Cụ Võ Trường Toản sinh ra ở huyện Thanh Kệ, tỉnh Quảng Đức, nay thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, sau này cư ngụ tại huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, nay thuộc quận 10 - TP.Hồ Chí Minh. Chỉ biết rằng cụ kết duyên cùng bà Thục Thận và hạ sinh được một người con gái nhưng không may bị bệnh và mất lúc còn ấu thơ. Cụ là một nhà giáo lỗi lạc của miền Nam Việt Nam vào thế kỷ thứ 18, là nhà sử học uyên thâm, có nếp sống thanh cao, luôn tận tụy với nghề dạy học, có công đào tạo rất nhiều nhân tài cho đất nước như: Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Quang Định, Lê Bá Phẩm,… Trong thời chiến Tây Sơn, cụ ở ẩn, mở trường dạy học ở làng Hòa Hưng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, nay là khu Hòa Hưng - Chí Hòa, đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10 - TP.Hồ Chí Minh. Cụ từ chối mọi điều ban phát, không tham gia vào chính sự dưới triều Nguyễn mà chỉ chú tâm vào việc truyền đạt thư pháp, giảng dạy kinh sách, huấn dục lễ nghĩa cho học trò. Học trò của cụ khá đông, có nhiều người đã thành đạt như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định, Ngô Tùng Châu, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Bá Phẩm... Tấm gương thanh cao, học phong sĩ khí của nhà giáo họ Võ đã ảnh hưởng nhiều đến các sĩ phu yêu nước và nhân dân Nam bộ lúc bấy giờ như Trương Định, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị... Cụ được các sĩ phu yêu nước miền Nam phong là “Thái Sao Bắc Đẩu”, là “Gia Định Xử Sĩ”. Chúa Nguyễn cũng rất mến mộ cụ, vì vậy cứ mỗi khi ghé Gia Định là triệu cụ đến giảng sách và đàm đạo.
Nhà bia Võ Trường Toản
Cụ Võ Trường Toản mất vào ngày 9-6 năm Nhâm Tý (1792), tức ngày 27-7-1792, tại làng Hòa Hưng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định và được an táng tại nơi này. Khi cụ mất, lòng vua cảm mến tiếc thương nên cho lập mộ, đền thờ và ban cho cụ danh hiệu cao quý “Gia Định Xử Sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh” (dịch là Võ tiên sinh là bậc Xử Sĩ có tài đức cao dày ở Gia Định) để khắc vào bia mộ và đôi liễn truy điệu:
Triều hữu huân danh, bán thuộc Hà phần cựu học
Đẩu Nam phong giáo, tề khâm Nhạc Lộc dư huy.
(Tạm dịch: Bậc huân danh của triều đình, một nửa thuộc về cựu học ở Hà phần, phong giáo chốn phương Nam, ai cũng phục cái uy lớn của Nhạc Lộc danh thơm).
Học trò tặng cụ đôi liễn:
Sinh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử
Một hậu thinh danh tại thế, tuy vong dã bất vong.
(Tạm dịch: Sống dạy dỗ được người, không con mà như có
Chết tiếng thơm còn giữ, tuy mất mà vẫn còn).
Mến mộ tài đức của cụ, dù không phải là học trò nhưng nhiều nhân sĩ ở miền Nam kính trọng cụ như thầy, lập bàn vị thờ cụ khắp nơi: tại Văn Miếu ở Biên Hòa (Đồng Nai), Văn Thánh Miếu ở Vĩnh Long, Ngụ Hiền Từ ở Phan Thiết (Bình Thuận).
Tháng 6-1862, triều đình Nguyễn ký hòa ước Nhâm Tuất, nhường 3 tỉnh miền Đông cho thực dân Pháp. Vì không muốn mộ của bậc cao sĩ nằm trong vùng địch chiếm, Kinh lược sử Phan Thanh Giản cùng Đốc học Nguyễn Thông hợp với nhân hào danh sĩ 3 tỉnh miền Tây và hương chức làng Hòa Hưng cải táng mộ cụ cùng vợ và con về làng Bảo Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Có thể nói, khu di tích mộ cụ Võ Trường Toản là một công trình mang ý nghĩa to lớn, nhằm tôn vinh một nhà giáo lỗi lạc không chỉ riêng của vùng đất Nam kỳ mà của cả dân tộc Việt Nam trong thế kỷ thứ XVIII. Ngày 24- 01-1998, khu mộ được Bộ VHTT nay là Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia bằng quyết định số 1998-QĐ/BVHTT. Năm 2007, tập thể giáo viên và Hội phụ huynh học sinh Trường Tiểu học, THCS, THPT Võ Trường Toản ở TP.Hồ Chí Minh đã cùng phối hợp với Sở VHTT (nay là Sở VH,TT&DL) và UBND huyện Ba Tri trùng tu, chỉnh trang lại khuôn viên khu mộ và đền thờ cụ. Và mới đây, ngày 01/7/2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khởi công Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Mộ Võ Trường Toản. Công trình được xây dựng trong khuôn viên khu đất có diện tích 1.695m2, tại ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, dự kiến hoàn thành thành quý 3 năm 2012. Nguồn vốn để thực hiện công trình là vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động các nguồn hỗ trợ khác. Tổng mức đầu tư là khoảng 7 tỷ đồng. Đặc biệt trong lần tu bổ, tôn tạo này khu mộ, đền thờ và khuôn viên tổng thể sẽ theo kiến trúc truyền thống. Đền thờ sẽ được xây dựng mới, kiến trúc 2 tầng mái, 4 hàng chân cột, kết cấu vì kèo xuyên trính; toàn bộ cấu kiện làm bằng gỗ căm xe, mái lợp ngói ống âm dương tráng men, hệ thống ô, hộc cổ diềm đắp nổi gắn sành sứ, tường xây bằng gạch thẻ, mặt nền lát gạch, hệ thống cửa là cửa bảng khoa, thượng song, hạ bản,… Di tích này đã được tu bổ 2 lần vào năm 1995 và 1997.
Cụ Võ Trường Toản đã để lại cho đời một sự nghiệp giáo dục rất uyên thâm, tinh túy, hung đúc khí tiết vững chắc cho cách sống và cách hành sự vì lợi ích của dân tộc, của đất nước. Cụ Võ Trường Toản học rộng, tài cao, thông đạt kim cổ. Học lực uyên thâm, có lúc về quê mở trường dạy học, đã đào tạo nhiều nhân tài lỗi lạc như Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Quang Định, Lê Bá Phẩm, …. Cụ chủ trương lấy lối học “nghĩa lý để giáo hoá”, cách dạy ấy thường gọi là “tri ngôn dưỡng khí” (tri ngôn là hiểu lời, dưỡng khí là nuôi dưỡng khí phách, muốn có được khí phách phải tập nghĩa, tức là làm việc nghĩa cống hiến hết Để tri ân công lao đóng góp của bậc tiền bối tài hoa, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã chọn ngày mùng 9 tháng 6 (âl) hàng năm làm lễ kỷ niệm ngày mất của Cụ. Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, Sở giáo dục – Đào tạo tổ chức trao giải thưởng “ Võ Trường Toản” cho các thầy, cô giáo (hệ mầm non, bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) đạt thành tích xuất sắc trong học tập.
Trần Hoàng Huấn
WEBSITE SỞ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH BẾN TRE
Địa chỉ: Số 108/1 Đường 30/4, Phường 4, Thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre
Điện thoại: 075.3822233 Fax: 075.3825817 Email: sovhttdl_bentre@yahoo.com.vn
Hiển thị tốt nhất ở độ phân giải màn hình 1024 x 768
Ghi rõ nguồn http://sovhttdl.bentre.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.