Khúc Thủy - làng cổ bên dòng Nhuệ Giang

DIỆP BĂNG| 22/01/2016 06:26

Nằm bên bờ dòng Nhuệ Giang hiền hòa, làng Khúc Thủy có lịch sử gần 1.000 năm, đã chứng kiến bao đổi thay nơi mảnh đất cửa ngõ phía Nam của Thủ đô.

Khúc Thủy - làng cổ bên dòng Nhuệ Giang

Cách hồ Gươm chỉ khoảng 15km có một ngôi làng cổ đã bao đời đổ bóng bên dòng sông Nhuệ. Từng gốc cây, con ngõ, mái nhà, trang gia phả... của làng Khúc Thủy (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) hiện ra với dáng vẻ rất riêng và đầy sức cuốn hút... 

Đọc E-paper

1. Làng Cự Đà dường như đã quá nổi tiếng với nhiều câu chuyện, sự trải nghiệm của nhiều người trong những năm qua. Làng Khúc Thủy chỉ cách làng Cự Đà một con ngõ, tức vài bước chân, là ngôi làng nhỏ bé, đi bộ dọc con đường bê tông ven sông Nhuệ chừng vài trăm mét là đến cuối làng. Thế mới hiểu những người phương xa khi đi lướt qua đây thường nhầm tưởng chỉ có một làng cổ.

Nhưng nếu bước thật chậm và chú ý quan sát sẽ thấy cổng làng Khúc Thủy cổ kính, uy nghi. Dù mới được trùng tu cách đây 20 năm nhưng những dấu tích của thời gian cùng nét vẽ, trang trí đã chứng tỏ chiếc cổng ấy có từ rất lâu rồi. Cổng làng Cự Đà cũng được đánh giá là cổ. Tuy kiến trúc cổng của hai làng có khác nhau, nhưng chắc chắn chúng đều có lịch sử hàng trăm năm.

2. Nằm bên bờ dòng Nhuệ Giang hiền hòa, làng Khúc Thủy có lịch sử gần 1.000 năm, đã chứng kiến bao đổi thay nơi mảnh đất cửa ngõ phía Nam của Thủ đô. Thời gian thấm thoát thoi đưa, và mỗi vòng quay của chiếc kim đồng hồ lại phủ lên những mái chùa, con ngõ, bức tường, gốc cây nơi đây một lớp màu xưa cũ. Trong cái nắng nhạt đầu Đông, làng cổ Khúc Thủy hiện ra thật thanh bình nhưng cũng đầy hoài niệm.

Chùa và đình làng Khúc Thủy trong nắng sớm

Khi bước qua cổng làng, hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt là hàng cây cổ thụ với bốn thân muỗm và một gốc đa. Bên chiếc giếng cổ ngay sát đình làng, những cây muỗm, cây đa có từ vài trăm năm trước tỏa bóng mát xuống con đường như để che chở cho con cháu, du khách gần xa tìm về với làng.

Những thân cây muỗm to cỡ vài người ôm đứng đó bao đời "nhìn ngắm" bao người qua lại. Gốc cây là nơi chiều chiều các ông lão rủ nhau ra đánh cờ, bóng bà, bóng mẹ đi chợ ngang qua, hay lũ trẻ hò reo đánh bi, đánh đáo mỗi trưa Hè.

Không chờ cơ quan chức năng phong tặng danh hiệu cây di sản, bởi theo các cụ tầm 80 - 90 tuổi ở làng Khúc Thủy, dân làng đã xem chúng là di sản của làng. Chúng không chỉ có giá trị về cảnh quan thiên nhiên mà còn là nét văn hóa truyền thống gắn liền với đất và người Khúc Thủy.

3. Mỗi bờ tường, mái hiên, con ngõ ở Khúc Thủy đều mang nét xưa. Hiếm có ngôi làng nào ở vùng đồng bằng Bắc Bộ còn giữ được những nét xưa nguyên bản như ở Khúc Thủy. Chỉ cần đi sâu vào vài con ngõ nhỏ, ta như lạc vào một không gian xa xưa.

Cái cảm giác hoài niệm ấy dường như mới xuất hiện trong ta khi đặt bước đến làng Cự Đà. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ, so sánh tỉ mỉ thì thấy kiến trúc và văn hóa truyền thống ở Khúc Thủy có sự khác biệt so với Cự Đà. Nếu ở Cự Đà còn khá nhiều ngôi nhà mang kiến trúc thuần Pháp hoặc Pháp - Việt kết hợp với hai tầng uy nghi, bề thế... thì ở Khúc Thủy dường như rất khó tìm thấy một ngôi nhà như thế còn sót lại.

Cổng, tường bao nhiều ngôi nhà ở Khúc Thủy rất cầu kỳ, độc đáo

Ở Khúc Thủy, nhà cổ vài trăm năm hay chỉ vài chục năm hầu như vẫn giữ nguyên nét thuần Việt của vùng đồng bằng Bắc Bộ, đó là nhà ngói ba gian hai chái. Chúng tôi đã ghé thăm vài ngôi nhà ở Khúc Thủy theo sự chỉ dẫn của các cụ cao niên và nhận thấy nhà cổ ở Khúc Thủy thường lợp ngói mũi hài, cột lim và chạm trổ cửa, hiên rất cầu kỳ, không khác gì đình, chùa.

Cùng một nét hoài cổ nhưng nhà ở Cự Đà mang hơi hướng Tây hóa, còn nhà ở Khúc Thủy vẫn giữ nguyên sự thuần Việt. Ở những hàng hiên, trên những chiếc cổng cổ kính, từng đám rêu bám chặt tầng tầng lớp lớp lưu cữu từ hàng trăm năm qua. Trên nhiều bức tường bao, các mảng vữa dần rơi xuống để lộ màu đỏ của gạch cổ.

Những mảng vữa rơi để lộ dấu thời gian qua bức tường

4. Bên cạnh những gốc cây cổ thụ, mái nhà có niên đại lâu năm, Khúc Thủy còn có truyền thống hiếu học rất đáng tự hào. Các gia đình ở Khúc Thủy vẫn giữ được nếp sống, sinh hoạt truyền thống gia giáo. Người trong làng và trong mỗi gia đình đều sống hòa ái, trọng đạo lý. Nhà có gia phong, làng có hương ước và tuân theo quốc pháp.

Ở làng Khúc Thủy có rất nhiều dòng họ có truyền thống giữ gìn nhà thờ họ với nhiều hoành phi, câu đối, đồ thờ rất bài bản, mang đậm nét văn hóa của người Việt xưa. Hằng năm, các dòng họ ở Khúc Thủy vẫn làm lễ giỗ tổ để con cháu hiểu rõ cội nguồn, truyền thống tốt đẹp bao đời và noi theo.

Nổi bật, tiêu biểu nhất trong các dòng họ ở Khúc Thủy là họ Đào. Nhà thờ họ Đào nằm bên bờ sông Nhuệ có câu đối thể hiện niềm tự hào của dòng tộc: "Thi lễ phấn phát gia phong, khoa giáp đỗ liền ba tiến sĩ/ Xuân thu lưu lại trong quốc sử, phúc nhà sinh hạ một cung phi".

Tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử khoa bảng thời phong kiến của họ Đào ở Khúc Thủy thì chúng tôi được biết cụ Đào Nam Khang (đời thứ 4) đỗ tiến sĩ khoa Sĩ Vọng đời Hậu Lê. Ông từng giữ chức Triều liệt đại phu, trông coi Ty Hiến sứ xứ Thuận Hóa kiêm Tri Quốc Tử Giám. Đời thứ 5 đến lượt cụ Đào Nam Kiệt đỗ tiến sĩ năm 1472, giữ chức Tả thị lang Bộ Binh, trông coi xứ Hưng Hóa, tước Vĩnh Giang hầu. Đời thứ 6, cụ Đào Công Thích (con cụ Đào Nam Kiệt) đỗ Hoàng Giáp năm 1484, giữ chức Tả thị lang Bộ Binh, làm việc ở Ty Hiến sứ, tước Thanh Giang hầu.

Truyền thống hiếu học của làng Khúc Thủy được tiếp nối và phát huy đến ngày nay. Ở thế kỷ XX, họ Đào có học giả Đào Duy Anh, em ruột của ông là nhà báo, nhà tư tưởng và lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam Đào Duy Tùng.

Không chỉ có truyền thống khoa bảng với đức hiếu học, người Khúc Thủy còn rất anh dũng, nhiều đời oanh liệt chống giặc ngoại xâm. Đình làng còn lưu giữ tấm bảng "Mỹ tục khả phong" triều Nguyễn ban tặng do làng có công chống giặc ngoại xâm. Sau lại được ban sắc tặng thưởng biển ngạch "Khúc Thủy nghĩa dân" do có công chống thổ phỉ.

Cổng đình Khúc Thủy với gác chuông

5.

Dân làng Khúc Thủy đã bảo tồn được giếng làng có từ vài trăm năm. Trước đây, nguồn nước sinh hoạt của dân làng chủ yếu lấy từ giếng này. Về văn hóa tâm linh, ở Khúc Thủy có một ngôi đình và một ngôi chùa rất nổi tiếng. Cổng đình Khúc Thủy làm kiểu tam quan, trên có gác chuông.

Hằng năm, vào ngày rằm tháng Hai Âm lịch, dân làng lại mở hội lớn để tưởng nhớ công đức vị Thành hoàng. Theo tư liệu ghi lại, Thành hoàng chính là Trần Thông, con trai của danh tướng Trần Khát Chân đời Trần.

Gần đình Khúc Thủy là ngôi chùa Thắng Nghiêm rộng lớn, có lịch sử hơn 1.000 năm và nơi đây hiện nay thường diễn ra nhiều đại lễ quan trọng của Phật giáo, trong đó có lễ Phật Đản.

Chùa Thắng Nghiêm
Khu mộ tháp bên trong chùa Thắng Nghiêm

Với những nét truyền thống cổ xưa, văn hóa tốt đẹp lâu đời, di sản vật thể lẫn phi vật thể đang còn lưu giữ, Khúc Thủy là ngôi làng cổ cần được bảo tồn và giới thiệu rộng rãi đến công chúng.

>Văn hóa kỳ bí của người Vân Kiều

>Hà Nội chiều quê

>Đàn Viên: Làng đèn trước gió

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khúc Thủy - làng cổ bên dòng Nhuệ Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO