Văn hóa - Thể thao

Khám phá thành Hoàng Đế của vương triều Tây Sơn

22/09/2012 18:18

Cho đến nay, việc nghiên cứu kinh đô vương triều Tây Sơn mới chỉ khởi động. Dù vậy, những dấu vết để lại đã cho thấy, việc dựng xây, tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng diện mạo của nó đã khẳng định sự quy chỉnh, chính thống của một vương triều trong lịch sử Việt Nam.

Dấu vết thành cổ

Theo sử liệu ghi chép cho biết, thành ngoại cơ bản được xây đắp theo dấu vết tường thành Champa trước đó, Nguyễn Nhạc có mở rộng thêm 15 dặm về phía Đông, nằm án ngữ trên con đường thiên lý Bắc - Nam để quản lý đất nước.

Thành trong hay gọi là thành Nội, có mặt bằng hình chữ nhật hướng Bắc - Nam, kích thước dài 621m rộng 336m. Tường thành bị dỡ bỏ thời Nguyễn nay chỉ còn dấu vết móng tường.

Thành Con hay còn gọi là Tử Cấm thành. Kích thước thành Con dài 312m, rộng 126m được xây dựng giữa trung tâm. Thành Con bị dỡ mất một phần nay còn lại một số đoạn tường xây đá ong khá vững chắc.

Theo sử liệu ghi chép tại thành Con hay gọi là Tử Cấm thành: "Chính giữa dựng điện Bát Giác, phía sau là điện Chánh Tẩm, trước mặt có lầu Bát Giác; hai bên dựng hai nhà thờ, bên tả thờ tổ tiên ông Nhạc, bên hữu thờ tổ tiên bà Nhạc, trước lầu có cung Quyền Bổng, hai bên có dãy hành lang là nơi làm việc, trước cửa cung có mở cửa Tam Quan".

Mặc dù bị nhà Nguyễn trả thù, tàn phá dỡ bỏ hết các công trình kiến trúc cung xưa điện cũ của vương triều Tây Sơn xây dựng, nhưng lòng đất ở đây vẫn giữ nhiều dấu vết công trình xưa, đặc biệt là vùng đất Tử Cấm thành như trong lịch sử ghi chép. Chính giữa Tử Cấm thành là Hòn non bộ được xây xếp bằng đá tảng tạo nên phong cảnh đẹp mà ngày nay vẫn còn hai cây cổ thụ tỏa bóng.


Khai quật Thủy Hồ thành Hoàng Đế.

Dù đã bị tàn phá nhưng cần gìn giữ

Các cuộc khai quật khảo cổ học tìm thấy hệ thống nền móng cung điện Bát Giác xưa nằm vị trí chính giữa Tử Cấm thành với lớp móng bó nền bằng đá màu đen cắt gọt xây dựng quy chỉnh với mặt nền điện được lát gạch vuông đỏ rực.

Hai bên điện Bát Giác là hai thủy hồ xây dựng đăng đối với quy mô lớn. Thủy hồ có hình cánh cung nằm hai bên điện Bát Giác, tường được xây bằng vôi vữa có gắn các viên đá màu trang trí, đáy lát gạch phẳng để giữ nguồn nước.

Cùng với hai thủy hồ chính là những thủy hồ nhỏ tạo dáng hình lá đề được xây dựng để trang trí cho khu vực Tử Cấm thành. Phía trước điện Bát Giác là dấu vết cung Quyền Bổng với quy mô lớn, để lại lớp móng bó nền bằng đá ong vững chắc.

Phía sau điện Bát Giác là dấu vết móng nền cung cũ, nền hậu cung với quy mô lớn. Những kiến trúc tìm được trong Tử Cấm thành đều được xây dựng thẳng hướng Bắc - Nam quy chỉnh hình thành nên quy hoạch thống nhất của vùng đất Kinh đô.

Cùng với dấu vết móng kiến trúc các cuộc khai quật còn tìm được nhiều vật liệu xây dựng như đá xanh, đá ong, gạch, ngói, gốm trang trí kiến trúc được sử dụng tham gia xây dựng hoàng cung. Đặc biệt, ở đây còn tìm được một hiện vật chất liệu đá quý, chạm khắc đẹp, tinh tế được sử dụng trong hoàng cung dưới vương triều Tây Sơn.

Tại lòng thành Ngoại thành Hoàng Đế, dựa vào tài liệu lịch sử ghi chép cuộc khai quật phần nào làm lộ rõ dấu vết đàn Nam Giao của nhà Tây Sơn dựng xây khi định đô ở đây.

Trong lịch sử, vương triều Tây Sơn có vị trí khá đặc biệt, đây là một vương triều được ra đời từ thắng lợi của cuộc khởi nghĩa nông dân áo vải dựng nên. Những vị vua xuất thân từ nguồn gốc nông dân, nhưng đã xây dựng nên một triều đại, một vùng đất kinh đô.

Dù bị tàn phá khắc nghiệt, nhưng dấu ấn đó cùng những đóng góp của triều đại là một phần của lịch sử cần được gìn giữ và phát huy trong lịch sử văn hóa dân tộc.

Lê Đình Phụng - Viện Khảo cổ học (bee.net)