Hình tượng con nghê ở đền miếu

Đôi nghê đá, thế kỷ 18, lăng Dinh Hương, Hiệp Hòa, Bắc Giang
Đôi nghê đá, thế kỷ 18, lăng Dinh Hương, Hiệp Hòa, Bắc Giang

Trần Hậu Yên Thế

Dẫn luận

Năm 1993, trong tham luận tại Hội thảo khoa học Bàn về nghiệp vụ nghiên cứu mỹ thuật do Viện Mỹ thuật tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Viện, NNC Thái Bá Vân có bài viết Sử học mỹ thuật như một hệ thống1. Trong bối cảnh học thuật đề cao thái quá tính dân tộc và thường cô lập các hiện tượng mỹ thuật Việt để nghiên cứu, bình luận, bài viết của ông mong muốn sự hội nhập với thế giới của ngành nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam.

Ý thức được yêu cầu khoa học đó, thao tác của người viết cũng sẽ đặt tính độc đáo (unique) của những hình tượng con nghê ở đền miếu trong những hệ thống  để khảo cứu như:

- Các con vật trong không gian lăng tẩm đền miếu phương Đông.

Theo hướng nghiên cứu của ngành Mỹ thuật so sánh thì những hiện tượng mỹ thuật độc đáo luôn cần được kiểm chứng trong những mối quan hệ, đối chiếu liên văn hóa (Interculturality) của các tộc người, các quốc gia với nhau. Mỹ thuật so sánh thiên về nhận thức tính phổ quát của những hiện tượng được coi là độc đáo. Thuyết Liên văn hóa là một trong những hệ thống lý thuyết nền tảng của ngành Mỹ thuật so sánh2

1. Nghê đá trong lăng tẩm, đền miếu Việt Nam

Con nghê đã trở nên rất đỗi thân quen trong đời sống tinh thần người Việt. Nguời ta gặp những con nghê hồ hởi trên các cổng làng, cổng xóm có khi cũng ở ngay trên cổng nhà, cổng chùa, trên lan can tay vịn các dinh thự, cung điện. Nghê cung kính đứng nơi đền miếu và lăng tẩm đã bao đời nay… Có loại nghê như những con chó cảnh, con sư tử nhỏ, lại có giống nghê như những con chó săn; trải qua nhiều thời kỳ, nghê cũng muôn hình vạn trạng. Bản thân chữ nghê trong tiếng Hán gồm bộ Cẩu (chó) và chữ Nhi (trẻ con) hợp thành.Thế nên, sẽ là hơi sớm khi chúng ta cứ đinh ninh rằng con nghê là của người Việt 3.

Nghê là tên gọi một linh vật xuất phát từ Trung Hoa. Trong thuyết rồng sinh chín con, một trong chín đứa con đó một con là con nghê, gọi là toan nghê nhưng thường chỉ gọi vắn tắt là nghê. Trong nghệ thuật trang trí phong kiến Trung Quốc và Việt Nam có nhiều đồ án nghê như lưỡng nghê chầu nhật, lưỡng nghê tranh châu, nghê hí cầu…

Người Trung Quốc cho rằng toan nghê là một cách gọi khác của sư tử. Ở Việt Nam vấn đề lại khác, nhiều người đã không đồng tình khi dịch nghê là lion. Vì Nghê ở Việt Nam mang dáng dấp của loài chó. Trong một số tài liệu nước ngoài, nghê được dịch là fo dog – cách chuyển ngữ này tương đối sát nghĩa. Khi nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam từ những so sánh với Trung Hoa, chúng ta luôn bắt gặp những hình tượng có nguồn gốc phương Bắc khi du nhập vào xứ ta có những thay đổi rất kỳ lạ. Hình ảnh những con nghê là như vậy.

Nghê đá chầu trước đền miếu có tự bao giờ ? Nó có ý nghĩa gì về tâm linh, giữ vai trò gì trong không gian tưởng niệm? Đó là những câu hỏi chưa có câu trả lời chính xác. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện còn lưu giữ một con nghê gỗ phủ sơn ở đền thờ Lê Thánh Tông. Con nghê này cao 118,5cm tạo hình đẫy đà nhưng vẫn có hình dạng của một loài chó săn ức nở bụng thót.

Đền vua Đinh ( Trường Yên, Hoa Lư) có hai cặp nghê đá, một cặp trước nghi môn ngoại và một cặp nghê đá trước bái đường. Nhìn vào độ phong hóa của đá và đặc biệt là phong cách nghệ thuật, chúng tôi cho rằng hai cặp nghê đá này có niên đại không đồng nhất. Nhưng thần thái của hai con nghê đá này cũng không khác nhau là bao: trang nghiêm và trầm lắng, có phần buồn bã như câu ví buồn như chó nhà có tang. Miệng nghê há ra nhưng không phải để hăm dọa mà như đang há miệng gào lên những tiếng rên thống thiết! Cái bộ dạng buồn bã, u sầu của những con nghê đá ta từng thấy ở đền vua Đinh (Hoa Lư, Ninh Bình), còn thấy ở Đền Gióng, lăng Dinh Hương, lăng Quận Nghi, lăng họ Ngọ… 

 vua dinh truoc nghi mon.[1]

 Đôi nghê đá, thế kỷ 17  đền Vua Đình, Hoa Lư, Ninh Bình                                                                                                                   

Một đặc điểm chung nhất, dễ nhận thấy nhất là những con nghê này đầu thường to mà chi trước nhỏ, dáng vẻ co ro. Miệng dẫu có há nhưng cũng không phô diễn hàm răng sắc nhọn, mắt nhỏ vừa phải, không trợn, không lộ, ẩn dưới hốc mắt, gần với tạo hình của những con nghê thời Lý. Nghê đá đền vua Đinh, đền Gióng khác với những con nghê ở lăng Lê Thánh Tông, lăng họ Ngọ không chỉ ở tư thế mà cả dáng vóc: mình thon, bụng thót, lông mao thưa.    

Ở Trung Hoa, người ta  không thích đưa chó vào các lăng tẩm đền đài, vì chó không phải các loài thú cát tường4. Trong tiếng Hán, có hai chữ chỉ chó, một là cẩu, hai là khuyển. Đại bộ phận những thành ngữ có từ cẩu và từ khuyển hàm ý rất tệ. Sư tử là con vật thường thấy nhất, phổ biến nhất trong các lăng tẩm, đền đài kể từ thời Đường đến nay. 

2. Sư tử nơi đền miếu, lăng tẩm Trung Hoa

Sư tử là một động vật có ảnh hưởng mãnh mẽ tới nhiều nền văn hóa nhất – với tư cách là biểu tượng của uy lực. Các nhà động vật học ( qua thực nghiệm) đã khẳng định về trọng lượng cơ thể, sức mạnh cơ bắp, khả năng tấn công đối phương, sư tử xếp sau hổ và voi. Nhưng với ý nghĩa là biểu tượng của uy lực và võ lực, sư tử đã thực sự gắn bó chặt chẽ với vương quyền và thần quyền của nhiều nền văn hóa, nhiều quốc gia. Hình tượng sư tử xuất hiện trong không gian thờ phụng của nhiều tôn giáo, trên quốc kỳ và quốc huy, được mô tả phổ biến trong văn học nghệ thuật từ cổ chí kim ở nhiều quốc gia hơn bất cứ động vật nào khác. Ngay từ thời kỳ Đồ đá sớm tại hang động ở Lascaux và Chauvet Caves (Pháp), sư tử xuất hiện trong nhiều nền mỹ thuật của thế giới, ngay cả ở những khu vực không thuộc địa bàn cư trú của nó như Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản.Cho dù giáo lý của Do Thái giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Ấn độ giáo, Phật giáo không giống nhau, nhưng sư tử vẫn trở thành một biểu tượng không thể thiếu của các tôn giáo trên. Xét về thị giác, đặc biệt là các con sư tử đực, với bộ lông bờm dày,  ức nở, răng sắc, móng nhọn, thân vàng óng, sư tử hơn hẳn voi và hổ. Theo các nhà sinh vật học, cho đến cuối thời kỳ đồ đá, khoảng 10.000 năm trước, sư tử là động vật có vú phổ biến nhất trên trái đất sau con người. Bị ảnh hưởng từ Trung Đông và Ấn Độ, Trung Hoa từ thời Tam Quốc về sau, ngày càng say mê sư tử, một loài vật dữ tợn nhất trong các loài vật; và sư tử là con vật phổ biến nhất ở đền miếu5.

Miếu Quan Vũ ở Hà Nam (TQ) có một kỷ lục về tượng sư tử. Ngay từ ngoài vào, hai bên tả hữu của nghi môn đã sừng sững đôi sư tử đá vô cùng cang cường, vóc dáng to lớn, khối căng, ức nở hông chắc, đặc biệt là dáng vẻ cực kỳ dữ tợn: mắt trợn miệng há. Đi qua nghi môn, du khách sẽ lại gặp hàng sư tử đá đứng chầu hai bên đường thần đạo. Sư tử đá ở đền thờ Quan Vũ có kích thước vốn đã to lớn lại được ngồi trên một chiếc bệ đá, tổng chiều cao gần gấp đôi đầu người . Xét về công năng, đôi nghê đá ở đền vua Đinh ngồi vuông góc với đường thần đạo ở tư thế chầu rất khác với đôi sư tử đá ở đền thờ Quan Vũ ngồi hướng ra phía trước có nhiệm vụ trấn yểm, thị uy.

Không chỉ ở Trung Quốc, tại Triều Tiên từ rất sớm đã xuất hiện hình tượng sư tử trong các lăng mộ. Tại ngôi mộ của danh tướng Kim Yushin (595-673) chúng ta đã thấy xuất hiện nhiều tượng sư tử đá. Có một hiện tượng rất đáng chú ý là vẻ hung dữ của những con sư tử đá trấn yểm nơi đền miếu cũng lan sang chiếm giữ bên ngoài các dinh phủ cung điện. Cặp sư tử đá ở Thiên An Môn (Bắc Kinh) dường như không khác mấy những con sư tử đá ở đền thờ Võ Tặc Thiên (Tứ Xuyên). 

09ky lan- vu hau tu 01

  Ảnh trái: Sư tử đá, đền Quan Vũ, Hà Nam, Trung Quốc/Ảnh Phải: Kỳ lân, Hán Chiêu liệt miếu, Tứ Xuyên, Trung Quốc  

3. So sánh nghê đá với sư tử đá trong không gian tưởng niệm, những nhận định ban đầu

Nếu coi các không gian tưởng niệm là một cấu trúc, thì con nghê và sư tử nằm trong những cấu trúc vật chất và tinh thần rất khác nhau. Đại đa số các lăng tẩm, đền miếu thời trước của người Việt đều rất khiêm cung nhỏ nhắn, không có tường bao, những con thú đứng lẫn trong cỏ cây hoa lá. Những tượng sư tử đá như ở đền thờ Quan Vũ, đền thờ Võ Tặc Thiên to lớn, uy nghi, hòa hợp với không gian kiến trúc, với những dãy tường bao cao ngất. Xét về trạng thái biểu cảm, nghệ thuật của người Việt (thời phong kiến) ít tạo ra những nỗi sợ hãi, khiếp đảm như nghệ thuật Trung Hoa, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Lấy ví dụ như đền thờ vua Đinh ở Ninh Bình (VN) so với đền thờ Quan Vũ ở Hà Nam (TQ) thể hiện rất rõ truyền thống thẩm mỹ của hai dân tộc. Trong đền thờ Quan Vũ có những bức chạm thánh tích đồ kể lại công trạng của danh tướng này, không ít cảnh đầu rơi máu chảy. Ngược lại, ở đền vua Đinh có những hình ảnh khắc họa đời sống bình dị của người dân Trường Yên. Cảnh vợ chồng người tiều phu, người vợ ngước mắt nhìn chồng đang bấm bàn chân lần theo những mỏm đá mấp mô gánh củi xuống núi. Hay cảnh đôi vợ chồng thuyền chài buông lưới ngày giông gió làm ta nao lòng trước nỗi cực nhọc.

 

8 cheo thuyenaa

Bản vẽ bức chạm ở chân tảng, đền Vua Đinh, Hoa Lư, Ninh Bình 

Xét về độ oai phong, nghê không thể sánh được sư tử. Cụ thể ở đây, thái độ biểu cảm của hai con vật cũng rất khác nhau. Tuy cùng đứng trước nghi môn, nhưng dáng vẻ nghê đá đền vua Đinh thấp nhỏ, hiền hòa dưới tán cây, nếu mải đi không để ý sẽ bỏ qua dáng vẻ co ro đã nhuốm màu rêu phong này. Cái dáng vẻ co ro được tạo ra có chủ định do người nghệ nhân đã bắt con nghê ngồi bấu trên một khối đá nhỏ6. Cũng có công năng trấn giữ ở cổng thành, cặp nghê đá lớn nhất của người Việt trong mỹ thuật thời phong kiến, đôi nghê ngồi trước Hiển nhân môn ở cố đô Huế tiếp tục cho thấy mỹ thuật Huế vấn tiếp nối những truyền thống thẩm mỹ từ các triều đại trước đó7. Người xưa cho rằng nghê là con vật biết phân biệt người ngay người gian, người thiện kẻ ác. Có lẽ là như thế, con nghê được khắc họa dáng vẻ trầm ngâm quan sát người qua lại. Ngay cả với nền mỹ thuật được coi là đậm chất Trung Hoa nhất trong các các giai đoạn mỹ thuật Việt thời trước, thì đôi nghê đá thời Nguyễn này cũng rất gần gũi, thân thiện.

Gần đây ở phía trước các công sở, dinh thự thường đặt đôi sư tử đá rất hung dữ như từng thấy ở Thiên An Môn, Bắc Kinh. Trào lưu này còn lan đến các đình chùa, miếu tự. Phải chăng những tiếng nói nhỏ nhẹ, trầm ấm của Mỹ thuật Việt đã không còn phù hợp?  Phải chăng tâm thức người Việt đã thay đổi? Người Việt hiện nay phần đông không phân biệt được đâu là con nghê, đâu là con sư tử – có một phần do sách vở. Chẳng hạn Từ điển Tiếng Việt phổ thông của Viện Ngôn ngữ xuất bản năm 2002 giải thích nghê là “ Tên con vật tưởng tượng đầu giống sư tử, thân có vẩy, thường được tạc hình trên cột trụ hay trên nắp đỉnh đồng”. Những con sư tử Trung Hoa được cũng các xưởng đá giới thiệu là con nghê. Như đã nói ở trên, nghê vốn là chó được linh thiêng hóa. Nghê không có vẩy nhưng khoảng đến thế kỷ XVII nghê được thiêng hóa bằng cách toàn thân bao phủ lớp vẩy các. Nghê trong rất nhiều trường hợp đã thay thế kỳ lân đứng vào những vị trí tôn nghiêm ở đình miếu, lăng tẩm, đền đài.

ho ngo 1clm a copy

 Nghê đá, thế kỷ 17, lăng Họ Ngọ, Hiệp Hòa, Bắc Giang 

4. Sự hiện diện của các con thú trong các không gian tưởng niệm phương Đông

4.1 Trạng thái biểu cảm của các con thú nơi đền miều

Không chỉ là những người phương Tây, ngay với cả người Việt hôm nay cũng sẽ nhiều người thắc mắc sao lăng tẩm lại như vườn thú, nào voi, nào ngựa, hổ, tê giác đến những con vật huyền thoại như nghê, kỳ lân…Một truyền thống có thể xuất hiện sớm từ Trung Hoa, các con thú đóng vai trò trung tâm trong việc tạo dựng không gian tưởng niệm cho các đền miếu. Cho đến nay, những con thú ở lăng mộ của danh tướng Khoắc Khứ Bệnh8 thời Tây Hán được coi là những ví dụ sớm nhất của hiện tượng này. Bức tượng đá Ngựa đạp Hung Nô là bức tượng đẹp nhất trong số các bức tượng đá ở đây. Nhân vật chính ở đây là các con vật, hình tượng người chỉ đóng vai trò thứ yếu, chẳng hạn như người Hung Nô (tượng người duy nhất ở đây) được mô tả nằm ngã dưới chân ngựa. Một trong những cách giải thích bức tượng này là khi biết tin thân chủ của mình đột ngột qua đời, con ngựa lồng lên chạy dẫm đạp lên đám tù binh Hung Nô. Ngựa là con vật luôn gặp trong các đền miếu Trung Hoa.

Kỳ lân, một linh thú, cũng là một con vật thường thấy ở các lăng mộ từ miếu của người Hán. Tại Thành Đô, Tứ Xuyên, có một ngôi đền mang tên Hán chiêu liệt miếu. Đây là ngôi đền duy nhất ở Trung Quốc phối thờ vua và trung thần (Lưu Bị và Khổng Minh). Khổng Minh là một danh tướng thời Tam Quốc. Trong khuôn viên đền miếu hai bên đường thần đạo có cặp tượng kỳ lân, ngựa đứng chầu. Cặp kỳ lân đá đang biểu lộ một trạng thái kìm nén nỗi đau trước sự mất mát. Ở lăng mộ của Minh Thành Tổ tại Nam Kinh cũng có một đôi kỳ lân trong tư thế nghiến chặt hàm răng cố kìm nén tiếng khóc. Còn rất rất nhiều ví dụ ở Trung Hoa về tượng những con thú bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn với các bậc tiên đế công thần đã khuất.

Trong tiếng Hán, có nhiều từ để diễn tả trạng thái khóc than, khấp là từ diễn tả cách khóc thầm (như thơ Văn Cao: có khi nước mắt không thể chảy ra ngoài được). Nguyễn Du có câu thơ nổi tiếng Bất tri tam bách dư niên hậu – Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như  (câu đó thường được dịch là Không biết ba trăm năm sau con có ai là người khóc Tố Như). Dịch khấp là khóc tuy đúng nhưng không nói hết được cái hàm ý sâu sắc và sự thâm trầm của văn hóa Đông Phương. Ở Việt Nam, do chiến tranh loạn lạc nên các lăng miếu thời Lý Trần phần lớn bị hư hại, xâm phạm. Con hổ đá ở lăng Trần Thủ Độ (Hưng Hà, Thái Bình), một trong những kiệt tác điêu khắc đá quan trọng của lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Mặc dù tượng hổ bị hư hai nhiều phần mặt, nhưng nhìn kỹ vẫn thấy rất rõ người xưa đang mô tả con hổ đang nghiến chặt hàm răng, dáng vẻ buồn bã. Triều Lê cho xây dựng hệ thống lăng mộ vua chúa ở Lam Kinh, Thanh Hóa. Các con thú tuy không to lớn, ngôn ngữ điêu khắc đơn giản nhưng khá biểu cảm.                                                                                                     

Sang đến thế kỷ XVII, sự bùng phát các lăng mộ của các tầng lớp quan lại phong kiến đã hình thành nên một phong trào điêu khắc đá trong các không gian tưởng niệm này. Có rất nhiều lăng mộ và sinh từ như: lăng Dinh Hương (Bắc Giang), lăng họ Ngọ (Bắc Giang), lăng Vũ Hồng Lượng (Hải Dương), lăng Quận Nghi (Thanh Hóa),  Các con thú thường thấy là voi, ngựa, nghê, chó đá. Các con vật được mô tả trong một trạng thái  kính cẩn, nghiêm trang và buồn bã. 

dsc02396.[1]

 Nghê đá, thế kỷ 17, đền Gióng, Gia Lâm, Hà Nội (chụp từ 3 phía) 

nghe hue

Nghê đá, thế kỷ 19, Hiển Nhơn môn, Đại Nội, Huế 

nghe da mai dich

 Nghê đá  trong nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội 

Triều Nguyễn để lại một di sản kỳ vĩ, hùng vĩ nhất trong lịch sử hệ thống lăng mộ các vị hoàng đế. Sự hiện diện của các tượng quan hầu đã từng thấy ở  Vĩnh lăng (vua Lê Thái Tổ), Hựu lăng (Lê Thái Tông), Chiêu lăng (Lê Thánh Tông) thời Lê Sơ hay lăng Vũ Hồng Lượng thời Lê – Trịnh tiếp tục phát triển hoàn chỉnh ở Huế. Hệ thống tượng thú như voi, ngựa… đứng hai bên đường thần đạo vẫn tiếp tục được duy trì. Mảng đồ án trang trí trên các tượng thú được chạm khắc tinh vi hơn nhưng thần thái biểu cảm có phần khô cứng.

4.2. Ý niệm cho sự hiện diện của hệ thống con thú nơi đền miếu, lăng tẩm

Một vấn đề được nêu ra ở đây là tại sao lại cần đến sự biểu cảm của những con vật ở đây. Chúng ta thử so sánh một bức tranh đức Phật nhập niết bàn của một danh họa Nhật Bản với bức tranh đức chúa trên cây thánh giá phương Tây. Cùng xuất hiện trên tranh là hoạt cảnh các tín đồ khóc than thì bức tranh của họa sỹ Nhật Bản còn miêu tả rất nhiều loài thú tới vật vã khóc lóc bên thi hài Đức Thế tôn. Mỗi loài thú có một kiểu khóc không giống nhau. Đây là hai nhân vật lịch sử có thật thời cổ đại ( hai đức giáo chủ cách nhau chừng 600 năm), vậy thì sự khác biệt của hai họa phẩm này liên quan đến culture code (mã văn hóa hoặc bản sắc văn hóa). Văn hóa Á Đông đề cao sự gắn kết hòa đồng của con người với Tự nhiên. Khi một ai đó mất đi, vợ con gia quyến, đệ tử, hương lân thương tiếc là lẽ thường, nhưng nếu đến cầm thú, cây cối cũng thương tiếc thì đó ắt phải là bậc thánh nhân.

Tượng nghê đá, sư tử đá tuy rất khác nhau về trạng thái biểu cảm nhưng có chung một đời sống tâm linh nơi đền miếu, phản ánh tâm thế của từng dân tộc. Sư tử là một động vật có thật, tuy không phải là sinh vật bản địa của người Trung Quốc nhưng đã từ rất lâu trở thành một phần máu thịt của văn hóa Trung Hoa. Nó biểu tượng cho uy quyền và sức mạnh. Con nghê tuy là một con vật truyền thuyết được hư cấu từ loài chó nhưng rất gắn bó với người Việt. Những con nghê nhỏ bé phù hợp với vóc dáng, tâm sinh lý của người Việt. Trong hệ thống lăng tẩm, sinh từ, đền miếu của người Việt tuy có nhiều con thú nhưng con nghê trở thành một linh vật thân thiết và trìu mến nhất.    

niet ban 1ssss.[1]

Phật nhập niết bàn, tranh Nhật Bản, hình sư tử dưới góc phải tranh 

Kết ngữ

Luận về tính độc đáo của mỹ thuật Việt trong so sánh với mỹ thuật Trung Hoa hay Nhật Bản, Hàn Quốc, người viết muốn nhìn nhận sự độc đáo trước hết là sự khác biệt, không có ý phân biện tốt xấu, cao thấp. Bài viết mong được vận dụng phương pháp luận của ngành Mỹ thuật so sánh vào nghiên cứu những trường hợp cụ thể của mỹ thuật Việt Nam. Cũng tương tự như với truyện Kiều, dù rất yêu mến, kính trọng tài năng của Nguyễn Du, chúng ta cũng cần làm rõ những điểm chung, những nền tảng tư tưởng đã chi phối cả Thanh Tâm Tài nhân và Tố Như, tìm ra những mối liên hệ giữa Đoạn trường tân thanh với truyện Kiều.

Trong bối cảnh hội nhập với thế giới hiện nay, nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam có được nhiều thông tin và các cơ hội hợp tác trao đổi nghiên cứu với các học giả nước ngoài. Hy vọng rằng sự phát triển của ngành Mỹ thuật so sánh sẽ phát hiện ra những giá trị Việt đặc sắc của nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

 T.H.Y.T

Bài viết được thực hiện tháng 10 năm 2011

Đã được công bố trên Đặc san Nghiên cứu Mỹ thuật, số 4/2011 

Chú thích:                                                                 

1.Bài này in lại trong cuốn Thái Bá Vân tiếp xúc với nghệ thuật, Viện Mỹ thuật, 1997

2. Trong một thế giới hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay, tính chất Interculturality ngày một quan trọng, trở thành một ngành học chính thống.

3. Bùi Ngọc Tuân trong bài viết Con nghê – linh vật thuần Việt đăng lần đầu tiên trên trang talawas, ông đã nhấn mạnh đến sự hiện diện của con nghê trong đời sốn tinh thần của người Việt. Tuy vậy sự phát triển của nghê trong lịch sử tạo hình Việt cũng khá phức tạp. Trong rất nhiều trường hợp, nghê để trở nên thiêng hóa cũng đã có mang một số đặc điểm của kỳ lân, Ví dụ như hình khắc những đôi nghê chầu ở đình Phù Lão thân mang vẩy giống kỳ lân. Việc đối sánh nghê với kỳ lân không tiêu biểu bằng nghê với sư tử. Khái niệm thuần Việt cũng không hề đơn giản. 

4. Trong tiếng Hán, có hai chữ chỉ chó, một là cẩu, hai là khuyển. Những thành ngữ có từ cẩu và từ khuyển đại bộ phận với ý nghĩa rất tệ hại. Khuyển mã chi lao : vất vả như chó ngựa. Khuyển nha giao thố : thế giành giật. Cẩu đảm bảo thiên: to gan làm càn. Cẩu cấp khiêu tường:  là cùng quá hoá liểu, chó cùng giứt dậu. Cẩu thoái tử: ám chỉ lũ chó săn tay sai. Cẩu thí : mắng chỉ đồ cặn bã rác rưởi. Cẩu vĩ tục điêu: ngụ ý lấy cái xấu kế tục cái tốt, hay dùng cho sự chắp nối vụng về trong văn chương. Cẩu huyết phún đầu: ý mắng đồ chó chết, quân chó má. Cẩu trượng nhân thế : chó cậy chủ, ta vẫn nói là chó cậy gần nhà. Dẫu thế trong một số ngôi mộ thời Hán cũng có vẽ hình chó. Hay như trong ngôi mộ của Tư Mã Kim Long thời Bắc Ngụy (năm 484) khai quật năm 1965, tìm thấy một tượngcon chó đen bằng đất nung đang ngậm khúc xương.

5. Tại Càn lăng ( lăng mộ của vua Đường Cao Tông Lý Trị và Võ Tắc Thiên) có một đôi sư tử đá ngồi cao 3,4 m (bệ cao 0,5 m). Nhưng đỉnh cao của biểu tượng quyền lực thể hiện qua hình tượng sư tử đá thời Đường phải nhắc đến sư tử đá đặt ở Thuận lăng (lặng mộ mẹ của Võ Tặc Thiên). Tượng sư tử đực cao 3,55 m dài 3,27 m, rộng 1,4m, tượng sư tử cái cao 2,7m dài 2,97 m rộng 1,3 m. Bức tượng sư tử này trở thành biểu tượng hoành tráng nhất cho một vương triều vĩ đại.

6. Những dáng vẻ kiêm cung của những con nghê phù hợp với tâm thức người Việt. Mặt khác bản thân hầu hết các kiến trúc đền miếu cổ truyền của chúng ta ở Bắc Bộ rất ít khi xây tường bao. Qua ảnh chụp tư liệu chúng ta biết rằng đền vua Đinh cho đến thời Nguyễn vẫn không có tường bao. Tường bao quanh văn miếu cũng chỉ có từ đầu thế kỷ XX.

7. Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí thì đó là con Kỳ Lân; nhưng Trần Đức Anh Sơn lại khẳng định đó là con nghê. Sự phân định giữa nghê và kỳ lân khá phức tạp trong mỹ thuật dân gian nhưng khá dễ với mỹ thuật cung đình. Nghê thường không có vẩy, vì là chó nên không có sừng và móng có ba, bốn móng trước và một móng phía sau. Kỳ lân chính là hươu nên đầu có sừng, thuộc loài móng guốc; là con vật được tưởng tượng them cho linh thiêng nên thân nghê thường có vẩy. Căn cứ vào nhận dạng ngoại hình, tôi đồng ý với cách gọi của Trần Đức Anh Sơn, đấy chính là con nghê. Người Việt hiện nay không phân biệt được đâu là con nghê, đâu là con sư tử có một phần do sách vở.

8. Hoắc Khứ Bệnh (người Sơn Tây, Trung Quốc; 140 TCN – 117 TCN) là danh tướng dưới thời Hán Vũ Đế, có công lao trong việc chinh phạt Hung Nô ở phía bắc. Cậu của ông là tướng quân Vệ Thanh cũng là một danh tướng có công trong việc đánh Hung Nô – nguồn wiki

Giới thiệu các mẫu linh vật của Việt Nam

linhvat1_GTSG linhvat2_SLCZ linhvat3_BJFY linhvat4_IRUT linhvat5_UEDI linhvat6_VSIV linhvat7_KHIF

 

Nguồn bài đăng

Gửi phản hồi

Mời bạn điền thông tin vào ô dưới đây hoặc kích vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Log Out / Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Log Out / Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Log Out / Thay đổi )

Google+ photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Google+ Log Out / Thay đổi )

Connecting to %s