NHÀ SỐ 21, ĐƯỜNG NGUYỄN VĂN TRỖI (NHÀ BẢO TÀNG KIÊN GIANG)
NHÀ SỐ 21, ĐƯỜNG NGUYỄN VĂN TRỖI (NHÀ BẢO TÀNG KIÊN GIANG)



1.    Tên di tích: Nhà số 21, đường Nguyễn Văn Trỗi (Nhà Bảo tàng Kiên Giang)
2.    Loại công trình:
3.    Loại di tích: kiến trúc
4.    Quyết định:
Được công nhận di tích theo quyết định số 993 - QĐ ngày 28 tháng 9 năm 1990.
5.    Địa chỉ di tích: phường Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá, Kiên Giang
6.    Tóm lược thông tin về di tích
Nhắc đến Di tích Nhà Bảo tàng Kiên Giang, ai cũng biết đó là nơi dùng để trưng bày hiện vật bảo tàng nhưng có rất ít người biết rằng đây là một di tích có kiến trúc nghệ thuật dân dụng đẹp, cổ kính duy nhất của địa chủ phong kiến còn sót lại, được bảo quản, tôn tạo và lưu giữ cho đến ngày nay ở Kiên Giang tọa lạc tại số 27 Nguyễn Văn Trỗi, phường Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá, Kiên Giang.
Ngoài tên gọi Nhà bảo tàng thì nó còn có rất nhiều tên gọi khác nhau: nhà Ông Ba Chiêu, Cái Nhà Lớn, nhà trưng bày hiện vật Bảo tàng tỉnh Kiên Giang.
Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà bảo tàng là Trần Nhuệ, ông là người có công xây dựng “Cái Nhà Lớn”. Trần Nhuệ sinh ra Trần Quang Chiêu (thứ ba) là người thừa hưởng ngôi nhà do đó nó còn có tên gọi là nhà ông Ba Chiêu.
Ngôi nhà được khởi công xây dựng năm 1911 khánh thành năm 1920 với diện tích khoảng 2000m2 bao gồm từ đường (3 gian hai chái), nhà bếp, nhà ở, sân Thiên Tĩnh. Từ đường được xây dựng theo kiểu kết cấu khung, bằng gỗ đỏ và căm xe. …. Đất đắp nền lấy ở biển về chở bằng xe con rùa và dùng đá kè để làm móng; thời gian hoàn thành xong nền nhà mất 3 năm. Ngôi nhà tiến hành liên tục trong 10 năm với đội ngũ thợ xây, thợ mộc được đón từ Gia Định về; thợ chạm khắc đều là thợ giỏi đón từ Miền Bắc về; nguyên vật liệu xây dựng như gỗ, gạch, ngói đều mua từ Miền Đông.
Năm 1946 thực dân Pháp đánh chiếm Rạch Giá chiếm luôn cả ngôi nhà sau đó Tòa án Tỉnh chiếm dụng trong 6 năm liền. Đến 1970–1973, đoàn cố vấn Mỹ ở RG đã mướn ngôi nhà này để làm Sở Mỹ (thực chất nơi đây là nơi Mỹ dùng để nhậu nhẹt, khiêu vũ). Từ 1973-1975 gia đình cho công ty Đông lạnh ở Rạch Sỏi mướn làm văn phòng của Công ty. Sau ngày giải phóng 1975, ngôi nhà thuộc nhà Nước quản lý, được tỉnh hội Phụ nữ Kiên Giang sử dụng làm cơ quan trong một thời gian ngắn, rồi giao cho đoàn văn công thuộc Ty văn hoá Thông tin làm trụ sở. Cuối cùng giao cho Bảo tàng Kiên Giang làm nơi trưng bày cho đến nay.
Được xây dựng vào thời kỳ Pháp xâm lược và chiếm đóng nên ngôi nhà có kiến trúc vừa cổ kính vừa hiện đại “nửa Tây nửa Ta”. Bên trong có kiến trúc theo kiểu nhà cổ, bên ngoài được xây dựng theo kiểu nhà hộp trang trí hoa văn theo lối kiến trúc của người phương Tây.
Đây là loại hình di tích kiến trúc có không gian mang giá trị thẩm mỹ cao, với những mảng chạm khắc điêu luyện tinh tế và mang đậm xu thế hướng nội, cố vươn tới sự hòa nhập với thiên nhiên để tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh; mọi cái hay, cuốn hút đều tập trung vào kiến trúc nội thất, các mảng trang trí chạm khắc với đề tài chủ đạo có nội dung hướng về đời sống thế tục. Hoa văn trang trí đủ các loại từ hoa (tùng, trúc, cúc, mai), chim (dơi, công, phượng, trĩ…), quả (đu đủ, nho, lựu…), các loại dây leo cho đến thú vật (hươu, nai…)
Đây là một địa điểm tham quan, du lịch lý tưởng không chỉ về mặt giá trị kiến trúc nghệ thuật, lịch sử của ngôi nhà mà còn là nơi để tham quan các hiện vật bảo tàng. Di tích được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tại Quyết định số 993-QĐ, 28/9/1990.
7. Một số hoạt động nhà trường đã làm trong nội dung chăm sóc di tích lịch sử
- Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của Đoàn trường THPT Nguyễn Hùng Sơn nhằm để hướng tới giáo dục toàn diện học sinh về văn - thể - mỹ. Được sự quan tâm và phối hợp của Ban giám hiệu nhà trường, đầu mỗi năm học, trong kỳ Đại hội Đoàn trường, đại hội chi đoàn các khối lớp, Ban chấp hành đều tổng kết nhiệm kỳ cũ và xây dựng phương hướng thực hiện nhiệm vụ năm học mới. Trong đó, chúng tôi dành một phần quan trọng để đoàn viên, thanh niên tìm hiểu về văn hoá, lịch sử, con người địa phương Kiên Giang.
- Lập kế hoạch hướng dẫn học sinh tham gia bảo vệ, chăm sóc các di tích lịch sử, văn hóa trong đó chú trọng đến việc chăm sóc Di tích Nhà bảo tàng Kiên Giang vào các đợt thi đua chủ điểm như chào mừng ngày Thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, Ngày Học sinh - Sinh viên 9/01, Ngày thành lập Đoàn 26/3, ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4…
- Đoàn trường thường xuyên tổ chức cho các bí thư chi đoàn ưu tú, thanh niên đang trong thời gian học lớp cảm tình đoàn tham quan, học tập chăm sóc tại các Di tích Nhà bảo tàng Kiên Giang bảo nhằm giúp các em nâng cao hiểu biết về truyền thống lịch sử, văn hóa và giá trị các di sản văn hóa của địa phương đồng thời đảm bảo tính tiết kiệm, an toàn cho học sinh khi tham gia, tạo không khí vui tươi trong nhà trường.
- Lồng ghép vào chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp theo chủ điểm tháng. Trong đó, xác định trọng tâm tìm hiểu về di sản văn hóa lịch sử nằm ở chủ đề tháng 1: Tìm hiểu di sản văn hóa và tháng 12: Thanh niên với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm và các chi đoàn tổ chức đi thực tế tìm hiểu Di tích Nhà bảo tàng Kiên Giang và sau đó viết thu hoạch nâng cao kiến thức hiểu biết cho học sinh. Em Hồ Thị Ngọc Hân-Bí thư chi đoàn lớp 11b6 Năm học 2011-2012 đã bày tỏ lòng xúc động trong cuốn đóng góp ý kiến cho bảo tàng hoạt động phục vụ nhân dân ngày một tốt đẹp hơn và mong muốn tất cả các bạn học sinh sẽ được một lần đặt chân đến di tích này để hiểu hơn về vùng đất và con người Kiên Giang.
- Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhà trường còn chỉ đạo cho tổ Sử-Địa-Giáo dục công dân trong quá trình giảng dạy cần tích hợp nội dung giới thiệu về Di tích Nhà bảo tàng Kiên Giang, qua đó giáo dục ý thức cho học sinh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đổi mới của xã hội bên cạnh việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và địa phương.
8. Đề xuất kiến nghị
Nêu xây dựng quy chế phối hợp giữa Ban Giám đốc Nhà Bảo tàng với đơn vị trường học, xây dựng kế hoạch ổn định hàng năm để việc đưa học sinh đến chăm sóc, tìm hiểu, tham quan thường xuyên hơn.
9. Một số thông tin về nhà trường:
•    Họ và tên hiệu trưởng
: Thị Điệp
Chuyên ngành đào tạo Đại học Sư phạm Sinh, năm tốt nghiệp đại học/CĐ 1981
ĐT cố định: 0773.913789 ĐT Di động 0918477640
Địa chỉ email: Thị Điêp58@gmail.com
•    Họ và tên Bí thư Đoàn Thanh niên: Nguyễn Đức Ninh
Chuyên ngành đào tạo Đại học sư phạm Vật Lý, năm tốt nghiệp 2002
ĐT cố định: 0776578378, ĐT di động 0989904402
Địa chỉ email: nguyenducninhpqkg@gmail.com
•    Địa chỉ trường: TRƯỜNG THPT NGUYỄN HÙNG SƠN, Số 14, Đường Mai Thị Hồng Hạnh, Rạch Giá – Kiên Giang
ĐT cố định: 0773.864071.