Đồng Dương là một di tích Chăm tại làng Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 60 km về phía tây nam.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một tấm bia khắc vào năm 875 có nói đến việc một vị vua Chămpa đã xây dựng ở đây một khu đền tháp để dâng cúng cho "Lakshmindra Lokeshvara", danh xưng này được hiểu là tên chỉ một hiện thân của bồ tát Avalokitesvara (Quán Thế Âm) hoặc là cách ghép tên gọi một vị Bồ tát với tên của vị vua đương thời. Văn bia cũng nhắc đến tên gọi Indrapura, được hiểu là kinh thành Indra, điều này cho thấy sự xuất hiện của một triều đại mới và nhiều nhà nghiên cứu xác định đó là triều vua Indravarman II. Thời điểm này cũng trùng hợp với thời điểm bắt đầu xuất hiện tên gọi "Chiêm thành" trong các sử liệu Trung Hoa (năm 877) mà trước đó chỉ thấy chép tên nước là Lâm Ấp hoặc Hoàn Vương.
Theo khảo sát vào năm 1902 của Henri Parmentier, di tích này gồm tòa nhà tu viện và các đền tháp được xây dựng nối tiếp nhau theo chiều đông - tây, kéo dài trên một trục hơn 1300 mét. Khu đền thờ chính có tường thành bao bọc, chiều dài 326 mét chiều rộng 155 mét. (Sơ đồ di tích Đồng Dương)
Trong khu đền chính, có 3 nhóm kiến trúc cách nhau bằng những khoảng sân. Nhóm trước (phía đông) còn lại dấu vết của một toà nhà dài có hai hàng cột song song theo chiều đông tây, mỗi hàng có 8 cột. Tại đây tìm thấy những phiến đá của một đài thờ (ký hiệu 22.25) và một tượng Phật (ký hiệu 13.5) kích thước lớn (cao 1m 62) trong tư thế ngồi trên ghế, hai tay để trên đầu gối, chân buông thẳng xuống nền (được goi là "kiểu ngồi châu Âu", để phân biệt với kiểu ngồi xếp bàn hai chân hoặc một chân). Ở các góc đài thờ có những tượng nhỏ thể hiện hình ảnh những vị tu sĩ đang dâng hoa hoặc trầm hương cúng dường Phật (44.15a, 44.15.b, 44.258). Tại đây cũng tìm thấy một số tượng các vị thần bảo vệ giáo luật của Phật (Dharmapala hay Deva). Theo các nhà nghiên cứu, toà nhà này là nơi tập trung tu tập của các tín đồ Phật giáo, gọi là Vihara, nghĩa là "tu viện".
(Ảnh Deva 3.5,Các tu sĩ 44.15.b, 44.258)
Nhóm giữa chỉ còn dấu vết của chân tường, bậc thềm của một ngôi nhà nhỏ hơn tu viện ở nhóm đông. Ở khu vực này đã tìm thấy 4 pho tượng hộ pháp cao gần hai mét. (Ảnh 9.11, 9.12, 9.15)
Nhóm sau (phía tây) còn lại dấu tích nhiều ngôi tháp gồm một tháp lớn ở trung tâm và các tháp nhỏ ở chung quanh. Ở khu vực này cũng tìm thấy những phiến đá của một đài thờ tương tự như đài thờ ở tu viện phía trước. Các bức chạm khắc trên các phiến đá của đài thờ thể hiện cảnh sinh hoạt cung đình và một số trích đoạn về cuộc đời Phật Thích ca (Đài thờ ký hiệu 22.24 ). Ngoài ra còn có các tượng La hán (Ảnh 13.10, 13.11).
Các tượng thần phương hướng ( 3.5, 3.14, BTDN 13) được đặt trong các tháp phụ chung quanh tháp chính.
Khu đền tháp Đồng Dương không chỉ đánh dấu sự ra đời một triều đại mới hay một tên gọi mới cho đất nước Chămpa mà còn đánh dấu sự thay đổi trong tín ngưỡng từ việc tôn thờ thần Siva là thần bảo hộ chính (như ở di tích Mỹ Sơn) sang thờ các vị Phật và Bồ tát. Sự thay đổi về nội dung cũng đi liền với sự thay đổi trong cách thể hiện nghệ thuật nếu so sánh với cách tạc tượng và trang trí hoa văn ở các tượng và tháp ở phong cách Mỹ Sơn E1. Tượng người chạm khắc trên các đài thờ và tượng ở Đồng Dương có nét cường điệu, đàn ông có khuôn mặt gần như vuông, trán thấp, lông mày rậm và giao nhau, miệng rộng, môi dày, ria mép rậm; phụ nữ có gương mặt thô và bộ ngực lớn. Hoa văn trang trí trên tường tháp và các cột trụ là những cành lá cách điệu xoắn xít, rậm rạp trông giống như những con sâu (vermicule). Các đặc điểm này tạo nên sự khác biệt dễ nhận thấy trong phong cách nghệ thuật và tên gọi "phong cách Đồng Dương" được dùng để chỉ tất cả những tác phẩm điêu khắc Chăm có những đặc điểm tương tự như các điêu khắc tại di tích Đồng Dương, có niên đại khoảng cuối thế kỷ IX đến đầu thế kỷ X. Hơn nửa thế kỷ sau khi các nhà khảo cổ Pháp khai quật, khảo tả về di tích này, đến năm 1978, nhân dân địa phương đã đào được một pho tượng bằng đồng ở khu vực này. Tượng cao 114 cm, đường nét chạm khắc tinh tế. Tượng được gọi tên là tượng Bồ tát Tara, tức là một trong số nhiều hiện thân của Bồ tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara). Có thể đây là pho tượng đặt tại đài thờ trung tâm dâng cúng cho thần Lakshmindra Lokeshvara như được nhắc đến trong văn bia tại di tích Đồng Dương năm 875. (Ảnh tượng đồng Tara)
(c) Bản quyền 2008 thuộc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Giấy phép số: 138/GP-TTĐT của Cục QL PT, TH và TTĐT - Bộ Thông tin và Truyền thông Địa chỉ: số 02, đường 2-9, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam Điện thoại: (84-511) 3470114 * Fax: (84-511) 3574801 Email: chammuseum@gmail.com Website: www.chammuseum.danang.vn