Nhà thờ Đức Bà
Tọa lạc ngay trung tâm sầm uất nhất của Sài Gòn và được bao bọc bởi hàng loạt công trình kiến trúc lớn nhỏ, hiện đại và cổ kính, nhà thờ Đức Bà là nhà thờ đầu tiên trong hành trình tìm hiểu “Hòn ngọc Viễn Đông”.
Ngoài kiến trúc Pháp tuyệt đẹp, nhà thờ Đức Bà nổi bật với mảng màu ấm áp gạch, các ô cửa cuốn tròn kiểu Roman, cung vòm gãy kiểu Gothique, tiếng gióng giả của bộ chuông nặng nhất nước, màu xanh của khu công viên gần đó hay thú vui cà phê bệt, một trong những hình thức thư giãn đặc trưng giới trẻ của Sài Thành.
Nhà thờ Tân Định - 289 Hai Bà Trưng, Q.3
Nhà thờ Tân Định (tên chính thức là nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giê-su) được khởi công vào năm 1870 và khánh thành vào năm 1876. Đây là một trong những nhà thờ đầu tiên và quy mô lớn nhất Sài Gòn.
Tổng thể công trình mang phong cách kiến trúc Gothique. Toàn bộ công trình hiện được sơn màu hồng, phía mặt tiền gồm một tháp chính và hai tháp phụ. Nội thất nhà thờ khá bề thế với hai hàng cột Gothic dẫn tới bàn thờ chính làm bằng đá cẩm thạch của Ý, tôn lên vẻ đẹp rất nhiều cho cả công trình kiến trúc.
Nhà thờ Huyện Sĩ - số 1 Tôn Thất Tùng, Q.1
Nhà thờ Huyện Sỹ hay nhà thờ Thánh Philipphê Tông do ông bà Lê Phát Ðạt, tức Huyện Sỹ, hiến đất và xuất 1/7 gia tài để xây dựng. Nhà thờ khởi công năm 1902 và khánh thành vào năm 1905. Ban đầu nhà thờ có tên là Nhà thờ Chợ Đũi, tuy vậy dân gian gọi là nhà thờ Huyện Sỹ. Sau đó nó trở thành tên chính thức.
Hiện nhà thờ Huyện Sỹ được đánh giá là có khuôn viên rộng rãi khoáng đãng nhất ở Sài Gòn.
Nhà thờ Cha Tam - 25 Học Lạc, Q.5
Nhà thờ Cha Tam (hay còn gọi là nhà thờ Phanxicô Xaviê) khánh thành vào đầu thế kỉ 20 do linh mục Pierre d’ Assou đứng ra xây dựng và cũng là cha xứ đầu tiên. Đây cũng là xuất xứ tên gọi hiện nay. Nhà thờ có lối kiến trúc Gothique, nhưng yếu tố văn hóa Hoa vẫn được coi trọng với cổng nhà thờ xây kiểu tam quan, tên nhà thờ ghi bằng chữ Hán, mái lợp ngói âm dương, các đầu đao cong…
Nhà thờ Hạnh Thông Tây - 53/7 Quang Trung, Q.Gò Vấp
Nhà thờ Hạnh Thông Tây do ông Lê Phát Đạt bỏ tiền ra xây dựng sau khi xây xong nhà thờ Huyện Sỹ. Nhà thờ được xây dựng theo phong cách kiến trúc Byzantine, mô phỏng Vương cung Thánh đường Saint Vitale ở thành phố Ravenna, Ý.
Nhà thờ Chúa Cứu Thế - 38 Kỳ Đồng, Q.3
Tọa lạc trên đường Kỳ Đồng, Dòng Chúa Cứu Thế và Tu viện Sài Gòn có khuôn viên rộng rãi, là điểm đến của nhiều bạn trẻ và các giáo dân trong những ngày cuối tuần hay dịp lễ. Bên cạnh đó, địa danh này cũng thu hút du khách và giáo dân đến dự thánh lễ hay tham quan, chiêm bái hàng loạt các công trình kiến trúc hiện đại và cổ điển tại đây.
Nhà thờ lớn Hà Nội - số 40 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm
Nhà thờ lớn Hà Nội còn gọi là nhà thờ Saint Joseph được xây dựng trên khu đất vốn là nền của tòa tháp Báo Thiên nổi tiếng của kinh thành Thăng Long thời Lý (thế kỷ 11 - 12), mô phỏng kiến trúc nhà thờ Đức Bà Paris của Pháp.
Đây là một nhà thờ tiêu biểu cho lối kiến trúc Gothique với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Song cũng như nhiều nhà thờ khác, nhà thờ bị bản địa hóa bằng các chi tiết chạm trổ, sơn son thếp vàng. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bồi.
Nhà thờ Hàm Long - 21 phố Hàm Long, quận Hoàn Kiếm
Nhà thờ Hàm Long do kiến trúc sư người Việt thiết kế và hoàn thành vào tháng 12/1934, cao 17m. Nhà thờ được xây dựng với các vật liệu dân gian như rơm hồ vôi, nứa, giấy bản... để tạo các vòm cuốn, gây hiệu quả phản âm khi hành lễ. Trên các cột và bàn thờ được trang trí bằng các hoạ tiết dây thừng như kiểu dây áo dòng Phanxicô.
Nhà thờ Hàm Long với hai mặt tiền trông ra các phố Hàm Long, Ngô Thì Nhậm, được xem là một trong những nhà thờ đẹp nhất Hà Nội.
Nhà thờ Cửa Bắc - 56 Phan Ðình Phùng
Nhà thờ Cửa Bắc được xây dựng ở Cửa Bắc thành Thăng Long vào năm 1931-1932 (có nhiều tài liệu viết nhà nhờ được xây dựng năm 1927 dưới thời Pháp thuộc), do linh mục - kiến trúc sư người Pháp tên là Đô-pô-lit (tên Việt là Cố Hương) thiết kế theo kiểu hình chữ nhật. Nhà thờ không tuân theo quy tắc đối xứng, mà lệch với tháp chuông cao ở bên phải và cân bằng với mái vòm ở trung tâm.
Nhà thờ Thịnh Liệt - ngõ Giáp Bát
Nhà thờ Thịnh Liệt còn gọi là nhà thờ Làng Tám tọa lạc ở trong ngõ Giáp Bát, quận Hai Bà Trưng. Công trình được xây dựng vào năm 1911 trên một khu đất rộng rãi, thoáng đãng thuộc địa phận làng Thịnh Liệt theo thết kế của một người Việt là Đốc (Docteur) Thân.
Nhà thờ xây dựng theo phong cách kiến trúc khá pha trộn, với bố cục cân xứng gồm hai tòa tháp theo kiểu nhà thờ Gothique, hệ thống cửa vòm tròn cộng dãy mái lợp gạch đỏ chạy dài và kết thúc ở các múi cong theo kiểu kiến trúc Phục Hưng và cả những họa tiết mang tính dân tộc.
Nhà thờ Phùng Khoang - Thanh xuân
Nhà thờ ở làng Phùng Khoang, xã Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội, gần đường Hà Nội - Hà Đông, cách bờ hồ Hoàn Kiếm khoảng 10 km. Nhà thờ xây dựng năm 1910, cùng theo thiết kế của kiến trúc tân cổ điển Pháp.
Nhà thờ An Thái - ngõ 460 Thụy Khuê, Tây Hồ
Nhà thờ An Thái (có tên khác là là nhà thờ Kẻ Bưởi) được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 trên đất làng An Thái, thuộc vùng Kẻ Bưởi ở phía Nam của hồ Tây. Nhà thờ được xây dựng theo phong cách kiến trúc Phục hưng với những họa tiết trang trí tinh tế. Ngày nay, nhà thờ An Thái là một trong những nhà thờ cổ còn giữ được kiến trúc nguyên bản ở Hà Nội.
An Huỳnh
Ảnh: Tổng hợp
Theo Infonet