(Tạm dịch: “Lửa cháy Nhật Tảo bừng trời đất. Kiếm phạt Kiên Giang khóc quỷ thần”)
Mượn lời nhà thơ yêu nước Huỳnh Mẫn Đạt để nói về người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Tám năm trời kiên cường bất khuất chống bọn xâm lược Pháp với bao kỳ công hiển hách và đã làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Rõ nét nhất với hai chiến tích lẫy lừng đã ghi điểm son trong trang sử nước nhà. Đó là đốt tàu Espérance (Hy vọng) của Pháp tại vàm sông Nhật Tảo (1861) và đánh chiếm đồn Tây Kiên Giang (1868)
Nguyên quán Nguyễn Trung Trực ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (ngày nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát). Ông nội là Nguyễn Văn Đạo, cha là Nguyễn Văn Phụng (có sách ghi Nguyễn Cao Thăng), mẹ là bà Lê Kim Hồng.
Về sau, cha mẹ ông di chuyển vào Nam lập nghiệp, sinh sống tại làng Bình Nhựt, tổng Bình Cách, huyện Thuận An, phủ Tân An, thành Gia Định. Nay là ấp I, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ông được sinh ra tại đây.
Lúc mới sanh, ông được đặt tên là Nguyễn Văn Nhơn, sau đó đổi thành Lịch. Sau khi chiến thắng trận Nhật Tảo, vua Tự Đức sắc phong cho ông chức Quản Cơ Bình Thuận nên người ta thường gọi ông là Quản Nhơn hay Quản Lịch
Đến năm 1867 vua Tự Đức sắc phong cho ông chức Thành Thủ úy Hà Tiên. Ông đến nơi nhậm chức thì quân Pháp đã chiếm mất Hà Tiên trước đó vài ngày, ông lui về Hòn Chông (cách Hà Tiên 20km) lập căn cứ chống Pháp. Lúc bấy giờ ông đổi tên là Nguyễn Trung Trực cho đến ngày hy sinh.
Được tin ngày 28-8 âm lịch năm 1868 (Mậu Thìn) Nguyễn Trung Trực bị xử trảm tại pháp trường Kiên Giang (bùng binh Bưu Điện Rạch Giá ngày nay), đồng bào Tà Niên đã cùng nhau dệt những chiếc chiếu hoa cả ngày lẫn đêm để kịp đem ra trải đường cho cụ Nguyễn bước ra pháp trường.
Tại pháp trường, trước giờ hành quyết, đồng bào đã dâng lên cho cụ mâm cơm thắm đượm tình quê hương dân tộc. Cảm kích trước tấm lòng đồng bào Rạch Giá, Cụ uống ly rượu sau cùng và ngâm bài thơ:
“Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên,
Yên giang đởm khí hữu long tuyền.
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa,
Báo hận thâm cừu bất đái thiên”
Tạm dịch:
“Theo việc binh nhưng thuở trẻ trai,
Phong trần hăng hái tuốt gươm mài.
Anh hùng gặp phải hồi không đất,
Thù hận chang chang chẳng đội trời.”
(Thi Hồ dịch)
Nguyễn Trung Trực là anh hùng không để đầu rơi xuống đất. Khi đao phủ thi hành án, Cụ đưa tay bưng đầu gắn vào cổ, trừng mắt nhìn bọn Pháp làm chúng hoảng sợ bỏ chạy. Những giọt máu Cụ rơi xuống chiếu hiện thành chữ Thọ.
Nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt đã xúc cảm viết nên:
“Anh hùng cường cảnh phương danh thọ,
Tu sát đê đầu vị tử nhân”
Hằng năm cứ đến ngày 26, 27, 28 tháng 8 âm lịch, hằng trăm ngàn đồng bào từ mọi miền đất nước hành hương về dự lễ hội kỷ niệm Ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
Đình Thần Nguyễn Trung Trực
14 Nguyễn Công Trứ, Rạch Giá, Kiên Giang
YesVietnam tổng hợp
Where?
Đăng ký làm thành viên YesVietnam để hưởng những ưu đãi bất ngờ!
Sau khi đăng ký, vui lòng kiểm tra hộp thư (có thể trong Spam) để biết mật khẩu của mình. Đăng nhập lần đầu tiên, bạn nên thay đổi mật khẩu này. Bạn cũng có thể đăng nhập bằng tài khoản Facebook, Google hay Yahoo... Cảm ơn bạn đã đăng ký. Ban quản trị YesVietnam.