An Sinh, Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh từ xưa đến nay vẫn được mệnh danh là làng lăng mộ vua Trần. Cuộc sống của những dân nghèo bên mộ vua ở An Sinh cũng phát sinh lắm chuyện bi hài, bí ẩn đáng sợ.
Mảnh đất này là nơi an nghỉ chốn vĩnh hằng của 8 vị đế vương. Những khu lăng mộ vua ở đây đã từng bị chìm vào quên lãng, còn hôm nay nó cũng đang trong thực cảnh dở khóc, dở cười đầy xót xa.
Mộ vua ai có xót thương!
Chúng tôi trở lại Đông Triều vào một ngày thu để tìm đến nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tu hành đắc đạo trên am Ngọa Vân. Trước đó ở khu di tích đền An Sinh, xã An Sinh, Đông Triều chúng tôi đã được xem bản sơ đồ khu di tích nhà Trần tại đây, trong đó có lăng mộ của 10 vị đế vương.
Theo sơ đồ di tích này thì khu Đồng Hỷ Lăng (nơi an nghỉ của vua Trần Duệ Tông và Trần Thuận Tông) nằm ở xã Thủy An, tách biệt với khu lăng mộ 8 vị vua khác của nhà Trần đều ở xã An Sinh. Chính tôi tìm về chùa Ngọc Thanh, nơi sơ đồ chỉ dẫn di tích cho biết có Đồng Hỷ Lăng. Chúng tôi tìm kiếm khắp nơi xem Đồng Hỷ Lăng ra sao nhưng chỉ thấy những bãi đất hoang, rừng cây um tùm.
Chỉ có lăng Trần Hiến Tông là khang trang và khá hoàn chỉnh.
Sư Thích Thanh Quang cho biết các bậc cao tăng trụ trì trước đây của chùa cũng kể lại khu núi phía sau có lăng mộ của vua Trần, nhưng giờ dấu tích không thấy đâu. Hiện nay, ở chùa Ngọc Thanh do không biết chính xác lăng vua chỗ nào nên đã cho lập một nhà thờ ở phía hậu cung để thờ 2 vị vua triều Trần nói trên.
Từ lời giới thiệu của nhà sư, chúng tôi tìm một số người cao niên ở đây để dò hỏi về Đồng Hỷ Lăng, nhưng chẳng ai biết chính xác lăng vua chỗ nào. Tất cả họ đều cho chúng tôi biết dân ở đây đều gọi nơi mình sống là làng sau lăng, cứ gọi thế thôi, chứ lăng vua Trần thì chịu không tìm thấy.
Từ Thủy An chúng tôi quay trở lại An Sinh để mong tìm được những dấu hiệu khả quan hơn về lăng mộ của 8 vị đế vương còn lại. Chạy thẳng con đường bê tông nhỏ từ ngã tư Đông Triều về phía dãy núi Phật Sơn được khoảng 15km thì chúng tôi gặp một khu đập nước rất lớn. Đường bê tông đã hết, phía trước mặt chúng tôi là đập nước Trại Lốc rộng mênh mông.
Ở giữa đập nước là 2 căn nhà nho nhỏ phải tinh mắt mới nhìn thấy. Hiện chúng đang ở trang thái xây dở dang. Hỏi ông lão đang câu cá bên đập về Mục Lăng (của vua Trần Minh Tông) và Đồng Thái Lăng (vua Trần Anh Tông) thì ông lão nhìn chúng tôi 1 lát rồi chỉ tay ra phía giữa đập nói: “Đấy! lăng 2 ông vua Trần ở mô đất giữa đập kia đó.
Nhưng không vào được đâu, nước sâu lắm cũng chẳng có thuyền cho các cậu thuê. Thời gian qua dân tình phản ánh nhiều, báo chí cũng nói ác, nên cơ quan chức năng đang cho xây dựng, nhưng vẫn còn dở dang lắm, cứ mùa nước đầy lại nghỉ. Trước đây khu vực ấy gọi là đảo Vua, nhiều cổ vật của 2 vị vua này đã bị thất lạc, hoặc được đem lên để ở đền Thái hết rồi”.
Theo hướng tay chỉ đường của ông lão Trần Mạnh Quân đang câu cá, chúng tôi đã tìm được đền Thái. Đền này vốn thờ thái sư Trần Thủ Độ nên gọi là đền Thái. Sau khi bị tàn phá, năm 1993 người ta cho xây dựng lại với quy mô bé xíu chỉ như một căn nhà nhỏ.
Tìm kiếm quanh đền mãi chúng tôi mới phát hiện ra những chân cột đá, ngói cổ vứt ngổn ngang ngoài bãi đất. Đây chính là dấu tích còn sót lại của lăng 2 vị vua Trần sao? Chúng tôi tự đặt ra câu hỏi như vậy. Cứ nhìn cảnh vật hoang tàn, cổ vật ngổn ngang ngoài vườn mà chúng tôi không khỏi xót xa.
Nhưng sự bi thảm còn tăng lên gấp bội khi chúng tôi tìm đến khu Phụ Sơn Lăng (vua Trần Dụ Tông), Nguyên Lăng (vua Trần Nghệ Tông), Lăng Tư Phúc (của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Phế Đế). Ba khu lăng của 5 vị vua này từng bị con người lãng quên hoàn toàn.
Theo anh Nguyễn Văn Thủy, nhà gần Phụ Sơn Lăng cho biết: “Khu chúng tôi gọi là xóm Bãi Dài có lăng ông Trần Hạo (tức Trần Dụ Tông - PV) và ông Trần Nghệ Tông, còn bên xóm Bãi Bắn có khu lăng của 3 ông vua Trần. Trước đây các lăng mộ này dân chúng tôi được nghe phong thanh là của vua thôi chứ chưa hề biết vua gì, thời nào. Tất cả chúng đều bị bỏ hoang, chỉ là một mô đất. Những ai biết là lăng vua mà nhà ở gần thì lập một cái bát hương bên mô đất ấy. Tất cả chỉ có vậy thôi”.
Những hòn đá cổ được trả lại cho vua Trần Nghệ Tông cùng với bát hương do dân chúng lập nên.
Cũng theo anh Thủy cho biết khoảng 1-2 năm trở lại đây sau khi dân chúng kêu ca nhiều, thông tin cũng đăng trên báo thì có một số đoàn khảo cổ về khai quật. Chúng tôi đã được anh Thủy dẫn đi đến 3 khu lăng mộ của 5 vị vua Trần đã được khai quật sơ bộ.
Thực trạng của lăng vua hiện nay cũng vẫn rất thảm hại. Những đoàn khảo cổ về đào bới tìm kiếm một thời gian rồi lại đi, để lại những rãnh sâu hun hút. Trên khu đất trống là mấy đống ngói, gạch, đá cổ khai quật được vứt ngổn ngang. Ở vị trí chính giữa khu đất mà đoàn khảo cổ tin rằng đó là nơi có mộ vua thì cơ quan chức năng mới đặt vào 1 ban thờ cùng lư hương bằng đá. Nhìn khu ban thờ đặt giữa khu đất hoang và bảo là lăng vua quả thực chúng tôi cũng cảm thấy ngán ngẩm, dở khóc dở cười.
Anh Thủy, người bản địa có phần tự hào về những lăng vua nằm ở xóm mình và tin rằng tương lai rồi đây khu vực này sẽ rất đẹp, hoành tráng và ai ai cũng biết. Nhưng rồi, chợt anh bảo với chúng tôi rằng: “Thỉnh thoảng tôi cũng thấy 1 số vị lãnh đạo về đây thăm, ngắm rồi lại vội vã đi ngay. Dự án hình như có rồi, nhưng nghe nói còn phải chờ dài cổ”.
Liệu rằng những ai khi chứng kiến cảnh tượng ngổn ngang, quên lãng ở những khu lăng mộ vua Trần tại An Sinh, Thủy An có xót thương không? Có thể rằng trong số 10 vị đế vương ấy có vị là minh quân có vị không được tốt. Nhưng tất cả họ đều ít nhiều đóng góp vào lịch sử của dân tộc những dấu mốc quan trọng. Hậu thế hôm nay đối xử với họ như vậy quả thật rất xót xa.
Bi hài chuyện cổ vật trong dân chúng
Bao nhiêu năm nay khu lăng mộ vua Trần ở An Sinh đã bị bỏ hoang và người ta từng có thời gian dài quên đi khái niệm mộ của vua. Sống gần một khu quần thể lăng mộ vua rộng lớn hàng trăm hecta hoành tráng xưa kia nên những người dân ở xóm Bãi Bắn, Bãi Dài hay Trại Lốc đều chẳng còn lạ gì với chuyện nhặt được cổ vật, đào được cổ vật.
Nguyên Lăng của vua Trần Nghệ Tông giờ có được chiếc ban thờ,
lư hương đá nằm bơ vơ giữa đồi hoang.
Nhà anh Nguyễn Văn Thủy ở xóm Bãi Dài nằm trong khuôn viên của khu lăng vua Trần Dụ Tông (Trần Hạo). Đây là ý kiến của những vị khảo cổ học về khai quật cho biết. Còn thực tế hiện nay từ nhà anh ra đến bãi đất đội khảo cổ đào bới phải đến gần 50m. Điều đó chứng tỏ ngày xưa lăng Trần Dụ Tông có quy mô hoành tráng đến mức nào.
Anh Thủy kể: “Trước đây, tôi và mấy anh em đi chăn trâu thường nhặt được bát cổ, chén cổ. Nhiều lần nhà tôi làm vườn cũng cuốc phải những cổ vật. Chả biết là có từ bao giờ, nhưng nhà tôi nhiều đời nay chưa bao giờ nghĩ tới bán cổ vật, hoặc giấu cổ vật trong nhà mà đều làm lễ rồi mang ra khu mộ vua trả lại. Bao năm nay, tuần, rằm, ngày lễ Tết, gia đình chúng tôi đều mang hương và hoa quả ra làm lễ ở khu lăng mộ vua Trần này”.
Không như gia đình anh Thủy, nhiều người dân ở đây mỗi khi đi làm đồng, cuốc vườn vớ được cổ vật thì đều có tư tưởng cất giấu để mang bán hoặc giữ lại cho riêng mình. Mấy năm trước đây nhà bà Bền, ông Hợp cũng ở sát lăng Trần Dụ Tông đã cuốc vườn và vớ được một quả chuông nhỏ bằng đồng rất cổ.
Bà Bền thấy đẹp và đoán định rằng chắc đây là đồ cổ quý giá nên đã bàn với chồng cất giữ cẩn thận trong hòm để một mai có thời cơ được giá sẽ bán cho bọn săn lùng cổ vật. Nhưng từ khi có chiếc chuông đồng cổ trong tủ, ông Hợp sinh ra ốm đau liên miên. Gia đình phải đưa ông đi chữa trị ở khắp nơi tại Quảng Ninh rồi ra cả Hà Nội nhưng bệnh tình ngày càng nặng. Cuối cùng ông Hợp cũng đã mất khi tuổi đời mới ngoài 50.
Sau cái chết đột ngột của chồng, bà Bền có đi xem thầy ở một số nơi và đều nhận được lời phán là gia đình chị đã ở gần lăng vua ngày xưa mà còn có lòng tham cất giấu cổ vật nên bị vua trách phạt. Về nhà, bà Bền sợ quá liền bảo con mang hương hoa, lễ vật ra mô đất được cho là lăng vua Trần Dụ Tông để làm lễ cầu xin ngài tha thứ.
Vào đầu năm 2012, sau khi đoàn khảo cổ về khai quật ở lăng Trần Dụ Tông thì bà Bền cũng đã quyết định mang quả chuông đồng ra trả lại cho vua. Theo chúng tôi quan sát thì quả chuông bà Bền trả lại chỉ to bằng cái chén lớn, đã bị oxy hóa hoàn toàn, hoa văn gần như đã mờ đi hết. Nhưng theo anh Thủy cho biết, các nhà khảo cổ đã định niên đại của quả chuông cổ này được 6 - 7 thế kỷ rồi. Nếu đội săn lùng cổ vật mà vớ được thì sẽ có giá rất cao, đặc biệt nó lại gắn với lăng của 1 vị vua.
Sơ đồ di tích ở đền An Sinh có đến 10 vị vua an nghỉ tại Đông Triều,
nhưng đến 9 vị vua có lăng mà đang trong thực cảnh đau lòng hoặc không tìm thấy.
Không chỉ có gia đình bà Bền, ông Hợp gặp tai ương từ chuyện cổ vật lăng vua, mà rất nhiều người ở Bãi Dài, Bãi Bắn cũng lâm vào thực cảnh tương tự. Gia đình anh Vỉa, chị Nga cũng từng để một khối đá cổ được cho là bậc thềm ở lăng trong nhà. Anh Vỉa không lấy nó mà đồ vật cổ ấy có từ thời bố mình. Nhưng từ khi lấy nhau, vợ chồng anh Vỉa, chị Nga luôn luôn bất hòa, làm ăn thất bát, cuộc sống đã nghèo càng nghèo hơn. Cho đến khi đoàn khảo cổ về đây khai quật được một số đồ cổ thì anh Vỉa, chị Nga cũng phải bê khối đá cổ ấy ra làm lễ để trả lại vua.
Còn với gia đình ông Thành (ở xóm Bãi Bắn) cũng một thời dám ra lăng vua vác mấy đồ đá cổ về nhà làm cối giã gạo. Nhưng rồi trong nhà có chuyện chẳng lành xảy ra, liền đi xem thầy và cũng đã phải mang ra trả lại cho vua. Tương tự là trường hợp của ông Duy (xóm Trại Lốc) mang đồ của lăng vua về nhà dùng, được ít bữa cậu con trai dở hơi, dở khùng bỏ nhà đi lang thang…
Từ những sự việc ngẫu nhiên, mang nhiều bí ẩn mà bây giờ dân ở An Sinh không còn ai dám tham đồ cổ ở lăng vua nữa. Đợt khai quật đầu năm 2012 vừa rồi cũng là dịp nhà nhà, người người vác đồ ra trả lại vua. Khi chúng tôi đến khu lăng vua Trần Nghệ Tông trên một quả đồng ở xóm Bãi Dài thì thấy có rất nhiều bát hương để trên những hòn đá cổ ở các gốc cây vải.
Anh Thủy cho biết đây đều là đồ cổ dân mang ra trả lại cho vua và để cầu mong sự bình an cho gia đình, nhiều người đã lập bát hương ở ngay tại vị trí những đồ cổ đó thờ cúng.
Xây nhà trước lăng vua là “Phạm thượng”
Trong số 10 vị vua an nghỉ ở Đông Triều thì chỉ Trần Hiến Tông hiện có một khu tạm gọi là lăng đúng nghĩa nhất. Ngải Sơn Lăng của vua Trần Hiến Tông có quy mô khá hoành tráng và có hẳn một khu trưng bày cổ vật bên cạnh. Không chỉ có thế, khu lăng mộ này còn có người trông coi. Gần 10 năm nay ông Cầu, xóm Trại Lốc được chính quyền địa phương giao cho nhiệm vụ trông lăng Hiến Tông.
Ông Cầu đã cho xây dựng một căn nhà ở ngay trước mặt lăng vua Trần. Từ khi được chính quyền cho trông coi và ra ở căn nhà phía trước lăng thì chuyện buồn xảy ra liên tiếp với gia đình ông. Lần đầu tiên người con trai thứ 2 của ông đang đi đường thì lao xuống mương thừa sống thiếu chết, bị thương rất nặng. Sau đó người con trai cả cũng bị tai nạn và mất. Còn người con gái lấy chồng được một thời gian ngắn thì vợ chồng đánh, chửi nhau, giờ đã ly hôn.
Ông Nguyễn Văn Thành nhà ở gần đó cho biết “Sau khi nhà ông Cầu trông lăng xảy ra liên tiếp chuyện buồn như thế thì dân chúng đồn thổi rằng việc ông xây nhà trước lăng vua là đã “phạm thượng”. Họ còn kể cho tôi nghe là nhà ông Cầu đã đi xem thầy và thầy phán rằng xây nhà trước lăng, sát lăng như thế là đã động đến long mạch của vua, bị vua trách phạt và đây là điều tối kỵ”. Chả biết thực hư như thế nào, nhưng hiện nay chúng tôi thấy căn nhà này đã bị bỏ hoang, cửa đóng im ỉm. Ông Thành cho biết, ông Cầu không còn dám ở đây nữa, thỉnh thoảng tối ông ấy ra ngó trông lăng một chút rồi lại về ngủ ở nhà trong làng. |
Theo Dòng đời