Văn Thánh miếu
Ai
đã một lần đến thăm Văn Thánh miếu chắc không khỏi ngỡ ngàng, vì nơi
vùng đất mới khai phá của châu thổ sông Cửu Long, lại có một công trình
văn hóa thờ đức Khổng Tử, có cách nay gần 150 năm.
Văn
Thánh miếu đầu tiên được xây dựng tại thôn Mỹ Trà, Tổng Phong Thạnh,
huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay thuộc phường 3, thành phố Cao
Lãnh) do Hồ Trọng Đính là quan Tri Phủ huyện Kiến Tường đề xướng và đứng
ra xây cất. Khởi công xây dựng từ ngày 04 tháng 06 âm lịch năm Đinh Tỵ
(1857) đến ngày 28 tháng 10 cùng năm thì hoàn
tất. Văn Thánh miếu lúc bấy giờ giữa chính điện đặt bàn thờ to rộng,
trên bàn thờ bài vị sơn son thếp vàng đề danh hiệu Đức Khổng Tử là Vạn
Thế Sư Biểu. Tả hữu là bài vị của tứ thánh (Tăng Tử, Nhan Hồi, Tử Tư và
Mạnh Tử). Còn bên tả vưu, hữu vưu thì thờ tiền hiền và hậu hiền, trên
cột có treo nhiều câu liễn.
Năm
Mậu Dần 1878, Văn Thánh miếu được dời đến vị trí hiện nay (đường Lý
Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh) và được tái thiết với qui mô
bề thế. Khoảng từ năm 1935 đến năm 1940, Văn Thánh Miếu được trùng tu,
việc thờ phượng được sắp xếp lại trong chính điện tả vưu làm thư viện,
hữu vưu làm nơi hội họp. Tại đây, một hội tao đàn được thành lập, tập
hợp những người ham chuộng thơ văn để xướng họa, luận bàn đạo lý phương
Đông, tìm ra phương hướng bảo tồn tinh hoa của Nho học đang bị chao đảo
trước sự du nhập của nền văn hóa phương Tây. Năm 1951 do hoàn cảnh chiến
tranh, Văn Thánh Miếu ngưng hoạt động và hoang phế từ đó.
Việc
ra đời Văn Thánh miếu Cao Lãnh là sự kiện văn hóa lớn của địa phương
nhằm khuyến khích mọi người tham gia học tập, nâng cao trí thức, đào tạo
nhân tài cho xã hội đồng thời khôi phục, bảo tồn những tinh túy của Nho
học, đã ảnh hưởng sâu sắc vào nền văn hóa và tâm tưởng con người Việt
Nam qua nhiều thế hệ.
Ngày
nay, Văn Thánh miếu là di tích lịch sử của tỉnh. Nơi đây được chọn làm
thư viện tỉnh để lưu trữ và phổ biến kho tàng tri thức của nhân loại.
Trong xu thế hòa nhập, mở cửa để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội nhằm
đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, Văn
Thánh miếu sẽ phát huy tốt hiệu quả trong giáo dục truyền thống cho các
thế hệ, góp phần đẩy mạnh khuyến học, đào tạo nhân tài phục vụ đắc lực
cho sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng văn minh, tiến bộ và xây dựng
nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
P. C