Di tích Hành cung Cổ Bi hiện nằm tập trung trên địa bàn tổ dân phố Bình Minh, thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm - Hà Nội). Theo sử sách và truyền thuyết dân gian, sự ra đời của Hành cung Cổ Bi có liên quan đến các chúa Trịnh, đặc biệt với Nhân vương Trịnh Cương.
Vào đầu thế kỷ 18, các chúa Trịnh đã cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc quy mô và gọi là Phủ Kim Thành, với ý định dời Phủ chúa từ Thăng Long sang. Trải qua thời gian tồn tại, Hành cung Cổ Bi - Phủ Kim Thành nay chỉ còn nền cũ cùng hàng tượng voi, sư tử và hổ đá, tiêu biểu cho điêu khắc thế kỷ XVIII...
Đợt điều tra, thám sát và khai quật khảo cổ tại Hành cung Cổ Bi năm nay được tiến hành từ đầu tháng 10, trong đó tập trung thám sát và khai quật ở khu vực trung tâm của (gò) đình Bình Minh, nơi có nhiều di vật xuất lộ, đặc biệt là xung quanh vị trí liền kề với hàng tượng thú. Bên cạnh đó, còn tiến hành điều tra, khảo sát khu vực phụ cận với bán kính khoảng 5km để tìm hiểu vết tích liên quan đến Hành cung Cổ Bi thuộc địa phận thôn Cam, thôn Vàng (xã Cổ Bi), thôn Cửu Trù và Việt Thành (thị trấn Trâu Quỳ), Lăng mộ bà Quận chúa Trương Thái Phi (di tích Từ Vũ, Văn Lâm, Hưng Yên).
Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, đã xác định phạm vi phân bố của di tích, với sự "hiện diện" của Hành cung Cổ Bi thời Lê, làm rõ hơn tính chất, niên đại, quá trình tồn tại và nhiều vấn đề liên quan đến di tích. Tại các hố đào thám sát, các chuyên gia và cán bộ khảo cổ học đã tìm thấy vết tích cư trú văn hóa Đông Sơn và nhiều dấu tích kiến trúc các thời Trần, Lê, Nguyễn...