Liên Kết Website
* Trung tâm TT&XTDL tỉnh Bắc Giang
* Trung tâm XTĐT TM DL tỉnh Lâm Đồng
* Trung tâm XTĐT TM DL Thành phố Cần Thơ
* Trung tâm TTXTDL tỉnh Hậu Giang
* Trung tâm TTXTDL tỉnh Vĩnh Long
* Trung tâm TTXTDL tỉnh Ninh Bình
* Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
* Trung tâm TTXTDL tỉnh Yên Bái
* Trung tâm TTXTDL tỉnh Quảng Bình
* Trung tâm TTXTDL tỉnh Bến Tre
Chợ nổi Ngã Năm với vấn đề phát triển du lịch sông nước miệt vườn”
Chợ nổi, một nét duyên sông nước của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những thương hiệu thu hút du khách, nhất là khách nước ngoài từ cuối thế kỷ XX đến những năm đầu của thế kỷ XXI. Các chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long), Cái Răng, Phong Điền (TP.Cần Thơ), Ngã Bảy (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng) .. . đã đi vào tâm trí của nhiều người trong và ngoài vùng Nam bộ. Không khí của chợ nổi, ghe xuồng tới lui nhộn nhịp, khung cảnh tấp nập, sống động của một ngày mới buôn bán mọi thứ trên sông là hình ảnh khó quên của mọi người khi đã từng tham gia chuyến du hành chợ nổi.
Một góc chợ nổi Ngã Năm – Sóc Trăng; Ảnh KT
Nhưng thương hiệu chợ nổi đang đứng trước những thử thách mới và đang dần bị quên lãng. Có nhiều nguyên nhân để chợ nổi không còn thu hút khách. Nhưng trước hết có lẽ sức hấp dẫn- môi trường mua bán tấp nập tự nhiên của vùng quê sông nước- vốn là thế mạnh của chợ nổi không còn. Khi giao thông đường bộ phát triển, nông thôn không còn cách trở như trước, nhu cầu mua bán trên sông giảm dần. Các chợ nổi dần dần giảm đi kẻ bán, người mua, ghe xuống ngày càng thưa thớt. Các đầu mối mua bán chuyển dần lên bờ, chuyên chở hàng hóa chuyển sang xe tải, nhanh hơn, thuận tiện hơn. Người mua cũng ít khi sử dụng ghe, tam bản, võ lãi. . . để đi chợ. Ngoài ra, việc di dời chợ nổi đến một địa điểm mới không thuận tiện cũng là nguyên nhân khá quan trọng ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng chợ nổi.
Trước những trở ngại mới cho loại hình du lịch chợ nổi, vào giữa năm 2012 vừa qua, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh Hậu Giang đã tổ chức hội thảo “Giải pháp khôi phục, bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy gắn với phát triển du lịch sông nước miệt vườn”.Tham dự Hội thảo có các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, trường Cao đẳng VHNT và DL TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin XTDL các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cty cổ phần du lịch Cần Thơ, Cty Vinatour, đại biểu một số sở ban ngành liên quan của tỉnh và các đơn vị trực thuộc Sờ VHTTDL tỉnh.
Dựng lại chợ nổi trên sông Cái Bè – Tiền Giang
Hội thảo đã tập trung nghe các tham luận: Khái quát về sự hình thành và phát triển chợ nỗi Ngã Bảy-Phụng Hiệp từ khi thành lập đến khi di dời về xã Đại Thành; Phân tích và so sách hiệu quả chợ nổi Ngã Bảy-Phụng Hiệp ở địa điểm cũ (Ngã Bảy) và mới (xã Đại Thành); Góp ý xây dựng sản phẩm du lịch tương thích với tỉnh Hậu Giang; Phác họa du lịch sông nước Mekong delta gắn kết với con đường duyên hải Tây Nam bộ; Khôi phục và xây dựng chợ nổi Ngã Bảy thành trọng điểm du lịch hàng đầu của tỉnh Hậu Giang; Quy hoạch giao thông gắn với phát triển chợ nổi Ngã Bảy.
Đại biểu dự hội thảo đã tích cực tham gia nhiều ý kiến, tập trung đề xuất ý kiến di dời chợ nổi về địa điểm cũ, vấn đề kinh phí, cùng các giải pháp về giao thông, giữ gìn an ninh trật tự, tăng cường chất lượng sản phẩm và dịch vụ phục vụ du khách. Ông Nguyễn Văn Ngon, GĐ Cty CP Du lịch Cần Thơ đã nói rõ sự thất thu và vắng khá nhiều du khách đi tour từ Cần Thơ khi không còn chợ nổi Ngã Bảy ở địa điểm cũ. GĐ Cty Du lịch Cần Thơ đề xuất nếu phục hồi chợ nổi ngay địa điểm cũ (chợ Ngã Bảy) thì công ty sẽ góp phần tham gia với địa phương theo khả năng.
Hội thảo đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về khoa học và thực tiển đối vói mô hình du lịch sông nước và chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều đại biểu đề xuất cần khôi phục và phát triển chợ nổi Ngã Bảy ngay địa điểm cũ. Tuy nhiên, vấn đề này cần có sự xem xét nhất trí của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và ngành chức năng quản lý giao thông vận tải đường sông.
Đối với chợ nổi Ngã Năm, tuy không lâm vào tình trạng giảm sút như chợ nổi Trà Ôn, Ngã Bảy .. . nhưng lượng tàu thuyền mua bán nơi đây cũng không đông đúc như trước kia. Nhưng do địa thế và vị trí khá đắc địa của vùng sông nước, lại là nơi giao nhau của năm nhánh sông của nhiều tỉnh trong vùng, nên chợ nổi vẫn duy trì khá tốt nhịp sống trên sông. Trong buổi hội thảo tại Sóc Trăng về vấn đề “Nâng cao chất lượng địch vụ du lịch của tỉnh”, một đại biểu công ty du lịch tỉnh bạn đã đề nghị Sóc Trăng cần quan tâm duy trì, quan tâm bảo vệ cho sự phát triển của chợ nổi Ngã Năm, một trong số ít chợ nổi còn lại của vùng đồng bằng Nam bộ. Đại biểu này đề nghị cần có xúc tiến giới thiệu du lịch chợ nổi Ngã Năm gắn với một số điểm du lịch sinh thái, tín ngưỡng khác của tỉnh Sóc Trăng.
Trưng bày xuồng trái cây tại Hội chợ MDEC – Tiền Giang năm 2012; Ảnh Tân Trang.
Xét về khoảng cách, chợ nổi Ngã Năm chỉ cách trung tâm TP.Sóc Trăng khoảng 50km. Gần với chợ nổi còn có thể kết nối với điểm đến tham quan khác là di tích Khu căn cứ Tỉnh ủy rừng tràm Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú) và vườn cò Tân Long (xã Long Bình, huyện Ngã Năm). Tuy nhiên để đưa chợ nổi vào phục vụ loại hình du lịch sinh thái gắn với sông nước, vườn cây ăn trái cần phải có quy hoạch lâu dài kèm theo những giải pháp khả thi để chuẩn bị đón tiếp du khách. Trước hết là phải tính đến khả năng duy trì và phát triển có định hướng cho chợ nổi, vừa phải bảo đảm tính tự nhiên của việc mua bán kèm theo yếu tố an toàn giao thông đường thủy. Thứ đến là cần bảo đảm tính đa dạng, phong phú của những sản phẩm chợ nổi, bảo đảm giữ gìn môi trường sông nước và vệ sinh an toàn thực phẩm cho du khách. Bến tàu, cầu tàu lên xuống là yêu cầu bắt buộc để phục vụ lên xuống tàu thuyền của du khách. Biết cách giúp cho du khách thoải mái thưởng thức món ăn trên sông nước bềnh bồng cũng là yếu tố hết sức quạn trọng. Ngoài ra, có thể tính đến việc mở thêm các dịch vụ hướng dẫn du khách như: bơi xuồng, chèo xuồng, câu cá, ca hát tài tử, hát, hò . .. Điều quan trọng không kém là phải chuẩn bị tốt đội ngũ hướng dẫn viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên du lịch cho chương trình này.
Một buổi khám phá chợ trên sông, thưởng thức sản phẩm địa phương sẽ thật sự thu hút du khách nếu nhà doanh nghiệp, nhà quản lý du lịch và địa phương, cùng người dân có sự hợp tác chặt chẽ, từ trao đổi, xây dựng đến triển khai kế hoạch. Kinh phí đầu tư là phải được tính toán có ngay từ đầu. Để chuyến đi phong phú hơn, có thể kết nối với tour đi thăm vườn cây ăn trái thuộc một số xã của huyện Mỹ Tú, tham quan Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy rừng tràm Mỹ Phước hay ghé thăm vườn cò Tân Long khi chiều về. Dĩ nhiên, những điểm đến này cần có sự chuẩn bị chu đáo mọi mặt để du khách đã đến một lần sẽ tiếp tục quay lại và giới thiệu nhiều người cùng đến./.
TCL.