên cứu; đó là hệ thống lăng mộ của các chúa Nguyễn và các Phi (đặc biệt là mộ bà Chiêu Nghi Trần Thị Xạ), lăng Ba Vành, tháp mộ các hòa thượng nổi tiếng...
1. Lăng các chúa Nguyễn và các Phi
Đó là 9 khu lăng mộ của 9 đời chúa Nguyễn gồm: lăng Trường Cơ của chúa Nguyễn Hoàng, lăng Trường Diễn của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, lăng Trường Diên của chúa Nguyễn Phúc Lan, lăng Trường Hưng của chúa Nguyễn Phúc Tần, lăng Trường Mậu của chúa Nguyễn Phúc Thái, lăng Trường Thanh của chúa Nguyễn Phúc Chu, lăng Trường Phong của chúa Nguyễn Phúc Thụ, lăng Trường Thái của chúa Nguyễn Phúc Khoát và lăng Trường Thiệu của chúa Nguyễn Phúc Thuần. Cũng giống như lăng mộ các vua Nguyễn, hệ thống lăng mộ các chúa Nguyễn đều nằm ở khu vực phía tây Huế dọc hai bên bờ sông Hương hoặc hai chi lưu lớn của nó là Tả Trạch và Hữu Trạch. Bên cạnh các lăng này là lăng các Phi vợ chúa; 11 khu lăng phi này về cơ bản có cấu trúc tương tự lăng các chúa, chúng đều có các đặc điểm sau đây:
- Nhìn chung về mặt quy mô và kiểu thức xây dựng, hệ thống lăng mộ các chúa Nguyễn và các Phi đều tương tự như nhau. Mỗi lăng mộ đều có hai vòng thành hình chữ nhật bao bọc, vòng ngoài xây bằng đá bazan nhưng phần mũ thành xây bằng gạch vồ, vòng trong xây hoàn toàn bằng gạch (trừ lăng Trường Diễn). Chiều cao của các vòng thành tương ứng đều như nhau (dù hiện tại trên thực tế không hẳn như vậy). Phần mộ đều xây thấp, phẳng với 2 tầng, xây theo lối giật cấp. Trước mộ có hương án, sau cổng có bình phong trang trí long mã và rồng. Sau lưng mộ cũng có bình phong trang trí rồng cùng kiểu, ghép nổi mành sành sứ hoặc đắp nổi vôi vữa. Sự giống nhau này cũng rất dễ hiểu vì tất cả các lăng trên đều được tái xây dựng và tu bổ trong các thời điểm gần tương tự như nhau (Trùng kiến đầu thời Gia Long [trong 2 năm 1808-1809], tu sửa năm Minh Mạng 21 [1840] và đầu thời Thiệu Trị [1841]).
Mộ mẹ Tể tướng Nguyễn Văn Thành
- Tuy quy mô nhỏ hơn, cách thức xây dựng cũng đơn giản hơn nhiều so với lăng các vua Nguyễn về sau, nhưng lăng mộ các chúa đều có vị trí rất lý tưởng và hoàn toàn tuân thủ các quy tắc về phong thủy địa lý. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua những đặc điểm chung của chúng dưới đây:
* Các lăng mộ đều tọa lạc trên đồi cao, có núi dựa lưng, trước mặt đều có hồ nước, khe suối hoặc đồng ruộng làm “tụ thủy”. “Minh đường” của lăng thoáng rộng và có bình phong là núi tự nhiên che chắn. Hai bên đều có núi chầu về làm thế “tay ngai” (Tả Long, Hữu Hổ)…
* Các lăng chúa ở vị trí tương đối xa nhau và đều cách trung tâm Huế khá xa. Điều này chứng tỏ người xưa đã bỏ rất nhiều công sức cho việc tìm kiếm mảnh đất làm “ngôi nhà ở thế giới bên kia” cho các chúa Nguyễn.
* Hướng của các lăng rất phong phú chứ không chỉ tuân theo nguyên tắc “Nam diện” (xoay mặt về hướng nam) của đại đa số các công trình kiến trúc (cả kiến trúc nhà cửa lẫn kiến trúc lăng mộ) thời vua Nguyễn về sau.
Đây là điều hết sức lý thú đối với những ai muốn tìm hiểu phong thủy thời Nguyễn.
- So sánh kiểu thức xây dựng lăng mộ của các chúa Nguyễn với lăng Chiêu Nghi, khu lăng mộ duy nhất thời chúa Nguyễn còn tồn tại khá nguyên vẹn đến nay, chúng tôi cho rằng, khi tái xây dựng lăng mộ các chúa
Nguyễn ở thời đầu triều Nguyễn (1802-1945) người ta đã mô phỏng theo kiểu thức lăng Chiêu Nghi để thiết kế, xây dựng. Và kiểu thức lăng mộ này có thể cũng chính là kiểu thức lăng mộ thời chúa Nguyễn (dành cho bậc vua chúa).
2.Mộ Chiêu Nghi
Lăng Chiêu Nghi là lăng của bà Phi Trần Thị Xạ, vợ chúa Nguyễn Phúc Khoát, được xây dựng năm 1751. Vị trí của lăng hiện nay thuộc xã Thủy Xuân, thành phố Huế, ngay bên trái chùa Từ Hiếu. Quy thức ngôi mộ này cũng gồm 2 vòng tường bao bọc, mộ xây 2 cấp tương tự lăng các chúa Nguyễn. Nhưng điều kỳ lạ là vào năm 1790, khi tàn phá lăng mộ của tất cả các chúa Nguyễn và gia đình họ, nhà Tây Sơn lại không đụng chạm đến khu lăng này. Điểm đáng chú ý là phía trước ngôi mộ có một tấm bia đá rất lớn, trên bia còn ghi bài văn tế chủ nhân. Sự giống nhau của lăng Chiêu Nghi với quy thức lăng mộ các chúa và các Phi chứng tỏ nó đã từng được các vua Nguyễn chọn làm mẫu để phục hồi các lăng mộ của tổ tiên họ.
4.Lăng Cơ Thánh (Lăng Sọ) (5)
Đây là ngôi lăng của thân phụ vua Gia Long, được xây từ năm 1765, năm 1790 bị Tây Sơn quật phá, năm 1808 được triều Nguyễn cho xây lại ngay trên vị trí cũ. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ do Nội Các triều Nguyễn biên soạn, chép về ngôi lăng mộ này như sau: “ Lăng Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng Đế gọi là lăng Cơ Thánh, ở núi Hưng Nghiệp phủ Thừa Thiên. Bảo thành cao 6 thước 3 tấc, chu vi 28 trượng, xây gạch, trước mở một cửa, còn đằng trước thì làm bái đình hai cấp, tả hữu có lan can, phía đông làm điện Canh Y, phía tây làm Thần Khố, đều ba gian".
Có lẽ do được xây dựng ngay đầu triều Nguyễn nên phong cách xây dựng lăng còn mang nhiều dấu ấn của thời các chúa Nguyễn.
Xét về cấu trúc có thể chia lăng Cơ Thánh làm 3 phần: Khu vực phụ thuộc bên ngoài gồm điện Canh Y, Thần Khố và miếu Thổ thần; khu vực Bái Đình và khu Bửu thành, Huyền cung. Cách cấu trúc với 3 bộ phận như trên về hình thức có vẻ tương tự cách cấu trúc các khu lăng tẩm triều Nguyễn, nhưng trên thực tế lại gần gũi hơn với phong cách lăng mộ thời chúa Nguyễn, dù lăng mộ các chúa chỉ gồm 2 bộ phận là Bái đình và khu Bửu thành, Huyền cung. Khảo sát lăng mộ các chúa Nguyễn, chúng tôi nhận thấy, từ cách bố trí và tỷ lệ giữa các công trình đến cách xây Bửu thành thô và rất dày cùng phần Bửu đỉnh với các các tầng hình khối chữ nhật của chúng so với lăng Cơ Thánh đều có rất nhiều nét tương đồng. Còn các lăng tẩm của các vua Nguyễn ở giai đoạn sau đã thiên về phong cách thanh mảnh; các công trình thờ cúng và tưởng niệm (như điện thờ, tượng đá người và thú, nhà bia...) đã xuất hiện đầy đủ và cấu thành một bộ phận không thể thiếu trong cấu trúc lăng. Tuy nhiên, đây mới là những cảm nhận bước đầu.
5.Mộ mẹ Tể tướng Nguyễn Văn Thành
Đây là một trong những ngôi mộ lớn được xây dựng đầu triều Nguyễn (năm 1810). Mộ nằm ở vùng núi Châu Ê, cách lăng Khải Định khoảng 300m về phía Tây-Bắc. Mộ có hình dáng như một con voi đang phủ phục; bên ngoài có hai vòng tường thành xây rất đồ sộ bao bọc, tường trong có chỗ dày gần 2m, tường ngoài dày hơn 1m. Đáng chú ý là trên hai trụ phía trước có một đôi lân đắp vôi vữa, cách tạo dáng cũng còn khá thô mộc và tấm bia mộ bằng đá trên đầu vẫn đề 2 chữ "Việt Cố". Chúng tôi cho rằng, tuy đã được xây dựng trong thời vương triều Nguyễn nhưng ngôi mộ này vẫn mang đậm phong cách của thời các chúa (6).
Ngoài ra, khi tham khảo thêm lăng mộ 2 bà Phi ở Quảng Nam (lăng Vĩnh Diễn và Vĩnh Diện-lăng mộ hai bà phi vợ chúa Nguyễn Phúc Nguyên và Nguyễn Phúc Lan), chúng tôi cũng thấy rằng, kiểu thức mộ với 2 lớp tường thành thô dày bao bọc vốn có từ thời chúa Nguyễn, dù đã trải qua không ít lần tu bổ. Tuy nhiên kiểu nấm mộ xây khối hình chữ nhật có mái của hai ngôi lăng này thì chúng tôi không chắc chắn là đã có từ thời kỳ này, mà có thể đã được xây lại trong thời các vua Nguyễn.
III.HỆ THỐNG KIẾN TRÚC TÔN GIÁO
1.Chùa: Hầu hết những ngôi chùa lớn hiện nay của Huế đều được xây dựng từ thời các chúa Nguyễn, nhưng trải qua thời gian chúng đã được tu sửa và thay đổi nhiều về cấu trúc. Theo chúng tôi có một số ngôi chùa rất đáng chú ý như Thiên Mụ, Thánh Duyên, Hà Trung, Quốc Ân..., nếu khảo sát kỹ hẳn còn có thể nhận diện các yếu tố mỹ thuật và kiến trúc vốn có từ giai đoạn Tiền Nguyễn.
-Thiên Mụ: Thiên Mụ là ngôi cổ tự bậc nhất của đất Huế, được Tiên chúa Nguyễn Hoàng xây dựng từ năm 1601 với ý nghĩa là
Đây cũng là ngôi chùa đã có hàng trăm năm gắn bó thăng trầm cùng dòng họ Nguyễn nên các "dấu tích" của dòng họ này đối với Thiên Mụ khá nhiều. Đến nay chùa vẫn giữ được một số bảo vật từ thời chúa Nguyễn, như chiếc chuông đồng đúc năm 1710, con rùa đá và bia đá cũng do chúa Nguyễn Phúc Chu dựng năm 1715, chiếc khánh đồng đúc từ năm 1677... Xét về mặt quy hoạch, cấu trúc chùa Thiên Mụ cũng khác hẳn các ngôi chùa khác ở Huế. Cũng có thể đây chính là cách quy hoạch được giữ lại từ thời các chúa Nguyễn.
-Chùa Thánh Duyên: Ngôi chùa cổ trên núi Túy Vân này cũng có từ thời chúa Nguyễn, thậm chí có từ sớm hơn rất nhiều. Suốt dưới thời chúa Nguyễn, chùa là một trong những quốc tự của nước ta. Diện mạo, cấu trúc chùa cũng vì thế mà đã biến đổi rất nhiều. Tuy nhiên, nếu khảo sát kỹ chúng ta nhất định sẽ tìm ra nhiều lưu ảnh của thời các chúa. Nếu so sánh diện mạo kiến trúc chùa hiện nay với hình ảnh của chùa được vẽ trên các dĩa sứ cổ có từ thời các chúa Nguyễn, hẳn chúng ta sẽ nhận ra không ít điểm khác biệt.
-Chùa Hà Trung: Đây cũng là một ngôi chùa cổ từng in dấu của vị tổ sư thiền phái Tào Động, hoà thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán. Hiện chùa vẫn giữ được bức tượng Quan âm Bồ Tát bằng đá vốn đưa từ Trung Quốc qua.
2.Nhà thờ công giáo
Cũng như các ngôi chùa lớn ở Huế, phần lớn các nhà thờ công giáo ở vùng đất này được lập trong thời các chúa Nguyễn, tuy nhiên các nhà thờ này đều đã thay đổi diện mạo rất lớn. Bởi vậy, ít ai ngờ nhà thờ Phủ Cam vốn được xây dựng từ năm 1680, nhà thờ Kim Long, nhà thờ Phường Đúc thì còn có sớm hơn.
3. Đền thờ
Là những công trình phục vụ tín ngưỡng mang đậm sắc thái dân gian, hệ thống đền thờ được các tư liệu văn hiến mô tả khá đầy đủ qua suốt các thời kỳ. Trong thời các chúa, hệ thống đền thờ chắc chắn tồn tại rất phong phú. Tuy nhiên đến nay cũng chưa có một công trình nào đã thống kê đầy đủ về loại hình kiến trúc tín ngưỡng độc đáo này. Ở đây chúng tôi chỉ xin lưu ý một điều là, việc nghiên cứu về hệ thống đền thờ này có thể giúp chúng ta nhìn nhận rõ quá trình Việt hoá và tích hợp những vị thần Champa và có nguồn gốc bản địa vào hệ thống thần thánh của người Việt. Đáng chú ý nhất có lẽ là đền Ngọc Trản hay điện Hòn Chén. Đã có nhiều nghiên cứu về ngôi đền độc đáo này, nhưng ít người chú ý đến một sự kiện , theo tôi là rất quan trọng: năm 1695, chúa Nguyễn đã từng bắt vua Chàm là Bà Tranh về giam lỏng tại ngôi đền này cho đến khi ông ta chết tại đây sau 5 tháng. Dấu ấn của văn hóa Champa hẳn sẽ đậm đặc lên sau sự kiện này.
IV. CÁC DI TÍCH KHÁC
Ngoài những hệ thống di tích trên, tại khu vực Huế vẫn còn rất nhiều di tích khác đáng để chúng ta đầu tư nghiên cứu, như cảng cổ Thanh Hà-Bao Vinh, các hành cung, ly cung của các chúa, hệ thống đồn luỹ phòng thủ. Rất tiếc là ngoài phố cảng Thanh Hà ra, thì hầu như các di tích còn lại chưa được ai quan tâm nghiên cứu.
V.MỘT SỐ DI VẬT TIÊU BIỂU
1.Hệ thống đồ đồng
-Vạc: Đây là 11 chiếc vạc được đúc trong thế kỷ XVII, từ năm 1631-1684, thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) và Nguyễn Phúc Tần (1648-1687). Nghĩa là khi ấy, Thủ phủ của họ Nguyễn còn đặt tại Phước Yên (1626-1636) và Kim Long (1636-1687) chứ chưa chuyển về Phú Xuân. Không rõ, nguyên xưa những chiếc vạc trên được đặt tại phủ chúa hay chỗ nào, nhưng hiện nay cả 11 chiếc vạc này đều đang được đặt tại các di tích của triều Nguyễn: 7 chiếc bên trong hoàng cung, 3 chiếc trước Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, 1 chiếc tại lăng Đồng Khánh. Tất cả các chiếc vạc trên đều có kích thước rất lớn, trọng lượng từ vài trăm cân đến vài ngàn cân. Tương truyền, tác giả của chúng lại là một ông Tây, một người Bồ Đào Nha lai Ấn Độ tên là Joaz da Cruz (hay Jean de la Croix) đã từng sống tại Huế trong thời gian trên. Cruz đến Huế vào nửa đầu thế kỷ XVII, sống tại Phường Đúc (khu vực đối diện phía thượng nguồn chùa Thiên Mụ), lấy vợ người Việt và được xem là người sáng lập ra ngành đúc đồng nổi tiếng của vùng đất này. Ông cùng con trai đã giúp chúa Nguyễn đúc rất nhiều vũ khí để phục vụ chiến tranh chống chúa Trịnh ở phía Bắc và công cuộc mở đất ở phía Nam. Để kỷ niệm cho các lần chiến thắng và cũng là để biểu thị cho uy quyền cùng sự trường tồn của dòng họ, chúa đã sai ông đúc những chiếc vạc to lớn này.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, chiếc vạc đầu tiên thì chắc chưa có bàn tay và sự chỉ đạo của Cruz vì nó quá khác những chiếc còn lại và còn bởi từ hình dáng đến kiểu thức trang trí đều có vẻ rất thuần Việt. Vạc được đúc năm 1631, thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, hiện đang được đặt ngay trước hiên điện Long An (hiện là tòa nhà trưng bày chính của Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế). Đây là một chiếc vạc có hình dáng rất lạ-tương tự một chiếc nồi kích thước lớn, cổ thắt bụng phình to, trên cổ có 4 quai được tạo dáng khá đẹp. Quanh thân vạc, gần trên cổ có trang trí. Điều đáng nói làì từ trước đến nay chưa thấy ai đề cập đến chiếc vạc độc đáo này. Trên thân vạc có đề niên đại “Tuế thứ Tân Mùi nhuận trọng xuân", tức năm 1631 (3). Trọng lượng vạc là 560cân. Theo chúng tôi, chiếc vạc này chắc chắn do người Việt Nam đúc, còn đúc tại đâu thì quả thật chưa rõ.
-Súng: Đa số các loại súng cổ hiện còn giữ được tại Huế hiện nay đều là đại bác (chủ yếu bằng gang và bằng đồng) được đúc trong thời Nguyễn. Đại bác của thời các chúa còn lại chủ yếu là "súng tây" hiện đang đặt tại Bảo tàng MTCĐ Huế. Đó là những khẩu đại bác bằng đồng của Hà Lan được đúc rất tinh xảo và có mang phù hiệu của Công ty Đông Ấn-Hà Lan. Những di vật này là sự thể hiện rất độc đáo mối quan hệ cởi mở về ngoại giao và thương nghiệp dưới thời các chúa
-Khánh: Không rõ Huế còn giữ được bao nhiêu chiếc khánh của thời các chúa, nhưng chỉ cần qua chiếc khánh đồng tuyệt đẹp hiện đang đặt tại chùa Thiên Mụ cũng đã cho thấy trình độ kỹ thuật và mỹ thuật rất cao của thời kỳ này. Đây là chiếc khánh khá lớn, bề mặt trước sau đều có khắc nổi hình Nhị thập bát tú và mặt trời. Tương truyền khánh do đại thần Trần Đình Ân đúc năm 1677 tặng cho chùa Bình Trung (Quảng Trị), sau do loạn lạc mới được đưa vào đặt tại Thiên Mụ.
-Chuông: Chuông đồng hiện còn ở Huế cũng chủ yếu được đúc dưới thời vương triều Nguyễn và đại đa số đều là chuông chùa Phật giáo. Nhưng chiếc chuông lớn nhất, nổi tiếng nhất lại là chiếc chuông do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc từ năm 1710, hiện đặt tại chùa Thiên Mụ. Chuông CAO 2,5m, đường kính 1,4m và nặng đến 3285cân, trên khắc bài Minh của chúa Nguyễn Phúc Chu. Có thể xem đây là một bảo vật của Huế và là một tư liệu rất quý để nghiên cứu về thời kỳ các chúa Nguyễn.
-Gương: Gương đồng thời các chúa Nguyễn còn giữ được ở Huế hiện nay có cả "gương ngoại" của Nhật, Trung Quốc do các thương nhân đưa vào thị trường Đàng Trong, nhưng cũng có cả gương do người Việt đúc (và có thể ngay tại Phường Đúc). Hiện tại Bảo tàng MTCĐ Huế vẫn giữ được một số chiếc gương rất đẹp, nhưng điều đáng nói là trong dân gian chúng ta còn tìm được rất nhiều loại di vật này.
2. Bia đá
Vẫn chưa có một sự điều tra đầy đủ nào về các bia đá và bi văn tại Huế, trong đó có thời các chúa Nguyễn. Tuy nhiên, một số bia của thời kỳ này đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập thì đã trở nên rất nổi tiếng, như bia chùa Thiên Mụ, bia chùa Thiền Lâm, bia mộ bà Chiêu Nghi, bia tháp Liễu Quán... Những tấm bia này cũng là những di vật, những tư liệu rất quý để nghiên cứu về lịch sử và mỹ thuật thời các chúa. Riêng về phong cách bia, đây cũng là giai đoạn chuyển tiếp của phong cách bia Bắc bộ (bia đầu tròn, không tai) sang phong cách bia Nguyễn (bia hình chữ nhật, có tai, trán rõ ràng).
3. Đồ gỗ
Do đặc điểm về khí hậu thời tiết và cũng do các biến động lịch sử nên các hiện vật bằng gỗ thời chúa Nguyễn hiện còn rất ít. Di vật đáng chú ý nhất có lẽ là tấm hoành phi hiện treo tại điện Đại Hùng, chùa Thiên Mụ do chính tay chúa Nguyễn Phúc Chu đề 4 chữ đại tự “LINH THỨU CAO PHONG” vào năm 1714; góc hoành phi còn có dấu bảo ấn của chúa.
VI. MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH BƯỚC ĐẦU
1-Về những đóng góp của thời kỳ chúa Nguyễn đối với văn hóa Huế thì đã quá rõ ràng, đây chính là thời kỳ kiến tạo và hình thành nên bản sắc văn hóa Huế, đây cũng là thời kỳ đã "để lại" cho Huế rất nhiều thứ. Về mặt quy hoạch và xây dựng cơ sở vật chất đô thị, đây cũng chính là thời kỳ Huế được xây dựng thành một đô thị hoàn chỉnh-kiểu một đô thị phong thủy, đô thị giữa hai dòng sông mà sau này triều Nguyễn chỉ kế thừa và mở rộng về quy mô. Dĩ nhiên, để có được thành quả này, các chúa Nguyễn cũng phải trải qua một quá trình lâu dài tìm kiếm và tích luỹ kinh nghiệm quy hoạch và xây dựng đô thị suốt từ thời kỳ Phước Yên, Kim Long, Bác Vọng đến Phú Xuân. Cũng chính qua quá trình xây dựng kiến tạo trung tâm của Đàng Trong này, thời kỳ chúa Nguyễn đã để lại một hệ thống di tích di vật rất phong phú, dù đã bị tàn phá, bị che lấp qua thời gian và của các triều đại sau, nhưng sẽ không khó nếu chúng ta có sự đầu tư nghiên cứu, sưu tầm.
2-Về vai trò của hệ thống di tích văn vật thời các chúa Nguyễn, hẳn khó ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của chúng, nhất là trong việc tìm hiểu nghiên cứu về mấy trăm năm thời các chúa Nguyễn-một giai đoạn lịch sử rất quan trọng nhưng lại còn không ít "khoảng trắng" trong hiểu biết của chúng ta. Do vậy, việc đầu tư nghiên cứu về hệ thống di tích di vật này là vô cùng cần thiết.
3-Về việc bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di tích di vật thời chúa Nguyễn của chúng ta rõ ràng là đến nay vẫn còn nhiều điều bất cập. Ngoại trừ cụm di tích lăng chúa Nguyễn Hoàng (gồm các lăng Trường Cơ, Trường Thái, Trường Thiệu và tẩm của Quận Vương Nguyễn Phúc Đồng) đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia và giao cho Trung tâm BTDTCĐ Huế quản lý, hầu như tất cả lăng mộ còn lại vẫn chưa được cơ quan nào quản lý, tu bổ. Chùa Thiên Mụ và chùa Thánh Duyên nhờ tiếng là quốc tự dưới thời triều Nguyễn nên mới được chú ý nhiều hơn. Hệ thống các di vật thời các chúa hoàn toàn chưa có một kế hoạch lớn để sưu tầm và phát huy tác dụng; ngay cả nhiều di vật rất quý của thời các chúa (các vạc đồng, súng đồng, chuông đồng, bia đá...) hiện được cất giữ tại các bảo tàng cũng chưa được trưng bày thành những sưu tập riêng, nên càng bị "lấn át", bị lẫn đi bởi các hiện vật của thời kỳ khác. Ngành du lịch của Tỉnh nhà cũng chưa hề có một tour du lịch riêng để tìm hiểu khám phá về thời các chúa Nguyễn. Tuy nhiên, để khắc phục được những hạn chế này thì đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa trong công tác nghiên cứu cũng như trong việc tư vấn cho các nhà chuyên môn.
Tài liệu dẫn & Chú thích
1-Hệ thống thủ phủ thời các chúa Nguyễn (1558-1775). Phần II: Phủ Phước Yên, bước phát triển mới của quá trình đô thị hóa thủ phủ. Tc Thông tin KH &CN, số 2/1998.
2-Hệ thống thủ phủ thời các chúa Nguyễn (1558-1775). Phần III: Thủ phủ Kim Long, thời kỳ "đô thị lớn". Tc Thông tin KH &CN, số 3/1998.
3-Hệ thống thủ phủ thời các chúa Nguyễn (1558-1775). Phần V: Phủ Bác Vọng (1712-1738). Tc Thông tin KH &CN, số 1/1999.
4-Hệ thống thủ phủ thời các chúa Nguyễn (1558-1775). Phần IV: Thủ phủ Phú Xuân lần thứ nhất (1687-1712). Tc Thông tin KH &CN, số 4/1998 và Hệ thống thủ phủ thời các chúa Nguyễn (1558-1775). Phần VI: Đô thành Phú Xuân, đỉnh cao của quá trình đô thị hóa thủ phủ (1738-1775). Tc Thông tin KH &CN, số 2/1999.
5-Thực ra tên gọi lăng Sọ chỉ là cái tên thông dụng một thời trong dân gian vùng Huế của lăng Cơ Thánh, lăng mộ của thân phụ vua Gia Long. Ngoài ra, người Huế thường gọi nó là lăng Cao Hoàng; trong một số tác phẩm ngự chế của vua Nguyễn thì nó còn được gọi là Kiều Sơn, Châu Khưu... Lăng (Xem thêm: Phan Thanh Hải, Lăng Sọ, từ huyền thoại đến lịch sử và kiến trúc. Tc. Nghiên cứu & Phát triển, Sở KHCN TTH, số 3-4/2003.
6-Nguyễn Văn Thành là một trong những vị khai quốc công thần của triều Nguyễn, từng làm quan Tể tướng dưới triều Gia Long. Ông sinh năm 1757 tại Gia Định nhưng quê tại làng Bác Vọng huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Dưới thời Gia Long ông được phong tước Quận công, từng làm quan Tổng trấn Bắc thành từ năm 1802-1810. Năm 1811, ông đổi về làm Trung quân tại Kinh Đô; năm 1812, ông tham gia biên soạn bộ Hoàng Việt Luật Lệ.
Năm 1817, Nguyễn Văn Thành bị vua Nguyễn bắt giam do bị kết vào tội mưu phản. Ông đã làm một tờ biểu trần tình rồi uống thuốc độc tự tử.
Năm 1810, mẹ của Nguyễn Văn Thành qua đời và được mai táng tại vùng núi Châu Ê. Từ đó về sau ngôi mộ này hầu như không được sửa sang gì (vì từ năm 1817, Nguyễn Văn Thành đã bị kết tội).
Phan Thanh Hải