Cụ Nguyễn Hiền, 86 tuổi, kể rằng trong trận lũ lịch sử năm 1914, đê sông Hồng vỡ, dòng nước lũ tràn ngập cả làng. Phù sa bồi dày hơn 2 m lên cánh đồng trũng, phủ kín quần thể lăng đá. Người ta chỉ còn thấy đỉnh lăng và vài đầu voi đá, ngựa đá nhô lên, nơi trẻ con trong làng vẫn leo lên chơi. Trong những năm chiến tranh, không mấy ai để ý tới khu lăng đá. Dần dần, khu lăng biến thành ruộng ngô khoai. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Trưởng ban Văn hóa xã cho biết, năm 1986, chính quyền xã cải tạo ruộng đồng, huy động máy xúc khai thác đất phù sa để trồng ngô. Khi đào đất, mọi người sững sờ khi thấy các tượng đá lộ ra. Họ báo chính quyền, các nhà khảo cổ về nghiên cứu. UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ra quyết định công nhận di tích năm 1988. Với những vẻ đẹp độc đáo còn chưa được phát lộ hết, khu lăng đá đã được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 2003. Thăm di tích lăng mộ đá Quận Vân ở Hà Tây, người ta không khỏi ngỡ ngàng vì hiếm nơi nào ở đồng bằng Bắc Bộ có một quần thể tượng và công trình bằng đá còn khá nguyên vẹn như ở đây. Du khách từ Quốc lộ 1A rẽ vào con đường nhựa khoảng 2 km ngang qua các khu công nghiệp là tới thôn Nỏ Bạn. Qua con đường nhỏ có hàng cây hai bên là tới khu lăng mộ đá rộng khoảng 1.000 m2 nằm giữa đồng lúa xanh, có tường thấp bao quanh. Qua cổng, từ ngoài vào là tượng đá hai võ tướng cầm đao đứng gác, cao khoảng 1,60 m. Bên chân mỗi vị tướng là tượng chó đá ngồi chầu. Tiếp đến là đôi voi đá sừng sững ở tư thế quỳ, rồi đôi ngựa đá chạm trổ công phu. Toàn bộ khu lăng được chạm khắc tinh xảo từ đá nguyên khối. Ở giữa là hương án lớn bằng đá chạm đôi rồng chầu mặt nguyệt, trên đặt chiếc ngai bằng đá. Trước hương án có tượng đôi chó đá nằm canh gác. Phía sau hương án là nhà bia có kiến trúc hình khối vuông vắn, có hai tầng mái, được dựng nên bằng những phiến đá lắp ghép tinh vi. Trước nhà bia có tượng đôi nghê đá. Trong nhà bia có tấm văn bia ghi chép tiểu sử và chiến công của vị quận công. Sau nhà bia là mộ quận công và vợ ông, tuy vậy trong cuộc khai quật năm 1986, các nhà khoa học không thấy hài cốt bên trong. Trong khu vực lăng đá còn một số hiện vật bằng đá khác như bàn, ghế, các sập đá lớn. Đặc biệt có tấm bia nhỏ ghi lại công lao những người thợ xưa đã đổ bao mồ hôi nước mắt tạo dựng nên công trình đá này. Ông Trương Văn Tuân, người trông nom khu di tích, cho hay dưới hầu hết các tượng đá đều có bệ đỡ làm từ những phiến đá liền. Những tấm đá làm nguyên liệu chế tác lăng đã được người xưa chở bằng thuyền từ Quảng Ninh vượt biển rồi theo đường sông Hồng chuyển về đây, chạm khắc và lắp ghép tại chỗ. Người ta đã thử đào sâu xuống khoảng 70 cm và phát hiện những tấm đá được cho là nền sân của khu lăng. Chính vì chưa phát hiện hết nên có ý kiến cho rằng khu lăng còn nhiều di vật khác chưa được khám phá. Ông Trần Văn Tịnh, người làng, kể rằng khi nhân dân nâng cao tượng đá lên tránh ngập nước, đã thấy bên dưới có đá vụn do các công đoạn đục chạm để lại. "Dân làng ngày trước nhiều người còn nhớ những bài hò kéo đá, đục đá của những người thợ thời xưa" - ông kể. Ông Trần Văn Dương, người địa phương, cho biết hàng năm rất đông du khách về thăm lăng. Ông nhận xét: "Thật đáng khâm phục các công trình nghệ thuật bằng đá của những người thợ tài hoa xưa. Nếu được khai quật đến nền móng, chắc toàn thể khu lăng sẽ hiện ra ở quy mô hoành tráng hơn nhiều". Nhưng hiện nay, ngoài việc được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia, khu lăng do nằm ở ruộng trũng ngày ngày vẫn luôn bị ngập nước, mang vẻ hoang phế, bị cỏ dại phủ dầy. Cứ vào tháng 7, tháng 8 hằng năm, khi mùa nước lên, cả khu lăng đá lại ngập trong nước và bùn, do đó một số chi tiết chạm trổ tinh vi đã bị bào mòn. Nhiều pho tượng đá đã bị sứt mẻ, hư hỏng. Khu di tích đang xuống cấp và cần được kịp thời trùng tu, bảo vệ. Tỉnh Hà Tây trước đây đã cử một số đoàn chuyên gia về khảo sát nhưng vì lý do kinh phí nên việc tôn tạo vẫn chưa được tiến hành. Ông Tuân cho biết, đã 10 năm nay ông làm nhiệm vụ trông coi khu di tích, ngoài số trợ cấp ít ỏi 60.000 đồng/tháng mà gần đây mới được nhận, gần như khu di tích không nhận được sự quan tâm nào. Ông đã tự mua xi-măng "phục chế" các chi tiết tượng đá bị sứt mẻ, nhưng do kỹ thuật làm không chuyên nghiệp nên có chỗ lại nứt nẻ, bong tróc, làm giảm giá trị di vật cổ. Một di tích lịch sử độc đáo có niên đại ba thế kỷ đang có nguy cơ bị mai một. Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng sớm đầu tư tôn tạo để khu lăng đá được bảo tồn gìn giữ, xứng tầm Di tích lịch sử quốc gia.