Cũng như hầu hết các di chỉ của nền văn hóa Óc Eo đã được tìm thấy, ở Bình Tả, người ta phát hiện các đồ vật có giá trị lịch sử, minh chứng cho sự tồn tại và phát triển thịnh vượng một thời của nhà nước Phù Nam. Đó là các kiến trúc xây dựng mang đậm nét văn hóa Ấn Độ như nền móng bằng gạch nung rất thẳng, các tam quan hình bán nguyệt thường hướng về phía Đông hay cấu trúc bẻ góc độc đáo khi xây dựng. Theo đánh giá chung của các nhà khảo cổ, di tích Bình Tả trước kia là một công trình văn hóa lớn của người Phù Nam.
Cũng cần nói thêm rằng, vương quốc Phù Nam là một đế chế phát triển hưng thịnh vào những năm sau Công nguyên đến thế kỷ thứ X ở vùng Đồng Bằng sông Cửu Long và Đông, Tây Nam Bộ. Thời kỳ đó, đế chế Phù Nam có nhiều thương cảng giao lưu với các nước ở khu vực Đông Nam Á, kinh tế và văn hóa khá phát triển. Tuy nhiên, cũng trong thời kỳ này, nơi đây xảy ra chiến tranh, loạn lạc và vương quốc Phù Nam dần chìm vào quên lãng bởi những trận lũ lụt liên miên kéo dài. Nằm trong dòng chảy lịch sử ấy, cụm di tích Bình Tả bị vùi lấp và hoang phế trong hơn 1.000 năm, cho đến khi những nhà khảo cổ học khám phá.
Đa phần các di chỉ khai quật được ở đây đều nằm ở độ sâu từ 1 - 4m, trong đó có một số thuộc loại quý hiếm như đầu tượng thần Ganesa, tượng thần Dvarapala, các linh vật như linga, yoni… bằng đá cẩm thạch có chạm trổ hoa văn hình cây lá vô cùng tinh xảo. Ngoài ra, tại đây, người ta còn phát hiện các kiến trúc xây bằng gạch dài tới 20m, nền và móng có cấu trúc và thiết kế rất tỉ mỉ, vững chắc và khoa học, qua đó khẳng định những tiến bộ về tri thức của người Phù Nam cổ, trong đó có cả những loại đá quý không có ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng được cất giữ cẩn thận, chủ yếu dùng làm vật thờ cúng như sỏi đỏ, đá đỏ bazan, cát hồng, vàng hay đồng đen.
Ngoài ra, tại những hố thờ, người ta cũng tìm thấy những chiếc nhẫn, vòng đeo tay, đeo cổ được chế tạo từ ngà voi, vàng dát mỏng hay xương thú, xương cá…, có giá trị thẩm mỹ cao. Đáng quý hơn cả là một bản văn minh Sanskrit-Pail gồm 5 dòng: dòng thứ nhất ghi một đoạn Pháp Thân Kệ, dòng thứ hai ghi một đoạn Kinh Pháp Cú, đều thuộc văn minh Phật giáo, nguồn gốc Ấn Độ. Dạng mẫu tự này có niên đại chừng thế kỉ thứ VIII đến thứ IX sau Công nguyên, hay còn gọi là chữ Phạn...
Những phát hiện trên chứng tỏ khu di tích Bình Tả từng là một trung tâm văn hóa của người Phù Nam cổ và cũng là di tích Phật giáo đầu tiên được tìm thấy ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng chính là trung tâm của vùng ven Đồng Tháp Mười và là nơi giao lưu giữa thượng nguồn và hạ lưu 2 sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Ngày nay, Bình Tả tiếp tục là địa chỉ du lịch văn hóa độc đáo.
Đoàn Xá