Trang nhà > PANORAMIC PHOTO > Architecture - Kiến trúc > Cầu Long Biên
*Pont Doumer
Những chiếc khóa chung thủy
Thứ Ba 30, Tháng Tám 2011, BTV:
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp khởi công xây dựng năm 1899 và đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Dân gian còn gọi là cầu sông Cái. Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ 1899 -1902 - Daydé & Pillé - Paris.
Cầu Long Biên khánh thành năm 1902, dài 1862 m. Có một điều lạ là xe cộ không đi về phía tay phải như thông lệ luật giao thông của Pháp. Hồ sơ lưu trữ cho biết năm 1924 đã có quy định xe cơ giới đi bên phải. Đến năm 1929 thì do đường lên xuống cầu ở bờ bắc thuộc tỉnh Bắc Ninh quá tải hay bị tắc đường nên Công sứ Bắc Ninh xin đổi ngược chiều, nhưng phải đến 2/1937 mới thực thi và duy trì cho đến nay.
Liên hoan Cầu Long Biên. Panorama ©Thang Bui 2010
Sông Hồng gắn liền với nền văn minh lúa nước của người Việt cổ nhưng mấy ai biết rằng nó bắt nguồn tận dãy Ngụy Sơn xa xôi trên đất Trung Quốc. Ở độ cao 1776m, thuộc huyện Nhị Đô tỉnh Vân Nam, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam vào Việt Nam từ Hồ Khẩu (Lào Cai) rồi chảy qua các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình đổ ra vịnh Bắc Bộ ở cửa Ba Lạt (ranh giới giữa Nam Định và Thái Bình) với chiều dài khoảng 1160 Km, trong đó phần chảy qua Việt Nam khoảng 510 Km. Trên lãnh thổ Trung Quốc sông mang tên Nguyên Giang, Lễ Xã Giang.
Chảy vào lãnh thổ Việt Nam sông Hồng mang nhiều tên gọi khác nhau: Hồng Hà, sông Cái, đoạn từ Lào Cai đến ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì - Phú Thọ) mang tên sông Thao, về đến Thăng Long- Hà Nội thì chảy vòng quanh như hình cái vành tai nên gọi là Nhĩ Hà hay Nhị Hà.
Cầu Long Biên vắt ngang sông Hồng đỏ nặng phù sa
Bản A Mú Sung huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai là vị trí khởi đầu của sông Hồng vào đất Việt, nơi ấy màu đỏ phù sa của dòng sông Hồng hòa lẫn với màu xanh mát dịu của dòng suối Lũng Pô chảy từ khe núi. Địa điểm đó được đánh dấu bằng cột mốc 92, cột mốc đầu nguồn phía Việt Nam của sông Hồng. Từ đây sông Hồng cuộn chảy phù sa bồi đắp cho những làng quê trù phú hai bên bờ, đặc biệt nhất là khởi nguồn nên nền văn minh sông Hồng rực rỡ, nền văn minh gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của kinh thành Thăng Long.
Cầu Long Bien. ©Thang Bui 2010
Khi lên ngôi ở Hoa Lư - Ninh Bình, thấy vùng đất này không thuận cho việc phát triển, Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô về thành Đại La. Chuyện kể rằng khi đoàn thuyền vừa cập bến sông Nhị thì nhà vua thấy rồng vàng xuất hiện. Biết là điềm lành, vua bèn đổi tên Đại La thành Thăng Long với nghĩa là rồng bay lên. Và hơn thế, sông Nhị hay còn gọi là sông Hồng đã trở thành một phần "ruột thịt" của kinh thành Thăng Long. Hồ Gươm, Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, hồ Thủ Lệ... chính là những nơi sâu nhất của khúc sông Hồng cổ đã từng chảy qua nội thành khoảng 5000 năm trước.