Chùa
làng Quỳnh ra đời từ rất sớm, có thể từ thời Trần. Đến đầu thời Lê (1428 –
1788) vào niên hiệu Hoàng Định 6 (1604) chùa có đợt trùng tu lớn được ghi trên
văn bia “Trùng tu Long Khánh tự bi”. Tấm bia do Tiến sĩ khoa Canh Thìn, niên
hiệu Đoan Khánh 4 (1508), Hộ bộ Thượng thư, Quốc Tử Giám Tế tửu, Thượng trụ
quốc Phùng Khắc Khoan, hiệu Nghi Trai soạn có rất kỹ:…”. Năm Giáp Thìn (1604),
ngày sinh Đức Phật, gọi thợ dựng 1 ngôi tiền đường, 1 đài đốt hương, 1 cổng Tam
quan, đắp 2 tượng Hộ Pháp, 3 tượng Cô hồn. Ngày 8 tháng 3 năm Bính Ngọ (1606)
lại tư sửa 1 nhà tăng, nhà oản, đắp một tượng Phật Thích Ca. Lâu đài ngọc biếc,
cảnh tịnh thời nguy nga, hiện thân hoàng kim, nơi trung tâm văn hiến…”
Tam quan chùa Quỳnh Lôi
Năm Mậu Thân (1608) làm lễ khánh thành
chùa, Phật tử chăng đèn kết hoa lộng lẫy, vua Lê Kính Tông và chúa Bình An
Vương Trịnh Tùng cũng đến dự lễ. Đầu thế kỷ 20 chùa bị cháy. Vân Quỳnh Lôi đã
khuyến giáo xây dựng lại vẫn giữ được vẻ cổ kính xưa.
Tiếp theo những năm tháng của lịch sử,
đến năm Duy Tân 1 (1907), rồi đến Duy Tân 4 (1910) cho tới gần đây chùa luôn
được trùng tu tôn tạo. Kiến trúc chính mang nét nghệ thuật cuối thế kỷ XIX và
đan xen những mảng kiến trúc cũ thời Hậu Lê.
Từ ngoài vào, chùa là một khuôn viên
khép kín trong hệ thống kiến trúc: Tam quan (đồng thời là gác chuông), sân,
chùa chính (Tiền đường và Thượng điện), hai bên là nhà thờ Mẫu, thờ Tổ, vườn
tháp, khu phụ cùng vườn cây rộng lớn. Tam quan chùa Quỳnh Lôi được trùng tu ở
thời Nguyễn. Đây là một Tam quan đẹp và bề thế, ngôi chùa nổi lên bởi Tam quan
này. Tam quan đồng thời là gác chuông với 2 tầng 8 mái, 8 góc đao cong, các
trang trí là những lá hóa vân, lá hóa rồng. Chùa chính dựng theo hướng tây nam
gồm Tiền đường và Hậu cung tạo thành kiến trúc hình chữ Đinh. Tiền đường là nếp
nhà 5 gian dọc, kết cấu chồng rường. Vào trong Tiền đường có bệ thờ các tượng
Đức Ông, Thánh Hiền cùng 2 tượng Hộ Pháp cỡ lớn. Tượng Khuyến Thiện, Trừng Ác
ngồi trên mãnh sư, dũng mãnh trong trang phục võ tướng, mình mặc áo giáp trụ…
Đây là 2 pho tượng lớn duy nhất còn lại trong chùa sau lần thực dân Pháp đốt
chùa năm 1909. Tượng có niên đại tạo tác thế kỷ XVIII (Các tượng nhỏ của chùa
khi thực dân Pháp tới đốt phá đã được chuyển vào tháp 7 tầng để ở mé phải
chùa). Hậu cung là một cốn lớn kín toàn gian. Cốn chính Hậu cung tạc mặt hổ phù
lớn, hai bên là 2 rồng vần vũ..mang ước vọng cầu nguồn nước của cư dân nông
nghiệp.
Trong Hậu
cung, trên các bệ xây là hệ thống các tượng Phật. Tượng ở chùa này có khá đầy
đủ và được bài trí theo nguyên tắc một ngôi chùa Việt cổ. Trên Phật điện, đáng
lưu ý nhất là các bộ tượng: Tam Thế, A Di Đà Tam tôn. Ba vị Tam Thế tọa lạc ở
vị trí cao, trang trọng nhất của Phật điện. Tượng ngồi kiết già hàng ma lô bàn
chân phải trên đài sen, tay kết ấn thiền định. Bộ A Di Đà Tam tôn với A Di Đà được
tạc lớn nhất trên Tam bảo. Tượng ngồi trên đài sen cao chừng 2m. Hai bên tượng
là Quan Thế Âm bồ tát và Đại Thế Chí bồ tát. Cũng ở hậu cung, đáng lưu tâm còn
có tượng Hậu. Đây là pho tượng tạo dáng ông bà Trịnh Tạc, con của Ngạn quận
công Trịnh Đỗ, người có công lớn trong trùng tu ngôi chùa vào năm 1606 mà trong
văn bia, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đã từng ghi lời ca ngợi:
Đẹp thay cảnh
Quỳnh Lôi!
Chùa mang tên
Long Khánh
Cảnh là cảnh
chùa chiền
Trời là trời
Đâu suất
Thờ Phật sửa
ngôi chùa
Họ Trịnh dòng
tôn thất
Nền nếp nguy
nga thay!
Khu chùa
thanh tịnh thật
Đàn xuân hoa
dâng đầy
Cửa thiền
trái cúng đặt
Tòa tam bảo
sáng ngời
Muôn năm cầu
chúc Thánh
Chùa Nhà vua
sống lâu
Cơ đồ mãi
vững chắc
Dựng tấm bia
công đức
Sánh ngang
với đất trời.
Một trong những đồ thờ tiêu biểu nhất
là chiếc nhang án tại nhà Mẫu. Nhang án có kích thước 1.54x78x96cm được chạm
nổi, chạm lộng, chạm thủng những hoa lá, hổ phù, lá hóa rồng, những cánh hoa
sen, lá đề, vân mây, lá hóa phượng. Đây là 1 nhang án đẹp, mang dáng nghệ thuật
ở thời Lê. Trong chùa, hệ thống hoành phi, câu đối còn rất nhiều. Đây là nguồn
sử liệu quý đối với các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc. Chùa được công
nhận di tích lịch sử - văn hóa năm 1995.