CHIÊU NGHI CÔNG CHÚA,
LÁ NGỌC CÀNH VÀNG.
( 1716 – 1750 )
CÀNH VÀNG LÁ NGỌC . ẢNH : NGUỒN INTERNET.
HUẾ Kinh đô nhà Nguyễn ngày nay nổi tiếng vì bao nhiêu di tích lịch sử và là di sản văn hóa thế giới như một “ bài thơ tuyệt tác kiến trúc đô thị’ ( “The Hue Capital, a poetic masterpiece of urban architecture”, ( Unesco 2002 )
Đến Huế mà không biết lịch sử Kinh thành, các cung điện, chùa chiền , miếu mạo, nhân vật… vừa là thiếu sót lớn, vừa giảm đi hứng thú tham quan du lịch.
Dĩ nhiên, các hướng dẫn viên du lịch cũng như sách vở và các trang mạng không thiếu để giúp đỡ chúng ta. Nhưng giả sử khách tham quan có một yêu cầu đột xuất :
- Xin giúp tôi đi xem văn bia Công Chúa Chiêu Nghi.
Một số lớn những người hướng dẫn tưởng rằng hiểu Huế nhiều sẽ bối rối vì không biết bia đó có còn tồn tại và chắc không rành địa điểm đặt bia kể trên.
Nhiều lần thăm Huế, nhưng nếu không có anh Dương văn Kính, người anh em và người yêu quê hương Quảng Bình hướng dẫn, tôi cũng xin “ chịu sầu”.
Chúng ta biết khi Tây Sơn tiếm quyền các Chúa Nguyễn, họ đã tiến hành việc đập phá các bia đá và các di tích Nhà Tiền Nguyễn một cách có hệ thống. Họ muốn xóa hết dấu vết của một triều đại. Quân Chúa Trịnh cũng chiếm Phú Xuân và có thể cũng tham gia công việc nầy. Chúng ta không còn thấy văn bia của Chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phước Nguyên, Phước Kỳ hay bất cứ vị Chúa nào Nhà Nguyễn. Nếu cần, nên nghiên cứu thêm sử liệu xem có đúng như thế không?
Theo tôi biết, chỉ còn duy nhất một bia đá thời Tiền Nguyễn mà thôi đó là văn bia tuyệt đẹp của Chiêu Nghi công chúa. Bia đó đàng nằm ở đâu?
Không xa Huế lắm và cũng là một điểm tham quan du lịch nổi tiếng đế đô: Chùa Từ Hiếu.
CHÙA TỪ HIẾU, DƯƠNG XUÂN THƯỢNG, HUẾ, 2004.
Theo Wikipedia “Chùa Từ Hiếu hay Tổ đình Từ Hiếu là tên một ngôi chùa ở thôn Dương Xuân Thượng III, xã Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Chùa là một trong những ngôi cổ tự lớn và là một danh lam có tính văn hoá và lịch sử của cố đô Huế…. Năm 1843, sau khi từ chức “Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự” và trao quyền điều hành chùa Bảo Quốc cho pháp đệ là Nhất Niệm, Hoà thượng Nhất Ðịnh đã đến đây khai sơn, dựng “Thảo Am An Dưỡng” để tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già.
Hoà thượng Nhất Ðịnh nổi tiếng là người con có hiếu, tương truyền có lần mẹ già bị bệnh rất nặng, hàng ngày ông lo thuốc thang nhưng bà vẫn không khỏi. Có người ái ngại khuyên ông nên mua thêm thịt cá để tẩm bổ cho mẹ, có làm được điều đó mới mong bà chóng hồi sức. Nghe xong, mặc thiên hạ đàm tiếu chê bai, thiền sư vẫn chống gậy băng rừng lội bộ xuống chợ cách đó hơn 5 km để mua cá mang về nấu cháo cho mẹ già ăn. Câu chuyện vang đến tai Tự Đức vốn là vị vua rất hiếu thảo với mẹ, vua rất cảm phục trước tấm lòng của sư Nhất Định nên ban cho “Sắc tứ Từ Hiếu tự”. Chùa được mang tên Từ Hiếu từ đó. Trong tấm bia ghi lại quá trình xây dựng chùa giải thích:
- Từ: là đức lớn của Phật, nếu không từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại.
- Hiếu: là đầu hạnh của Phật, nếu không hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời.
Cùng với sự đóng góp của Phật tử, vua Tự Đức ban cấp nhiều kinh phí, chùa còn được các vị quan trong cung triều Nguyễn mà nhất là các vị thái giám cúng dường tiền bạc để lo việc thờ tự sau này, năm 1848 Hoà thượng Cương Kỷ bắt đầu xây dựng chùa qui mô hơn và rồi Từ Hiếu trở thành một ngôi chùa lớn.
Năm 1894 Hoà thượng Cương Kỷ tiếp tục trùng tu và kiến thiết toàn cảnh chùa với sự giúp đỡ của vua Thành Thái, giám quan và các Phật tử” ( Wikipedia, Internet).
KHU LĂNG MỘ GIÁM QUAN CHÙA TỪ HIẾU.
ẢNH DƯƠNG VĂN KÍNH.
Tôi hỏi một vài vị sư trẻ về ngôi mộ Chiêu Nghi Công Chúa nằm trong khu vực chùa Từ Hiếu, nhưng các vị không rõ mặc dù trong khu vực nầy có nhiều mộ của các bậc cao tăng và các quan thái giám Cũng không có gì đáng ngạc nhiên vì lăng nầy không nằm trong khuôn viên chùa.
Chúng ta phải theo con đường chạy trước cổng chùa ra hướng Bắc rồi quẹo hướng Nam,sau đó leo lên dốc một ngọn đồi tiếp giáp tường rào ngôi chùa. Giữa cảnh hoang vu có nhiều bụi cây dại che khuất, đột nhiên chúng ta thấy sừng sững một bia đá to tuyệt đẹp bên đường mòn, bên cạnh có một khoảng đất bằng phẳng. Chính đó là lăng mộ công Chúa Chiêu Nghi.
BIA ĐÁ VẪN CHƯA MÒN. ẢNH DƯƠNG VĂN KÍNH, 2004.
Ngôi mộ nầy đã được cha Léopold Michel Cadiere nói nhiều trong Tạp chí Đô thành hiếu cổ Bulletin des Amis du Vieux Huế tập 5, 1918 : Une princesse chrétienne dans la Cour de Võ Vương. (Một nàng công chúa Kitô hữu tại Triều đình Huế). Cha Cả Cadière đã mô tả khá tỉ mỉ và nêu ra nhiều tư liệu lịch sử quý giá triều đại Võ Vương. Trong bài viết ngắn nầy, tôi không dám tham lam nhiều chuyện mà chỉ nêu vài nét chính về một thiếu phụ chết “ nữa chừng xuân” trong sự tiếc thương của Võ Vương, chồng nàng và có thể của cả cộng đồng công giáo kinh đố Huế thế kỷ 18.
Lần theo gia phả Nguyễn Phước Tộc, chúng ta biết về Võ Vương và bà Chiêu Nghi như sau.
THẾ TÔNG HIẾU VŨ HOÀNG ĐẾ
HÚY NGUYỄN PHÚC KHOÁT
(VŨ CHÚA)
(1675 – 1725)
Hệ IX
9.1. – THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP
Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng Đế húy là Nguyễn Phúc Khoát còn húy là Hiếu, con trưởng của đức Túc Tông Nguyễn Phúc Thụ và Hoàng Hậu Trường Thị Thư. Ngài sinh ngày 18 tháng 8 năm Giáp ngọ (26-9-1714).
Ban đầu ngài được phong làm Chưởng dinh dinh Tiền Thủy, tước Hiểu Chính Hầu, làm phủ đệ ở Cơ tiền dực (làng Dương Xuân).
Tháng 4 năm Mậu ngọ (1738), đức Túc Tông băng, quần thần vâng di mệnh, tôn ngài làm “Tiết Chế Thủy Bộ Chư Dinh Kiêm Tổng Nội Ngoại Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự Thái Bảo Hiểu Quận Công” ngài lấy hiệu là Từ Tế đạo nhân, lúc ngài 25 tuổi.
Sau khi lên ngôi, ngài cho khởi công xây phủ mới, ở bên tả phủ cũ. Năm Kỷ mùi (1739), hoàn tất cuộc dời đô, triều thần tôn ngài là “Thái Phó Quốc Công”. Công cuộc kiến thiết mới đã làm cho đô thành Phú Xuân trở nên rộng rãi và hoa lệ. Khuôn viên phủ là ba lớp thành hình vuông vây bọc, có bảy cửa ra vào. Một trăm năm mươi đại bác được đặt rải rác khắp thượng thành. Phố xa đông đúc, đường sá rộng rãi. Dưới sông ghe thuyền qua lại không ngớt. Miền Nam thanh bình an lạc, đất nước phú cường mở ra một kỷ nguyên mới.
Vào tháng 4 năm Giáp tí (1744), quần thần dân biểu xin ngài lên ngôi vương. Ban đầu ngài từ chối nhưng Trương Phúc Loan lấy lời lẽ hơn thiệt, nhắc lại việc đức Hiến Tông (Quốc Chúa), cho đức ấn truyền quốc và so sánh tình trạng rối ren ở miền Bắc thua kém cảnh thanh bình, hưng vượng ở miền Nam. Cuối cùng ngài chấp thuận. Ngày 12 tháng 4 năm đó, lễ đăng quang được tổ chức vô cùng trọng thể ở vương phủ và khắp cả đô thành. Súng thần công bắn rền trời, trên bộ, dưới sông giăng đèn kết hoa, cờ xí rực rỡ. Đạo ngự gồm kiệu vua, voi dàn hầu, kị binh va đoàn quan lại tùy tùng diễn hành khắp đô thành cho dân chúng chiêm ngưỡng rồi xuống thuyền rồng đưa thẳng về điện Trường Lạc (xây tại làng Dương Xuân, nằm ở thượng lưu sông Hương). Lễ đại xa ban hành khắp nước, các cuộc vui chơi kéo dài một tháng.
Sau đó nhiều cải cách được thi hành : phủ đổi thành điện, những gì trình lên vua gọi là tấu, Thân quân gọi là Võ lâm quân, Văn chức đổi là Hàn lâm viện. Về hành chính thì chia làm 6 bộ : Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình và Công. Phàm văn thư vẫn dùng niên hiệu vua Lê nhưng đối với các thuộc quốc thì xưng là Thiên vương. Y phục từ quan đến dân cũng thay đổi.
Ngài ra lệnh đúc quốc tỉ, dựng tông miếu và truy tôn tước hiệu các bậc Tiên vương. Ngài phong cho thân tộc làm Quận công, các Hoàng tử vẫn xưng là công tử, con trưởng xưng là Thái công tử. Trong cung lúc bấy giờ hiếm sinh con trai và hay chết yểu, nhiều người nghỉ là bị ông bà bắt nên phải kiêng cữ, giấu giếm. Con trai sinh ra được gọi bằng mụ, cháu trai thì gọi bằng chị (xem như con gái).
Bờ cõi thời bấy giờ đã mở mang rộng rãi, miền Nam 12 dinh:
1. Chính dinh (đổi thành Đô thành Phú Xuân), 2. Cựu dinh (Ái Tử), 3. Quảng Bình, 4. Lưu Đồn, 5. Bố Chính, 6. Quảng Nam, 7. Phú Yên, 8. Bình Khang, 9. Bình Thuận, 10. Trấn Biên, 11. Phiên Trấn, 12. Long Hồ.
Tình hình các dinh mới thành lập, đôi khi không yên ổn như cuộc nổi loạn của người Man ở Thuận Thành vào năm Bính dần (1746) hay cuộc nổi loạn của khách buôn người Hoa ở dinh Trấn Biên làm quan quân phải đi đánh dẹp.
Về đối ngoại, cuộc tranh giành ngôi vua đi đưa nước Chân Lạp vào cảnh nội chiến kéo dài từ năm Mậu ngọ (1738) đến năm Đinh sửu (1757). Theo lời yêu của các vị vua Chân Lạp, ngài phải cho quan quân can thiệp để tình ình nước này được yên ổn. Để đền đáp công ơn, các vua Chân Lạp đã hiến nhiều vùng đất cho ngài : vua Nặc Nguyên dâng hai vùng Tầm Đôn (Tân An) và Xuy Lạp (Gò Công),vua Nặc Thuận hiến hai vùng Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre) và Ba Thắc (Sóc Trăng, Bạc Liêu), vua Nặc Tôn hiến các vùng Tầm Phong Long (gồm vùng đất Thất Sơn chạy dọc xuống Sa Đéc) và sau đó là các vùng Hương Úc, Cần Vọt, Chân Sum, Sài Mạt và Linh Quỳnh (Kiên Giang, Long Xuyên). Như vậy đến Năm Đinh sửu (1757) ngài đã mở rộng lãnh thổ của miền Nam như hiện nay.
Năm Canh thìn (1760), Thế tử Hạo mất, ngài rất thương tiếc. Thấy Hoàng tử thứ hai Nguyễn Phúc Côn khôn ngoan sáng suốt và quả quyết, ngài định lập làm Thế tử. Ngài giao Hoàng tử cho Ý Đức Hầu Trương Văn Hạnh và Thị giảng Nguyễn Cao Kỷ chăm lo dạy dỗ.
Năm Giáp thân (1764) Hoàng tử Lê Duy Mật kêu gọi ngài đem quân ra Bắc diệt họ Trịnh để phò Lê nhưng ngài không muốn gây chiến tranh với họ Trịnh.
Trong những năm về sau, mãi sống trong cảnh thanh bình, xa hoa ngài đâm ra say mê tửu sắc, không thiết tha việc nước, xa rời nhiệm vụ của bậc đế vương. Thêm vào đó để dễ dàng trong việc tiếm quyền Trương Phúc Loan đã khuyến dụ ngài đi vào con đường nữ sắc. Một cung phí rất được ngài sủng ái là Công Nữ Nguyễn Phúc Ngọc Cầu, con của Dận Quốc công Nguyễn Phúc Điền. Đây chính là mầm mống gây cảnh điêu tàn của triều đại sau này.
Ngày 20 tháng 5 năm Ất dậu (7-7-1765) ngài băng, ở ngôi 27 năm, thọ 52 tuổi.
Đức Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng Đế là vị Chúa Nguyễn thứ tám ở miền Nam.
Ngài đã đóng góp công to lớn trong cuộc Nam tiến của dân tộc Việt để đất nước chúng ta có một lãnh thổ rộng lớn như ngày nay.
Ngài thuộc đời thứ 9 họ Nguyễn Phúc, khai sáng ra hệ IX hiện nay có 7 phòng:
1. Phòng ba tức là phòng Chưởng dinh Nguyễn Phúc Mão
2. Phòng bốn tức là phòng Thành Quận công Nguyễn Phúc Cường
3. Phòng sáu tức là phòng Thiếu phó Nguyễn Phúc Chất
4. Phòng bảy tức là phòng Chưởng dinh Quận công Nguyễn Phúc Kính
5. Phòng mười tức là phòng Cai cơ Nguyễn Phúc An
6. Phòng mười bảy tức là phòng Thiếu Phó Quận công Nguyễn Phúc Xuân
7. Phòng mười tám tức là phòng Phức Long Nguyễn Phúc Thăng
9.2. – LĂNG, MIẾU THỜ VÀ CÁC TƯỚC HIỆU ĐƯỢC TRUY TÔN
Ngài mất, lăng táng tại làng La Khê (Hương Trà, Thừa Thiên). Đến đời vua Gia Long, lăng được đặc tên là Trường Thái, ngài được thờ tại Thái Miếu, án thứ tư bên tả.
Thế tử lên ngôi, dâng thụy hiệu là : ” Kiền Cương Uy Đoán Thần Nghị Thánh Du Nhân Từ Duệ Trí Hiếu Vũ Vương”. Năm Bính dần (1806), Vua Gia Long truy tôn : “Kiền Cương Uy Đoán thần Nghị Thánh Du Nhân Từ Duệ Trí Hiếu Vũ Hoàng Đế.” Miếu hiệu là Thế Tông.
9.3 – GIA ĐÌNH
9.3.1. Hậu và phi
9.3.1.1 Trương Thị Dung
Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng Hậu
9.3.1.2 Trần Thị Xạ
Chiêu Nghi Liệt phu nhân
9.3.1.3 Nguyễn Phúc Ngọc Cẩu
Huệ Tĩnh Thánh Mẫu Nguyên Sư
9.3.2.Hoàng tử và Hoàng nữ
Theo Liệt truyện, đức Hiển Tông có cà thảy 146 người con. Nhưng theo Hoàng tử phổ và Hoàng nữ phổ, ngài có 38 Hoàng tử và 4 Hoàng nữ.
TRẦN THỊ XẠ
CHIÊU NGHI LIỆT PHU NHÂN
Bà húy là Trần Thị Xa, pháp danh là Hải Pháp, người làng Trung Quán, (huyện Khang Lộc, tỉnh Quảng Bình). Bà sinh năm Bính thân (1716), ngày tháng sinh không rõ. Bà là con của quan Khám Lý Năng Tài Hầu (không rõ tên)
Bà vào hầu nơi tiềm để lúc 20 tuổi. Nhờ dung hạnh, biết chìu chuộng nên bà được sủng ái. Khi đức Thế Tông lên ngôi bà được tấn phong làm Quý nhân. Bà là người hiền thục, thận trọng lời ăn tiếng nói, hành động có phép tắc. Những lúc rảnh tang bà thường đến chùa dâng hương lễ Phật. Lúc bị bệnh, bà cấm không cho tả hữu trình cho đức Thế Tông biết.
Bà mất ngày 22 tháng 7 năm Canh ngọ (23-8-1750) lúc 35 tuổi. Đức Thế Tông rất thương tiếc, sắc phong tặng : “Chiêu Nghi Liệt Phu Nhân”, thụy là Từ Mẫn. Lăng táng tại làng Dương Xuân (Hương Thủy, Thừa Thiên), đức Thế Tông cho khắc bia dựng trước mộ (nay vẫn còn).
Bà sinh được 4 Hoàng tử là : Nguyễn Phúc Kính, Nguyễn Phúc Bản, Nguyễn Phúc Yến, Nguyễn Phúc Tuấn và 2 Hoàng nữ (không rõ tên).
Trong gia phả ghi tên các con bà Trần thị Xạ: Phúc Kính sinh năm 1737, Phúc Ban sinh năm 1739, Phúc Tuấn sinh năm 28-8- 1743…nhưng sao Phúc Yến lại sinh tháng 10-1743. Không hiểu gia phả Nguyễn phúc tộc giải quyết làm sao. Ngoài ra tên Ban và Bản, tên nào đúng.
Nguyễn Phúc Kính(15/10/1737-19/2AL-1775)
Nguyễn Phúc Ban(24/5/1739-10/11AL-17?)->con bà Xạ
Nguyễn Phúc Tuấn(28/8/1743-23/4AL-1764)
Nguyễn Phúc Yến(26/10/1743-15/3AL-1776)->con bà Xạ
LÀNG TRUNG QUÁN NAY THUỘC XÃ DUY NINH, HUYỆN QUẢNG NINH TRÊN SÔNG KIẾN GIANG, PHÍA NAM ĐỒNG HỚI. CHẮC HÔM NAY 20 THÁNG 10 NĂM 2010, TRÀN NGẬP NƯỚC LŨ.
HỌ ĐẠO TRUNG QUÁN THEO AN NAM ĐẠI QUỐC HỌA ĐỒ CỦA GIÁM MỤC TABERD 1838. PHÍA BẮC LÀ LŨY THẦY. THỜI KỲ ĐÓ HÌNH NHƯ KHÔNG XA BỜ BIỂN.
Quê hương cô Trần thị Xạ thuộc làng Trung Quán, Quảng Bình, một làng đã đón nhận đức tin từ thời kỳ đầu truyền giáo của các giáo sĩ Dòng Tên. Qua các tài liệu của cha Johannes KOFFLER SJ , người đồng thời và có tiếp xúc với công chúa Chiêu Nghi cho biết nàng được Võ Vương sủng ái. Ngày 14 tháng 6 năm 1747, nàng đau nặng nên linh mục Gioan Koffler được mời vào thăm bệnh, bốc thuốc. Đến năm 1750, ông cũng lại được tiếp xúc lần nữa. Tuy không nói bà là giáo dân, nhưng xem ra việc thăm bệnh chỉ là cái cớ để bà nhận lãnh ơn xá giải vì trong khi một người sống đồng thời là Pierre Poivre được tham quan cung điện nhưng không được vào thăm nơi ở cung phi, còn cha Koffler lại được đặc ân trên.
Thời Võ Vương làm chúa Đàng Trong có nhiều người công giáo làm quan, đặc biệt giữ những chức vụ ngoại thương. Cuộc tranh chấp ,kèn cựa giữa hai khuynh hướng thân Trung Hoa và Tây Âu trong nội bộ nhà Nguyễn rất quyết liệt. Càng ngày Võ Vương nghiêng về chính sách bế quan tỏa cảng, không muốn giao dịch với các nước Tây Âu mà tiêu biểu là việc khước từ thương vụ với Pierre Poivre, Đại diện công ty Đông Ấn Pháp, đồng lúc thi hành lệnh cấm đạo công giáo. Các quan công giáo bị loại bỏ dần như trường hợp quan Xaviê nào đó quá nhiệt thành trong việc xây dựng nhà thờ. Các Chúa Nguyễn thiên về văn minh, văn hóa Trung Quốc thay vì của “bọn Mọi Tây Dương”. Tháng 8 năm 1750, Võ Vương ra lệnh trục xuất toàn bộ giáo sĩ nước ngoài trong vương quốc và phá hủy, tháo dở 400 nhà thờ, nhà nguyện. Ông chỉ tỏ ra hòa hoãn đôi chút thời gian Chiêu Nghi công chúa lâm bệnh nặng. Chúa hứa với cha Johannes Koffler SJ là sẽ tha đạo và còn cho cất nhà thờ nữa nếu chữa lành ái phi của ông.
Nhưng công chúa Chiêu Nghi không qua được cơn bạo bệnh. Tiếc thương nàng, ông đã cho xây một khu lăng tẩm xứng tầm ở Huế và cho tạc văn bia ca tụng nàng.
Trong văn bia, Chiêu Nghi được coi như là một Phật tử vì có pháp danh Hải Pháp và người chấp bút đã ca tụng các nhân đức và lòng thành kính của nàng đối với Đức Phật.
Thế nhưng cha Léopold Cadière lại nghi rằng nàng là một người công giáo. Vào thời mà vua chúa toàn quyền trên mọi thần dân, các thiếu nữ không có quyền tự do định đoạt số phận mình nhất là khi được vua chúa quan tâm sủng ái. Theo Kinh Thánh Cựu Ước, nàng Esther xinh đẹp, đạo hạnh được nạp vào cung cấm của hoàng đế nước Ba Tư ( Xem sách Esther). Các tài liệu thời đó cũng nói đến nhiều quan chức trong triều đình là người công giáo. “ Bà Tham” mà lịch sử nói đến có thể là mẹ của Chiêu Nghi. Ông quan Xavier xây dựng nhiều nhà thờ để rồi bị Võ Vương và triều đình sa thải là một vị quan công giáo.
Nếu các bà vợ lớn thường được tuyển chọn trong con cái các bậc đại thần, thì các vương phi lại được chọn trong hàng quan cấp nhỏ hoặc thường dân.
Trở lại với Chiêu Nghi công chúa, linh mục Đỗ Quang Chính, SJ, trong tác phẩm, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt đã viết: “Năm 1738 vừa lên ngôi, Võ Vương phong cho bà Chiêu Nghi làm quý nhân, rồi phong tới chức Vương quý phi….sắp từ bậc cao nhất xuống thấp nhất, có lẽ gần giống như quy định năm 1836 của vua Minh Mạng sau nầy : Vương quý phi, Quý phi, Gia phi, Quý tần, Đức tần, Lê tần, Tiệp dư, Quý nhân, Mỹ nhân, Tài nhân. Bà Chiêu Nghi lên bậc Vương Quý phi tức chỉ sau Vương hậu ( Hoàng hậu)”( Đỗ Quang Chính, sđd.tr, 543).
Câu chuyện hoàng tử Phúc Kính con của Võ Vương và bà Chiêu Nghi cũng rất ly kì. Theo tục lệ thời đó ngoài thế tử được nhà Chúa chăm sóc, các hoàng tử đều giao cho các đại thần danh giá nuôi như gia phả hé lộ “Trong cung lúc bấy giờ hiếm sinh con trai và hay chết yểu, nhiều người nghĩ là bị ông bà bắt nên phải kiêng cữ, giấu giếm. Con trai sinh ra được gọi bằng mụ, cháu trai thì gọi bằng chị (xem như con gái).”
Về tôn giáo của Chiêu Nghi có nhiều ý kiến khác nhau, nếu căn cứ vào văn bia thì bà phải là Phật tử vì bà “ có pháp danh và tụng kinh Phật”. Có kẻ cho bà gần chết mới được rửa tội theo công giáo. Theo anh Dương văn Kính, nhiều linh mục viết sử địa phương cho bà là kẻ “chối đạo” vì làm vợ Võ Vương. Chuyện phải nạp cung và phải sống theo khuôn khổ triều đình là điều chắc chắn, tuy nhiên xem ra bà vẫn giữ đức tin cách kín đáo. Theo các tài liệu lịch sử, quan “ cai bộ tàu” được chúa Võ Vương giao hoàng tử Phúc Kính làm con nuôi là người công giáo; vú nuôi hoàng tử cũng là người công giáo; tài liệu Pierre Poivre cũng nói mẹ hoàng tử là công giáo. Tuy không được trực tiếp nuôi con nhưng do luôn quan tâm đến con nên chắc bà đã xin Võ Vương giao con bà cho những người có đức tin như quan “cai bộ tàu”, vú nuôi công giáo và cha Koffler giáo dục, điều đó cho thấy bà không phải là hạng “ khô đạo”.
Như đã nói, ngày 6 tháng 5 năm 1750, Võ Vương ra lệnh cấm đạo bắt giữ tất cả các Giám mục, thừa sai, ngoại trừ linh mục Gioan Koffler SJ, ngự y.
“ Khi bà Chiêu Nghi lâm trọng bệnh tháng 7-1750 mới được Võ Vương cho gọi vào và hứa nếu Koffler chữa bà khỏi bệnh. Ngài sẽ cho dựng lại tất cả chừng 300 nhà thờ, nhà nguyện đã bị triệt hạ . Kết cục, Koffler cũng chẳng cứu sống bà được. Thế là 29 vị thừa sai trên đây bị dồn lên tàu São Luis tại Cửa hàn đêm 26 rạng 27 tháng 8- 1750 đi Áo Môn, sau khi bà Chiêu Nghi tắt thở được 3 ngày, 23-8-1750 ( có nơi ghi 22-8-1750)” ( Đỗ Quang Chính, sđd tr.543).
Chiếc phao cuối cùng của các thừa sai vĩnh viển mất, chén ngọc đã chìm…!
Qua những trang sử nầy, chúng ta càng có lý để tin rằng Chiêu Nghi công chúa là người công giáo được Võ Vương triệu vào cung, được sủng ái nhưng cũng âm thầm khổ đau vì không làm gì được cho Giáo hội theo gương hoàng hậu Esther trong Kinh thánh. Bà chết có lẻ cũng vì quá đau buồn vì Võ Vương bắt đạo . Có tác giả cho những thông tin như sau : “ khi đau ốm bà đều dặn người hầu giữ kín…khi hầu xong bà thường ra vườn dâng hương niệm Phật..”. Tại sao ngoài vườn? Phải chăng để khỏi bị dòm ngó khi đọc kinh cầu nguyện với Chúa ?
NỀN LĂNG MỘ CÔNG CHÚA CHIÊU NGHI, GIÚP TƯỞNG TƯỢNG NHÀ THỜ CHA GIOAN KOFFLER SJ THẾ KỶ 18. THEO CỐ CẢ CADIERE.
BAVH 1918.
Ngoài ra việc Võ Vương tịch thu nhà nguyện của cha Gioan Koffler “một nhà thờ có 8 cột lớn và 16 cột nhỏ trang trí vàng bạc lộng lẫy ( có lẽ nhà thờ Đốc Sơ ở phía Tây kinh thành Huế)” ( Đỗ Quang Chính, sđd tr.543). để làm lăng mộ, biết đâu chẳng là lời trăn trối của bà.
Chính dựa vào những yếu tố lịch sử, chúng ta có thể tin như nhiều sử gia rằng Chiêu Nghi công chúa là một giáo dân thuộc một gia đình danh giá và đạo đức đã được nạp cung và tiến lên đỉnh cao danh vọng, nhưng số phận của nàng lại quá khổ đau vì gặp phải một ông chồng vô đạo và tàn bạo. Nỗi buồn chẳng biết thổ lộ cùng ai ngoài Thiên Chúa Tối cao. Hậu quả là không còn thứ thuốc gì chữa nổi để đi đến sầu khổ tràn ngập và mau chóng kết thúc cuộc đời trần thế. Niềm ủi là được nằm trong ngôi mộ được phủ lên là ngôi nhà nguyện yêu quý mà khi là thiếu nữ nàng thường vào ra cầu nguyện.
Ngoài kia, ai muốn làm gì thì làm. Bia đá ghi công, tán dương nhân đức, lính tráng canh phòng, lễ vật dâng tiến …chẳng còn nghĩa lý gì cả đối với nàng?
TOÀN BỘ KHU LĂNG MỘ VÀ NHÀ BIA THEO LINH MỤC LEOPOLD CADIERE. ẢNH BAVH 1918.
Một câu hỏi cuối cùng : Tại sao bia mộ nầy không bị đập bỏ?
Nhiều tướng tá Chúa Trịnh từ miền Bắc tiến đánh kinh đô Phú Xuân là người công giáo, có lẻ họ biết câu chuyện thương tâm của nàng và gốc tích ngôi nhà nguyện cha Gioan Koffler nên không muốn đụng đến.
Nhà Tây Sơn cũng có nhiều bà con công giáo như bà cô Nguyễn Nhạc đã tặng quà cho các giáo sĩ mà lịch sử có ghi lại. Có lẻ vì thế mà trong thời kỳ đầu họ tôn kính nơi yên nghỉ của bà công chúa công giáo vắn số nầy.
NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU, MỘT KI TÔ HỮU KHÁC TRONG CUNG CẤM NHÀ NGUYỄN, THẾ KỶ 20. ẢNH NGUỒN INTERNET.
Nghi vấn lịch sử vẫn còn đó, nhưng đất Quảng Bình công giáo, họ Trung Quán công giáo từ buổi đầu rao giảng, nay vẫn còn khoảng 300 giáo dân sống tại làng xưa và hàng trăm người khác sống rải rác trên đất nước Việt Nam và thế giới hãy hãnh diện vì người đẹp Chiêu Nghi Trần thị Xạ, một mẫu nghi xứng tầm với Nam Phương hoàng hậu sau nầy. Bên cạnh Công Chúa Chiêu Nghi , Trung Quán còn tự hào vì một vị thánh trẻ khác thế kỷ 19 , cũng họ Trần, thánh tử đạo Tôma Trần Văn Thiện!
Ước mong các kiến trúc sư công giáo đến nghiên cứu vẽ lại ngôi nhà nguyện công giáo tiêu biểu thế kỷ 18, mà những hàng đế cột vẫn còn đó theo sự mô tả rất tỉ mỉ của linh mục Léopold Michel Cadière. Ước mong nhiều người con Chúa đến tham quan Huế, hãy đến viếng lăng mộ điêu tàn nầy, cầu cho nàng Chiêu Nghi một kinh và đốt lên “ nén hương thương tiếc nàng” !
MỘT NÉN HƯƠNG LÒNG.
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng
Hội An 19 tháng 10 năm 2010.
Tham khảo:
1. La Médecine européenne en Annam, autrefois et de nos
jours (Dr L. GAIDE. B. A. V. H., 1921, pp. 193-195.)
2. Quelques figures de la Cour de Vo-Vuong (L. CADIÈRE.
B. A. V. H., 1918, pp, 294-301.)
Bản dịch văn bia ra Pháp văn của cụ Ngô đình Khả.
3. L. M. Cadière, Vài gương mặt của Triều Võ Vương, Những người bạn cố đô Huế . BAVH , tập 5, 1918, tr. 295- 355, Nhà Xuất bản Thuận Hóa , Huế 1998.
4. Viet Nam Gia Pha, Website cua toc – Chi tiet: THẾ TÔNG HIẾU VŨ …Bà là con gái thứ sáu của đức Túc Tông, hiệu là Mỹ Hòa Công chúa. … Sự nghiệp, công đức, ghi chú. 9.3.1.2 Trần Thị Xạ Chiêu Nghi Liệt phu nhân …
http://www.vietnamgiapha.com/…/THẾ%20TÔN…;
5. Đỗ Quang Chính SJ, DÒNG TÊN TRONG XÃ HỘI ĐẠI VIỆT, ANTON & DUOC SANG, SAN DIEGO-MONTREAL 2006.
Gửi phản hồi