Hỗ trợ quảng bá DN
Skip portletPortlet Menu
 
 
 
 
Liên kết website
Skip portletPortlet Menu
 
 
Thống kê truy cập
Skip portletPortlet Menu

Tổng số lượt truy cập: 13273428

Số người đang trực tuyến: 8489

 
 
 
 
 
50 năm thành phố Thái Nguyên
   
Di tích cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 và đền thờ Đội Cấn (06/09/2012 08:00 AM)
Đây là một trong những di tích lịch sử văn hóa của thành phố Thái Nguyên, cùng với các di tích đền Xương Rồng, chùa Phủ Liễn, Bia tưởng niệm Thanh niên xung phong…

Khu di tích cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 gồm có địa điểm dinh Công Sứ, trại lính Khố Xanh, nhà lao Thái Nguyên, phòng tuyến Gia Sàng và đền thờ Đội Cấn.

Binh lính ở trại lính Khố Xanh đóng tại thị xã Thái Nguyên nổi dậy khởi nghĩa đêm 30 rạng sáng 31/8/1917, nghĩa quân đánh chiếm dinh Công Sứ Pháp, phá đề lao, giải phóng tù nhân, chiếm kho bạc của thực dân Pháp, làm chủ thị xã Thái Nguyên thành lập chính quyền mới với quốc hiệu là “Đại Hùng”.

Thái Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp giữa miền đồng bằng với vùng trung du, miền núi có đường giao thông nối liền giữa các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang…Có truyền thống chống giặc ngoại xâm, kiên cường, bất khuất. Thực dân Pháp đã cho xây dựng nhiều dinh, lũy, đồn bốt, trại lính tây, lính ta, nhà tù, để đàn áp các cuộc nổi dậy của nhân dân địa phương. Dưới ách cai trị của thực dân, phong kiến, người dân bị áp bức bóc lột cùng cực phải đi phu, đi lính cho Pháp. Đội Cấn lãnh đạo binh lính khởi nghĩa với chí hướng “Binh lính người Việt Nam giành độc lập cho Tổ quốc”.

Đền thời Đội Cấn tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên

Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn) tên thật là Trịnh Văn Đạt, sinh năm 1881 tại làng Yên Nhiên (thường gọi là làng Nhan) xã Vũ Di huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Ông xuất thân từ một gia đình lao động ở nông thôn. Dư âm của phong trào Cần Vương và cảnh sống khổ ải, đọa đầy của nhân dân ta đã gieo vào đầu óc của người thanh niên nông dân lòng căm thù. Để cứu nước, Trịnh Văn Cấn ra ứng mộ lính tập ở Vĩnh Yên, nuôi hy vọng chờ thời cơ “dùng gậy ông, đập lưng ông”. Từ năm 1910, Đội Cấn đóng ở Thái Nguyên. Trong cuộc đời lính Khố Xanh, nhiều lần Đội Cấn bị bắt đi càn quét tiêu diệt nghĩa quân Tam Kỳ, Đề Thám, trái với lương tâm của Đội Cấn. Đến khi gặp Lương Ngọc Quyến tại nhà lao Thái  Nguyên hai người đã kết bạn tâm phúc và cùng chung chí lớn giết giặc cứu nước.

Lương Ngọc Quyến còn gọi là Lương Lập Nham (tức Ba Quyến) là con trai cụ Lương Văn Can, người cùng với Phan Bội Châu sáng lập phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục 1908. Lương Ngọc Quyến sang Nhật năm 1905. Được cụ Phan Bội Châu cho học trường quân sự Chấn Vũ của Nhật và tốt nghiệp sau 2 năm học tập. Năm 1908, phong trào Đông Du tan giã, ông trở về Trung Quốc và lại vào học trường Quân nhu Quảng Đông và trường sỹ quan Bắc Kinh. Năm 1912, được cử làm Ủy viên quân vụ trong bộ chấp hành của Việt Nam Quang Phục Hội. Năm 1914, ông trở về nước vận động khởi nghĩa. Bị lộ, ông phải trốn sang Hương Cảng (Trung Quốc) và bị mật thám Anh bắt giao cho Pháp. Chúng định khép tội ông tử hình nhưng không đủ chứng cứ nên chủ trương đối sử tàn bạo cho Lương Ngọc Quyến chết mòn trong nhà lao. Từ tòa án quân sự Cao Bằng, ông bị giải về Hỏa Lò rồi về Đề lao Sơn Tây, Đề lao Phú Thọ và cuối cùng là ở Đề lao Thái Nguyên. Tại đây Lương Ngọc Quyến gặp Trịnh Văn Cấn, cuộc khởi nghĩa bắt đầu được chuẩn bị.

Ban chỉ huy khởi nghĩa được thành lập gồm: Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến, Đội Giá, Đội Xuyên, Đội Nam…quyết định khởi sự vào đêm 30 rạng ngày 31 tháng 8 năm 1917.

Cổng trại lính khố xanh tỉnh Thái Nguyên xây năm 1913, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa năm 1917

Trại lính Khố Xanh là nơi tập trung binh lính người Việt trong đó có Trịnh Văn Cấn. Trước khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, trại lính khố xanh đã trở thành “Đại bản doanh” thành lập ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa cũng là nơi Đội Cấn ban lệnh thổi kèn, tập hợp nghĩa quân yêu nước gồm 311 người rồi tuyên bố khởi nghĩa.

Đội Cấn được phong là “Thái Nguyên Quang phục Quân Đại Đô Đốc” và ông Lương Ngọc Quyến là “Quân Sư”. Từ đây nghĩa quân tỏa đi đánh chiếm dinh Công sứ, nhà lao Thái Nguyên, tòa án, kho bạc, kho vũ khí. Buổi sáng, hôm sau ngày khởi nghĩa, nhân dân Thái Nguyên đã thấy cờ “Ngũ Tinh” treo trên nóc trại, ngoài cổng dăng ngang tấm vải đề 4 chữ “Nam Binh Phục Quốc”. Cũng tại nơi đây, chủ tướng Trịnh Văn Cấn cùng các quân sĩ đã phát Hịch tuyên bố “Thái Nguyên độc lập” và kêu gọi toàn dân giết giặc thù cứu nước. Nhiều công nhân mỏ và người dân thị xã Thái Nguyên và vùng phụ cận đã xung vào hàng ngũ nghĩa quân đánh Pháp.

Đề lao Thái Nguyên nơi giam giữ những tù án nặng, trong đó có những người yêu nước là thủ hạ của Đề Thám như: Ba Chi, Ba Quẹo, Ba Lâm, Tú Hồi Xuân, Nguyễn Gia Cầu, Ba Nho…

Trịnh Văn Cấn phái Đội Giá cùng với 30 nghĩa quân đi phá đề lao, giải phóng tù nhân. Tại đây viên giám ngục, người Pháp tên là LOEN đã bị tiêu diệt, Đội Giá ra lệnh phá nhà lao, chặt xiềng xích thả khoảng 200 tù nhân bổ sung vào đội Quang Phục Quân. Lương Ngọc Quyến bị giam cùm lâu ngày, liệt nửa người không đi được. Đội Giá sai lính cõng ông sang bên trại lính nơi có Đội Cấn đang chờ sẵn để cùng nhau lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.

 

Dinh Công Sứ được xây dựng năm 1896-1897

Dinh Công sứ Pháp: là tòa nhà xây kiên cố đại diện cho quyền lực thống trị cao nhất của thực dân Pháp ở thị xã Thái Nguyên do công sứ DARLES, một tên được liệt vào hàng gian ác nhất trong các công sứ thời bấy giờ. Ngay sau khi phát lệnh khởi nghĩa, Đội Cấn cho quân lính chiếm dinh Công sứ Pháp. Công sứ DARLES và phó sứ TUSLE đều đi nghỉ mát ở Đồ Sơn – Hải Phòng nên thoát chết.

Phòng tuyến Gia Sàng: Vị trí trọng yếu của quân khởi nghĩa nơi diễn ra trận đánh ác liệt với quân Pháp đánh chiếm tỉnh lỵ Thái Nguyên. Vào hồi 6 giờ sáng ngày 02/9/1917 quân Pháp mở cuộc tiến công vào Phòng tuyến Gia Sàng. Mặc dầu trang bị và quân số kẻ địch mạnh hơn nhiều lần quân khởi nghĩa chiến đấu dũng cảm, kịch chiến diễn ra một ngày liền. Kết quả 107 tên giặc bị giết, 17 tên bị thương. Giám binh MACSTINI bị giết tại trận…Do địch có hỏa lực mạnh và quân đông gấp bội nghĩa quân phải rút lui khỏi phòng tuyến Gia Sàng và tỉnh lỵ Thái Nguyên, vừa chiến đấu vừa hành quân qua các huyện, tỉnh trung du gần 6 tháng.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên thất bại chủ tướng Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến hy sinh anh dũng. Tưởng nhớ, khâm phục lòng yêu nước của 2 ông và quân sĩ, nhân dân đã dựng đền thờ trên một quả đồi ở trung tâm tỉnh lỵ Thái Nguyên gọi là đền thờ Đội Cấn. Một số địa điểm di tích khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 và đền thờ Đội Cấn thành phố Thái Nguyên được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia tại quyết định số 2619/QĐ-BT ngày 27/8/1997.

Trích bài viết của tác giả Vi Văn Biên trong cuốn sách “Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh Thái Nguyên”



Nguồn: thainguyen.gov.vn
Tác giả: Phòng Biên tập - Trị sự (sưu tầm và biên tập)

Mã bảo vệ * :
Tin khác: Email Bản in
(24/10/2012)
(19/10/2012)
(19/10/2012)
(19/10/2012)
(19/10/2012)
(18/10/2012)
(18/10/2012)
(18/10/2012)
(17/10/2012)
(15/10/2012)
 
 
 
 
 
 
Bản đồ tỉnh Thái Nguyên
Skip portletPortlet Menu
 
 
 
 
E-Mail (@thainguyen.gov.vn)
Skip portletPortlet Menu
 
 
Đăng nhập  
Danh bạ Email nội bộ
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thông tin cần biết
Skip portletPortlet Menu