Tam nguyên
Thám hoa Vũ Phạm Hàm (1864 – 1906)
Vũ Phạm
Hàm đã đậu Nhất giáp
Tam nguyên trong ba kỳ thi triều nhà Nguyễn (lúc ông 29 tuổi). Trong lịch sử Việt Nam chỉ có hai Tam nguyên là Đệ
nhất giáp, gồm có Lê Quý Đôn
(triều Hậu Lê) và Vũ Phạm Hàm.
Tiểu sử
Vũ Phạm Hàm sinh năm Giáp Tý (1864), quê ở làng Đôn Thư, huyện
Thanh Oai, tỉnh Hà Đông(nay là Hà Nội) tự Mộng Hải, Mộng Hồ, hiệu Thư Trì.
Ông thuộc Biệt chi Vũ-Phạm (Phân chi 33) thuộc dòng họ PHẠM-VŨ, Đôn Thư, Thanh
Oai, Hà Nội.
Năm 21 tuổi, ông đỗ đầu kì
thi Hương (Giải nguyên) khoa thi Giáp Thân đời vua Kiến Phúc (1884). Đến khoa thi Hội năm Nhâm Thìn,
Thành Thái thứ tư (1892) ông đỗ thủ khoa ( Hội nguyên ). Do vậy tờ Đồng văn nhật báo đã đăng: Vũ quân kỳ khôi tinh giáng thế, nghĩa là ông Vũ phải chăng là sao khôi giáng thế.
Dự thi Đình cùng năm đó, ông lại đỗ thủ khoa (Đình nguyên), giành học vị
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (tức Thám hoa) nên thường được gọi là Tam nguyên Thám
hoa hay Thám Hàm. Khoa này dự vào hàng Tam khôi (Đệ nhất
giáp) không có Trạng nguyên, Bảng nhãn, chỉ có Thám hoa. Cũng xin nhắc lại là
từ triều vua Gia Long nhà Nguyễn đã không lấy đỗ Trạng nguyên
tại kỳ thi Đình. Khoa thi này lấy đỗ 9 tiến sĩ, 7
phó bảng, trong đó có Nguyễn Thượng Hiền đỗ Đệ nhị giáp thân (Hoàng giáp) và Chu Mạnh Trinh đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân.
Vũ Phạm Hàm đỗ Đệ nhất giáp Tam nguyên lúc 29 tuổi. Triều nhà Nguyễn có ba Tam nguyên: Vị Xuyên Trần Bích San, Yên Đổ Nguyễn Khuyến và ông. Nhưng Vị Xuyên và Yên Đổ tiên
sinh đỗ Đệ nhị giáp (Hoàng giáp). Toàn thể lịch sử Việt Nam chỉ có Vũ Phạm Hàm và Lê Quý Đôn (triều Hậu Lê) là đỗ Đệ nhất giáp Tam nguyên trong ba kỳ thi đó. Ông cũng là
vị Tam khôi cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Ông làm Giáo thụ rồi thăng Đốc học Hà Nội sung Đồng văn quán (báo Đồng Văn), lên đến Án sát các tỉnh Hưng Hóa, Hải Dương, sau đó cáo quan về trí sĩ ở quê và dạy học cho
đến lúc mất.
Khi ông qua đời (1906), khu mộ ông được đặt tại làng Đôn Thư, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Tác Phẩm
Tác phẩm của ông
chủ yếu được viết bằng chữ Hán, song cũng
có nhiều tập văn thơ phú viết bằng chữ
Nôm. Trong thư viện Khoa học Trung ương còn lưu trữ
một số sách của ông, được thống kê như
sau[2]:
- Kinh Sử Thi Tập (văn, sử), ký hiệu A.133
- Tập
Đường Thuật Hoài (văn), A.2354
- Thám Hoa Văn
Tập (văn), A.528
- Hưng Hóa
Phú (văn, sử), A.1055
- Thư Trì Thi Tập (văn), tập thơ chữ Hán còn
bản chép tay
- Cầu Đơ Tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách (địa), A.173
- Đề từ
một số sách như: Quốc triều
Khoa bảng lục (tự), A.37 và Lễ trai văn tập (tự),
A.1020
Văn thơ của ông
chưa được phổ biến và ngày càng có
ít người biết vì sách được lưu giữ trong thư viện đều là chữ Nôm và chữ Hán. Những bài đã
được phiên dịch ra hoặc phiên âm nhiều người biết
như bài phú Hương Sơn phong cảnh, bài Vịnh con cua, bài Đề ở lăng Đinh
Tiên Hoàng trên núi Mã Yên - Mã Yên Sơn Lăng và khoảng hơn một
chục bài vịnh về Hồ Tây và Hà Nội chỉ là một phần
rất nhỏ trong toàn tập thơ văn của ông.
Hoàn cảnh
lịch sử:
Tác phẩm chữ Hán
của ông nói lên lòng chán ghét danh lợi, mơ ước
được sống thanh nhàn, thể hiện lòng gắn bó
với cảnh vật đất nước và tỏ lòng kính
phục đối với một số người đã hy sinh vì đất nước...”.Về chữ
Nôm, ông chỉ có một bài ‘Hương Sơn phong cảnh’, ứng
tác ngay trên đường đi vãng cảnh Hương Tích cùng với
bè bạn.
Đôi câu
đối nổi tiếng:
Ông có đôi câu đối đề cao anh hùng khí phách của Hưng Đạo
Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đề trước cửa Đền Kiếp Bạc, Hải Dương và sau cũng được khắc tại
Đền thờ Trần Hưng Đạo , Tp.HCM.
Đền Kiếp
Bạc
Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí
Lục Đầu vô thủy bất thu thanh
Tạm dịch nghĩa là:
Núi Vạn Kiếp đâu đâu cũng có tiếng gươm đao
Sông Lục Đầu không ngọn sóng nào không có tiếng
trống trận
Chữ thu trong vế đối thứ hai của ông đã gây
ra tranh luận từ nhiều năm sau này về ẩn ý của chữ
đó, tuy nhiên, Viện Hán Nôm năm 1998 thông báo
chính thức:
“ Từ “ Thu thanh” trong câu đối thì “Thu”
là mùa thu, với nghĩa hàm xúc là để chỉ ‘chiến tranh
và đau thương tang tóc”, như các vị Trần Thái Tông, Trương
Hán Siêu, Nguyễn Du đã ghi trong thơ của mình. “Thu thanh”
là tiếng mùa thu trừu tượng, nếu đối với “Kiếm khí”
(hơi kiếm) cũng là trừu tượng, là những dạng phi vật
chất mà ta chỉ có thể cảm nhận được bằng linh cảm
là rất hợp, rất chỉnh”.
- Trong thời gian phụ trách báo Đồng Văn (Đồng
Văn Quán), bài phú Lê triều tiến sỹ đề danh bi của
ông được các báo Trung Hoa thời đó ngợi khen là văn chương
lỗi lạc và uyên bác. Đây là tờ báo đầu tiên ở Bắc
Kỳ lúc ấy.
- Bia Tiến sỹ khắc tên ông được đặt tại Văn Thánh, Huế.
Giai thoại chứng tỏ lòng yêu nước của Vũ Phạm Hàm
Giai thoại 1:
Thời ấy ở Hà Nam có một ông công sứ Pháp tuổi còn trẻ mà đã giỏi
tiếng Việt, không chỉ giỏi tiếng Việt, ông ta còn
đọc được cả bia chữ Hán, thơ văn chữ Hán. Vài năm một lần các
quan chức Pháp sang cai trị ở ta đều phải dự một lần
khảo hạch tiếng Việt, ai qua được thì được đặc cách
lên lương sớm. Cái mẹo này khuyến khích người ta chịu
khó học, nhiều ông đâm thua thiệt nhưng lắm ông mừng
vì lương có cơ lên vùn vụt. Như viên công sứ Hà Nam chẳng
hạn. Nhưng giỏi quá dễ kiêu, một hôm ông ta thở dài
bảo, không biết năm nay tìm ai để khảo giám tôi đây.
Vừa hay cũng là dịp có cụ Vũ Phạm Hàm từ bên Hải Dương
thuyên chuyển về đất Hà Nam làm đốc học. Chuyện ấy
đến tai ông cụ. Cuối năm ông cụ được mời đứng ra
làm người hỏi thi tiếng Việt cho quan công sứ, gặp nhau
ông cụ chỉ nói, quan lớn là người nổi tiếng, khắp
Bắc Kỳ này ai chả biết học lực tiếng Việt của
quan lớn, bây giờ tôi không đòi quan lớn phải dùng đến
bút mực làm gì, chúng ta chỉ cần nói chuyện, tôi sẽ
hỏi quan lớn một câu ngắn, quan lớn cũng trả lời bằng
một câu ngắn thế là đủ, mà tôi cấm quan lớn không
được hỏi lại, hỏi lại là quan lớn trượt, quan lớn
có bằng lòng không? Quan lớn nghe thế thì bằng lòng quá,
ông già này xem ra rất biết điều. ông già dõng dạc hỏi:
- Xin quan lớn cho biết trong tiếng Việt em
gái mẹ gọi là gì?
-Thì trong tiếng Việt em gái mẹ gọi là
dì.
Ông công sứ trả lời
tắp lự (ngay lập tức). Nhưng cũng vì là người
giỏi tiếng Việt cho nên chỉ vừa thoáng thấy cụ Hàm
cười là ông ta chợt vỡ lẽ, mình trượt mất rồi, ông
già này bẫy mình mất rồi. Câu trả lời cũng có thể
xem là một câu hỏi lại. Về tới dinh, nhìn thấy bà đầm
thì ông hoảng thật sự, với ông miếng đòn này đâu có
sá gì, nhưng với bà ấy thì lại là chuyện trời sập,
còn ghê gớm hơn cả một cuộc chiến tranh.
Bà công sứ vội
vã tìm đến nhà riêng cụ Đốc học. Đợi bà lau nước mắt kể
lể xong ông cụ mới chậm rãi bảo, phải để ông nhà
hỏng thi tôi cũng lấy làm tiếc như bà, có một người
Pháp yêu tiếng Việt như ông nhà sao tôi lại không quý.
Giờ tôi ra cho bà một điều kiện nho nhỏ, bà làm được
thì xem như ông nhà đỗ. Tôi về đây nghe dân tình xì xào
là mỗi lần bà ra chợ, qua dãy hàng bún
mắm tôm bà đều bịt mũi nhăn mặt tỏ vẻ khó
chịu, có phải vậy không? Vậy bà làm sao thì làm. Bà công
sứ vui vẻ ra ngay chợ, vui vẻ sà vào hàng bún mắm tôm,
chuyện trò rôm rả thân tình. Rồi bà yêu cầu ông chồng
phải đến mời bằng được cụ Đốc học tới thăm nhà
mình một buổi. Ông cụ nhận lời. Vợ chồng Công sứ
hôm ấy mời ông cụ ở lại cùng họ dùng bữa trưa, chỉ
có bún lá và mắm tôm. Suốt bữa bà đầm lấy làm sung
sướng với món đặc sản đó. Năm ấy tai qua nạn khỏi,
quan Công sứ vẫn đỗ, vẫn lên lương như thường. Chẳng qua cũng chỉ là một sự nhắc nhở nhẹ nhau vậy
thôi.
Giai thoại 2:
Khi ở Hải Dương, viên Công sứ
Pháp hồi ấy thích chơi hoành phi, câu đối, vốn biết Thám hoa Vũ Phạm Hàm
là bậc danh nho mới xin một bức làm kỷ niệm. Ông cho
hắn bốn chữ “Ôn kỳ như ngọc”.
Chữ Kinh thi, thiên Tần phong: ngôn niệm
quân tử ôn kỳ như ngọc. Ý nói: mến người quân tử ôn
hòa như ngọc quý. Chủ tâm ông Thám cốt lấy điển Tần
phong là thơ khen người rợ phương Tây để tặng công sứ
người Pháp. Lập ý thật thâm thúy, ám chỉ Pháp chẳng qua là mọi rợ Tây
Nhung khi xưa bên Tàu. Công sứ Pháp tất nhiên là chẳng
hiểu gì, trịnh trọng treo bức hoành giữa nhà khách.
PHỐ VŨ PHẠM HÀM (hai lần được đặt tên
phố)
- Tại Hà Nội, tên
của ông đã từng được đặt cho một con phố
trong giai đoạn 1945 - 1964 (thời Pháp thuộc gọi là Voie 104),
thuộc Khu 1, gần Ngũ Xã,
nay là phố Lạc Chính, Hà Nội. Tại Sài Gòn, từ thời
Pháp thuộc đến năm 1975, tên của ông cũng được đặt
cho một con phố nằm dọc Kênh Ngang số 3 nối từ Kênh
Đôi sang Rạch Lò Gốm (thuộc quận 6), nay là phố Bình
Đức, Tp. Hồ Chí Minh. Cả hai con đường trên đầu bị
dẹp bỏ sau năm1975 mà không biết lý do. Dư luận cho
rằng có lẽ lý do là quan đại thần Hoàng Cao Khải, (tay
chân của Pháp, người đã chiêu dụ Phan Đình Phùng đầu
hàng Pháp, nhưng bất thành) đã viết nhiều bài ca ngợi
vị quan Tam nguyên trẻ tuổi Vũ Phạm Hàm, cùng làm quan
đương thời, nên có nhiều nghi ngờ thái độ của ông,
nhưng tới nay, đó chỉ là ngộ nhận vì qua thơ văn và
các giai thoại, ông đã tỏ rõ tinh thần yêu nước của
mình. Hy vọng Tp HCM cũng sẽ xét lại và phục hồi
đường “Vũ Phạm Hàm” như trước năm 1975.
- Ngày 14/7/2010, HĐND Thành phố Hà Nội thông qua việc đổi tên phố và đặt
tên phố mới ở một số quận, huyện. Trong đó, đáng
lưu ý là việc thông qua đổi tên đường Trung Yên 1 (thuộc
khu đô thị Trung Yên - do Ban quản lý khu đô thị tự đặt)
thành Phố Vũ Phạm Hàm.
Phố Vũ Phạm
Hàm (dài 750 mét, rộng 30m, có hai đoạn bị cắt
bởi ngã tư) thuộc phường Trung Hòa và Yên Hòa, vốn
được đề xuất đặt tên gồm hai danh nhân là Nguyễn
Trung Ngạn và Vũ Phạm Hàm.
Theo Nghị quyết số 08/2010/NQ-HĐND
của HĐND Thành phố Hà Nội, Phố Vũ Phạm
Hàm kéo dài từ ngã tư giao với phố Nguyễn Khang, nối
với cầu 361 ra đường Láng đến ngã tư giao với đường
Trung Kính, nối với đường vào khu đô thị Nam Trung Yên
đi ra Phạm Hùng, quận Cầu Giấy.
Tam nguyên Nguyễn Khuyến (1835 – 1909)
Nguyễn
Khuyến, tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu
Quế Sơn, tự Miễu Chi, sinh ngày 15 tháng 2
năm 1835, tại quê ngoại làng Văn Khế,
xã Hoàng
Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam Ninh nay là huyện Bình Lục,
tỉnh Hà Nam. Quê nội của ông ở làng Vị Hạ (Và),
xã Yên Đổ nay là xã Trung Lương, huyện
Bình Lục, tỉnh
Hà Nam[1]. Mất ngày
5 tháng 2 năm 1909 tại Yên Đổ.
Cha Nguyễn Khuyến là
Nguyễn Tông Khởi, thường gọi là Mền Khởi, đỗ ba khóa
tú tài, dạy học. Mẹ là Trần Thị Thoan), nguyên là con của
Trần Công Trạc, từng đỗ
tú tài thời Lê Mạc.
Thuở nhỏ, ông
cùng
Trần Bích San (người làng Vị Xuyên, đỗ Tam Nguyên năm
1864-1865) là bạn học ở trường
Hoàng giáp Phạm Văn Nghị. Nguyễn Khuyến nổi tiếng là một người
thông minh, hiếu học. Năm
1864, Nguyễn Khuyến đỗ đầu
cử nhân (tức
Giải nguyên) trường
Hà Nội. Năm sau (
1865), ông trượt
thi Hội nên phẫn chí, ở
lại kinh đô học trường Quốc Tử Giám. Đến năm
1871, ông mới đỗ
Hội Nguyên và
Đình Nguyên (Hoàng giáp)
nên chỉ đỗ Nhị
giáp Tam nguyên. Từ đó, Nguyễn Khuyến thường được
gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.
Năm 1873, ông được bổ làm Đốc Học, rồi thăng
Án Sát tại tỉnh
Thanh Hóa. Năm
1877, ông thăng Bố Chính tỉnh Quảng Ngãi. Sang năm sau, ông bị giáng chức và điều
về Huế, giữ một chức quan nhỏ với nhiệm vụ
toản tu Quốc Sử Quán. Nguyễn Khuyến cáo quan về Yên Đổ vào mùa thu
năm 1884 và qua đời tại đây.
Nguyễn Khuyến là
người có phẩm chất trong sạch, mặc dù ra làm
quan nhưng nổi tiếng là thanh liêm, chính trực. Nhiều
giai thoại kể về đời sống và sự gắn
bó của Nguyễn Khuyến đối với nhân dân. Ông là
người có tâm hồn rộng mở, giàu cảm xúc trước cuộc
sống và gắn bó với thiên nhiên.
Hoàn cảnh
lịch sử
Nguyễn Khuyến ra làm quan
giữa lúc nước mất nhà tan, cơ đồ nhà Nguyễn
như sụp đổ hoàn toàn nên giấc mơ trị
quốc bình thiên hạ của ông không thực hiện được.
Lúc này Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp. Năm 1882, quân Pháp bắt đầu đánh ra Hà Nội. Năm 1885, họ tấn công kinh thành Huế. Kinh thành thất thủ, Tôn Thất Thuyết
nhân danh vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, nhân dân hưởng ứng khắp nơi. Nhưng cuối cùng phong trào Cần Vương tan rã.
Có thể nói, sống
giữa thời kỳ các phong trào đấu tranh yêu
nước bị dập tắt, Nguyễn Khuyến bất lực vì không làm
được gì để thay đổi thời cuộc nên ông xin cáo quan
về ở ẩn. Từ đó dẫn đến tâm trạng bất mãn, bế
tắc của nhà thơ.
Tác phẩm
Các tác phẩm gồm có Quế Sơn thi tập, Yên Đổ thi tập, Bách Liêu thi văn tập, Cẩm Ngữ,"Bạn đến chơi nhà", và 3 bài thơ hay về thu:
Thu điếu, Thu ẩm và Thu vịnh cùng nhiều bài ca, hát ả
đào, văn tế, câu đối truyền miệng.
Quế sơn thi tập khoảng 200 bài thơ bằng chữ Hán và 100 bài thơ bằng Chữ Nôm với nhiều thể loại khác nhau . Có bài tác giả viết bằng chữ Hán rồi dịch ra tiếng Việt,
hoặc ngược lại, ông viết bằng chữ Việt rồi dịch sang chữ Hán. Cả hai loại đều khó xác định vì nó rất điêu luyện.
Trong bộ phận thơ
Nôm, Nguyễn Khuyến vừa là nhà thơ trào phúng
vừa là nhà thơ trữ tình, nhuỗm đậm
tư tưởng Lão Trang và triết lý Đông Phương.
Thơ chữ Hán của ông hầu hết là thơ trữ tình. Có thể nói cả
trên hai lĩnh vực, Nguyễn Khuyến đều thành công.
PHỐ “NGUYỄN KHUYẾN”
(tên cũ là
Sinh Từ)
Hình ảnh phố Sinh Từ trong văn học - Phố
của những câu chuyện tình lãng mạn
Phố
Sinh Từ, đã xuất hiện trong một số các tác phẩm văn học nghệ
thuật:
- Phố Sinh Từ là bối cảnh
cho câu chuyện Tú Uyên gặp
Giáng Kiều trong truyện thơ Bích Câu kỳ
ngộ. Chàng học trò nghèo Trần
Tú Uyên một hôm đi xem hội làm chay ở chùa Ngọc-Hồ
ở cuối phố Sinh Từ:
Ngọc Hồ
có đám chay tăng,
Nức nô
cảnh Phật, tưng bừng hội xuân.
Dập dìu
tài tử giai nhân,
Ngổn ngang mã tích xa trần thiếu
ai.
Chiều
đến, sắp về, Tú Uyên nhặt được một chiếc
“lá hồng” có đề một câu
thơ. Chàng định họa lại thì
thấy một thiếu nữ tuyệt đẹp trước cửa tam quan, liền
đi theo, nhưng đình Quảng Văn thì thiếu nữ bỗng biến
mất.
- Cũng tại chùa Ngọc Hồ này,
vua Lê Thánh Tông, trong một
lần du ngoạn, đã bắt gặp và xướng họa thơ ca với
một nàng tiên. Vua rất phục tài năng của
nàng và mời nàng về cung. Nhưng đến cửa Đại Hưng thì
nàng biến mất. Vua cho là tiên giáng trần, dựng lầu Vọng
Tiên ở đó để tưởng nhớ. (tức là chùa Bà Ngô, một ngôi chùa cổ có niên
đại từ thời vua Lý Nhân Tông)
-
Trong “Văn thi Sĩ tiền chiến”, Nguyễn Vỹ cho biết, phố Sinh Từ là
nơi chứng kiến mối tình lãng
mạn giữa
Tuấn Trình và cô
Trần Thị Khánh.
T.T.Kh chính là Thâm
Tâm, là tác giả của bài thơ nổi tiếng "
Hai sắc hoa
ti-gôn" và mấy bài thơ nữa
cũng ghi tên T.T.Kh: Bài thơ thứ nhất, Bài thơ đan áo, Bài
thơ cuối cùng…
T.T.Kh tên viết tắt của người
yêu của ông, học ở trường Sinh Từ (tên chính thức lúc
đó là trường Pierre Pasquier, nay là trường THCS Lý Thường
Kiệt) và nhà cũng ở phố Sinh Từ. Tuấn Trình lấy bút
hiệu “Thâm Tâm” cũng chính là đã xuất phát từ cuộc
tình này, ông cho cô Khánh biết: “Hình ảnh của em, anh
ghi vào Thâm Tâm anh”. Thâm Tâm đã nổi tiếng với bài
thơ “Tống Biệt Hành” trước đó, trong khi cô Khánh không
biết làm thơ. Nghi vấn suốt hơn 70 năm qua rất nhiều,
nhưng xem xét kỹ, cân nhắc, so sánh lại thì T.T.Kh là chính
Thâm Tâm.
- Điều thú vị là lúc sinh thời,
nhà thơ
Nguyễn Khuyến cũng đã từng
đi qua con phố này và cảm tác viết bài thơ chữ Hán
"Quá quận công Nguyễn
Hữu Độ sinh từ hữu cảm" (Cảm nghĩ lúc qua Sinh Từ quận công
Nguyễn Hữu Độ) – “Sinh Từ” có nghĩa là Đền thờ
người đương sống mà có sự nghiệp lớn.
- Nhà văn
Thạch Lam từng nhắc đến phố Sinh
Từ trong tác phẩm "Hà Nội băm sáu phố phường".
- Trần Dần viết về phố Sinh
Từ: Trong bài thơ nổi tiếng "Nhất định thắng",
một thi phẩm được xem là mở đầu cho phong trào
Nhân văn Giai phẩm đăng trên "Giai phẩm mùa
xuân" năm 1956.
-
Tùy bút "Phố Sinh Từ"
xuất bản năm
1968 của nhà văn
Hồ Hữu Tường.
- Trong bài thơ "Yên lặng
ban mai", nhà thơ Hoàng Anh Tuấn cũng viết về phố Sinh Từ.
TÓM TẮT
- Sách “Quốc
triều đăng khoa lục (triều Nguyễn)” của Cao Xuân Dục cho biết:
“Trong chánh bảng có 3 viên trúng Tam nguyên: Vũ Phạm Hàm
trúng Nhất giáp Thám hoa, Nguyễn Khuyến và Trần Bích San
trúng Nhị giáp”. Cao Xuân Dục xếp tên Vũ
Phạm Hàm lên trên hai vị Tam nguyên còn lại, nói
về phép chép sử là sai, vì cụ Thám Hàm đỗ năm 1892,
sau hai cụ Nguyễn Khuyến và Trần Bích San, nhưng trong trường
hợp này lại là sự cố ý biểu dương người đỗ cao.
Trần Bích San đỗ Tam nguyên Nhị giáp khoa Ất sửu (1865),
còn Nguyễn Khuyến đỗ Tam nguyên Nhị giáp khoa Tân mùi
(1871).
- Toàn thể lịch
sử khoa bảng Việt Nam chỉ có Vũ Phạm Hàm và Lê Quý Đôn
(triều Hậu Lê) là đỗ Đệ nhất giáp Tam nguyên trong ba
kỳ thi đó. - Giáo sư sử học Lê Lan
đã nêu một so sánh như sau: “Nếu trí nhớ thần đồng
của Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn thời Lê Trung hưng
là có một, thì trí nhớ tuyệt vời của Tam nguyên Thám
hoa Vũ Phạm Hàm thời Nguyễn có thể kể là thú hai!”.
Ông cũng
là vị Tam khôi cuối cùng trong lịch sử khoa bảng Việt Nam.
-
Để ghi công lao của Nhất
giáp Tam nguyên Vũ Phạm Hàm và Nhị giáp Tam nguyên Nguyễn
Khuyến, thủ đô Hà Nội đã vinh danh hai vị Tam nguyên bằng
cách đặt tên Phố “Vũ Phạm Hàm” tọa lạc tại quận
Cầu Giấy và Phố “Nguyễn Khuyến” nằm trong quận Đống
Đa.
___________________________________
(Tham khảo: Sách báo và sách lịch sử về Tam nguyên Vũ Phạm Hàm – Nguyễn Khuyến)