Một cây nghiến bị lâm tặc chặt hạ tại vùng lõi
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ (Bắc Kạn)
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ rộng 14,772 ha, nằm tại 5 xã (Kim Hỷ, Lương Thượng, Lạng San, Ân Tình và Côn Minh) huyện Na Rì và 2 xã (Cao Sơn và Vũ Muộn) huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn; trong đó 11.505 ha là Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và 3.267 ha thuộc Phân khu phục hồi sinh thái. Có thể nói, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ là "đặc sản” thượng thặng, luôn được "lâm tặc” thèm muốn. Vì vậy, nhiều năm nay, lợi dụng khuôn viên Khu bảo tồn trải rộng, địa hình phức tạp, lực lượng kiểm lâm mỏng, những kẻ "khát máu” rừng đã tìm mọi chiêu thức rất tinh vi để đột nhập vào Khu bảo tồn nhằm khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Nhiều cánh rừng nguyên sinh với những cây gỗ quý hiếm có tuổi cả trăm năm, to, cao bị lâm tặc bất chấp mưa nắng, đêm ngày, ra sức "chém giết”. Trong đó, gỗ nghiến thuộc nhóm I, được mệnh danh "tứ thiết” đang bị triệt hạ tàn bạo và đối mặt với họa ... diệt chủng.
Chỉ riêng về đường dây vận chuyển gỗ nghiến đi tiêu thụ do lâm tặc ăn cướp ở Khu bảo tồn, đủ thấy tính "chuyên nghiệp” bí ẩn... Ngoài những hộp gỗ nghiến đủ loại kích cỡ, được lâm tặc sản xuất theo "đơn đặt hàng” của đầu nậu, lái gỗ để tiêu thụ trong nước, gỗ nghiến còn được "xuất khẩu”... sang Trung Quốc.
Theo lời của một số người dân sinh sống kề cận Khu bảo tồn, nhiều năm nay, hằng ngày họ chứng kiến cả trăm lượt xe thồ chở những lô thớt nghiến to, nhỏ, mỏng, dày từ khu rừng Cốc Khoang (Na Rì, Bắc Kạn) "phóng như gió” trên quốc lộ 279, vượt 70km đến tập kết ở chợ Pác Khuông (còn gọi là "chợ thớt”), thuộc xã Thiện Thuận, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.
Để vận chuyển những lô thớt gỗ nghiến (mỗi lô 10 chiếc, nặng 350 - 400kg), từ Khu bảo tồn, "giặc rừng” lập thành đường dây rất bài bản, do đội ngũ xe thồ (gọi là "xế thớt”), khá hùng hậu đảm nhiệm, được các chủ gỗ tuyển chọn, chủ yếu là người Lạng Sơn. Mỗi chủ gỗ có một đội khoảng 10 người. Một người dân (giấu tên), từng đến "chợ thớt” (Pác Khuông), cho biết thêm: Thớt gỗ nghiến được dồn về đây như chợ "đầu mối”. Sau đó, chuyển đi các nơi tiêu thụ, kể cả sang Trung Quốc. Trước kia, việc mua bán giữa các lái gỗ người Việt Nam với người Trung Quốc diễn ra công khai tại chợ. Gần đây, bị kiểm tra gắt gao, nên tất cả đã chuyển hướng...
Được một "thổ địa” chân tình chỉ dẫn và giới thiệu, chúng tôi tìm đến một người dân (đề nghị không nêu tên), quê huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, từng có thời gian làm "xế thớt” cho chủ gỗ ở đây, biết khá rõ thủ đoạn làm ăn của bọn "cướp rừng”. Ông chia sẻ: Những lúc thớt gỗ nghiến đắt khách, mỗi "xế thớt” có thể chở 5 chuyến/ ngày. Mỗi chuyến được trả công 150 - 200 ngàn đồng. Vận chuyển một lô thớt gỗ nghiến từ Na Rì (Bắc Kạn) sang đất Lạng Sơn, phải qua nhiều công đoạn. Ví dụ: Khi khối lượng thớt gỗ nghiến đã thu gom, tập kết an toàn, lái gỗ Bắc Kạn chia nhỏ hàng giao cho các "xế thớt” chở lên tập kết tại đèo Khau Khem, xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn (Tiếp giáp giữa Na Rì, Bắc Kạn với Bình Gia, Lạng Sơn). Sau đó đội "xế thớt” khác chở tiếp đến chợ Pác Khuông (xã Thiện Thuận) để tiêu thụ. Đường vận chuyển chính là Quốc lộ 279. Thời điểm "chạy” thường vào lúc sáng sớm hoặc đêm khuya để qua mặt các chốt kiểm lâm. Nếu khó, các "xế thớt” quay ngược lại xã Lương Thượng (huyện Na Rì, Bắc Kạn), "chạy” theo đường mòn sau núi...
Điều đáng nói là "chợ thớt” Pác Khuông nằm ngay trung tâm xã Thiện Thuận, cách UBND xã vài trăm mét. Vẻ ngoài, không khí mua bán của chợ bình lặng như các chợ vùng cao, có khác chăng là tại cổng chợ có một nhóm xe ôm túc trực. Đây là những "đặc vụ” của chủ gỗ, chuyên dò xét, theo dõi. Nếu có người lạ "động” đến chuyện gỗ gạc... thì "coi chừng không còn đường về” - người "cựu xế thớt” nọ cảnh báo...
Rời "chợ thớt” Pác Khuông, chúng tôi băn khoăn tự hỏi: Cả một bộ máy công quyền nhiều cấp của địa phương, với lực lượng tổng hợp hùng hậu (công an, dân quân, kiểm lâm, quản lý thị trường...), chẳng lẽ bó tay trước nạn lâm tặc đang ngày đêm "uống máu” rừng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ (Bắc Kạn)???
Quốc Việt